Để đáp lời báo Ngày nay : Dâm hay là không dâm ?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Để đáp lời báo Ngày nay : Dâm hay là không dâm  (năm 1937) 
của Vũ Trọng Phụng
Bài báo của Vũ Trọng Phụng, đăng trên báo Tương lai số 9 (25.3.1937) để trả lời cho bài viết công kích ông trên báo Ngày nay số 51 của một độc giả tên Nhất Chi Mai. Văn kiện này không vi phạm bản quyền của Vũ Trọng Phụng vì nó không nằm trong 28 tác phẩm được gia hạn bản quyền của ông.


Tự Lực văn đoàn, bằng báo Ngày nay số 51, đã có cho đăng một bài công kích tôi, quanh quẩn lại cái vấn đề “chống dâm uế”. Cũng như ông Lê Thăng trả thù Tương lai bằng cách bảo tôi là một thằng khốn nạn, Ngày nay cũng trả thù Tương lai bằng cách công kích thiên phóng sự Lục-sì. Tuy báo Ngày nay ở chỗ đề rõ “Ý kiến một người đọc” đã không chịu hoàn toàn trách nhiệm về bài công kích ấy, tôi cũng xin có lời cảm tạ Tự Lực văn đoàn, vì công kích tôi là cho tôi có được dịp bày tỏ cái chủ trương của tôi xưa nay. Song tôi xin độc giả để ý rằng Ngày nay đã giao hẹn bài công kích tôi là của “một độc giả”, nhưng ông Nhất Chi Mai, tác giả bài ấy, sự thực lại còn là người viết giúp Tự Lực văn đoàn khi còn Phong hoá nữa. Có nói kỹ lưỡng thế ta mới hiểu được vì đâu có bài công kích kia.

Vì đâu?

Độc giả hẳn còn nhớ rằng Tương lai không công nhận sự “tố giác” Phổ thông bán nguyệt san của Ngày nay là xứng đáng của người quân tử [1].Chỉ vì thế nên chi ông Nhất Chi Mai mới nói những cảm giác phẫn uất, khó chịu và tức tối, khi ông đọc truyện Thị Mịch và phóng sự Cơm thầy cơm cô của tôi. Những cái này đã đăng ở Hà Nội báo từ năm 1936, mà bây giờ chưa in ra sách. Đáng lẽ công kích tôi ngay khi xưa, hoặc chờ mai sau in ra sách xong đã, thì ông Nhất Chi Mai lại làm việc ấy và báo Ngày nay lại đăng bài ấy giữa lúc này, khi các ông đối với Tương lai có một mối thâm thù, do thế, tôi rất ngờ lòng thành thực của các ông, khi các ông tự nhận là bênh vực cho cái nghệ thuật mà tôi đã làm cho ô uế!

Tội nghiệp biết bao! Đáng lẽ khi thấy tôi nói rằng, đối với trẻ con, báo nào sách nào cũng có hại, và sách Đoạn tuyệt, Lạnh lùng có thể có hại cho trẻ con hơn là Lục-sì, các ông nên cho là phải, nhất là khi chúng tôi phải đếm xỉa đến luân lý trong lúc nói chuyện nghệ thuật. Bằng có tức tối vì câu nói kia nữa, Tự Lực văn đoàn cũng nên dùng một chiến lược khác nguy hiểm cho tôi hơn. Than ôi, mấy ông kia đã định hại tôi một cách hớ hênh làm sao, khờ dại làm sao! Thù hằn báo Tương lai và tôi mà lại hành động như vậy thì thật là giúp ích chúng tôi vô kể! Độc giả của cả hai tờ báo không phải là những người ngu cho chúng ta tự do muốn làm gì thì làm.

Vậy thì, ông Nhất Chi Mai, hay là báo Ngày nay, công kích tôi những gì?

Không, tôi sẽ không như các ông, trong khi “tranh luận” với kẻ thù, chỉ kiếm hết cách nói ra ngoài đầu đề, mục đích là làm hại kẻ thù chứ không phải để bênh vực cho một lý thuyết hay tìm kiếm lẽ phải. Vậy tôi xin trả lời các ông từng giòng từng chữ, và xin độc giả cũng thể tất cho, nếu bài này sẽ dài, vì có trích lời công kích của các ông kia.

