Cổ học tinh hoa. Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân/197

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

NGƯỜI VỢ HIỀN MINH

Vợ Nhạc Dương Tử là một bực hiền minh. Dương Tử một hôm đi đường, bắt được lọ vàng người ta đánh rơi, mừng rỡ đem về đưa cho vợ.

Vợ nói: Thiếp trộm nghe người chí sĩ không uống nước "Đạo toàn", người liêm khiết không nhận của ăn “Ta lai”. Chàng nay nhặt của rơi đường đem về cầu lợi, để ô uế phẩm hạnh, thử nghĩ có nên không?

Dương Tử nghe nói, thẹn quá, liền đem lọ vàng bắt được bỏ ra ngoài đồng. Rồi đi xa, tìm thầy để học.

Đi học mới được một năm, Dương Tử về chơi nhà. Vợ quì xuống trước mặt, hỏi rằng:

- Chàng có việc gì mà về nhà?

- Dương Tử nói:

Ta đi lâu nhớ nhà thì về, chẳng có việc gì cả.

Vợ cầm con dao đến chỗ khung cửi nói rằng:

- Lụa đang dệt đây là phải làm tự lúc nuôi tằm, ươm tơ cho đến lúc mắc lên được khung cửi. Nếu đánh đứt một sợi mà đứt mãi, thì đứt đến hàng tấc, đứt hàng tấc mà đứt mãi, thì đứt đến hàng thước, hàng trượng, hàng cả tấm. Nên bây giờ mà thiếp chặt đoạn đang dệt đây, thì bao nhiêu công phu ngày giờ từ trước đến nay đều mất hết cả. Chàng đi học là để trở lên một bực người giỏi, nếu đang học mà bỏ về, thì khác gì tấm lụa đang dệt đây mà chặt đi vậy.

Dương Tử thây nói, cảm động lắm, đi học luôn bảy năm đến tốt nghiệp mời về.

Vợ ở nhà chăm chỉ làm ăn trong bấy nhiêu năm, vừa nuôi nấng mẹ chồng, vừa nuôi cho chồng ăn học.

Nhạc Dương Tử nhờ có người vợ hiền như thế mà sau được quí hiển.

"HẬU HÁN THƯ

NHẠC DƯƠNG TỬ TRUYỆN"

GIẢI NGHĨA[sửa]

- Hiền minh: có tài, có nết sáng suốt công việc.

- Chí sĩ: người có khí tiết.

- Đạo toàn: tên một cái suối ở huyện Tứ Thuỷ, tỉnh Sơn Đông. Đạo toàn nghĩa đen là cái suối ăn trộm, tên nghe đáng ghét, cho nên khát cũng không muốn uống nước ấy.

- Ta lai: thương rằng cùng khổ đói khát mà gọi lại cho ăn, và có ý khinh bĩ.

- Ô uế: nhem nhuốc bẩn thỉu.

- Tốt nghiệp: làm xong một nghề nghiệp gì.

- Quí hiển: sang trọng vẻ vang.

NHỜI BÀN[sửa]

Cứ theo nhẽ thường, cái gì nên làm thế nào, thì người đàn ông đáng phải biết tự chủ chương lấy, không cần đợi người đàn bà giáo hoá rồi mới chịu cải tâm, cải tính. Tuy vậy lắm khi phải có sự thích khích mềm mại ở ngoài vào, thì mới dễ khiến người ta phấn chấn lên mà cố sức làm cho nên việc.

Như vợ Dương Tử đây thật là khéo biết dạy chồng làm cho chồng thành ra được người có khí lại có chí và sau quý hiển được. Đúng với những câu tục ngữ cổ “Khôn vì vợ“, “Sang vì vợ” lắm.

Liên kết đến đây