Bại não

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đại cương[sửa]

Định nghĩa: Bại não (cerebral palsy) là não bị liệt. Đây là một khuyết tật ảnh hưởng đến cử động và tư thế của cơ thể. Nguyên nhân là do tổn thương não xảy ra ở thời kỳ còn là thai nhi, trong lúc sinh hay sau khi sinh ra.

Toàn bộ não không bị tổn thương mà chỉ một phần bị tổn thương và chủ yếu là phần não điều khiển vận động. Phần não bị tổn thương không có khả năng hồi phục lại được nhưng cũng không tiến triển xấu đi. Tuy vậy, các cử động, tư thế và các vấn đề khác liên quan đến bại não có thể được cải thiện hay xấu đi sẽ tùy thuộc vào mức độ tổn thương của não và điều trị.

Dịch tễ[sửa]

Ở một số nước bại não là một vấn đề phổ biến của khuyết tật vật lý; một số nước khác chứng bại não đứng hàng thứ hai sau bại liệt. Người ta ước tính có khoảng 1/300 trẻ sinh ra bị chứng bại não (David Werner, Dissabled Village Children 1996).

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân trước sinh[sửa]

- Nhiễm trùng ở mẹ lúc mang thai: Sởi Đức - Herpes zoster.

- Bất đồng nhóm máu mẹ con (Rh, O A B).

- Mẹ bị đái đường, mẹ bị nhiễm độc thai nghén.

- Do di truyền: hiếm gặp và chỉ thấy trong chứng liệt cứng hai chi dưới có yếu tố gia đình.

- Nguyên nhân không rõ chiếm 30% các trưòng hợp.

Nguyên nhân trong lúc sinh[sửa]

- Thiếu oxy: trẻ bị ngạt lúc sinh, sử dụng không đúng oxytocin.

- Chấn thương lúc sinh: Thai lớn, mẹ nhỏ và còn trẻ là những yếu tố dễ gây chấn thương não, xuất huyết và tổn thưong não.

- Sinh non: Trẻ sinh truớc 9 tháng hay sinh dưới 2 kg có nhiều nguy cơ bị bại não. Ở các nước giàu, một nửa các trưòng hợp bại não là do sinh non.

Nguyên nhân sau sinh[sửa]

- Sốt cao do nhiễm trùng hay mất nước (trong tiêu chảy).

- Nhiễm trùng thần kinh: Viêm màng não - não với nhiều nguyên nhân khác nhau.

- Chấn thương sọ não.

- Thiếu oxy: do ngạt nuớc, ngộ độc khí hơi hay các nguyên nhân khác.

- Xuất huyết hay tắt mạch máu não.

- U não: gây tổn thương não và gây các dấu chứng như bại não, song tiến triển càng ngày càng xấu đi.

Lâm sàng[sửa]

Dấu hiệu sớm[sửa]

- Lúc sinh: người mềm nhũn

Trẻ mềm nhũn hình chũ “U“ khi bế trẻ ở tư thế nằm sấp

Chậm phát triển[sửa]

- Đầu chậm ngẩn

- Không xử dụng được tay

Khó khăn khi cho bú hoặc ăn[sửa]

Trẻ có thể khó khăn khi bú, ăn hay nhai, thường trẻ dễ bị nôn trớ, ngay khi trẻ đã lớn vấn đề trẻ ăn vẫn còn gặp khó khăn.

Khó khăn khi chăm sóc trẻ[sửa]

Cơ thể trẻ có thể trở nên cứng đột ngột nên gây khó khăn khi chăm sóc như thay áo quần, tắm rửa, lúc chơi. Khi lớn lên trẻ không thể tự ăn, tự mặc áo quần, tự đi vệ sinh, hay chơi với trẻ khác được.Trẻ có thể mềm nhũn khiến đầu trẻ không thể giữ được hay trẻ đột nhiên cứng như gỗ khiến gây khó khăn khi bồng bế trẻ.

