Ba ba là một loài rùa?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Rùa Hồ Gươm được cho rằng nặng 200kg với chiếc mai lớn trải dài 1,8m, rộng tới 1,2m. Hiện chưa được xác định giới tính và có tranh cãi khoa học về việc định danh.

Câu chuyện về Rùa Hồ Gươm trong truyền thuyết giờ có thêm 1 phiên bản mới. Phiên bản Ba ba Hồ Gươm. Từ một tranh luận khoa học trong ngành Phân loại học, với sự "quan tâm" của báo chí và dư luận, con rùa đang sống ở Hồ Gươm đã bị gán với nhiều tên gọi khác nhau. Để trả lời, chúng ta cần phải tìm hiểu từ cuộc tranh luận khoa học cơ bản khởi đầu.

Vị trí phân loại của rùa Hồ Gươm[sửa]

Để thuận tiện cho việc mô tả và nghiên cứu khoa học sự sống, các nhà khoa học thường xếp các cá thể sinh vật vào những tập hợp với các cá thể khác và đặt tên cho những tập hợp đó gọi là danh pháp khoa học. Tập hợp khoa học (đơn vị phân loại) thường sử dụng nhất là loài (species) với quan niệm chung là các các cá thể thuộc cùng một loài có thể dễ dàng quan hệ sinh sản với nhau, và các cá thể thuộc các loài khác nhau thì có rào cản sinh sản (không giao phối được, hoặc con lai tạo ra không có khả năng sinh sản). Nhiều loài có quan hệ gần gũi (có tổ tiên chung gần nhau) thì được xếp vào các đơn vị phân loại cao hơn: chi, họ, bộ, lớp, ngành.

Về mặt định danh của rùa Hồ Gươm, có 2 luồng ý kiến trái chiều:

  1. rùa hồ Gươm thuộc loài Rafetus swinhoei (họ Trionychidae, bộ Testudines)
  2. rùa hồ Gươm là một loài riêng so với loài Rafetus swinhoei nhưng vẫn thuộc họ Trionychidae, bộ Testudines

Đây là một tranh luận khoa học không đến mức phức tạp, nội dung của nó liên quan đến khái niệm "loài sinh học" (biological species) nghĩa là 2 cá thể A và B khác nhau về mặt sinh học đến mức độ nào thì trở thành 2 loài mới.

Sự phức tạp của thuật ngữ khoa học[sửa]

Từ một cuộc tranh luận đơn giản ở trên, sự rối rắm bắt đầu do tính không đồng nhất về mặt ngôn ngữ (đấy là việc đặc điểm tự nhiên và tất yếu của ngôn ngữ). Nghĩa là một vài từ ở ngôn ngữ này không có hoặc không tương đương với ngôn ngữ khác, mà ở đây là giữa tiếng Việt và tiếng Anh, cùng tiếng Latin (sử dụng trong danh pháp khoa học). Trong đó, tiếng Việt thể hiện đặc tính phong phú và đa dạng đã là trở ngại cho sự trong sáng của ngữ nghĩa.

Cụ thể, ở Việt Nam có nhiều từ để chỉ loài bò sát thuộc bộ Testudines là rùa, ba ba, giải, vích, đồi mồi.... Trong đó, rùa được cho là loài có mai cứng, thân thu vào bên trong; ba ba là loài mai mềm, thân nhô nhiều ra bên ngoài; ba ba có kích thước khổng lồ thì gọi là giải. Tất nhiên, những danh từ này là xuất phát từ lịch sử văn hóa và ghi nhận tự nhiên của người Việt. Nó có sự khác biệt với những khóa phân loại mang tính khoa học chính xác. Cụ thể:

  • Bộ Testudines được dịch là Bộ Rùa: bao gồm cả các loài rùa, ba ba, giải, vích, đồi mồi
  • Trong bộ Rùa có siêu họ, họ và phân họ nhỏ. Trong đó, họ Trionychidae được dịch là Họ Ba ba. Trong số các loài thuộc họ Ba ba ở Việt Nam thì có ba ba trơn (Pelodiscus sinensis Wegmann 1835), ba ba Nam Bộ (Amyda cartilaginea Boddaert 1770; theo Bourret 1941), ba ba gai (Trionyx steindachneri Siebenrock 1960) v.v.

Như vậy, nếu khai thác thông tin từ khóa phân loài quốc tế ta có thể kết luận: "Ở Việt Nam, ba ba là những cá thể bò sát thuộc bộ Rùa". Hoặc nói cách khác, "Không phải tất cả các loài bò sát thuộc bộ Rùa là rùa".

Tình hình sẽ còn trở nên phức tạp hơn khi chúng ta tham chiếu tiếng Anh vào trong mối quan hệ này. Điều này cũng cần thiết vì nhiều công bố khoa học của người Việt được viết bằng tiếng Anh cũng như nhiều bài báo trên phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam thường lấy tin từ các bài viết bằng tiếng Anh.

Trong tiếng Anh, turtles là những sinh vật bò sát thuộc bộ Testudines. Những turtles thuộc họ Trionychidae thường gọi là softshell turtles, trong đó softshell là để ám chỉ đặc điểm mai mềm .

Như vậy, nếu đối chiếu với tiếng Anh, ta có thể nói "Ở Việt Nam, ba ba là những con rùa mai mềm. Và giải là những con ba ba khổng lồ hay là những con rùa mai mềm nước ngọt khổng lồ".

Trong sách đỏ Việt Nam, trong họ Trionychidae chi Pelochelys chú thích là giải khổng lồ và chi Rafetus là giải, giải Thượng Hải. Loài Rafetus swinhoei được dịch sang tiếng Việt là Rùa mai mềm Thượng Hải hay rùa mai mềm khổng lồ sông Dương Tử.

Như vậy, tên gọi của con bò sát khổng lồ nặng 200kg với chiếc mai lớn trải dài 1,8m, rộng tới 1,2m sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc tranh luận khoa học nêu ở phần trước.


Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây