Đồ gốm trong Hoàng thành Thăng Long

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chậu gốm men trắng thời Lý. Cao 24,3cm; ĐKM 25,2cm

Cùng những phát hiện quan trọng về các dấu tích kiến trúc, một số lượng lớn đồ gốm sứ là những vật dụng dùng hàng ngày trong Hoàng cung qua nhiều thời kỳ cũng được tìm thấy. Những khám phá này đã thực sự mở ra một cánh cửa mới cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.

Mặc dù cuộc khai quật chưa kết thúc, nhưng sự xuất hiện phong phú các loại hình đồ gốm, bao gồm đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung với nhiều nguồn gốc: gốm Việt Nam, gốm Trung Quốc, gốm Nhật Bản, gốm Tây Á, có niên đại từ thế kỷ VII - IX đến thế kỷ XIX đã được góp phần minh chứng sinh động và đầy sức thuyết phục trên nhiều phương diện về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của Hoàng cung qua các thời kỳ lịch sử.

Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét và chủ yếu về sưu tập gốm men Việt Nam thời Lý, Trần và thời Lê.

Gốm thời Lý[sửa]

Những đồ gốm thời Lý tìm được trong khu vực Hoàng Thành là những bằng chứng quan trọng để có thể nói rằng: thời Lý Việt Nam cũng đã sản xuất được những đồ gốm tinh xảo không thua kém đồ gốm Tống Trung Quốc. Trước đây khi chưa có những bằng chứng này, nhiều học giả nước ngoài vẫn nghĩ rằng: ngoài gốm hoa nâu thì các loại gốm khác của thời Lý chủ yếu được du nhập từ Trung Quốc. Họ không tin thời Lý đã có thể sản xuất được những loại gốm men trắng và men ngọc tinh xảo như gốm thời Tống. Nhiều sưu tập gốm Việt Nam thời Lý do người Pháp đào được tại Thăng Long vào đầu thế kỷ XX từng được gọi là gốm Tống với hàm nghĩa đó là đồ gốm của Trung Quốc thời Tống. Một số học giả Việt Nam cũng từng đưa ra quan điểm tương tự. Họ cho rằng thời Lý công nghệ sản xuất gốm sứ chưa phát triển, do đó, những loại gốm men trắng và gốm men xanh ngọc của thời kỳ này thường được xếp vào hệ gốm Tống.

Chậu hoa nâu lớn trang trí văn dây lá, thời Lý cao 21cm, ĐKM 48,5cm

Nhưng những quan điểm đó giờ đây đã không còn đứng vững bởi những chứng cứ mới đầy sức thuyết phục được tìm thấy tại khu vực khai quật. Tại nhiều vị trí, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ gốm sứ cao cấp men trắng, men xanh lục, men ngọc, men nâu và men vàng thời Lý.

Men trắng Lý có độ trắng mịn và óng mượt như gốm Tống và phần nhiều về chất lượng đã đạt tới trình độ sứ như sứ Tống. Nhiều tiêu bản cho thấy thời Lý cũng sản xuất loại gốm men trắng xanh và có hoa văn như gốm Nam Tống lò Cảnh Đức Trấn. Sự khác nhau giữa gốm trắng Tống và gốm trắng Lý chủ yếu được nhìn nhận qua sắc độ đậm nhạt của màu men hay xương gốm và kỹ thuật tạo dáng. Đây cũng là đặc điểm khó phân biệt giữa gốm trắng Lý với gốm trắng Tống. Nhưng nếu có được cái nhìn hệ thống từ những đồ gốm trắng Lý đích thực, thuần Việt qua đồ án trang trí hình rồng và hoa lá mà phong cách của nó giống hệt như những hình chạm khắc trên đá trong kiến trúc chùa, tháp thời Lý (tháp Chương Sơn, chùa Phật Tích), chắc chắn ta sẽ cảm nhận được đầy đủ và rõ ràng hơn về gốm men trắng Lý.

