Cúm lợn: Hướng dẫn và tài nguyên thông tin cho bác sĩ lâm sàng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tác giả: TS. Susan B. Yox

Cúm lợn là một bệnh lý hô hấp xuất hiện lợn gây nên bởi một số chủng virus cúm A và có mức độ lây nhiễm rất cao. Các đợt bùng phát bệnh thường hay gặp ở lợn, xảy ra quanh năm. Trong quá khứ, nhiễm trùng ở người là do tiếp xúc trực tiếp với động vật bị bệnh. Virus cúm hiện nay là một chủng virus cúm mới được định danh là một dưới type của cúm A (H1N1). Virus này trước đây không thấy ở người hay lợn. Điều quan trọng hơn nữa là chủng virus này dường như lây truyền từ người sang người.

Rất có thể là tất cả mọi người, đặc biệt là những người không có tiếp xúc thường xuyên với lợn, đều không có bất kỳ miễn dịch nào chống lại các virus cúm lợn. Như vậy, một điều đáng quan ngại là khi sự lây truyền từ người sang người đã được thiết lập thì một đại dịch có thể xảy ra.

Chính phủ và các quan chức ngành y tế đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay trên toàn thế giới để đánh giá chính xác mối nguy cơ từ cúm lợn và đưa ra những hướng dẫn thích hợp cho nhân viên y tế cũng như cho cộng đồng. Vì tình hình thay đổi rất nhanh chóng cho nên chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên những thay đổi trong các khuyến cáo ngay sau khi thông tin được công bố.

Bài báo này được viết dựa trên hướng dẫn và các nguồn tài nguyên thông tin được cung cấp từ Trung Tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh của Hoa Kỳ (CDC) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Những thông tin này được đúc kết ở đây với mục đích cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng những thông tin thiết thực cho công tác thực hành liên quan đến cúm lợn.

Cúm lợn có biểu hiện lâm sàng như thế nào?[sửa]

Những người nhiễm cúm lợn cũng có những biểu hiện như cúm thông thường với các triệu chứng của một bệnh lý hô hấp cấp. Các triệu chứng bao gồm ít nhất hai trong số sau:

- Chảy mũi nước hay nghẹt mũi;

- Đau họng;

- Ho;

- Sốt.

Ngoài ra, những người mắc cúm lợn có thể có những triệu chứng điển hình khác của cúm như đau nhức mình mẩy, nhức đầu, ớn lạnh, mệt mỏi và có thể tiêu chảy và nôn mửa.

Những người nào có nguy cơ cao mắc cúm lợn?[sửa]

Trung tâm CDC khuyến cáo rằng các bác sĩ lâm sàng nên đặc biệt chú ý khả năng mắc cúm lợn A (H1N1) những bệnh nhân có sốt và các triệu chứng hô hấp mà:

- Sống trong những khu vực của Hoa Kỳ mà tại đó các trường hợp nhiễm cúm A H1N1 ở người đã được khẳng định. (Để cập nhật những thông tin mới nhất về các vùng có người mắc bệnh đã được xác định, xin truy cập trang web: http://www.cdc.gov/swineflu/index.htm)

- Những du khách mới ở Mexico về hoặc có tiếp xúc với những người mắc các bệnh lý hô hấp có sốt và đã ở những vùng có dịch của Hoa Kỳ hoặc đã ở Mexico trong vòng bảy ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng.

Ngoài ra, một người có bệnh lý hô hấp cấp và gần đây có tiếp xúc với động vật đã được xác định mắc cúm lợn cũng cần được đưa vào danh sách người có nguy cơ cao ((http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm).

Mức độ nặng của cúm lợn như thế nào?[sửa]

Rất nhiều trường hợp mắc cúm lợn có thể có triệu chứng nhẹ nhàng hoặc thậm chí là không có triệu chứng gì. Trong quá khứ, có một số trường hợp cúm lợn đã được phát hiện một cách rất tình cờ khi theo dõi thường quy các trường hợp cúm thông thường theo mùa. Hầu hết các trường hợp cúm lợn ở Hoa Kỳ cho đến nay đều tương đối nhẹ. Tuy nhiên ở Mexico rất nhiều bệnh nhân lại có biểu hiện nặng nề hơn nhiều gặp ở người trẻ tuổi bao gồm cả viêm phổi, suy hô hấp và hội chứng nguy ngập hô hấp cấp (ARDS). Ở Mexico người ta cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do cúm lợn. Vào thời điểm hiện tại, rất khó để xác định một cách rõ ràng tại sao lại có sự khác biệt như vậy. Trong giai đoạn sớm của vụ dịch, khó có thể đánh giá được hết mức độ trầm trọng của bệnh vì tổng số người mắc chưa có thể xác định chính xác.