Tính tình thất thường[sửa]

Trẻ có thể khóc suốt và tỏ ra rất kích thích hay trẻ tỏ ra rất yên tĩnh, không khóc hay không cười.

Khó khăn trong giao tiếp[sửa]

Trẻ không phản ứng hay phản ứng kém so với các trẻ khác do một phần trẻ bị mềm nhũn, cứng, thiếu cử động các chi. Trẻ chậm biết nói, về sau một số trẻ nói không rõ ràng hay khó khăn khi nói. Lúc đầu thì bố mẹ chưa hiểu được chính xác những điều trẻ muốn nhưng về sau họ sẽ hiểu. Lúc đầu khi thích gì trẻ thường khóc, về sau trẻ sẽ ra dấu bằng tay chân hay bằng mắt những vật mà trẻ muốn.

Trí thông minh giảm[sửa]

Một số trẻ tỏ ra chậm chạp vì do chứng mềm nhũn, hay cử động chậm chạp, trái lại có một số trẻ khác lại cử động thái quá. Một nủa số trẻ bị bại não có chậm phát triển tinh thần.

Rối loạn nghe và nhìn[sửa]

Một số trẻ có rối loạn nghe và nhìn. Nếu không phát hiện điều này, nên một số bố mẹ sẽ cho rằng trẻ thiếu thông minh. Cần phải quan sát trẻ và xem trẻ có thể nghe và nhìn ở mức độ nào.

Co giật[sửa]

Có thể thấy co giật, động kinh ở một số trẻ bị bại não.

Cảm giác sờ, đau, nóng lạnh và tư thế[sửa]

Các cảm giác này không bị mất, tuy vậy trẻ bại não có thể khó khăn trong kiểm soát các cử động của mình hay giữ thăng bằng. Do não bị tổn thương nên cần phải kiên nhẫn hướng dẫn lập lại nhiều lần nhằm giúp đỡ cho trẻ khôi phục được.

Thái độ bất an[sửa]

Trẻ bại não thường có tính khí bất thường: lúc cưòi, lúc khóc, lúc sợ, lúc giận dữ. Điều này có thể do trẻ bất mãn không thực hiện được những điều mình muốn làm. Nếu có nhiều tiếng động hay cảnh náo nhiệt, trẻ sẽ có thể bị hoảng sợ. Những trẻ nầy cần phải kiên nhẫn giúp đỡ trẻ để vuợt qua được sự sợ hãi và kìm chế được tính khí bất thường.

Phản xạ bất thường[sửa]

Các phản xạ nguyên thủy thấy ở trẻ nhỏ biến mất sau vài tuần sau khi sinh, tuy nhiên ở trẻ bị chứng bại não thì các phản xạ nguyên thủy tồn tại lâu hơn và có thể trở nên quá mức.

Phản xạ bánh chè có thể quá mức. Có thể dùng phản xạ gân xương để phân biệt giữa bại não và bại liệt.

Các loại bại não[sửa]

Biểu hiện của bại não rất đa dạng do tổn thương não khác nhau, tuy vậy chúng ta có thể xếp bại não theo 3 biểu hiện chính. Ba biểu hiệu chinh này có thể phối hợp nhau hay kèm thêm những biểu hiện phụ khác:

Cứng cơ[sửa]

Trong loại này, các cơ co cứng khiến cho một phần của cơ thể trở nên cứng. Cử động chậm và khó khăn. Co cứng gia tăng khi trẻ khó chịu hay bị kích thích hay khi trẻ ở trong một tư thế nào đó. Co cứng cơ không giống nhau ở các trẻ bại não.

Múa vờn[sửa]

Trẻ có những cử động chậm, xoắn hay có những cử động nhanh của bàn chân, cánh tay, bàn tay hay các cơ ở mặt. Tay và chân cử động lộn xộn, không có mục đích. Nếu muốn cử động theo một mục đích thì phần cử động thường nhanh và quá tầm. Trẻ giữ tư thế thăng bằng kém và rất dễ ngã. Phần lớn trẻ múa vờn có trí thông minh bình thường.