Trước hết, ông Nhất Chi Mai hãy phân vua chỉ là một độc giả chứ không phải là nhà phê bình chuyên môn, không ở văn phái nào cả. Thôi, cũng được! Thì tôi cũng đành nhận là thế, mặc lòng ông là tay trợ bút cũ của báo Phong hoá, mặc lòng bây giờ ông viết bằng một tên khác[2], mà tôi không nên nói rõ, ở báo Ngày nay. Thế rồi ông cho tôi là một trong những “văn sĩ nửa mùa” và đã loè đời bằng cái học vấn “sơ học” của tôi! Thì cũng lại được nữa, chứ sao? Ông có cho tôi cãi đâu? Mà ai lại cãi được khi người ta bảo mình là văn sĩ nửa mùa và ít học thức? Một lần nữa, tôi xin chịu khi các ông tự nhận là có học thức hơn tôi.

Thế rồi sao nữa?

“Nhưng mục đích bài này không phải để vạch cái hành tung đáng ngờ của nhà văn xã hội Vũ Trọng Phụng, mà chính là để vạch cái bẩn thỉu, nhơ nhớp, dơ dáy của văn ông ta.”

Rồi ông Nhất Chi Mai kể ra một vài câu chuyện vặt trong Giông tố và Cơm thầy cơm cô của tôi. Đây tôi xin không cãi, vì công kích một điều vặt trong cả cuốn truyện dài, hay là một hai chữ trong ba trăm trang tiểu thuyết như các ông vẫn cạo theo kiểu Hàn Đãi Đậu[3] mà không kể đến cái luận lý của toàn truyện, thì tôi cũng có thừa sức nêu ra nhiều điều ô uế trong những sách và báo của Tự Lực văn đoàn từ xưa đến nay, thí dụ trong những tranh khôi hài, chuyện vui cười, “Hà Nội ban đêm”, Lạnh lùng… của các báo và sách ấy. Tôi không cãi vội, chờ đến lúc văn phẩm của tôi in xong đã, để chờ được cãi lại, nếu các ông muốn, như vậy có được không, hở các ông?

Từ đây trở đi, may sao cho tôi, đã có thể đáp lại!

“Không ai cấm nhà văn Vũ Trọng Phụng dùng những chữ bẩn thỉu để tả những sự bẩn thỉu. Nhưng trong khi viết những câu văn mà mình cho là khoái trá, tưởng cũng nên nghĩ đến độc giả một chút”.

Thưa ông, tôi nghĩ đến độc giả của tôi lắm. Nếu không thì tôi đã không sợ sức phản động của phái người cổ hủ hoặc bảo thủ để mà phóng bút viết như Richepin, Marguerite, Careo Maryse Choisy, Colette [4] rồi, chứ còn gì! Và khi dùng một chữ bẩn thỉu, tôi chẳng thấy khoái trá như khi các ông tìm được một kiểu áo phụ nữ mới mẻ. Những lúc ấy, tôi chỉ thấy thương hại cái nhân loại ô uế bẩn thỉu nó bắt tôi phải viết như thế, và nó bắt văn phái các ông phải chạy xa sự thực bằng những danh từ điêu trá của văn chương. Các ông quen nhìn một cô gái nhảy là một phụ nữ tân thời, vui vẻ trẻ trung, hy sinh cho ái tình hoặc cách mệnh lại gia đình. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một người đàn bà vô học, chẳng có thi vị, lại hư hỏng, lại bất hiếu bất mục nữa, lại có nhiều vi trùng trong người nữa. Tôi không biết gọi một gái đĩ là nàng, − chữ ấy có thi vị lắm, − hoặc tô điểm cho gái đĩ ấy những cái thi vị mà gái đĩ ấy không có, đến nỗi đọc trong truyện người ta chỉ thấy một gái đĩ là làm gương cho thế gian noi theo! Thí dụ các ông có thể coi phong trào khiêu vũ là dấu hiệu tiến hoá mà các ông chủ trương. Riêng tôi, tôi chỉ thấy đó là một cách dâm bôn làm cho tăng số gái giang hồ, một tai hoạ cho nước nhà, mà, giữa tình thế này, người biết nghĩ phải cho là điều đáng sỉ nhục. Tại sao ta lại không thành thực? Tại sao khi con gái mình, em gái mình hư hỏng thì mình muốn tự tử, mà con gái hay em gái người khác bỏ chồng, lẻn nhà theo giai mà lại gọi là giải phóng, là bình quyền, là chiến đấu cho hạnh phúc cá nhân? Đó, thưa các ông, cái chỗ bất đồng ý kiến giữa chúng ta. Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Cứ một chỗ trái ngược nhau ấy cũng đủ khiến chúng ta còn xung đột nhau nữa. Các ông muốn theo thuyết tuỳ thời, chỉ nói cái gì thiên hạ thích nghe, nhất là sự giả dối. Chúng tôi chỉ muốn nói cái gì đúng sự thực, thành ra nguy hiểm, vì sự thực mất lòng.

