Chăm sóc trẻ sơ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bs. Võ Đức Minh

Muốn có một đứa con khỏe mạnh, các bà mẹ cần chú ý chế độ ăn uống và sinh hoạt ngay từ khi mang thai. Việc sinh hoạt điều độ, tránh dùng các chất kích thích, khám thai định kỳ (tuần thứ 12, 22 và 32), dùng đúng thuốc theo đơn cũng góp phần không nhỏ giúp bạn sinh một đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc sinh ra một đứa con khỏe mạnh không đồng nghĩa với việc có một đứa con khỏe mạnh, thông minh trong tương lai. Sự chăm sóc con ngay từ thời kỳ sơ sinh có vai trò vô cùng quan trọng giúp bạn thực hiện thành công mong muốn đó.

Thời kỳ sơ sinh là từ khi trẻ ra đời cho đến hết tuần thứ 4 sau đẻ. Đây là thời kỳ chuyển tiếp cuộc sống trong tử cung hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ từ sự phát triển tới mọi hoạt động cơ thể của thai nhi sang cuộc sống tự lập bên ngoài tử cung của trẻ.

Trong thời kỳ sơ sinh trẻ có những đặc điểm về mặt sinh lý và bệnh lý riêng. Đặc điểm sinh lý và bệnh lý của trẻ thay đổi theo từng tuần. Khác hẳn với trẻ lớn, đặc điểm sinh lý và bệnh lý còn phụ thuộc vào bản thân đứa trẻ. Việc chăm sóc các trẻ đủ tháng, hay non tháng hay già tháng, hay trẻ có cân nặng thấp, hay trẻ có kèm dị tật bẩm sinh rất khác nhau nhưng đều trên nguyên tắc vô khuẩn và sữa mẹ.

Trẻ sơ sinh đủ tháng là trẻ có tuổi thai đã phát triển trong tử cung 38 đến 42 tuần. Những trẻ đủ tháng có cân nặng lúc đẻ < 2,5 kg là trẻ có cân nặng thấp.

Một trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh, cân nặng càng thấp, càng non tháng hoặc càng già tháng báo hiệu một liệu trình chăm sóc và điều trị hết sức phức tạp và khó khăn.

Cần phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh cần phải cấp cứu kịp thời như không có hậu môn hoặc teo thực quản bẩm sinh nếu thấy trẻ không đại tiện phân su trong 24 giờ sau đẻ hoặc nôn trớ, tím tái sau mỗi lần bú.