Mảnh bệ tháp sứ trắng trang trí hình rồng (Hố Bia) và mảnh bệ tháp sứ trang trí hình tiên nữ (Apsara) (Hố B16) là minh chứng sinh động, cho thấy trình độ phát triển rất cao của công nghệ sản xuất đồ sứ trắng thời Lý. Bằng chứng thuyết phục khác là trong số đồ sứ trắng Lý tìm được trong Hoàng thành có những loại bát, đĩa, nắp hộp, đài sen... bị méo hoặc cháy do quá lửa cho thấy nó được sản xuất tại chỗ. Suy đoán này được khẳng định rõ khi tại các hố ở Khu D đã phát hiện được hàng nghìn mảnh bao nung gốm cùng nhiều loại con kê, dụng cụ thử men, đặc biệt là những đồ gốm lớn bị sống men, như chiếc đĩa có đường kính miệng 39,5cm ở hố D5, cho thấy khả năng có những lò sản xuất gốm thời Lý ở đâu đó quanh khu vực này.

Mảnh tháp sứ trắng trang trí tiên nữ (Apsara) thời Lý cao 13,5cm Mảnh đài sen men vàng, thời Lý Mảnh bát sứ trắng cao cấp trang trí văn khắc chìm thời Lý, bị méo do nung quá lửa
Manh-thap-su-trang.jpg Manh-dai-sen-men-vang.jpg Manh-bat-su-trang-thoi-Ly.jpg

Bằng chứng quan trọng về gốm men ngọc Lý là nhóm bát, đĩa trang trí văn in hoa cúc dây như kiểu gốm Tống và nhóm bát, đĩa khắc chìm hoa sen mang phong cách Việt đặc trưng. Đây là loại gốm có chất lượng cao, men phổ biến có màu xanh ngọc sắc đậm, xương gốm trắng, mịn và có nhiều điểm khác biệt so với gốm thời Trần về kỹ thuật tạo chân đế. Bằng chứng sản xuất tại chỗ của loại gốm này cũng được khẳng định rõ qua những đồ gốm phế thải, đặc biệt là qua những mảnh khuôn in hoa cúc dây phát hiện được ở hố D6. Hoa văn trên khuôn in này có phong cách như hoa văn trên đá men ngọc tìm thấy trong lòng giếng thời Lý ở hố A10 và cả hai đều phản ánh sự ảnh hưởng khá đậm phong cách trang trí hoa cúc dây của gốm Tống. Theo nhiều tư liệu thì hoa cúc dây kiểu này là loại hoa văn kinh điển của gốm Tống Trung Quốc, có niên đại từ 1090 đến 1096. Dựa vào bằng chứng tin cậy này ta có thể nhận diện chân xác về gốm men ngọc Lý. Phát hiện có ý nghĩa lớn về gốm thời Lý trong Hoàng thành Thăng Long là nhóm đồ gốm men xanh lục (vert glazed). Đây là dòng gốm có màu men quyến rũ, hoa văn trang trí đẹp với các đề tài hoa lá, trong đó có những đồ tinh xảo trang trí hình rồng. Chiếc nắp hộp tìm thấy ở hố A9MR là một trong những tiêu bản đặc sắc, cho thấy sự phát triển cao của gốm men xanh lục Lý. Nắp có đường kính 18,5cm, ở giữa trang trí nổi hình một con rồng uốn 18 khúc nằm trong vòng tròn, xung quanh là dải văn mây hình khánh hay văn như ý, diềm ngoài cùng là dải văn chấm tròn nhỏ như kiểu nhũ đinh. Do được tạo nổi và đan xen là các lỗ tròn trổ thủng, nên men dồn đọng không đều và tạo nên những mảng màu đậm nhạt khác nhau trông rất sinh động. Sự tinh mỹ và phong cách thể hiện hình rồng trên nắp hộp này giống như hình rồng chạm trên đố đá tròn trang trí trên tháp Chương Sơn (Nam Định) có niên đại Lý (1007).

Lớp bao nung gốm phế thải của lò nung thời Lý và thời Trần ở hố D1 Đĩa lớn men xanh ngọc, trang trí văn khắc chìm, thời Lý. Cao: 12cm; ĐKM: 35,5cm Nắp hộp men xanh lục thời Lý trang trí nổi hình rồng và văn như ý. ĐK: 18,5cm Đĩa men ngọc trang trí văn in hoa cúc dây, thời Lý. Cao: 5cm; ĐKM: 21cm
Lop-bao-nung-gom.jpg Dia-lon-men-xanh-ngoc-thoi-Ly2.jpg Nap-hop-men-xanh-luc-thoi-Ly2.jpg Dia-men-ngoc-thoi-Ly2.jpg