Vậy xin đừng phí lời khuyên tôi “nghĩ đến độc giả”, vì tôi lo cho tôi hơn các ông nhiều, thưa các ông.

“Nhà văn Vũ Trọng Phụng lại hô lớn lên rằng: Nhân loại đã tiến hoá rồi! Tuồng như nhân loại đã tiến hoá ở chỗ nói tục, dùng những danh từ bẩn thỉu, uế tạp, và ở chỗ đầy rẫy những chuyện hiếp dâm, làm đĩ, ăn cắp, bịp bạc!

Nếu nhân loại tiến ở chỗ đó thì cũng đáng buồn cho nhân loại. May sao cái nhân loại đó chỉ là nhân loại riêng của nhà văn Vũ Trọng Phụng thôi. Đối với nhà văn xã hội kỳ quặc này, thì những người biết thận trọng lời nói, biết đắn đo, dè dặt ngòi bút khi viết văn đều là những đồ “vô học thức” có “tính e thẹn của quân bồi săm”

Không, đó là ông Nhất Chi Mai và báo Ngày nay có ý hiểu nhầm. Nhân loại tiến hoá về bẩn thỉu, uế tạp, hiếp dâm, làm đĩ, ăn cắp hay thế nào không rõ, nhưng tôi cho nhân loại tiến hoá ở chỗ trọng sự thực, nếu những nhà văn dám nói rõ những vết thương ấy cho mọi người nghe. Chứ sao? Theo ý ông thì nhân loại chỉ có nàng Ly Tao, Thơ mới, những ông tham, đốc, huyện, con quan, gái tân thời, thanh cao lương thiện cả mà thôi, hay sao? Ông Nhất Chi Mai có biết Marguerite đã phải than phiền nạn mãi dâm bằng cuốn sách Prostituees không? Các ông có biết những sự dâm bôn của các triều đình cũ và mới bên Pháp trong tập báo Craponillot không? Các ông có biết nạn kê giao (pédérastre) mà bên Đức thì hàng triệu người theo, mà ở Pháp thì những ông mặt to tai nhớn như A. Gide, Rostand, Verlaine,[5] là những lãnh tụ, hay là không? Không, cái nhân loại ấy không thuộc riêng tôi đâu, mà điều ấy thì người nào có cái học vấn “sơ học” trở lên, tôi tưởng đều nên biết rõ. Phải là giả dối cực điểm hoặc là vô học thực thì mới tưởng nhân loại không có sự nhơ bẩn, ô uế nào. Tôi không bảo người không viết văn như tôi là vô học thức, có tính cả thẹn của quân bồi săm; nhưng phàm kẻ nào giả dối nhắm mắt buộc tôi là vu oan, chối cãi rằng nhân loại không bẩn thỉu như đã nói trên, thì tôi bảo như vậy! Nhân loại tiến hoá rồi! Thật thế, vì nay mai Pháp đình ưng chuẩn dự án của Scillier thì những điều các ông cho là dâm uế đã được người ta giảng dạy cho trẻ con! Đến lúc ấy, những cái “dâm uế” của tôi sẽ không làm cho các ông “phẫn uất” và tôi tưởng các ông có học thức như thế hẳn là phải biết trước khi mọi người biết mới là hợp lẽ.

