Bối cảnh ra đời và cách tiếp cận của Kant về nhận thức trong Phê phán lý tính thuần túy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hà Huy Tuấn (soạn thảo)

1. Bối cảnh lịch sử và tiền đề lý luận ra đời tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý

Từ thế kỷ XVI đến cuối thế kỷ XVIII, Tây Âu thực hiện những bước đi quan trọng nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất phong kiến sang phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; và thực sự đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, từng bước khẳng định địa vị thống trị của giai cấp tư sản. Sự phát triển kinh tế tư bản đã phá tan quan hệ sản xuất cát cứ phong kiến trên cơ sở xuất hiện nhiều ngành sản xuất mới, làm thay đổi phương thức tổ chức lao động, thay đổi kết cấu giai cấp và đời sống xã hội nói chung. Điểm nhấn của quá trình này là các cuộc cách mạng xã hội. Nếu cách mạng tư sản lần đầu tiên nổ ra ở Hà Lan (thế kỷ XVI) báo hiệu thời kỳ Trung cổ đã suy tàn, thì cách mạng tư sản Anh (1640-1660) là cuộc cách mạng đầu tiên có ý nghĩa lớn đối với quá trình hình thành chủ nghĩa tư bản trên phạm vi châu Âu và thế giới. Cơ sở kinh tế của cuộc cách mạng này là các ngành công nghiệp ở Anh đã phát triển rất mạnh mẽ, những phát minh về kỹ thuật, nhất là những hình thức tổ chức mới trong lao động đã làm cho năng suất lao động ở các công trường thủ công ngày càng tăng. Trong đó, ngành len dạ rất phát triển đã mở ra cuộc xâm thực của công nghiệp đối với nông nghiệp, làm thay đổi kết cấu giai cấp và các nhóm xã hội. Thomas More (1478-1535) - nhà văn nhân đạo chủ nghĩa, nhà hoạt động chính trị, quốc vụ khanh nước Anh - đã mô tả: "Những con cừu xưa kia ngoan ngoãn hiền hậu biết bao, bây giờ đều trở thành những con vật hung hãn, tham lam. Cừu ăn thịt người, phá hoại ruộng vườn, nhà cửa và thành thị". Tình trạng "cừu ăn thịt người" thực tế là sự tước đoạt ruộng đất của nông dân do nhà tư bản công nghiệp và địa chủ liên kết tiến hành, nhằm "biến đồng lúa thành đồng cỏ" dành cho việc chăn nuôi cừu phục vụ ngành dệt len. Trong Tư bản, Karl Marx (1818-1883) đã viết: "Cơ sở của toàn bộ quá trình tiến triển này chính là sự tước đoạt ruộng đất của nông dân chỉ được tiến hành triệt để ở nước Anh thôi; vì vậy trong sự phác hoạ sau đây của chúng ta, tất nhiên là nước Anh sẽ giữ một địa vị bậc nhất"; và "biến đồng ruộng thành đồng cỏ, đó là khẩu hiệu chiến đấu của lớp quý tộc mới".

Ngành thương nghiệp ở Tây Âu cũng không ngừng mở rộng, nhất là ngoại thương, cùng với chế độ thực dân xâm chiếm thuộc địa. Một loạt các công ty thương mại lớn ra đời như: công ty châu Phi (1553) chuyên buôn vàng, ngà voi, nô lệ da đen; công ty Moscow buôn bán dọc sông Volga vào Ba Tư và Ấn Độ; công ty Tây Ban Nha (1577); công ty phương Đông (1579) buôn bán ven biển Ban Tích; công ty Thổ Nhĩ Kỳ (1581), công ty Đông Ấn (1600) cạnh tranh với thương nhân Hà Lan và Pháp. Sở giao dịch của Trung tâm mậu dịch và tài chính khu City (London) cũng được thành lập từ khá sớm vào năm 1568 để đáp ứng nhu cầu phát triển trao đổi hàng hoá. Thương nghiệp đã góp phần quan trọng vào quá trình tích luỹ nguyên thuỷ tư bản và hình thành chủ nghĩa thực dân.

Sự bành trướng hệ thống thuộc địa đạt tới mức độ cao chưa từng có trong thế kỷ XVII-XVIII, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, cùng với cách mạng ruộng đất ở Anh; điều đó đòi hỏi một khối lượng sản phẩm công nghiệp lớn mà nền sản xuất công trường thủ công không đáp ứng nổi. Xuất phát từ yêu cầu khách quan của xã hội và những điều kiện sẵn có, nước Anh bước vào giai đoạn cách mạng công nghiệp. Khởi điểm của cuộc cách mạng này là sự xuất hiện máy móc cơ khí, là sự nhảy vọt từ lao động thủ công sang lao động bằng máy móc dựa trên những thành tựu số học, cơ học, vật lý học, hoá học và động lực học... kết hợp với trình độ phân công lao động, chuyên môn hoá khá hoàn thiện của nền sản xuất. Mở đầu là các phát minh trong ngành bông vải sợi. Năm 1733, nhà kỹ thuật John Kay phát minh ra thoi bay làm cho năng suất sợi tăng gấp đôi. Năm 1735, Abraham Đácbi phát minh ra phương pháp nấu than cốc từ than đá để luyện gang, góp phần phát triển ngành luyện kim và cơ khí. Năm 1765, người thợ dệt Giêm Hácrivơ phát minh ra máy kéo sợi có 16 đến 18 cọc suốt so với xa kéo sợi một cọc suốt thủ công trước đây. Năm 1769, máy kéo sợi chạy bằng sức nước ra đời mang tên áccraitơ sau đó được công nhân Xamyen Crơmtơn cải tiến tới trình độ cao hơn. Nhưng hạn chế của loại máy kéo sợi này là phải xây dựng nơi sản xuất gần nguồn nước. Cùng năm đó, một thực nghiệm viên là James Watt (1736-1812) tìm ra nguyên tắc máy hơi nước mở đường cho việc giải phóng sức lao động. Vài năm sau, máy dệt chạy bằng hơi nước ra đời có năng suất tăng gấp 39 lần. Nhờ có những phát minh vĩ đại ấy, lao động bằng máy đã thắng lao động bằng chân tay ở hầu hết các ngành công nghiệp chủ yếu của nước Anh. Cách mạng công nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, làm phân hoá kết cấu giai cấp, thay đổi nhận thức của con người đối với giới tự nhiên và xã hội.

Những nét chấm phá trên cho thấy cách mạng công nghiệp Anh là một biến cố kinh tế quan trọng nhất trong đời sống kinh tế - xã hội tư bản lúc bấy giờ. Còn các cuộc cách mạng tư sản là điểm nút, mở đường cho sự phát triển của hiện thực xã hội và các tư tưởng xã hội tiến bộ. Các cuộc cách mạng đó ảnh hưởng rộng lớn đến các phong trào giải phóng ở các nước châu Âu, trong đó có nước Đức, bao gồm các nội dung: chống chủ nghĩa phong kiến, hệ tư tưởng tôn giáo; phát triển hệ tư tưởng tư sản mang tính chất tiến bộ thời bấy giờ, đòi trả lại cho con người những quyền cơ bản mà nó đáng được hưởng. Tuy nhiên, chủ nghĩa phong kiến chưa bị tiêu diệt hoàn toàn về mặt chính trị, dẫn đến xuất hiện tư tưởng thoả hiệp của một bộ phận giai cấp tư sản yếu hèn. Khuynh hướng thoả hiệp này biểu hiện rõ nét nhất ở nước Đức, nơi mà sự phát triển của chủ nghĩa tư bản bị cản trở bởi chính những điều kiện kinh tế, chính trị của nó. Nước Đức hãy còn là một nước nửa phong kiến bị phân hoá cả về kinh tế lẫn chính trị, như tàn tích của chế độ nông nô, chế độ phường hội, tình trạng cát cứ của các lãnh chúa, sự tồn tại của nhiều quốc gia nhỏ phụ thuộc lẫn nhau trong nhà nước quân chủ Phổ,... đã kìm hãm sự phát triển tư bản chủ nghĩa ở Đức. Friedrich Engel (1820-1895) thốt lên: "Mọi thứ đều nát bét, lung lay, xem chừng sắp sụp đổ, thậm chí chẳng còn lấy một tia hy vọng chuyển biến tốt lên, vì dân tộc thậm chí không còn đủ sức vứt bỏ cái thây ma rữa nát của chế độ đã chết rồi". Trong bối cảnh xã hội Đức có trình độ lạc hậu hơn rất nhiều so với một số nước phát triển tư bản chủ nghĩa đi đầu ở Tây Âu, triết học I.Kant là sự khai phá tiến bộ trên lĩnh vực tư tưởng, được coi là "lý luận Đức của cuộc cách mạng tư sản Pháp".

Triết học I.Kant là một hiện tượng nằm trong bối cảnh phát triển văn hóa và triết học cận đại, biểu thị những đặc điểm của một chặng đường phát triển tinh thần và văn hóa của Tây Âu. Triết học I.Kant có liên hệ nội tại với toàn bộ văn hóa châu Âu thời cận đại. Về ranh giới lịch đại, quan điểm chính thống của các nhà sử học Liên Xô trước đây cho rằng thời cận đại được khởi đầu từ cách mạng tư sản Anh giữa thế kỷ XVII. Khác với quan điểm đó, các nhà sử học phương Tây cho rằng thời Trung cổ kết thúc vào thế kỷ XV và bước chuyển sang thời cận đại cũng bắt nguồn từ đó với phong trào Phục hưng và Cải cách tôn giáo. Tuy nhiên, các đặc trưng văn hóa phương Tây trở thành bản sắc cho đến tận ngày nay chỉ được hình thành từ thế kỷ XVI trở đi. Đặc biệt, văn hóa châu Âu cận đại có liên hệ mật thiết với phong trào Khai sáng, - là một trào lưu tư tưởng và văn hóa đặc biệt, hình thành ở Tây Âu vào cuối thế kỷ XVII - XVIII. Có thể coi các đại diện lớn nhất của nó là John Locke (1632-1704), Charles de Secondat Montesquieu (1689-1755), Francois Marie Voltaire (1694-1778), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), Denis Diderot (1713-1784), Paul Henri Holbach (1723-1789), Johann Gottfried Herder (1744-1803), Gotthold Ephraim Lessing (1729-1781), v.v.. Tác động của phong trào Khai sáng vượt ra khỏi khuôn khổ của thời đại mà các nhà Khai sáng hoạt động, minh chứng rõ nét là toàn bộ thế kỷ XIX đã diễn ra dưới khẩu hiệu khải hoàn của những tư tưởng Khai sáng. Các nhà Khai sáng coi phương tiện cơ bản để hoàn thiện con người và xã hội là phổ biến tri thức, khoa học và giáo dục. Cơ sở thế giới quan là sự tin tưởng vào tính hợp lý của thế giới, tin tưởng vào khả năng xây dựng xã hội phù hợp với những nguyên tắc hợp lý trong việc giáo dục "con người hợp lý". Phong trào Khai sáng gắn liền với sự sùng bái lý tính mà họ hiểu là những nguyên tắc của khoa học cổ điển đương thời. Bản tính người theo họ là "cái thiện tuyệt đối" (Bien absolu) còn những khiếm khuyết của nó gắn liền với sự không hoàn hảo của xã hội, sự tác động xấu của môi trường xã hội. Họ phân chia xã hội thành "giới tinh hoa hoàn hảo" và quần chúng chưa được khai sáng - những người mà các nhà Khai sáng đồng cảm và hướng nỗ lực của mình vào việc giáo dục họ. Đồng thời, phong trào Khai sáng định hướng việc cải tạo xã hội theo thiết kế trên cơ sở có luận cứ khoa học. Công lao của các nhà Khai sáng là ở chỗ họ đã nâng cao địa vị xã hội của khoa học và giáo dục. Sự đánh giá cao tri thức và trình độ hiểu biết (trái ngược với sự ngu dốt và chủ nghĩa ngu dân) từ đó đã không bao giờ biến mất khỏi châu Âu.

Các nhà nghiên cứu thống nhất với nhau rằng, khai sáng là đặc trưng chủ đạo của văn hóa Tây Âu cận đại. Nội dung của khai sáng được thể hiện tập trung trong chủ nghĩa duy lý theo nghĩa rộng nhất của từ này. Văn hóa Tây Âu cận đại rất đề cao lý tính; thực chất là sự sùng bái lý tính. Trong đó, lý tính khoa học hay niềm tin vào những khả năng vô hạn của khoa học trở thành yếu tố hàng đầu. Người ta tin rằng những nguyên tắc bất biến của thế giới nằm trong chính bản chất của lý tính, vì một lẽ hiển nhiên là lý tính không có những nguyên tắc thì không còn là lý tính nữa. Từ đó, các nhà khoa học tự nhiên và triết học không ngừng theo đuổi mục đích tìm ra các quy luật khoa học, các tri thức chân lý tất yếu và phổ quát. Như vậy, sự tin tưởng vào tính hợp lý của thế giới mở ra con đường dẫn tới sự luận chứng cho khoa học về mặt phương pháp luận. Khoa học châu Âu cận đại đặt nền móng cho khoa học tự nhiên hiện đại phát triển. Chủ nghĩa duy lý quy định trong lịch sử và văn hóa châu Âu cận đại rằng, phương diện tư tưởng bắt đầu đóng một vai trò đặc biệt, xã hội vận động tiến lên dưới tác động của tư tưởng.

Bên cạnh đó, thời cận đại quan niệm về bản thân văn hóa như là giới tự nhiên thứ hai - là giới tự nhiên mới do con người sáng tạo ra, nhưng cũng quan trọng như giới tự nhiên thứ nhất. Nếu như văn hoá cổ đại và trung cổ hình thành theo nguyên tắc thích nghi với tự nhiên thì văn hoá cận đại hình thành trên nguyên tắc sáng tạo tự nhiên. Nguyên tắc này định hướng thường xuyên hoạt động của con người vào cái mới, vào việc tích lũy những sản phẩm vật chất và tinh thần ngày càng nhiều hơn. Do đó, văn hóa châu Âu cận đại đã tiên phong thực hiện sự đề cao tính tích cực của con người, sức mạnh sáng tạo của chủ thể văn hoá. Sự phát triển nội tại của văn hóa châu Âu cận đại quy định thái độ phê phán của nó đối với các thời đại trước. Thời cận đại đã tiến hành phê phán thời trung cổ bằng bầu nhiệt huyết của lý tính; thể hiện ở hai mặt: một mặt, coi thời trung cổ là thời đại đen tối và cuồng tín tôn giáo nên đã loại bỏ không ít thành tựu của văn hóa trung cổ; mặt khác, xu hướng tự phê phán dựa trên việc giữ lại những mối liên hệ với quá khứ vẫn tiếp tục có tác động ở bên trong văn hóa cận đại mà triết học I.Kant là ví dụ điển hình.

Immanuel Kant sinh ngày 22/4/1724 tại thị trấn Könisberg (miền Đông nước Phổ), mất ngày 12/2/1804 sau gần 4 tháng lâm bệnh nặng, hưởng dương 80 tuổi. Ngay từ khi còn là sinh viên, I.Kant đã hấp thụ triết học tự nhiên và cơ học của Issac Newton (1642-1727), thích thú với siêu hình học kinh viện của Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716) - Christian Wolff (1679-1754), sau một chút là đạo đức học và lý thuyết chính trị - xã hội của J.J.Rousseau. Có thể coi đây là những tiền đề lý luận trực tiếp để hình thành ba bộ phận của hệ thống triết học I.Kant là triết học tự nhiên, triết học nhận thức và triết học thực tiễn. Dù có một cuộc sống bề ngoài đơn điệu và tẻ ngắt, I.Kant vẫn nổi tiếng khắp thế giới lúc sinh thời vì những bài giảng thông tuệ đã trở thành huyền thoại, được những người say mê triết học đánh giá là một trong số ít những triết gia vĩ đại nhất mọi thời đại, cùng với Socrates (470-399 Tr.CN) và Plato (427-347 Tr.CN) thời cổ đại, Georg Wilhelm Friedrich Hegel (1770-1831) và Martin Heidegger (1889-1976) sau này.