Lướt qua sưu tập gốm thời Lý tìm thấy trong Hoàng thành, tôi nhận thấy về kỹ thuật tạo hoa văn thời kỳ này chủ yếu có 3 loại cơ bản là đắp nổi, khắc chìm và in khuôn trong, nhưng cũng có nhiều loại không trang trí hoa văn nhưng vẻ đẹp của hình dáng, màu men lại rất được chú ý. Gốm thời Lý thường thanh thoát, trang nhã trong hình khối nhưng lại rất cầu kỳ, tinh mỹ trong từng đường nét hoa văn trang trí. Đồ án trang trí phổ biến là hoa sen, hoa cúc hay hình rồng, tiên nữ và văn như ý... Các đề tài này mang đậm yếu tố Phật giáo và một số bộc lộ ảnh hưởng khá nhuần nhuyễn đến mức tinh tế nghệ thuật gốm thời Tống, làm cho sự phân biệt nhiều khi khó khăn. Nhưng bên cạnh đó, nhiều mẫu hình, nhiều kiểu dáng, đặc biệt là cách trang trí diềm văn cánh sen đắp nổi hay diềm văn vòng tròn nhỏ mà ta gặp phổ biến trên rất nhiều đồ gốm Lý lại cho thấy rõ thêm truyền thống rất riêng biệt của gốm Việt Nam. Truyền thống riêng biệt ấy được kết tinh và thể hiện rõ qua đồ gốm hoa nâu vốn từng được coi là sản phẩm độc đáo và đặc sắc nhất của gốm Việt Nam. Có ý kiến cho rằng những sản phẩm gốm này được sản xuất nhằm phục vụ cho tầng lớp trên của xã hội đương thời, do vậy nó thường có kiểu dáng đẹp, hoa văn trang trí cầu kỳ và mang tính nghệ thuật cao. Suy nghĩ này không phải không có cơ sở bởi đã có quá nhiều đồ gốm hoa nâu quí được tìm thấy phần lớn và chủ yếu trong mộ của các quan lang Mường. Nhưng nếu so sánh với những đồ gốm hoa nâu tìm được trong Hoàng thành thì giữa chúng có sự khác nhau rất cơ bản về chất lượng. Gốm hoa nâu trong Hoàng thành thường có chất lượng cao, đặc biệt là ngoài các loại vò, chậu, thạp trang trí hoa sen, dây lá, ở đây còn tìm thấy nhiều loại thạp lớn trang trí hình rồng. Bên cạnh đó còn có nhiều loại nắp hộp hay bát, đĩa trang trí rồng, hoa sen dây theo lối “nền tô men nâu, hoa văn men trắng” với đường nét chạm khắc uốn lượn mềm mại, tinh xảo, bộc lộ vẻ đẹp sang trọng, quí phái.

Dựa vào yếu tố này và so sánh với những sưu tập gốm phát hiện được bên ngoài khu vực Thăng Long tôi nghĩ rằng, đây có thể là những đồ ngự dụng trong Hoàng cung.

Phát hiện giá trị này sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu về gốm thời Lý, đặc biệt là những đồ gốm dùng trong Hoàng cung do lò Thăng Long sản xuất. Điều này rất quan trọng bởi từ trước đến nay vấn đề gốm thời Lý và nguồn gốc lò sản xuất thời kỳ này vẫn là những câu hỏi lớn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trước đây cũng đã từng có những ý kiến quả đoán về lò gốm thời Lý ở Thăng Long và Thanh Hóa, nhưng do không có bằng chứng chắc chắn, nên không chỉ ra được những loại hình gốm thời Lý sản xuất tại những lò này. Mặc dù chưa tìm thấy dấu vết lò nung gốm, nhưng dựa vào những gốm phế thải và những dụng cụ sản xuất gốm (bao nung, con kê, khuôn in hoa văn...) có thể tin rằng quanh khu vực Kinh đô Thăng Long có những lò chuyên sản xuất gốm phục vụ cho Hoàng cung.