“Kết luận, tôi phải nói cái cảm tưởng của tôi khi đọc văn Vũ Trọng Phụng.

Đọc xong một đoạn văn, tôi thấy trong lòng phẫn uất, khó chịu, tức tối.

Không phải phẫn uất khó chịu vì cái vết thương xã hội tả trong câu văn, mà chính là vì cảm thấy một tư tưởng hắc ám, căm hờn, nhỏ nhen ẩn trong đó.

Đành rằng nhà văn có cái thiên chức nêu những cái thống khổ của nhân loại, vạch những cái xấu xa của loài người, nhưng bao giờ cũng cần phải có một ý nghĩ cao thượng, một tư tưởng vị tha, một lòng tín ngưỡng ở sự tiến hoá, mong cho nhân loại ra khỏi nơi u ám và một ngày một hay hơn, một sung sướng hơn lên.

Đọc văn Vũ Trọng Phụng thực không bao giờ tôi thấy một tia hy vọng, một tư tưởng lạc quan. Đọc xong, ta phải tưởng tượng nhân gian là một nơi địa ngục và chung quanh mình toàn những kẻ giết người, làm đĩ, ăn tục nói càn, một thế giới khốn nạn vô cùng.

Phải chăng đó là tấm gương phản chiếu tính tình, lý tưởng của nhà văn, một nhà văn nhìn thế gian qua cặp kính đen, có một bộ óc cũng đen và một nguồn văn cũng đen nữa” (Nhất Chi Mai, Ngày nay số 51)

Ông Nhất Chi Mai chối cãi rằng cái “phẫn uất, khó chịu, tức tối” ấy không phải vì thấy xã hội là xấu xa, nhưng vì tư tưởng của tôi hắc ám, nhỏ nhen, căm hờn…

Hắc ám, có! Vì tôi vốn là người bi quan. Căm hờn, cũng có, vì tôi cho rằng cái xã hội nước nhà mà lại không đáng căm hờn, mà lại cứ vui vẻ trẻ trung, trưởng giả, ăn mặc tân thời, khiêu vũ, v.v…như các ông chủ trương thì một là không muốn cải cách gì xã hội, hai là ích kỷ một cách đáng sỉ nhục.

Còn bảo nhỏ nhen thì là thế nào?

Tả thực cái xã hội khốn nạn, công kích cái xa hoa dâm đãng của bọn người có nhiều tiền, kêu ca những sự thống khổ của bọn dân nghèo bị bóc lột, bị áp chế, bị cưỡng bức, muốn cho xã hội công bình hơn nữa, đừng có những chuyện ô uế, dâm đãng, mà bảo là nhỏ nhen, thì há dễ Zola[6], Hugo, Malraux[7], Dostoievski, Maxime Gorki, lại không cũng là nhỏ nhen?

Nói như ông Nhất Chi Mai thì tôi há lại không có thể nhìn vào tờ Phong hoá, tờ Ngay nay mà kêu rằng xã hội riêng của Tự Lực văn đoàn là “một nơi địa ngục”, chung quanh mình toàn là Lý toét, Xã xệ, Bang bạnh, “Hà Nội ban đêm”, ăn cướp, ăn cắp, ăn trộm, đàn bà nghiện hút, buôn người, đồng bóng, sư vãi hoang dâm, và mới đây, “Hà Nội lầm than”, nghĩa là các cô gái nhảy? Nhưng thôi, đến đây nếu ta không muốn cả cười, ta nên im lặng.

Ông Nhất Chi Mai muốn biết tôi có cặp kính đen, bộ óc đen và một nguồn văn cũng đen?

Nếu các ông không muốn sờ lên gáy thì thôi, bao nhiêu chuyện gì thanh cao, tao nhã, cao thượng của loài người, xin các ông cứ cố mà hương hoa khấn khứa. Tôi xin để cái phần ấy cho các ông.