Sau một loạt các tác phẩm xuất sắc gồm: Sơ luận về bất kỳ môn siêu hình học nào trong tương lai muốn trở thành khoa học (1783), Trả lời câu hỏi: Khai sáng là gì? (1784), Đặt cơ sở cho siêu hình học về đức lý (1785), Các cơ sở siêu hình học đầu tiên của khoa học tự nhiên (1786), Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý tính đơn thuần (1793), Hướng đến nền hoà bình vĩnh cửu (1795), Siêu hình học về đạo đức (1797), Nhân loại học dưới giác độ thực tiễn (1798) và đặc biệt là bộ ba Phê phán lý tính thuần tuý (1781-1787), Phê phán lý tính thực tiễn (1788) và Phê phán năng lực phán đoán (1790), I.Kant ba lần được bầu vào các viện hàn lâm: Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Berlin (1786), Viện hàn lâm khoa học Peterburg (1794), Viện hàn lâm khoa học Siena (1798). I.Kant là triết gia đầu tiên đồng thời là viện sĩ hàn lâm; sau ông, cho đến thế kỷ này, không lấy làm lạ khi một triết gia luôn có tầm cỡ của một giáo sư đại học và gần như tất cả những người xuất sắc trong lĩnh vực này đều là nhà hàn lâm. Khuynh hướng chuyên nghiệp hoá triết học bị phê phán gay gắt từ Arthur Schopenhauer (1788-1860), nhưng dường như hiện nay khuynh hướng đó đã được thiết định không thể nào đảo ngược. Sự nghiệp đồ sộ của I.Kant được ông nung nấu từ ý tưởng tổng kết toàn bộ tri thức triết học trong lịch sử loài người từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến thời đại ông trên tinh thần phê phán, gạn lọc, kế thừa những yếu tố mà ông cho là đúng, là có giá trị; từ đó xây dựng một hệ thống siêu hình học mới theo nghĩa là khoa học triết học vạn năng. Tốt nghiệp đại học năm 1746 đến trước khi được bổ nhiệm làm giáo sư siêu hình học và lôgíc học năm 1770, I.Kant khởi nghiệp bằng những lý thuyết khoa học tự nhiên, hình thành các quan niệm về triết học tự nhiên mang tính chất duy vật tự phát - thời kỳ này những tư tưởng phê phán ở I.Kant chưa rõ ràng, vì vậy gọi là thời kỳ tiền phê phán. Từ năm 1770 cho đến cuối đời, I.Kant đặt ra nhiệm vụ phê phán lý tính, phê phán các hệ thống siêu hình học trước đó, đặc biệt là siêu hình học duy lý và siêu hình học duy nghiệm - vì vậy, thời kỳ này được gọi là thời kỳ phê phán.


Thời kỳ tiền phê phán (trước 1770)[sửa]

Đây là thời kỳ I.Kant tham dự sâu sắc vào các vấn đề triết học và khoa học tự nhiên của trào lưu Khai sáng. Trong lĩnh vực siêu hình học, mặc dù I.Kant đã bắt đầu tiếp cận với một khuynh hướng khác của trào lưu Khai sáng - khuynh hướng triết học phản duy lý khởi từ J.J.Rousseau; song tựu trung ông vẫn chấp nhận khuynh hướng duy lý thống trị mà phong trào này đã mở ra ở Tây Âu với đỉnh cao là siêu hình học trường ốc G.V.Leibniz - C.Wolff. Thậm chí trong một số luận văn, ông còn đưa ra các luận cứ chứng minh sự hiện hữu khả thể của Thượng đế như một "đấng sáng tạo bất khả tri của toàn thể" trên quan điểm mục đích luận rất được ưa chuộng trong giới học thuật truyền thống.

Tuy nhiên, I.Kant quan tâm nhiều hơn đến các khoa học tự nhiên như toán học, vật lý học, thiên văn học, sinh học và địa chất học. Có thể nói, trong lý thuyết về tự nhiên, I.Kant về cơ bản đã thể hiện như một nhà duy vật tự phát khi ông khẳng định thế giới được cấu tạo từ vật chất, mọi vật thể liên hệ, tương tác lẫn nhau thông qua lực hút và lực đẩy. Định luật vạn vật hấp dẫn của I.Newton đã cuốn hút ông. Các nhà kinh điển của triết học Marx cũng đánh giá rất cao công lao của I.Kant trong lĩnh vực này. F.Engel viết: "I.Kant là người khởi xướng ra hai giả thuyết thiên tài, mà nếu không có hai giả thuyết này thì lý luận của khoa học tự nhiên ngày nay không thể tiến lên được, - thuyết về nguồn gốc của hệ thống mặt trời [...] và thuyết thuỷ triều làm giảm tốc độ quay của quả đất". Trong lĩnh vực sinh học, I.Kant đề xuất tư tưởng phân loại động vật theo nguồn gốc các loài dựa vào các nhóm genotíp của chúng. Trong lĩnh vực nhân loại học, ông đưa ra tư tưởng về lịch sử tự nhiên của loài người, - điều mà sau này, Charles Robert Darwin (1809-1882) chứng minh về mặt sinh học qua tác phẩm Nguồn gốc các loài qua chọn lọc tự nhiên còn F.Engel chứng minh về mặt xã hội bằng bài viết Tác dụng của lao động trong quá trình chuyển biến từ vượn thành người. Tác phẩm chủ yếu của I.Kant thời kỳ này là Lịch sử tự nhiên đại cương và thuyết bầu trời (1755); trong đó, ông nêu lên giả thuyết thiên tài về nguồn gốc của thái dương hệ là những khối tinh vân gồm vô vàn các hạt vật chất, nhờ lực vạn vật hấp dẫn mà chúng khuếch tán trong không gian rồi dần dần tụ lại thành những đám mây khổng lồ, do lực hút và đẩy trong lòng chúng tạo ra vận tốc xoáy làm chúng đông kết lại thành những khối cầu có kích thước khác nhau, làm nên các hành tinh trong hệ mặt trời. Giả thuyết này cũng cho phép mở rộng ra nhiều hệ mặt trời khác tương tự trong vũ trụ vô cùng vô tận. Sau đó không lâu, nhà thiên văn học và toán học người Pháp Pierre Simon Laplace (1749-1827), tiến hành nghiên cứu độc lập với I.Kant, cũng có giả thuyết tương tự từ những kết luận toán học của mình. Từ đó, học thuyết tinh vân nguyên thuỷ đi vào lịch sử với tính cách là lý thuyết vũ trụ I.Kant - P.S.Laplace. Như vậy là I.Kant đã đi xa hơn I.Newton bằng việc ứng dụng các nguyên tắc khoa học tự nhiên để không chỉ giải thích kết cấu mà còn giải thích cả nguồn gốc của hệ thống mặt trời, trong khi I.Newton thừa nhận không thể rút ra nguyên nhân của bản thân sức hút cũng như các thuộc tính của chúng. Đồng thời giả thuyết của I.Kant cũng là minh chứng rõ nét cho việc triết học đã làm tốt nhiệm vụ dẫn đường cho khoa học tự nhiên như thế nào, giúp các nhà khoa học tự nhiên "tránh khỏi lầm lạc liên miên, khỏi phải mất vô số thì giờ và công sức vào những hướng sai lầm, vì trong điều phát hiện của I.Kant đã có cái khởi điểm của mọi sự tiến bộ sau này".

Đương nhiên, việc truy tìm đến tận cùng nguồn gốc và bản chất của thế giới trên cơ sở tư duy máy móc siêu hình thế kỷ XVIII rốt cuộc sẽ gặp mâu thuẫn trong nhận thức mà tư duy ấy không thể vượt qua, - mặc dù các giả thuyết thiên tài của I.Kant đã manh nha tiềm ẩn tư duy biện chứng như các nhà kinh điển của triết học Marx nhận xét: "Vấn đề cái hích đầu tiên đã bị loại bỏ; trái đất và tất cả hệ thống mặt trời hiện ra như là một cái gì đã hình thành trong thời gian"; "lần đầu tiên, cái quan niệm cho rằng giới tự nhiên không có lịch sử trong thời gian, đã bị lung lay". Vì vậy, ông tập trung nghiên cứu triết học tự nhiên với niềm tin rằng, triết học với tư cách là một khoa học lý thuyết thuần tuý có khả năng lý giải mọi vấn đề của giới tự nhiên mà không cần đến các tài liệu kinh nghiệm. Lúc đầu, I.Kant chịu ảnh hưởng lớn của siêu hình học kinh viện G.V.Leibniz - C.Wolff và các quan niệm máy móc của I.Newton, sau đó chuyển dần sang thuyết hoài nghi tư biện của René Descartes (1596-1650); chịu ảnh hưởng và là người truyền bá tích cực tư tưởng Khai sáng vào nước Đức nhưng I.Kant còn tiến thêm một bước là phê bình chủ thuyết Khai sáng cũng như đối tượng của nó là lý trí và tri thức. Đó là một trong các lý do khiến I.Kant chuyển sự nghiên cứu của mình từ đối tượng khách thể bên ngoài sang đối tượng lý tính bên trong ở thời kỳ phê phán.