Cũng từ phát hiện mới này hiện nay chúng ta đã có thể biết rằng ngoài đồ gốm hoa nâu, thời Lý còn sản xuất nhiều loại gốm cao cấp khác như gốm men trắng, gốm men xanh lục, gốm men xanh ngọc, đặc biệt là loại gốm men vàng. Gốm men vàng là phát hiện rất mới mẻ và dường như chỉ mới được tìm thấy trong khu vực Hoàng Thành Thăng Long. Nhiều nhà khoa học nghĩ gốm men vàng chỉ có ở thời Lê, sau là thời Nguyễn. Loại men đó thường thấy trên các vật liệu kiến trúc như ngói hoàng lưu ly (ngói men màu vàng) lợp trên mái các cung điện. Nhưng cuộc khai quật này lại tìm thấy gốm men vàng là đồ gia dụng được tạo dáng đẹp, hoa văn trang trí cực kỳ tinh xảo và nhiều khả năng đây cũng là đồ ngự dụng.

Đồ gồm thời Trần[sửa]

Liễn gốm men xanh ngọc, thời Trần. Cao 24cm; ĐKM 23cm Tước gốm men nâu, thời Trần cao 10cm Chậu hoa nâu trang trí văn cành lá, thời Trần. Cao 10,5cm; ĐKM 23,3cm Thạp gốm hoa nâu lớn trang trí văn hoa sen, thời Trần, cao 65cm
Lien-gom-men-xanh-ngoc-thoi-Tran.jpg Tuoc-gom-men-nau-thoi-Tran.jpg Chau-hoa-nau-thoi-Tran.jpg Thap-gom-hoa-nau-lon-thoi-Tran.jpg

Gốm thời Trần tìm được khá nhiều trong các hố khai quật và thường được tìm thấy cùng với những đồ gốm trang trí kiến trúc cùng thời. Gốm thời kỳ này có rất nhiều loại, gồm các dòng gốm: men trắng, men ngọc, men xanh lục, men nâu, hoa nâu và hoa lam.

Do phát triển kế thừa trực tiếp từ gốm thời Lý, nên các loại gốm thời Trần cơ bản có phong cách giống với gốm thời Lý cả về hình dáng, màu men và hoa văn trang trí. Cũng chính vì đặc thù này nên việc phân tách giữa gốm thời Lý và gốm thời Trần là điều không phải dễ dàng. Tuy nhiên, dựa vào một số kết quả nghiên cứu kỹ thuật tạo chân đế, hiện nay chúng tôi bước đầu đã có thể phân biệt được sự khác nhau giữa gốm Lý và gốm Trần. Nhìn chung, kỹ thuật tạo chân đế của gốm thời Trần thường không được làm kỹ như gốm thời Lý. Về hoa văn trang trí cũng vậy, mặc dù có cách bố cục hoa văn như thời Lý, nhưng về chi tiết gốm thời Trần không tinh xảo và cầu kỳ như gốm thời Lý. Đặc biệt đối với gốm men độc sắc, bên cạnh loại gốm trang trí hoa văn khắc chìm, thời Trần còn phổ biến loại gốm có hoa văn in khuôn trong. Dường như đây là loại hoa văn rất phát triển ở thời Trần và nó có sự phong phú, đa dạng hơn nhiều về hình mẫu so với gốm thời Lý. Tại hố đào ở khu D cũng đã tìm thấy mảnh khuôn in gốm thời kỳ này cùng nhiều mảnh bao nung, con kê và đồ gốm phế thải.

Chậu hoa nâu trang trí chim và hoa sen, thời Trần. Cao 14,5cm; ĐKM 35m Đĩa đài lớn men xanh ngọc nhạt, thời Trần. Cao 14cm; ĐKM 40cm. Những mảnh đáy bát đĩa vẽ cành hoa cúc bằng màu xanh coba It, thời Trần Chồng đĩa lớn vẽ cành hoa cúc màu nâu sắt, thời Trần
Chau-hoa-nau-trang-tri-chim-thoi-Tran.jpg Dia-dai-men-xanh-ngoc-thoi-Tran.jpg Nhung-manh-day-bat-dia-xanh-coba-thoi-Tran.jpg Dia-lon-mau-nau-sat-thoi-Tran.jpg

Bên cạnh sự phong phú các loại hình đồ gốm độc sắc (men trắng, men ngọc, men nâu) tại khu vực khai quật đã tìm được khá nhiều đồ gốm hoa nâu có chất lượng cao. Trong đó, đáng chú ý nhất là chiếc thạp lớn có nắp trang trí hoa sen và những chiếc vò, chậu trang trí hoa văn dây lá. Đặc biệt, tại hố D5 còn tìm thấy một chiếc chậu trang trí hình bốn con chim đang đi kiếm mồi trong bốn tư thế khác nhau, xen giữa là cành lá sen và hoa sen nhỏ. Theo tư liệu hiện vật có trong tay thì đây là một trong những tiêu bản gốm hoa nâu thời Trần đặc sắc ở Việt Nam.