Làm thế nào để chẩn đoán cúm lợn?[sửa]

Các bệnh phẩm khuyến cáo: nếu nghi ngờ một người mắc cúm lợn, cần phải lấy bệnh phẩm đường hô hấp để xét nghiệm. Trong điều kiện lý tưởng thì phương pháp tốt nhất là hút dịch tiết mũi hầu hoặc dịch rửa mũi đua vào môi trường cấy virus. Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo sử dụng que quẹt niêm mạc mũi Dacron để giảm sự phát tán virus trong không khí. Nếu không lấy được bệnh phẩm này thì có thể dùng que quẹt niêm mạc mũi và hầu vì phương pháp này cũng có thể chấp nhận được và có thể thực hiện được ở bất cứ cơ sở y tế nào. (Tốt nhất nên dùng que quẹt niêm mạc mũi có đầu bằng chất liệu tổng hợp và thân nhôm hoặc thân nhựa. Các quẹt niêm mạc mũi hầu có đầu cô tông và thân gỗ không được khuyến cáo. Không được phép lấy bệnh phẩm bằng các quẹt niêm mạc mũi hầu làm bằng alginate calci).

Bệnh phẩm cần được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 4°C (không được làm đông) hoặc ngay lập tức đặt trên nước đá hoặc túi lạnh để mang đến phòng xét nghiệm. Một khi đã thu thập được bệnh phẩm, cần liên hệ ngay với các trung tâm phòng dịch địa phương hoặc cấp tiểu bang để vận chuyển bệnh phẩm và có chẩn đoán chính xác.

Các xét nghiệm được khuyến cáo: CDC hiện nay khuyến cáo “sử dụng phương pháp real time RT-PCR để phát hiện cúm A, B, H1, H3 ở các phòng xét nghiệm y tế cấp tiểu bang. Hiện nay, cúm lợn A (H1N1) sẽ dương tính với cúm A và âm tính đối với H1 và H3 nếu sử dụng phương pháp real-time RT-PCR. Nếu phản ứng của real-time RT-PCR với cúm A rất mạnh thì có thể đó là một chủng virus cúm A mới. Chẩn đoán xác định cúm lợn A (H1N1) hiện nay được thực hiện tại CDC nhưng sẽ sớm thực hiện được tại các phòng xét nghiệm y tế công cộng cấp tiểu bang.

Xét nghiệm nhanh phát hiện cúm: xét nghiệm nhanh phát hiện cúm lợn cũng có giá trị tương tự như đối với các loại cúm thông thường theo mùa có nghĩa là độ nhạy thay đổi tùy theo nhà sản xuất từ 50% đến 70% các trường hợp (không tốt hơn phương pháp sử dụng sốt và ho như là một xét nghiệp chẩn đoán trong mùa cúm). Như vậy nếu xét nghiệm nhanh chẩn đoán cúm âm tính cũng không thể nói rằng người được xét nghiệm không có cúm. (Để biết thêm chi tiết, xin xem thêm trang web: http://www.cdc.gov/flu/professionals/diagnosis/rapidlab.htm)

Các xét nghiệm chẩn đoán nhanh có thể phân biệt được giữa cúm A và cúm B. Một bệnh nhân dương tính với cúm A trên xét nghiệm nhanh có thể đang mắc cúm lợn nhưng nếu âm tính thì có thể đó chỉ là một trường hợp âm tính giả. Chính vì vậy mà không được kết luận rằng người này không mắc cúm lợn và không cần làm các xét nghiệm tiếp theo.

Các xét nghiệm khác: các xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang (DFA hoặc IFA) có thể phân biệt giữa cúm A và cúm B. Một bệnh nhân dương tính với cúm A trên xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang có thể đang mắc cúm lợn nhưng nếu xét nghiệm âm tính thì có thể đó chỉ là một trường hợp âm tính giả. Chính vì vậy mà không được kết luận rằng người này không mắc cúm lợn và không cần làm các xét nghiệm tiếp theo.