Thời kỳ phê phán (sau 1770)[sửa]

Đây là thời kỳ I.Kant đặt ra một khát vọng hiểu biết vô bờ bến. Các vấn đề khoa học tự nhiên không còn thoả mãn ông, nhất là khi trình độ nhận thức khoa học của thế kỷ XVIII với tư duy siêu hình không thể lý giải được các vấn đề mới mẻ như bản chất của sự sống và lý tính con người. Dường như khát vọng hiểu biết và khả năng hiểu biết có giới hạn trở thành một mâu thuẫn lớn mà I.Kant trăn trở muốn khám phá. Sự bế tắc trong việc lý giải nguồn gốc sự vận động của thế giới vật chất khiến ông dần nghi ngờ rằng khả năng nhận thức của con người về thế giới không phải không có giới hạn; và thực ra con người có nhận thức được thế giới như là nó tồn tại không? Từ đó, ông đi đến quan niệm về thế giới "vật tự nó" [Ding an sich] tồn tại bên ngoài mọi khả năng nhận thức của con người và cái mà con người nhận thức được thật ra là thế giới hiện tượng - hay là thế giới khả giác. Theo I.Kant, nguồn gốc của sự vận động không phải nằm ở bản thân vật chất mà nằm ở "cái đằng sau" của vật chất với tính cách là nguyên nhân đầu tiên. Thuyết động lực của ông thể hiện rõ bước chuyển từ thế giới quan duy vật tự phát sang thế giới quan duy tâm khi cho rằng cái có trước không phải là vật chất mà là một thứ lực thuần tuý làm cho vật chất vận động. Động lực học tuyệt đối đã đuổi nguyên tử luận với tư cách là học thuyết về cấu trúc vật chất, là cơ sở của chủ nghĩa duy vật, ra khỏi khoa học tự nhiên. Dù vậy, yếu tố biện chứng trong thuyết động lực I.Kant là quan niệm về sự thống nhất giữa hai lực hút và đẩy mới là hạt nhân được F.Engel đánh giá cao, và đã được các nhà triết học duy tâm Đức tiếp thu làm nên phép biện chứng duy tâm cổ điển Đức với đỉnh cao là phép biện chứng G.V.F.Hegel. Có thể nói, nếu không có sự tiên phong của I.Kant trong việc phá vỡ các quan niệm siêu hình thế kỷ XVII-XVIII thì không thể có quan niệm biện chứng được hình thành một cách tự giác và có hệ thống từ thế kỷ XIX trở đi.

Kế thừa thuyết hoài nghi có phương pháp của R.Descartes, I.Kant không những nghi ngờ tính đúng đắn của chủ nghĩa duy lý mà còn nghi ngờ cả tính xác đáng của chủ nghĩa kinh nghiệm. Theo I.Kant, chủ nghĩa duy lý đã đi quá xa trong việc tư biện để kiến thiết nên một ngôi nhà siêu hình học không có cơ sở vững chắc từ nền móng; trong khi chủ nghĩa kinh nghiệm đã bắt đầu đúng hướng nhưng John Locke trứ danh đã vội vàng khái quát mọi nhận thức của con người chỉ vào trong một viên gạch duy nhất là kinh nghiệm. Cả hai trào lưu này đều chỉ khư khư giữ lấy lập trường quan phương của mình mà bác bỏ đối phương, tạo ra một đấu trường siêu hình học khốc liệt. Từ sự hoài nghi về mặt nhận thức luận này mà I.Kant tiến hành kiểm tra toàn bộ vật liệu của nhận thức từ cảm năng đến giác tính và lý tính để rút ra một nhận xét làm chấn động giới triết học đương thời, đó là siêu hình học giáo điều từ trước đến nay cần phải bị phê phán triệt để nhằm tìm ra cơ sở cho một môn siêu hình học mới muốn trở thành một khoa học thực sự. Và I.Kant đã từng bước tiến hành "cuộc cách mạng Kopernic" trong lề lối tư duy của mình thông qua việc phê phán các vấn đề của siêu hình học, tức của lý tính, bằng bộ ba Phê phán nổi tiếng.

Nói gọn lại, thời kỳ tiền phê phán giúp I.Kant rà soát hầu hết các tiến bộ của khoa học tự nhiên đến thời của ông để làm cơ sở cho sự phê phán chính các lý thuyết khoa học tự nhiên đó với tính cách là những bộ phận của nhận thức trong thời kỳ phê phán; còn thời kỳ phê phán giúp I.Kant khảo sát lý tính thuần tuý để tìm ra chỗ dựa vững chắc cho sự tồn tại của khoa siêu hình học mới với tính cách là một hệ thống tiên nghiệm phổ biến, tất yếu cho mọi nhận thức khoa học, thực tiễn hành động và giá trị vĩnh hằng của con người. Trong đó, Phê phán lý tính thuần tuý là đột phá khẩu cho mọi sự phê phán.

Như vậy, tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý ra đời trong bối cảnh nước Đức đang cố vùng vẫy nhằm thoát khỏi tình trạng trì trệ của nó, với sự thôi thúc nội tại của tư tưởng Đức và tác động tích cực của các cuộc cách mạng ở Tây Âu. Tư tưởng duy tâm của giai cấp tư sản Đức có hạn chế là hiểu sự phát triển như một quá trình tinh thần tự thức tỉnh, là sự tự phát triển của lý tính. Do đó, nó chưa tạo ra được những đột phá cách mạng trong hiện thực xã hội giống như người Hà Lan, người Anh và người Mỹ đã làm. Điều này về sau được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx chỉ ra khi phê phán triết học pháp quyền của G.V.F.Hegel, cũng có ý nghĩa như là phê phán triết học duy tâm Đức nói chung; đòi thay thế vũ khí của sự phê phán bằng sự phê phán của vũ khí. Có nghĩa là tinh thần phê phán của người Đức được trỗi dậy mạnh mẽ kể từ I.Kant nhưng mới chỉ dừng lại ở sự phê phán lý tính; chỉ đến chủ nghĩa Marx, tinh thần phê phán mới thực sự hoà nhập với hiện thực xã hội, trở thành vũ khí tinh thần của giai cấp cách mạng Đức. Song, toàn bộ sự yếu hèn của giai cấp tư sản Đức không cản trở nước Đức làm nên những thành tựu vĩ đại trong triết học, mà công trình Phê phán lý tính thuần tuý của I.Kant mang tính chất khởi đầu. Lịch sử tư tưởng đã chứng minh rằng, các học thuyết tiến bộ có thể nảy sinh trong lòng một xã hội có trình độ kinh tế lạc hậu hơn nếu nó biết tiếp thu thành tựu khoa học và tư tưởng của các xã hội tiến bộ khác. Do đó, bên cạnh tiền đề kinh tế - xã hội mà đỉnh cao là các cuộc cách mạng tư sản ở Tây Âu thế kỷ XVI-XVII tạo ra bước ngoặt về kinh tế và chính trị, thì tiền đề lý luận tạo ra bước ngoặt về tư tưởng trong trường hợp này đóng vai trò quan trọng hàng đầu.

Những bậc tiền bối trực tiếp của triết học I.Kant là chủ nghĩa hoài nghi có phương pháp của R.Descartes, tư duy cơ học của I.Newton, chủ nghĩa kinh nghiệm Anh của J.Locke và David Hume (1711-1766), chủ nghĩa duy lý Đức của G.V.Leibniz - C.Wolff và tư tưởng của J.J.Rousseau thuộc trào lưu Khai sáng Pháp. Tuy nhiên, triết học I.Kant không phải là tập đại thành của các tư tưởng ấy, mà sự thật là đã có những bước vượt qua để mở đường cho sự phát triển của triết học cận - hiện đại ở Đức nói riêng và phương Tây nói chung. Rút gọn lại, tiền đề lý luận của triết học I.Kant là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm, trong đó có tính đến yếu tố biện chứng của truyền thống tư tưởng Đức kế thừa từ thời cổ Hy Lạp.

