Cách giới thiệu, chào hỏi và phép lịch sự đối với phụ nữ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cách giới thiệu[sửa]

- Nếu hai người chưa quen biết, cần giới thiệu rõ họ tên và nghề nghiệp: ông Nguyễn Văn A, bác sĩ; bà Lê Thị Hoa, nhà giáo; cô Lê Nguyệt Lan, phiên dịch v.v... Khi cần giới thiệu cả chức vụ mà người được giới thiệu đang phụ trách; thí dụ: ông Nguyễn Văn A, bác sĩ, giám đốc Sở Y tế, v.v...

- Nên giới thiệu lúc đang còn đứng, chưa ngồi; người được giới thiệu nghiêng mình chào người mà mình được làm quen, và người được làm quen cũng nghiêng mình chào lại, nhưng người được giới thiệu không giơ tay bắt tay trước; chỉ bắt tay khi người mà mình được làm quen giơ tay ra trước; nếu trường hợp vì đãng trí, người mà mình được làm quen không giơ tay ra trước thì thôi không cần bắt tay nhau cũng được, vì hai người đã nghiêng mình chào nhau rồi.

- Trường hợp đã ngồi vào bàn rồi mới giới thiệu thì người giới thiệu đứng dậy khi giới thiệu, và người được giới thiệu sau khi người giới thiệu dứt lời thì đứng dậy nghiêng mình chào mọi người.

- Trong buổi gặp nhau trang trọng tại phòng khách, khi giới thiệu, chỉ nói miệng, không nên trao thiếp cho nhau trừ những buổi gặp thân mật.

- Cách giới thiệu:

+ Giới thiệu nam với nữ.

+ Giới thiệu nữ với người đứng tuổi, người theo tôn giáo.

+ Giới thiệu người trẻ với người già.

+ Giới thiệu cấp dưới với cấp trên.

+ Giới thiệu người đến sau cùng với người đã đến.

+ Không giới thiệu trẻ em với bất cứ người nào.

Cách tự giới thiệu[sửa]

- Muốn gặp gỡ và làm quen với một người mình chưa quen thì nghiêng mình chào người ấy trước và tự giới thiệu họ tên mình, nghề nghiệp và cả chức vụ nếu cần (về quân sự có thể tự giới thiệu quân hàm, thí dụ: thiếu tá, trung tá...).

- Nữ thanh niên bao giờ cũng tự giới thiệu với một bà chưa quen biết.

- Khi tự giới thiệu thì vừa nói, vừa nhìn vào mặt người mình tự giới thiệu, không nên miệng thì nói, mắt lại nhìn chỗ khác.

- Khi người này tự giới thiệu với người kia thì người kia cũng cần nhìn vào mặt người tự giới thiệu và cần giơ tay ra bắt tay trước.

Gửi lời chào[sửa]

- Khi nam giới nghiêng mình chào một bà, một cô nào đó (không nghiêng mình chào một cô gái còn trẻ), thì miệng nói một cách lịch sự: "Xin chào bà, chào cô".

- Khi nam giới hoặc nữ giới nghiêng mình chào một vị cao tuổi thì miệng nói: "Kính chào cụ ông, kính chào cụ bà".

Chào vào lúc nào?[sửa]

- Khi nam gặp nữ ở ngoài đường mà là người quen biết, thì nam nên chào trước, nếu là cặp tình nhân mà người nam thoáng nhìn chỉ quen một trong hai người, người nam nên tìm cách lảng tránh.

- Nếu bạn gặp một bạn quen thân đi cùng một số người mà bạn không quen biết, bạn nên chào trước tất cả nhóm người đó.

- Nếu người nào đó cảm ơn bạn đã giúp đỡ người đó một việc gì chẳng hạn, bạn cần trả lời lịch sự: "Không có gì".

- Khi người dưới chào người trên, người trên nên chào đáp lại.

- Trên thang gác bước vào phòng làm việc, nếu gặp một người nào đó không quen biết, nhưng cùng đi vào phòng làm việc, thì bạn nên chào trước.

- Khi bước vào phòng, người giúp việc nên chào trước chủ nhà.

- Khi tạm biệt, ở trong nhà hoặc ngoài đường, nên chào nữ trước, rồi nam sau.

Một vài điểm về chào cần chú ý[sửa]

- Lúc chào bạn thân, có thể chỉ gọi tên bạn kèm tiếng chào, thí dụ: "chào Nam", hoặc "chào anh bạn thân", "chào chị bạn thân"; nếu bạn thân đi cùng vợ mà người vợ mình chưa thật quen thì nói: "Chào Nam" và "Chào chị ạ", hoặc "Chào bà ạ!".

- Khi chào một cặp vợ chồng mà mình đã quen biết thì chào vợ họ trước.

Khi nào bỏ mũ?[sửa]

- Khi vào đình, chùa, nhà thờ, văn miếu, lăng tẩm, giáo đường, thì bỏ mũ cầm tay từ lúc vào đến lúc ra.

- Khi đi qua đám rước, đám ma, thi hài hoặc quan tài người quá cố.

- Khi đi qua một đội quân ngũ có mang theo quốc kỳ, một đám đông người lớn hoặc trẻ em có mang theo quốc kỳ.

- Khi đi qua những nơi đang hát bài quốc ca.

- Khi qua đài liệt sĩ hoặc các tượng đài ghi công những anh hùng, liệt sĩ đã có công lao to lớn với đất nước.

- Khi đi vào một thang máy.

- Khi đi vào nhà khách, khách sạn, tiệm ăn, tiệm càphê, nước chè, rạp hát.

- Khi đến cửa hàng, đứng trước người bán hàng là nữ cần phải bỏ mũ khi hỏi mua hàng.

- Khi gặp một người mà mình muốn hỏi thăm người ấy về đường sá.

Hôn tay nữ như thế nào?[sửa]

- Nam hôn tay nữ là điều thông thường hiện nay trên thế giới. Người dân châu Âu giải thích đây không phải là nụ hôn, mà là sự nhẹ nhàng lịch sự thơm trên bàn tay người phụ nữ.

- Người nam nhẹ nhàng nghiêng mình xuống, người nữ giơ bàn tay phải ra (thường tay người nữ đã phảng phất có mùi nước hoa), để sấp mặt bàn tay xuống (cần bỏ găng tay nếu tay đeo găng; cũng có khi nữ giơ bàn tay trái).

- Người nam không nâng cao bàn tay nữ lên, mà nhẹ nhàng đỡ lấy bàn tay nữ (không nắm chặt) thơm nhẹ lên mu bàn tay, chỉ cần môi của nam chạm làn da bàn tay của nữ là đủ.

- Lúc đến và lúc đi, lúc ở trong phòng chiêu đãi và phòng làm việc, nam có thể hôn tay bà chủ nhà, một số bà quen thân.

- Không hôn tay các cô còn con gái, không hôn tay ở ngoài đường phố.


<< Mục lục

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.