Trẻ đủ tháng khỏe mạnh cần cho bú mẹ đầy đủ, càng sớm càng tốt, bú theo nhu cầu của trẻ. Việc cho trẻ bú sớm vô cùng hữu ích vừa tận dụng được sữa non có nhiều năng lượng protein và vitamin A, đồng thời có nhiều chất kháng khuẩn tăng cường miễn dịch cho trẻ. Sữa non có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân su nhanh, ngăn chặn vàng da. Sữa non tiết ra tuy ít nhưng chất lượng cao thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Không những thế việc cho trẻ bú sớm còn kích thích việc tiết sữa và co bóp tử cung của người mẹ giúp cho việc cầm máu được tốt hơn. Hãy tạo sự thoải mái khi cho trẻ bú, nhất là trong những ngày đầu cần hướng dẩn bé tìm núm vú, khơi dậy phản xạ “tìm vú” của bé bằng cách dùng ngón tay hay đầu vú chạm vào môi hay khóe miệng của bé để kích thích phản xạ tìm vú. Hãy để đầu vú của mẹ dọc theo lưỡi của bé, giúp vú có thể tiết sữa, đưa hẳn núm vú vào miệng bé. Để có đủ sữa bà mẹ cần ăn uống đúng cách, khi đói cần phải ăn và khi khát cần phải uống, cố gắng đừng để cơ thể ở trạng thái quá mệt mỏi. Trong giai đoạn cho trẻ bú, người mẹ sẽ cảm thấy đói hơn bình thường. Cơ thể bạn cần thêm 800 calo mỗi ngày và đừng ăn kiêng trong khi cho con bú. Điểm quan trọng cần lưu ý khi pha sữa cho trẻ bú bình là luôn phải vệ sinh toàn bộ dụng cụ pha sữa, rửa tay trước khi pha sữa. Khi cho trẻ bú bình cần tìm tư thế thật thoải mái, tự nhiên, trước khi cho bú cần kiểm tra nhiệt độ của sữa. Cầm bình sữa nghiêng theo một góc sao cho bé đừng nuốt không khí cùng với sữa. Sau khi bú không nên giữ lại phần sữa thừa vì số sữa này đã bị nhiễm nước miếng của trẻ. Nếu nuôi bằng sữa bột hoàn toàn thì nên dùng thêm vitamin D sớm, uống mỗi ngày từ 1500 đến 2000 đơn vị. Mặc quần áo bằng vải sợi bông, mềm sạch sẽ, mặc đủ ấm, tránh hạ thân nhiệt hoặc quá nóng làm trẻ ngủ không ngon giấc. Nên mở băng rốn sớm, hàng ngày lau cuốn rốn bằng cồn iod 1% cho sạch sẽ và chóng khô, dễ rụng. Sau khi rốn rụng, vẫn nên lau rốn hàng ngày bằng bông thấm cồn iod sau khi tắm, không để rốn ướt, bẩn vì rất dễ gây viêm động tĩnh mạch rốn và nhiễm trùng máu. Cũng cần phải nhỏ mắt hàng ngày và sau khi tắm bằng Chloramphenicol 0,4% ít nhất 1 tuần sau khi đẻ thường và ở những trẻ có bà mẹ bị nhiễm khuẩn đường sinh dục. Nên cho uống ít nước sôi để nguội sau khi bú hoặc lau lưỡi bằng tăm bông thấm nước muối sinh lý, theo dân gian có thể lau bằng mật ong, nước lá rau ngót … để tránh tưa. Nếu thấy tưa lưỡi (trên mặt lưỡi phủ một lớp trắng, dày hơn sữa cặn) thì phải dùng Nystatin hoặc glycerin borat để lau lưỡi sớm, nếu để lâu trẻ sẽ bỏ bú, có thể gây tiêu chảy, viêm phổi do nấm rất khó điều trị. Đừng quên tiêm phòng BCG và Vitamin K cho trẻ với mục đích phòng lao và phòng xuất huyết sơ sinh. Hãy đánh giá việc chăm sóc của bạn bằng việc trẻ bú tốt, chơi ngoan, ngủ yên giấc và tăng cân đều đặn. Cuối tháng ít nhất trẻ phải tăng 600 g so với khi đẻ (trẻ em Việt Nam tháng đầu nếu được nuôi dưỡng tốt có thể tăng tới 1000-1500 g).