Tiền đề lý luận thứ nhất là chủ nghĩa duy lý bao gồm những học thuyết siêu hình xuất phát từ luận điểm về sự thống nhất giữa tư duy và tồn tại trên cơ sở các quy luật lôgíc hình thức của tư duy. I.Kant tổng kết trào lưu duy lý kể từ học thuyết ý niệm của Plato đến học thuyết đơn tử của G.V.Leibniz và rút ra điểm chung về nhận thức luận của trào lưu này là biến tư duy thành bản thể của thế giới mà không đếm xỉa đến kinh nghiệm, cảm giác của con người, biến những quy luật lôgíc hình thức của tư duy thành quy luật chung của mọi tồn tại mà không quan tâm đến nội dung của nó. Vì vậy những ý niệm về Thượng đế, Vũ trụ, và Sự bất tử của linh hồn chỉ là những khái niệm suông, không có nội dung, mà các nhà duy lý tưởng tượng ra rồi không chứng minh được sự tồn tại vững chắc của những ý niệm ấy. Như vậy, chủ nghĩa duy lý chỉ sử dụng lý tính mà không quan tâm đến trực quan, trong khi lý tính của họ không được kiểm tra về khả năng và phạm vi hoạt động khả hữu. Có nghĩa là họ buông thả cho lý tính suy tưởng về mọi vấn đề xa rời khỏi lĩnh vực kinh nghiệm, tạo ra những tri thức siêu hình, rồi đem những tri thức siêu hình ấy áp đặt trở lại cho thế giới tồn tại. Phương thức sử dụng lý tính như thế là mang tính giáo điều. Siêu hình học được hình thành trên cơ sở nguyên tắc lý tính như vậy không thể trở thành khoa học thực sự. Cách đặt vấn đề ấy của I.Kant đã đưa siêu hình học trường ốc G.V.Leibniz - C.Wolff với tư cách là hệ thống duy lý đỉnh cao điển hình trở thành đối tượng phê phán chủ yếu của Phê phán lý tính thuần tuý.

Chủ nghĩa duy lý cận đại không phải không có những thành công nhất định, đặc biệt là trong việc góp phần đánh đổ hệ tư tưởng giáo hội phong kiến. Nếu triết học kinh viện thời Trung cổ đề cao các thực thể siêu nhiên với tư cách là tinh thần vũ trụ, thì chủ nghĩa duy lý cận đại giành lại vị trí đó cho lý tính của con người. Tiêu biểu là R.Descartes với tham vọng hiểu biết không giới hạn của tư duy khi ông xác lập mệnh đề "tôi có thể nghi ngờ mọi tồn tại nhưng không thể nghi ngờ tôi tư duy, do đó tôi tư duy tôi tồn tại". Như vậy có thể hiểu ở một góc độ nào đó, lần đầu tiên Thượng đế với tư cách là tồn tại tối cao bị nghi ngờ từ phương diện triết học bởi một tồn tại khác vốn vẫn bị coi là bé mọn - tồn tại tôi tư duy. Công lao đó rõ ràng thuộc về chủ nghĩa duy lý thế kỷ XVI-XVII, dù dưới hình thức siêu hình cực đoan nhất. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XVIII, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và yêu cầu của nền sản xuất xã hội, lý tính siêu hình gặp phải khó khăn là không đáp ứng nổi đòi hỏi của thực tiễn. Tình hình đó ở buổi ban đầu tất nhiên dẫn đến những khuynh hướng tư tưởng phản duy lý mà những hình thức sớm nhất của nó đã xuất hiện cuối thời kỳ Khai sáng ở Pháp, tiêu biểu là J.J.Rousseau. Có thể coi I.Kant nằm trong sự kế thừa tư tưởng phản duy lý nhưng theo một chiều hướng khác, chiều hướng phê phán lý tính. Bằng sự xác lập cái tiên nghiệm của lý tính, I.Kant đã cố gắng đưa lý tính và quỹ đạo khoa học chứ không chỉ đơn thuần là chống lại lý tính; từ ý hướng này, ông là người duy lý duy khoa học. Những thành tựu của chủ nghĩa duy lý được I.Kant thâu tóm trong hệ thống các phạm trù của giác tính, những quy luật lôgíc hình thức của tư duy và các phán đoán phân tích rất có giá trị trong thời kỳ cơ học phát triển. Từ đó ông tiến sâu thêm bằng cách siêu nghiệm hoá các phạm trù; xây dựng lôgíc học siêu nghiệm không những khảo sát các hình thức của tư duy mà còn khảo sát cả những nội dung mà trực quan đem lại trong chừng mực nó xuất hiện một cách tiên nghiệm; xem xét tính tiên nghiệm và tổng hợp của các phán đoán; và cuối cùng, vạch ra những mâu thuẫn (antinomie) của lý tính suy luận. Như vậy, quá trình phê phán lý tính của I.Kant có sự kế thừa chủ nghĩa duy lý rất rõ nét, thậm chí cách trình bày hệ thống triết học của ông cũng không nằm ngoài dạng thức duy lý; chẳng hạn, ông mô tả các hình thức của phán đoán tương ứng với các phạm trù theo lôgíc tam luận: tiền đề - phản đề - hợp đề, để rút ra các antinômia chỉ có chính đề - phản đề nên không thể giải quyết triệt để được. Mặc dù học thuyết phạm trù duy tâm tiên nghiệm của I.Kant có khác với học thuyết phạm trù theo phái duy thực và duy niệm, song vẫn nằm trong sự đối lập duy lý giữa việc coi phạm trù có giá trị tự thân hay phạm trù là sản phẩm của đầu óc con người. Cho nên không ngạc nhiên nếu trào lưu phi lý khởi từ A.Schopenhauer về sau vẫn tiếp tục chỉ trích I.Kant như là một thứ triết học duy lý đối lập với họ.

Tiền đề lý luận thứ hai là chủ nghĩa kinh nghiệm bắt đầu từ việc đề xuất các phương pháp thực nghiệm của Francis Bacon (1561-1626) đến thuyết kinh nghiệm của J.Locke, từ thuyết duy tâm chủ quan cực đoan của George Berkeley (1684-1753) đến thuyết hoài nghi của D.Hume. Không phải vô cớ mà I.Kant đề tặng ấn bản A cuốn Phê phán lý tính thuần tuý cho J.Locke, còn mở đầu ấn bản B xuất hiện lời đề từ mượn trong Lời tựa tác phẩm Cuộc đại canh tân sự làm chủ của con người đối với tự nhiên [Magna instauratio imperii humani in naturam] của F.Bacon. Ngay cả cuộc cách mạng Kopernic trong lề lối tư duy cũng là cụm từ I.Kant mượn của F.Bacon để nói về sự thay đổi trong cách đặt vấn đề siêu hình học của mình; đối với I.Kant, không phải lý tính quay xung quanh "trái đất thực tại" mà thế giới hiện tượng phải quay xung quanh "mặt trời lý tính".

Trong Sơ luận về bất kỳ môn siêu hình học nào trong tương lai muốn trở thành khoa học (1783), I.Kant thừa nhận là chủ nghĩa kinh nghiệm của D.Hume đã đánh thức ông khỏi cơn mê giáo điều bởi D.Hume đã hoài nghi tính đúng đắn của các phạm trù trừu tượng mà lý tính tạo ra một cách không có cơ sở vững chắc. Cơ sở nhận thức của con người không phải cái gì khác hơn là cảm giác trong mối quan hệ với thể trạng tâm sinh lý của họ. Kết quả của nhận thức không gì khác hơn là kinh nghiệm do cảm giác đem lại. Khoa sinh lý học tự nhiên đầu thế kỷ XVIII xác nhận điều đó. Tất cả những gì ngoài phạm vi của kinh nghiệm đều không đáng tin cậy. Như vậy, các nhà kinh nghiệm có ý hướng chống lại các nhà duy lý một cách trực tiếp từ phương diện nhận thức luận. I.Kant nhận thấy lý lẽ của chủ nghĩa kinh nghiệm phù hợp với kết quả của các khoa học tự nhiên thực nghiệm đương thời nên không thể chỉ đơn thuần chối bỏ là xong. Mặt khác, tính trực quan của thuyết kinh nghiệm đã phanh phui tính giáo điều của thuyết duy lý là không quan tâm đến nội dung của nhận thức mà chỉ chú trọng đến các hình thức thuần tuý của tư duy. I.Kant rút ra rằng, nhận thức của con người chỉ có thể có được nội dung khi nối kết với kinh nghiệm do trực quan đem lại; nhưng nếu chỉ dùng kinh nghiệm thì không thể đạt tới nhận thức khoa học được. Nếu sai lầm của chủ nghĩa duy lý là tuyệt đối hoá nhận thức lý tính thì sai lầm của chủ nghĩa kinh nghiệm là tuyệt đối hoá nhận thức cảm tính, hai sự cực đoan gây nên những tranh cãi bất tận trong lĩnh vực siêu hình học. Giải quyết vướng mắc này, theo I.Kant, cần phải tìm ra cấu trúc tiên nghiệm của nhận thức trực quan và lý tính để làm cơ sở nối kết kinh nghiệm. Như thế là I.Kant đã cố gắng dung hoà, tìm ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm trong vấn đề nhận thức. Ý hướng suy tư đó đồng thời đã đánh thức tư duy biện chứng về các mối liên hệ của ý thức trong triết học duy tâm Đức, đặt vấn đề tương tác giữa nội dung và hình thức của lý tính trở thành trọng tâm của nhận thức luận.

Nói tóm lại, trong bối cảnh nước Đức bị câu thúc bởi xu thế phát triển tư bản chủ nghĩa của Tây Âu nhưng tiền đề kinh tế - xã hội chưa cho phép giai cấp tư sản làm nổi cuộc cách mạng xã hội của mình; thì các nhà triết học tư sản Đức đã đi trước về phương diện tư tưởng, xuất phát từ các tiền đề lý luận của triết học duy lý và kinh nghiệm thế kỷ XVI-XVII, làm nên cuộc cách mạng siêu hình học mà I.Kant và Phê phán lý tính thuần tuý là điểm khởi đầu, sáng lập nền triết học cổ điển Đức với nhiều hạt nhân tiến bộ ảnh hưởng lâu dài về sau. J.Hirschberger nhận xét: "I.Kant được xem là triết gia Đức lớn nhất, hơn nữa là triết gia lớn nhất của thời cận đại, là triết gia của nền văn hoá tân thời và của nhiều lĩnh vực khác nữa. Dù người ta có đánh giá I.Kant gì đi nữa, điều không thể chối cãi là ít nhất I.Kant đã nâng triết học Đức tiến lên một giai đoạn mới. Danh tiếng của ông đẩy lùi tất cả những gì đi trước vào bóng tối và toả sáng lên những gì đi sau".

2. Cách tiếp cận của I.Kant với vấn đề nhận thức luận

Từ năm 1770 đến khi ấn bản đầu tiên (bản A) của cuốn Phê phán lý tính thuần tuý ra đời vào tháng 5/1781, I.Kant im lặng, chìm trong suy tư, hầu như không viết một tác phẩm nào ngoại trừ 20 trang tóm tắt đề cương bài giảng. Nhưng đây lại là 10 năm thai nghén hệ thống triết học của I.Kant. Thực ra, từ những năm 1760, I.Kant đã rất quan tâm đến vấn đề phương pháp của siêu hình học. Năm 1764, ông đã bàn vấn đề này trong một luận văn ngắn Nghiên cứu về sự sáng sủa của các nguyên tắc của thần học tự nhiên và đạo đức. Một năm sau, I.Kant thông báo ý định ra đời một công trình mang tên Phê phán và điều lệnh cho hệ thống triết học như cho một toàn bộ và đã gọi công trình này là "phê phán lý tính". Tuy nhiên, "phê phán" ở đây vẫn được hiểu như là một bộ phận của học thuyết về phương pháp. Ngày 31/12/1765, I.Kant viết thư cho Johann Heinrich Lambert cho biết ông đang soạn một tác phẩm về "phương pháp đặc thù của siêu hình học và qua đó cũng là phương pháp cho toàn bộ triết học". Khoảng năm 1770, I.Kant phát hiện ra những cặp mệnh đề siêu hình học mâu thuẫn nhau (những nghịch lý hay antinomie) mà nếu sử dụng lý tính thuần tuý một cách giáo điều (không có sự phê phán) tất sẽ dẫn tới mâu thuẫn nan giải. ý hướng về việc phê phán lý tính thuần tuý đã hình thành khá rõ nét mặc dù I.Kant vẫn chưa thực sự dứt khoát đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy lý. Bằng chứng cho sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông ở thời điểm này là: một mặt, ông vẫn tán thành quan điểm duy lý cho rằng có thể nhận thức được vật tự thân thông qua những khái niệm thuần lý (trong luận văn Về thế giới khả giác và thế giới khả niệm); mặt khác, ông khẳng định siêu hình học phải là sự phê phán lý tính thuần tuý chứ không phải là một học thuyết giáo điều, do đó có thể phải viết một công trình về Những ranh giới của cảm năng và lý tính (trong thư gửi Marcus Herz đề ngày 7/6/1771). Cứ liệu quan trọng chứng tỏ sự ra đời của thời kỳ phê phán là bức thư I.Kant gửi M.Herz ngày 21/2/1772, trong đó ông thông báo đã có đủ điều kiện để biên soạn một quyển Phê phán lý tính thuần tuý xem xét bản chất của nhận thức lý thuyết và thực hành, tức lý tính thuần tuý và lý tính thực tiễn. Sau khi ấn bản A Phê phán lý tính thuần tuý được ấn hành, I.Kant thú nhận "đã hoàn thành cấp tốc sản phẩm được ấp ủ suy nghĩ ít nhất 12 năm trong vòng 4 đến 5 tháng" vào nửa cuối năm 1780 (thư gửi Moses Mendelssohn ngày 16/8/1783). Có thể nói, I.Kant đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho hệ thống triết học của mình - một hệ thống triết học động đến câu hỏi nền tảng của mọi vấn đề - đó là con người có thể biết gì hay bản chất nhận thức của con người là gì?

Bàn đến bản chất của nhận thức không thể không xem xét đến hệ thống tri thức với tính cách là kết quả của nhận thức. I.Kant quan tâm đến các tri thức khoa học, tri thức thuần tuý và trình bày thành ba bộ phận tương ứng với hệ thống lôgíc học siêu nghiệm của mình. Thứ nhất là các tri thức có liên quan đến năng lực cảm tính, được I.Kant khảo sát trong phần Cảm năng học siêu nghiệm. Trong đó, I.Kant cố gắng chứng minh tính chất tiên nghiệm của trực quan thuần tuý tồn tại dưới dạng các mô thức thuần tuý của cảm năng là không gian và thời gian. Thứ hai là các tri thức có liên quan đến các khái niệm thuần tuý (tức phạm trù) và các phán đoán là hai năng lực tiên nghiệm của giác tính được I.Kant khảo sát trong phần Phân tích pháp siêu nghiệm. Trong đó, I.Kant cố gắng thiết lập bảng các phạm trù tiên nghiệm và truy tìm phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Thứ ba là các tri thức có liên quan đến năng lực suy luận (các ảo tượng) được I.Kant khảo sát trong phần Biện chứng pháp siêu nghiệm. Trong đó, I.Kant cố gắng chứng minh các nghịch lý của tư tưởng dựa trên việc phân tích bốn antinomie mà lý tính thuần tuý nhất định gặp phải trên con đường suy lý vượt ra ngoài kinh nghiệm. Tác phẩm Phê phán lý tính thuần tuý đã đánh dấu những bước chuyển trong tư tưởng về nhận thức nói riêng cũng như siêu hình học nói chung của I.Kant. Trong đó có hai bước chuyển cơ bản:

Từ triết học tự nhiên đến triết học nhận thức[sửa]

Nếu triết học tự nhiên của I.Kant hướng đến khách thể bên ngoài, tức là các đối tượng khách quan độc lập với tư duy con người hay thế giới vật chất, như đối tượng của cơ học, vật lý học, toán học, sinh học và địa chất học thì triết học nhận thức của ông lại chuyển đối tượng nghiên cứu sang một vấn đề hoàn toàn mới, - đó là nhận thức của con người với những khả năng và phạm vi của nó. Đây không chỉ đơn thuần là sự chuyển hướng mối quan tâm của một nhà khoa học từ vấn đề này sang vấn đề khác mà còn đánh dấu sự chuyển biến trong thế giới quan của I.Kant từ lập trường duy vật tự phát sang lập trường duy tâm chủ quan. Lý do là I.Kant gặp phải sự bế tắc trong việc lý giải các hiện tượng tự nhiên mới xuất hiện giống như hầu hết các nhà khoa học tự nhiên đứng trên lập trường duy vật máy móc đương thời. Mỗi khi khoa học tự nhiên phải tạm thời dừng bước trước sự vận động của chính giới tự nhiên thì vai trò của triết học lại được nhắc đến, ban đầu như một cứu cánh và càng về sau càng tỏ rõ tính chất là một phương tiện dẫn đường hiệu quả. I.Kant cũng vậy, ông tìm đến siêu hình học như một lối thoát cho những bế tắc trong việc giải thích tự nhiên từ tư duy siêu hình. Vấn đề ông quan tâm là bản chất của lý tính thuần tuý hay bản chất của nhận thức chân lý. Vấn đề này nhìn chung không mới so với siêu hình học truyền thống. Cái khác ở đây là, đối với I.Kant, lý tính phải làm công việc khảo sát chính bản thân nó hay là sự tự ý thức để tìm ra các nguyên tắc bản nhiên của lý tính thuần tuý, làm tiền đề cho việc xác định bản chất đích thực của nhận thức. Trong vấn đề tự ý thức, không thể không thừa nhận I.Kant có chịu ảnh hưởng của lý luận về thông giác của G.W.Leibniz cũng như lý luận về cái tôi và vai trò của lương thức của J.J.Rouseau.