Nét mới riêng biệt và rất đáng lưu ý về gốm thời Trần là sự xuất hiện dòng gốm hoa lam. Loại gốm này được tìm thấy khá nhièu trong các hố khai quật và phổ biến là bát, đĩa vẽ cành hoa cúc màu nâu sắt và xanh cobalt giống như những đồ gốm đã được xuất khẩu sang Đông Nam Á, Trung Đông và Nhật Bản vào khoảng giữa thế kỷ XIV. Đáng lưu ý là tại các hố ở khu D đã tìm thấy chồng đĩa lớn vẽ cành hoa cúc cùng nhiều chồng dính của loại gốm men độc sắc trang trí văn mây hình khánh, chim phượng và hoa lá. Tư liệu này góp phần khẳng định thêm rằng, ngoài những dấu hiệu vè lò gốm thời Lý nói trên khả năng ở đây còn có những lò gốm thời Trần.

Đồ gốm thời Lê[sửa]

Đồ gốm sứ thời Lê tìm được tại các hố khai quật có số lượng lớn, nhưng tập trung nhiều nhất là ở khu vực ven triền sông cổ nằm giữa Khu A và B.

Để nhận diện về chất lượng gốm dùng trong Hoàng thành, tôi phân định gốm thời Lê theo ba thời kỳ: Gốm thời Lê Sơ (thế kỷ XV), Gốm thời Lê-Mạc (thế kỷ XVI) và Gốm thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII). Nhìn chung, gốm thời Lê - Mạc và Lê Trung Hưng có chất lượng thấp, hoa văn trang trí đơn giản và phát triển mạnh theo xu hướng dân gian. Những sưu tập đồ gốm tìm được từ các hố khai quật phần nhiều là sản phẩm của các lò gốm vùng Hải Dương và Bát Tràng. Tình hình này có sự khác biệt lớn so với gốm thời Lê Sơ.

Đĩa hoa lam lớn vẽ rồng và mây thời Lê Sơ Tk 15. ĐKM 37,7cm Bát nhỏ trang trí văn in bông hoa cúc. Gốm Hải Dương thời Lê, TK 17. Cao 5,2cm; ĐKM 14,4cm Hình này cho thấy độ mỏng (thấu quang)
Dia-hoa-lam-thoi-Le-So.jpg Bat-nho-gom-Hai-Duong-thoi-Le.jpg Bat-mong-thoi-Le.jpg

Gốm thời Lê Sơ có bước phát triển đột biến với sự bùng nổ các trung tâm sản xuất gốm lớn, nhất là vùng Hải Dương. Thời kỳ này gốm hoa lam, gốm men trắng và gốm vẽ nhiều màu đạt đến đỉnh cao của sự tinh mỹ. Bằng chứng từ những phát hiện trên các con tàu đắm ở Hội An (Quảng Nam), Pandanan (Philippin)... cho thấy những đồ gốm này đã từng là mặt hàng chủ đạo trong việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Trong công trình nghiên cứu trước, khi bàn về gốm ngoại thương Việt Nam, tôi đã đưa ra nhận xét rằng: nhiều đồ gốm cao cấp trong lô hàng trên con tàu đắm Hội An có những sản phẩm của lò gốm Thăng Long. Nhận xét này nay đã có đủ cơ sở khi tại dải gốm ven sông Khu A chúng tôi tìm thấy nhiều loại gốm hoa lam cao cấp, có hình dáng và hoa văn tương tự như những đồ gốm trên tàu đắm Hội An, ví dụ như loại bát vẽ rồng 4 móng, dưới đáy khắc chữ Trù (bếp), giữa lòng viết chữ Kính hay loại đĩa lớn vẽ rồng có bút pháp tinh tế như trên bản đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Phát hiện có ý nghĩa này cho phép một lần nữa khẳng định về sự góp mặt quan trọng của gốm Thăng Long trong mối giao lưu kinh tế, văn hoá với quốc tế trong lịch sử.