Phân lập virus cúm A (H1N1) bằng phương pháp nuôi cấy virus cũng cho kết quả chẩn đoán xác định nhưng thường chậm và không đáp ứng được yêu cầu của nhà lâm sàng. Cấy virus âm tính cũng không loại trừ được cúm A (H1N1). Để cập nhật thông tin về các xét nghiệm được khuyến cáo, xin thường xuyên truy cập trang web: http://www.cdc.gov/swineflu/specimencollection.htm)

Điều trị cúm lợn như thế nào?[sửa]

Theo CDC, cúm lợn A (H1N1) nhạy cảm với các thuốc kháng virus ức chế enzyme neuraminidase như zanamivir và oseltamivir. Cúm lợn A (H1N1) đề kháng với amantadine và rimantadine (http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm). Điều trị cúm lợn A được khuyến cáo như sau:

Trong trường hợp nghi ngờ: điều trị bằng zanamivir đơn độc hoặc phối hợp với oseltamivir và với amantadine hoặc rimantadine ngay sau khi có triệu chứng và điều trị kéo dài trong 5 ngày.

Trong trường hợp chẩn đoán xác định: Điều trị 5 ngày bằng zanamivir hoặc oseltamivir.

Ở phụ nữ có thai: các thuốc chống virus được xếp vào phân loại C do vậy chúng chỉ được dùng một khi lợi ích của điều trị lớn hơn nguy cơ có thể xảy ra cho phôi hoặc thai.

Trẻ em nhỏ hơn 1 tuổi: vì nhũ nhi có nguy cơ cao tử vong do cúm nên trẻ trong lứa tuổi này mắc cúm lợn A (H1N1) có thể có lợi khi điều trị bằng oseltamivir.

Hướng dẫn cụ thể về điều trị bằng thuốc kháng virus trong cúm lợn có thể truy cập được ở địa chỉ: http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm).

Có nên dự phòng thuốc kháng virus ở các cộng đồng đặc biệt không?[sửa]

CDC khuyến cáo nên sử dụng thuốc kháng virus dự phòng trong vòng 7 ngày sau lần tiếp xúc gần nhất với một trường hợp bệnh cúm A (H1N1) đã được chẩn đoán xác định. Xem thêm thông tin về liều lượng và cách dùng tại http://www.cdc.gov/flu/professionals/antivirals/dosagetable.htm#table. Cụ thể, CDC khuyến cáo các cộng đồng sau nên sử dụng biện pháp uống thuốc dự phòng cúm:

1. Những người trong nhà có tiếp xúc mật thiết với một người đã được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ cúm lợn và có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng một khi mắc cúm (người mắc các bệnh lý nội khoa mạn tính, người già).

2. Trẻ em lứa tuổi học đường có nhiều nguy cơ xuất hiện các biến chứng một khi mắc cúm (trẻ có mắc các bệnh lý nội khoa mạn tính) mà có tiếp xúc trực tiếp (mặt đối mặt) với một trường hợp nghi ngờ hoặc đã chẩn đoán xác định cúm A.

3. Các du khách đến Mexico mà có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng một khi mắc cúm (người mắc các bệnh lý nội khoa mạn tính, người già).

4. Những người làm việc gần biên giới với Mexico mà có nguy cơ cao xuất hiện các biến chứng một khi mắc cúm (người mắc các bệnh lý nội khoa mạn tính, người già).

5. Các nhân viên y tế hoặc nhân viên y tế cộng đồng không được bảo vệ khi có tiếp xúc trực tiếp với một người đã xác định mắc cúm lợn A (H1N1) trong thời kỳ lây nhiễm. (Thông tin chi tiết có thể xem tại http://www.cdc.gov/swineflu/recommendations.htm)

Cúm lợn có thể lây nhiễm trong bao lâu?[sửa]

Những người mắc cúm lợn có thể lây lan bệnh 01 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 07 ngày sau khi khởi bệnh.

Những lưu ý nào cần tuân thủ trong các cơ sở y tế?[sửa]

Những bệnh nhân nghi ngờ hoặc đã được chẩn đoán xác định nhiễm cúm lợn A (H1N1) cần nhập viện cần được cách ly ở phòng riêng và phòng đơn đóng kín cửa. Người bệnh khi đi khỏi phòng phải mang khẩu trang. Nhân viên y tế cần thực hiện và duy trì các quy định chuẩn, quy định về xử trí chất thải đường hô hấp cũng như những lưu ý về tiếp xúc trong 7 ngày sau khi khởi bệnh hoặc cho đến khi triệu chứng hồi phục hoàn toàn ((http://www.cdc.gov/swineflu/guidelines_infection_control.htm).

Người dịch: TS.BS. Lê Minh Khôi

Dịch từ: Susan B. Yox. Swine Flu: Guidance and Resources for Clinicians. Medscape Infectious Diseases. Published: 04/28/2009. http://www.medscape.com/viewarticle/702050.

Liên kết đến đây