I.Kant bắt đầu hướng sự suy nghĩ của mình không phải vào đối tượng bên ngoài mà vào bản thân lý tính; không phải khảo sát sự vật với tính cách là vật tự thân, mà khảo sát tri thức về các hiện tượng được đem lại cho con người một cách tiên nghiệm. Theo I.Kant, cách tiếp cận của triết học tự nhiên không đem lại cách nhìn mới về phương diện nhận thức luận. I.Kant muốn thay đổi điều đó trong triết học nhận thức của mình, vì thế vấn đề bản chất của nhận thức như là cái tiên nghiệm được đặt ra trong Phê phán lý tính thuần tuý. Điều này như I.Kant tự nhận, không phải là sự phê phán đối với hệ thống siêu hình học nào mà là sự phê phán bản thân lý tính thuần tuý, hay lý tính thiết lập một toà án cho chính mình. Sự phê phán lý tính thuần tuý chưa phải là một học thuyết, cùng lắm thì nó mới chỉ là một môn học dự bị; nhưng là bước khởi đầu của một học thuyết siêu hình học mới có ý nghĩa như là khoa học triết học. Sự phê phán này là cần thiết để có một nhận thức luận mới, khác với nhận thức luận giáo điều truyền thống. Nói cách khác, bản chất của nhận thức giáo điều nằm ở việc giải quyết mối quan hệ chủ thể - khách thể trên cơ sở các quy luật hình thức của lý tính để tìm ra những chân lý thuần lý. Tìm kiếm chân lý suy cho cùng là công việc rốt ráo của nhận thức con người; nhưng công việc đó có thể được tiến hành dựa trên những tiền đề khác nhau, dẫn đến có những kết quả không giống nhau. Theo I.Kant, cần phải khảo sát ngay các tiền đề để đảm bảo nhận thức không đi sai đường, tức là xem xét cấu trúc, phạm vi, khả thể của lý tính để làm tiền đề vận dụng lý tính đi vào nhận thức khoa học. Điều này không nằm ngoài bản chất của nhận thức, thậm chí còn là khởi điểm truy tìm bản chất của nhận thức. Như vậy, bước chuyển thứ nhất này đặt ra vấn đề nghiên cứu bản chất nhận thức như là nội dung tiên quyết của bất kỳ môn siêu hình học nào muốn trở thành khoa học. Bước chuyển này đánh dấu thời kỳ phê phán của I.Kant bắt đầu từ sự phê phán lý tính thuần tuý. Trong đó, những chân lý thuần lý mà G.V.Leibniz xác lập là một trong những đối tượng của sự phê phán của I.Kant.

Từ sự đối lập giữa nhận thức duy lý và nhận thức kinh nghiệm đến nhận thức tiên nghiệm[sửa]

Bản chất của nhận thức luôn là vấn đề trung tâm đối với bất kỳ lý luận nhận thức nào, cho dù nó có thể được trình bày trực diện hay không. Trong cả chủ nghĩa duy lý cổ điển lẫn chủ nghĩa kinh nghiệm mang hơi hướm duy vật, nhận thức được xem như kết quả hoạt động tư duy của chủ thể nhằm thấu hiểu thế giới bên ngoài. Nhưng nếu chủ nghĩa kinh nghiệm cố gắng nghiên cứu những tư tưởng của con người từ phương diện nội dung thì chủ nghĩa duy lý cổ điển lại chú trọng nghiên cứu khía cạnh lôgíc của các tư tưởng, quan tâm đến các hình thức khác nhau của chúng. Luận điểm xuất phát của chủ nghĩa duy lý là tư duy đồng nhất với tồn tại về mặt nội dung song cần phải tìm hiểu cơ sở của tồn tại ở các quy luật lôgíc chi phối nhận thức chân thực. Như vậy là chủ nghĩa duy lý có tham vọng xây dựng "khoa học của mọi khoa học" một cách tư biện. Trái lại, chủ nghĩa kinh nghiệm, do phát triển trong thời kỳ cơ học, luôn muốn song hành với khoa học khi hướng tới một số nguyên tắc chung của tồn tại dựa trên những dữ kiện của các khoa học thực nghiệm. Điểm chung của hai trường phái này là đều kiến thiết một hệ thống triết học dựa trên mối tương liên chủ thể - khách thể hay vấn đề nhận thức luận. Song họ bất đồng với nhau ở chỗ xác định nguồn gốc của nhận thức và cách tiếp cận nhận thức từ phía chủ quan hay khách quan. I.Kant nhận thấy rằng, đấu trường siêu hình học là nơi diễn ra sự đối lập gay gắt giữa nhận thức duy lý và nhận thức kinh nghiệm. Phái duy lý cực đoan thì tuyệt đối hoá nhận thức lý tính còn phái kinh nghiệm cực đoan thì tuyệt đối hoá nhận thức cảm tính. Cả hai thứ lý luận nhận thức đó suy cho cùng đều không xuất phát từ chủ thể mà xuất phát từ khách thể như là yếu tố tác động đến nhận thức thụ động của con người. Mặc dù chủ nghĩa kinh nghiệm của Locke trứ danh đã khởi đầu đúng hướng (xuất phát từ cảm giác) nhưng đã vội vàng khái quát quá sớm khi cho rằng chỉ có kinh nghiệm, thực nghiệm là đáng tin còn những gì ngoài kinh nghiệm, nhất là tri thức siêu hình, thì không có cơ sở vững chắc. I.Kant cho rằng cần phải làm một cuộc cách mạng thật sự trong nhận thức luận giống như N.Kopernic đã làm đối với khoa học tự nhiên. Điều đó sẽ giúp cho sự đối lập giữa chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm được giải quyết.