Bát hoa lam vẽ cành lá, thời Lê Sơ, Tk 16. Cao 6,5cm; ĐKM 12,7cm Bát sứ trắng mỏng trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng, lòng in chữ Quan. Đồ ngự dụng, thời Lê Sơ TK 15. Cao 6,5cm; ĐKM 12,5cm Điếu bát vẽ lam. Gốm Hải Dương thời Lê, Tk 17 - 18, cao 9,0cm
Bat-hoa-lam-thoi-Le-So.jpg Bat-su-trang-mong-thoi-Le-So.jpg Dieu-bat-ve-lam-gom-Hai-Duong-thoi-Le.jpg

Một phát hiện khác đem lại sự cảm phục của giới chuyên môn và những người say mê cổ ngoạn là loại gốm trắng mỏng trang trí in nổi hình rồng có chân 5 móng (cũng có loại rồng có 4 móng), giữa lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Nghiên cứu so sánh với gốm Hải Dương, tôi cho rằng đây là những sản phẩm của lò quan Thăng Long.

Cách đây vài năm trước, tại di chỉ gốm Ngói, Chu Đậu (Hải Dương) và Kim Lan (Gia Lâm) tôi đã tìm thấy bằng chứng sản xuất gốm của lò quan ở đây. Sản phẩm chính của những lò quan này được khẳng định rõ qua những đồ gốm sứ men trắng, trang trí in khuôn văn sóng nước hình vảy cá, giữa lòng in nổi chữ Quan như gốm Thăng Long. Nhưng so với gốm Thăng Long thì gốm lò quan Hải Dương có xương gốm dày, nặng và độ trắng của xương và men kém hơn gốm Thăng Long. Gốm Thăng Long cũng có loại xương gốm mỏng và loại xương gốm dày, nhưng về cơ bản xương gốm Thăng Long có chất lượng tốt hơn gốm Hải Dương. Gốm trắng mỏng Thăng Long chủ yếu là các loại bát, đĩa cỡ nhỏ, có xương mỏng như vỏ trứng (dạng sứ thấu quang), thành trong in nổi hình hai con rồng chân có 5 móng, giữa lòng in chữ Quan. Loại gốm trắng mỏng này chưa từng tìm được ở đâu ngoài khu lăng mộ vua nhà Lê ở Lam Kinh (Thanh Hoá). Đặc điểm đáng lưu ý về loại gốm mỏng này là được nung đơn chiếc và men thường phủ kín đáy và mép vành chân đế. Chân đế được tạo rất mỏng và mép vành chân vê tròn chứ không cắt vát và cạo men ở mép vành chân như gốm Hải Dương. Đây là đặc điểm kỹ thuật rất khác biệt giữa gốm Thăng Long và gốm Hải Dương hay gốm Kim Lan. Bên cạnh loại gốm trang trí rồng, ở Thăng Long còn có loại gốm trắng trang trí văn in hoa cúc dây, giữa lòng cũng in nổi hay viết chữ Quan, nhưng phổ biến hơn là in hình một bông hoa nhỏ có 5 hoặc 6 cánh. Tại hố A10 cũng tìm được một khuôn in loại hoa văn này với đường nét tinh xảo.

Nhóm bình, lọ men trắng thời Lê Sơ, TK 15 Nhóm đồ sứ hoa lam cao cấp trang trí rồng, phượng. Đồ ngự dụng, thời Lê Sơ TK 15 Nhóm bình vôi men trắng thời Trần và thời Lê Sơ Nhóm đĩa đèn dầu lạc thời Trần và thời Lê
Binh-lo-men-trang-thoi-Le-So.jpg Do-su-hoa-lam-thoi-Le-So.jpg Binh-voi-men-trang-thoi-Tran-Le-So.jpg Dia-den-dau-lac-thoi-Tran-Le.jpg

Ngoài ra, loại gốm men trắng vẽ chỉ lam cũng tìm được khá nhiều, nhưng ở loại cao cấp giữa lòng thường viết chữ Quan bằng màu xanh cobalt. Trong số lượng phong phú các loại bình, vò men trắng tìm thấy trong dải gốm ven sông Khu A cũng có khá nhiều tiêu bản dưới đáy viết chữ Quan bằng màu son nâu. Chữ Quan ở đây được hiểu theo hai nghĩa: quan diêu (sản phẩm của lò quan) và quan dụng (đồ dùng dành cho vua quan).