Mất thăng bằng[sửa]

Trẻ thường khó khăn khi tập ngồi hay đứng, thường rất dễ bị ngã và sử dụng tay rất vụng về. Lúc còn nhỏ, sự mất thăng bằng không quan trọng, nhưng khi trẻ lớn, sự mất thăng bằng khiến cho trẻ đi đứng khó khăn và là mục tiêu cho các trẻ khác trêu chọc.

Những trẻ bị chứng co cứng hay mứa vờn thường có kèm theo mất thăng bằng, đây là trở ngại chính cho sự tập đi đứng của trẻ.

Các phần tổn thương của bại não

Tùy theo các phần chi bị tổn thương người ta chia ra 3 thể điển hình:

- Thể bại não chi trên và chi dưới cùng bên.

- Thể bại não hai chi dưới.

- Thể bại não chi trên và chi dưới.

Điều trị[sửa]

Điều trị nội khoa hay ngoại khoa?

Ngoại trừ các loại thuốc sử dụng để điều trị động kinh, các loại thuốc thường được kê đơn để làm giảm co cứng xem ra không có hiệu quả. Điều trị ngoại khoa trong một vài trường hợp có thể có ích như trong trường hợp co cứng trầm trọng. Ngoại khoa chỉ có thể được đặt ra khi đứa trẻ đã đi được, góp phần cải thiện sự đi đứng tốt hơn.

Ngoại khoa cũng không giúp ích gì về chứng mất thăng bằng.

Chúng ta phải làm gì?

Phần tổn thương của não bộ không có thể phục hồi lại được, tuy vậy trẻ có thể học để sử dụng phần không bị tổn thương nhằm làm những động tác mà mình muốn làm. Một số điểm cần lưu ý:

- Một trẻ bị bại não sẽ trở thành một người lớn bại não. Tìm kiếm để chữa trị bại não là điều không tưởng. Điều nên làm là giúp đỡ trẻ để trở thành người lớn có thể sống với sự tàn tật của mình và càng độc lập tự phục vụ chừng nào tốt chừng đó.

- Nên giúp trẻ phát triển vận động, giao tiếp, tự săn sóc và quan hệ với người khác. Một đôi khi chúng ta có thể điều trị triệu chứng được thông qua việc giúp đỡ trẻ phát triển những kỷ năng cơ bản.

- Bố mẹ trẻ không nên làm mọi việc cho trẻ mà giúp đỡ trẻ vừa đủ để trẻ có thể tự học càng nhiều càng tốt.

Phòng ngừa chứng bại não[sửa]

Một số biện pháp sau đây có thể giúp phòng được bại não:

- Mẹ cần được ăn đủ chất dinh dưỡng trước và trong lúc mang thai để tránh sinh non là yếu tố nguy cơ của chứng bại não.

- Tránh không có thai ở tuổi còn nhỏ (16-17 tuổi).

- Tránh dùng thuốc không cần thiết lúc mang thai.

- Khi mang thai, tránh tiếp xúc với người bị sởi Đức.

- Cần phải thăm khám thai định kỳ. Nếu thấy có bất thường cần phải liên hệ với bác sĩ hay cơ sở y tế chuyên khoa.

- Trong qúa trình sinh để, tránh sử dụng các thuốc co bóp tử cung như oxytocin.

- Sau khi sinh cần phải cho trẻ bú mẹ ngay và phải bảo đảm trẻ được dinh dưỡng tốt.

- Tiêm phòng bệnh cho trẻ đặc biệt là tiêm phòng sởi.

- Biết các dấu hiệu bệnh trầm trọng như: co giật, không uống được nước, không bú được, ngủ li bì khó đánh thức thì phải chuyển đi bệnh viện ngay.

NGUỒN

Giáo trình bộ môn nhi, Đại học Y Dược Huế

Liên kết đến đây