Khi thấy trẻ vàng da thì việc theo dõi hết sức chặt chẽ nếu thấy vàng da tăng nhanh, có vàng mắt hoặc vàng da xuất hiện trước ngày thứ 3, thì cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị ngay. Một số trẻ có thể bị sưng 2 vú nhưng không đỏ, sờ thấy tròn mềm, hơi chắc như hạch, đó là sữa non của tuyến vú, không được nắn, chỉ cần giữ sạch tránh nhiễm khuẩn có thể thành áp xe vú. Sau 10-15 ngày sẽ tự tiêu không cần điều trị gì. Ở một số trẻ gái có hiện tượng ra vài giọt máu ở cửa mình, số lượng không nhiều và không có xuất huyết nơi khác thì không đáng lo ngại, chỉ cần cho vitamin K 1-2 mg tiêm bắp, giữ vệ sinh sạch sẽ cửa mình để tránh nhiễm khuẩn. Hai hiện tượng này do ảnh hưởng nội tiết tố của mẹ sang con, nó sẽ tự mất đi sau 1-2 tuần. Để đảm bảo vệ sinh sạch sẽ cho bé hãy tắm cho bé hàng ngày. Phòng tắm cho bé phải đủ ấm (nhiệt độ 20-24 0C), kín gió. Đối với các bà mẹ mới sinh (đặc biệt trong 3 tháng đầu) do thay đổi nội tiết tố và cơ thể còn yếu nên cần thận trọng khi làm các việc nặng như bồng bé tắm, do vậy thật là cần thiết khi có người nhà phụ giúp tắm bé trong giai đoạn này. Không nhất thiết phải tắm cho bé vào giờ nào, nhưng tốt nhất là trước khi cho trẻ bú. Không tắm cho trẻ khi trẻ đang đói hoặc la khóc nhiều không chịu tắm. Bạn cũng có thể gội đầu thường xuyên cho trẻ mỗi khi tắm để giữ cho tóc và da đầu luôn sạch, không bị chốc lỡ. Nên dùng các loại dầu gội đầu không gây dị ứng, chỉ dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Nếu thấy các mụn phỏng nốt mủ (dân gian gọi là kê) chứng tỏ việc vệ sinh của bạn cho bé chưa tốt. Các nốt hay mọc ở trán, gáy, cổ, nách, bẹn, nếu không điều trị kịp thời sẽ lan ra toàn thân. Lúc đầu các nốt nhỏ bằng đầu các đinh ghim, mọc đều có nước trong, nông ở ngoài da, sau nước mụn trở nên đục, 2-3 ngày khô đi, để lại vảy trắng. Rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời vì các nốt này có thể bị bội nhiễm, lan rộng và trở thành viêm loét da gây nhiễm trùng máu. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị hết sức đơn giản chỉ cần tắm hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng trẻ sơ sinh, mặc quần áo mềm vô khuẩn, luôn giữ cho da sạch. Nếu các nốt mủ to, nên chấm bằng xanh methylen. Nói chung loại viêm da này thường nhẹ và nhanh khỏi. Phòng bệnh tốt nhất là tắm cho sạch lớp gây ngày thứ hai sau đẻ, hàng ngày nên tắm cho trẻ, không nên chỉ tắm bằng nước chè, nước pha chanh hoặc chỉ lau mà không tắm.

Với các trẻ đẻ non, cân nặng thấp, già tháng, ngoài việc chăm sóc và nuôi dưỡng cần thực hiện tốt và đầy đủ như đối với trẻ đủ tháng, cần phải lưu ý thêm tình trạng bệnh lý riêng biệt. Ở những trẻ này thường gặp nhiều nguy cơ, bệnh lý phức tạp và khó điều trị hơn trẻ đủ tháng. Trong đó nguy cơ hạ thân nhiệt hạ đường máu, nhiễm trùng sơ sinh, suy hô hấp là thường gặp hơn cả. Vì vậy nguyên tắc vô khuẩn và sữa mẹ được quan tâm chặt chẽ hơn bao giờ hết. Cho ăn sớm và đầy đủ, ủ ấm, vô khuẩn đã hạn chế được rất nhiều nguy cơ này. Trẻ càng có cân nặng thấp, ít ngày tuổi thì càng cần cho ăn nhiều bữa, số lượng mỗi bữa ăn tăng dần tùy theo tình trạng thích nghi của trẻ. Có thể dùng phương pháp ủ ấm cho trẻ tại nhà bằng lò sưởi hoặc theo phương pháp chuột túi (Kangaroo) (đặt áp trẻ vào ngực mẹ để da sát vào da). Cũng nên quan sát nhịp thở của trẻ khi ngủ, nếu nhịp thở không đều thường xuyên thì cần đưa trẻ đến khám và điều trị tại đơn vị chuyên khoa sơ sinh.

Xem thêm[sửa]

  1. Bệnh màng trong
  2. Các thuốc sử dụng phối hợp trong Thở máy Sơ sinh
  3. Đánh giá chức năng phổi sơ sinh
  4. Tăng áp phổi tồn tại sơ sinh
  5. Nhi khoa
  6. Sơ sinh
  7. Dịch và các chất điện giải trẻ Sơ sinh
  8. Lịch Tiêm chủng
  9. Vàng da Sơ sinh

Liên kết đến đây