Cùng với chữ Quan, sự tinh mỹ đến mức ngạc nhiên của loại sứ trắng mỏng và gốm hoa lam cao cấp được trang trí các đồ án mang tính biểu trưng của vương quyền (rồng có chân 5 móng và hình chim phượng) cho thấy rõ đây là những đồ ngự dụng trong Hoàng cung.

Nhận định trên được củng cố thêm khi ở đây chúng tôi tìm thấy nhiều đồ gốm sứ có ghi chữ Hán Trường Lạc hay Trường Lạc khó. Theo ghi chép của sử cũ thì Trường Lạc là cung của bà Trường Lạc Thánh Từ Hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng vợ của vua Lê Thánh Tông (1460-1497). Như vậy những đồ sứ này được hiểu đó là những vật dụng của cung Trường Lạc.

Lư hương men trắng có 3 chân, thân trang trí nổi quẻ "bát quái". Thời Lê Sơ, TK 15, cao 19,5; Đkm 25,5 Bát hoa lam cao cấp vẽ rồng có chân 5 móng. Đồ ngự dụng thời Lê Sơ, Tk 15, cao 9,5cm; Đkm 16,1cm Mảnh bát, đĩa vẽ rồng, phượng. Đồ ngự dụng thời Lê Sơ, TK 15
Lu-huong-men-trang-thoi-Le-So.jpg Bat-hoa-lam-rong-thoi-Le-So.jpg Bat-dia-ngu-dung-thoi-Le-So.jpg

Bên cạnh số lượng lớn và đa dạng các loại hình đồ gốm nói trên, tại khu vực khai quật còn tìm được một sưu tập phong phú các loại đĩa đèn dầu lạc nhỏ men trắng và các loại bình vôi còn khá nguyên vẹn. Trong sưu tập bình vôi có khá nhiều tiêu bản đẹp, phần quai tạo hình tua cau và những quả cau nhỏ đã được dùng đựng vôi để ăn trầu.

Cùng với loại hình bình vôi, ở dải gốm ven sông còn tìm thấy những chiếc bình đựng bã trầu bằng gốm men (hay còn gọi là ống nhổ) và một số chuôi dao cau làm bằng nanh, vuốt thú hay bằng loại gỗ quý. Xung quanh một số chuôi dao còn được bọc kim loại màu vàng và bên trên được chạm khắc hoa văn rất đẹp. Nhóm di vật này có niên đại vào khoảng thời Trần và thời Lê. Những tư liệu này là bằng chứng thuyết phục cho ta biết rằng, trong Hoàng cung xưa, tục ăn trầu cũng rất phổ biến.

Rõ ràng, những khám phá của khảo cổ học về Hoàng thành Thăng Long đã mở ra một chương mới rất quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long. Những đồ gốm tìm được ở đây phần lớn là những vật dụng dùng trong Hoàng cung.

Bên cạnh những loại hình đồ gốm ngoại nhập, bằng chứng về việc sản xuất tại chỗ của những đồ gốm sứ cao cấp thời Lý, Trần, Lê cũng đã có nhiều cơ sở khẳng định. Dựa vào những đồ gốm phế thải và các công cụ sản xuất, tôi nghĩ rằng ngay từ thời Lý, Thăng Long đã có lò quan chuyên sản xuất gốm sứ cung đình. Những lò gốm ấy tiếp tục hoạt động kéo dài cho đến thời Lê và sản xuất nhiều loại hình đồ gốm sứ cao cấp.

Bằng chứng giúp tôi vững tin vào điều này là những đồ gốm sứ thời Lê Sơ trang trí rồng 5 móng, lòng ghi chữ Quan hay chữ Kính. Như vậy có thể tạm kết luận rằng: việc tìm thấy những đồ ngự dụng trong khu vực khai quật không những cung cấp nguồn tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu về gốm Thăng Long và gốm dùng trong Hoàng cung Thăng Long, mà còn góp thêm bằng chứng tin cậy để củng cố ý kiến cho rằng: các dấu tích kiến trúc lớn ở đây là những cung, điện của trung tâm Hoàng thành Thăng Long thời Lý - Trần - Lê.

Nguồn[sửa]

  • Bùi Minh Trí, Tạp chí Quê hương

Xem thêm[sửa]


GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VĂN HOÁ VIỆT

Liên kết đến đây