Như vậy, I.Kant đã có ý đồ xây dựng một triết học vượt lên trên cả chủ nghĩa duy lý lẫn chủ nghĩa kinh nghiệm mà ông gọi là triết học siêu nghiệm [Transcendentale Philosophie]. Thực chất là ông muốn tổng hợp những thành tựu của hai trường phái triết học này khi đặt ra vấn đề mới: phải làm gì để tìm ra những hình thức lôgíc tiên nghiệm mà nhờ chúng, lý tính của con người nắm bắt được nội dung của tri thức được nhận thức nhờ kinh nghiệm? Nói gọn thì đây là nhiệm vụ khảo sát lý tính bằng phương pháp siêu nghiệm (không phải giáo điều). Đồng nghĩa với việc phê phán lý tính là phê phán mọi khả năng của nhận thức, mọi tri thức muốn trở thành khoa học, và sâu xa hơn là bàn đến vấn đề chủ thể nhận thức như là ý nghĩa tối hậu của triết học. Nhiều học giả cho rằng, I.Kant là người chỉ đề cao tri thức giống như các nhà duy lý trước ông. Một số khác lại cho rằng I.Kant hạ thấp vai trò của tri thức, căn cứ vào việc ông thừa nhận phải dành chỗ cho đức tin. Nhưng xin lưu ý thời kỳ phê phán là nơi I.Kant nỗ lực đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy lý mà thời kỳ tiền phê phán ông ra sức bênh vực, còn đức tin của I.Kant mang âm hưởng niềm tin khoa học chứ không chỉ đơn thuần là niềm tin tôn giáo giống như thời Trung cổ. Thật sự thì I.Kant cố gắng tìm ra giới hạn của tri thức để trả lại cho nó vị trí vốn dĩ của nó nhằm tránh cho lý tính nguy cơ sa chân vào lầm lạc. Đối với ông, tính chất thực tiễn là khía cạnh đáng quan tâm hơn là nhận thức luận đơn thuần; bởi lẽ "sự thông thái nói chung chủ yếu thể hiện trong hành động hơn là trong tri thức". Tuy nhiên, I.Kant vẫn chỉ khuôn hành động thực tiễn trong giới hạn hành động của lý tính tìm ra chân lý theo cách mà J.J.Rouseau quan niệm. Đó là lý do vì sao I.Kant tâm đắc với tác phẩm Phê phán lý tính thực tiễn hơn Phê phán lý tính thuần tuý, mặc dù phê phán lý tính thuần tuý là công việc phải làm trước tiên nếu muốn đi tới mọi sự phê phán khác. Nói như thế không có nghĩa phê phán lý tính thuần tuý chẳng qua chỉ là bước dạo đầu, tạo tiền đề cho công việc phê phán tiếp theo. Mặc dù I.Kant đã ráo vè trong Phê phán lý tính thuần tuý rằng đây chỉ là một môn học dự bị nhưng ông đã làm được nhiều hơn thế. Nhiệm vụ phê phán này được I.Kant đặt ra và giải quyết chủ yếu trong Phê phán lý tính thuần tuý, được ông gọi là nhiệm vụ cơ bản của bất kỳ môn siêu hình học nào. Bản chất của nhận thức được phóng chiếu trên hai góc độ: một là, cơ sở nào để lý tính nhận thức được chân lý; hai là, lý tính thuần tuý có thể đem lại những tri thức khoa học như thế nào. Nội dung thứ nhất được I.Kant trình bày trong phần Học thuyết siêu nghiệm về các yếu tố cơ bản của nhận thức. Nội dung thứ hai được ông trình bày trong phần Học thuyết siêu nghiệm về phương pháp. ở đó bản chất của nhận thức trong quan niệm của I.Kant hiện rõ trong việc ông lần lượt kiểm tra các vật liệu của lý tính thuần tuý để tìm ra ở mỗi giai đoạn nhận thức bản chất tiên nghiệm biểu hiện như thế nào. I.Kant đã trình bày các vấn đề cơ bản của siêu hình học trên cơ sở nhận thức luận tiên nghiệm. Nhận thức luận hoá là con đường của siêu hình học truyền thống khi trình bày các vấn đề của nó. I.Kant khác ở chỗ đã cấp cho nó một hình thức mới - hình thức tiên nghiệm. Ông không bắt tay vào khảo sát thực thể (vật chất hay tinh thần) như các nhà siêu hình học trước đó mà tra hỏi về khả năng và phạm vi của lý tính thuần tuý. Lý tính thuần tuý ở I.Kant chưa được xem xét từ góc độ bản thể luận nên chưa có ý nghĩa là một thực thể; điều này về sau được G.V.F.Hegel thực hiện trong sự cải biến lý tính trở thành tuyệt đối (ý niệm tuyệt đối). Nói cách khác, I.Kant không đặt vấn đề "sự tồn tại của lý tính thuần tuý là gì?"; mà đặt câu hỏi theo một hướng khác, "lý tính thuần tuý tồn tại như thế nào trong chừng mực nó có thẩm quyền?". Như vậy cũng là đặt ra những khả năng và giới hạn của nhận thức nói riêng và của con người nói chung trên cơ sở những điều kiện tiên nghiệm của chủ thể. Cách triển khai này về sau được nhà hiện tượng học Edmund Husserl (1859-1938) gọi là cấm bản thể luận hoá cái tiên nghiệm.

I.Kant rất tự hào tuyên bố: "Nếu tồn tại một khoa học thực sự cần thiết cho con người thì đó là khoa học mà tôi đang giảng dạy, cụ thể là xác định cho con người một vị trí xứng đáng trong thế giới, từ đó có thể học được cái điều mà ai cũng phải học để làm người". Khoa học đó là triết học có mục đích tối cao là phơi mở bản chất con người (theo cách diễn đạt của M.Heidegger).

Khi xem xét hai tiền đề lý luận là chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa kinh nghiệm, I.Kant nhận thấy sự tranh cãi giữa họ có cơ không đi đến hồi kết thúc, làm dấy lên những thái độ khác nhau đối với siêu hình học. Phái duy lý mặc dù thừa nhận kinh nghiệm cảm tính cũng là một nguồn nhận thức nhưng chỉ là nhận thức sơ cấp, hời hợt và hỗn loạn, không thể đạt tới chân lý. Chính lý tính sẽ khắc phục điều này để đem lại những chân lý thuần lý (theo cách gọi của G.V.Leibniz) mà cảm tính phải phục tùng. Triết học của trường phái này xoay quanh chủ đề lý tính. Tuy nhiên, theo I.Kant, là thiếu sự phê phán, "đi vào quá sớm những vấn đề mà chưa có chút hiểu biết nào để tha hồ biện hộ, vắt óc tìm thêm những tư tưởng hay ý kiến về những chủ đề mà không ai trên thế gian này có hy vọng giải quyết được". I.Kant cho rằng, cần phải kiểm tra điều kiện khả thể của lý tính. Công cuộc đó chỉ có thể là công cuộc lý tính tự ý thức, tự phê phán để đảm bảo tính vững chắc ngay từ đầu trước khi giải quyết "các vấn đề không thể tránh khỏi của bản thân lý tính thuần tuý là Thượng đế, tự do và sự bất tử". Sự tranh cãi ngay giữa các nhà duy lý giáo điều đã làm xuất hiện các nhà kinh nghiệm hoài nghi muốn phủ nhận các cơ sở của mọi nhận thức thoát ly khỏi kinh nghiệm và muốn xoá bỏ siêu hình học. J.Locke được coi là người nỗ lực kết thúc cuộc tranh luận bất tận này nhưng không thành công - đấu trường siêu hình học vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó xuất hiện những người muốn trừng phạt siêu hình học bằng sự khinh thị bàng quan, không muốn nêu bất kỳ một câu hỏi siêu hình nào nữa. Nhưng những nhà khai sáng hời hợt này rốt cuộc cũng quay trở lại giáo điều nếu không biết đặt vấn đề một cách khác. Như vậy là I.Kant dần dần xác định nhiệm vụ phê phán của mình trên cơ sở "đảo ngược điểm nhìn" chọn lý tính làm trung tâm, từ đó kiến tạo tri thức về thế giới hiện tượng như nó vốn có song chưa được sắp xếp một cách khoa học. Bản chất của nhận thức loại này là chủ quan nhưng phải đảm bảo được "tính khách quan" cần thiết, là nhận thức cái tiên nghiệm có sẵn trong lý tính nhưng phải đảm bảo mở rộng tri thức khoa học của con người. Phương pháp khảo sát lý tính được I.Kant lựa chọn là phương pháp diễn dịch siêu nghiệm. Đối tượng khảo sát là lý tính nhưng I.Kant buộc phải xem xét nó thông qua những hình thức biểu hiện của nó là tri thức, do đó ông lựa chọn việc phân tích các tri thức toán học, vật lý học, và siêu hình học dưới dạng các phạm trù, các phán đoán và các suy luận.

Nói tóm lại, Phê phán lý tính thuần tuý mở đầu thời kỳ phê phán của I.Kant đã đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu lý tính, nghiên cứu bản chất của nhận thức, xuất phát từ ý hướng khắc phục những khiếm khuyết của chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa duy nghiệm đương thời. I.Kant tránh phê phán lý tính theo hướng phủ nhận hoàn toàn sạch trơn như một số nhà triết học kinh nghiệm cực đoan và các nhà khai sáng hời hợt đã làm. Đồng thời ông cũng phê phán việc sử dụng lý tính mà không có sự kiểm tra giới hạn khả thể của lý tính, dẫn đến sùng bái lý tính như chủ nghĩa duy lý cực đoan vẫn tuyên bố. Đặt lại vấn đề bản chất của nhận thức, I.Kant muốn trả lý tính trở về đúng vị trí của nó trong quá trình nhận thức của con người, trong mối liên hệ với cảm tính. Cao hơn, I.Kant muốn kết thúc sự tranh cãi bất tận của siêu hình học truyền thống bằng cách xây dựng điều kiện cho một môn siêu hình học mới - triết học khoa học. Cách đặt vấn đề và giải quyết của I.Kant trong Phê phán lý tính thuần tuý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm giai cấp tư sản Đức cần có lý luận mới dẫn đường, góp phần lớn trong việc hình thành nên những tư tưởng duy tâm và biện chứng về nhận thức của trào lưu triết học cổ điển Đức.