Riêng tôi, xã hội này, tôi chỉ thấy là khốn nạn: quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn, một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền lầm than, bị bóc lột. Lạc quan được, cho đời là vui, là không cần cải cách, cho cái xã hội chó đểu này là hay ho tốt đẹp, rồi ngồi mà đánh phấn bôi môi hình quả tim để đi đua ngựa, chợ phiên, khiêu vũ, theo ý tôi, thế là giả dối, là tự mình lừa mình và di họa cho đời, nếu không là vô liêm sỉ một cách thành thực.

Tôi tưởng tôi đã đủ đáp lại sự khinh bỉ tôi của các ông.

Tiện đây xin nhắn Tự Lực văn đoàn rằng, khi người ta đã viết Hà Nội ban đêm và Hà Nội lầm than thì người ta đừng nên chửi tác giả Lục-sì. Hoặc có mạt sát, xin khôn khéo hơn chút nữa.

Xưa kia, muốn cho Thế Lữ nổi tiếng về thơ mới, Tự Lực văn đoàn đã phải dùng đến cách làm cho thiên hạ tưởng Nguyễn Khắc Hiếu[8] là một kẻ không có tư cách nhân phẩm gì nữa, khốn nạn vô cùng.

Bây giờ, nếu cần quảng cáo cho một nhà phóng sự chưa nổi tiếng nào trong Tự Lực văn đoàn, nếu cuốn Cạm bẫy người mà các ông xuất bản lại hại cho báo Ngày nay, nếu cần phải chửi Vũ Trọng Phụng cho “tiêu”, xin các ông cứ tự tiện.

PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. Ở chỗ này Vũ Trọng Phụng nhắc đến vụ va chạm khá ồn ào giữa nhóm Tự Lực văn đoàn và nhóm Tân Dân khi ấy. Báo Ngày nay đăng bài của Nhị Linh (Hoàng Đạo) tố cáo nhà Tân Dân xin phép ra Phổ thông bán nguyệt san dưới dạng báo chí (để được mua giấy in với giá rẻ hơn, chịu thuế nhẹ hơn) nhưng thực ra lại là in sách (xuất bản sách đương thời phải mua giấy in với giá cao hơn, chịu thuế nặng hơn). Các cơ quan của Tân Dân như các tờ Ích hữu, Tiểu thuyết thứ bảy,… lên tiếng kết tội hành vi kể trên của Tự Lực văn đoàn là “tố giác”, “báo nhà Đoan”. Nên chú ý là vụ việc trên đây chỉ là một trong khá nhiều vụ va chạm mang tính cạnh tranh về thương mại và văn hoá giữa hai nhóm này ở Hà Nội những năm 1936-40. Tờ Tương lai mà lúc này Vũ Trọng Phụng đang cộng tác (viết phóng sự Lục-sì cho tờ này) tỏ ra đứng về phía nhóm Tân Dân
  2. Người ký Nhất Chi Mai viết bài báo trên có lẽ là Thạch Lam.
  3. “Cạo”: nghĩa như “phê” (phê phán, chỉ trích, phê bình), trên tờ Phong hoá có các mục châm biếm, người viết mục này ký là Nhát Dao Cạo. Hàn Đãi Đậu, hoặc Hàn Lâm đãi sạn : tên các bài mục có tính cách bình văn, dọn vườn văn theo lối châm biếm trên báo Ngày nay.
  4. Jean Richepin (1849-1926) nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà viết kịch Pháp; Victor Marguerite (1866-1926) nhà báo, nhà văn Pháp; Maryse Choisy (1903-79), Gabrielle-Sidonie Colette (1873-1954) hai nữ nhà văn Pháp.
  5. André Gide (1869 - 1951), nhà văn Pháp. Edmond Eugène Alexis Rostand (1868 - 1918), nhà thơ Pháp. Paul-Marie Verlaine (1844 - 1896), nhà thơ lãng mạn Pháp
  6. Émile Zola (1840 - 1902), nhà văn Pháp
  7. André Manlraux (1901 - 1976) : nhà văn Pháp
  8. Tản Đà