Dạy học với giáo án điện tử

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Thưa các bạn, dạy học với Giáo án điện tử hiện nay đã và đang trở thành một phong trào sôi nổi ở các trường Phổ thông.

Vậy giáo án điện tử là gì? Có lẽ chưa có một định nghĩa chính thức nào từ ngành Giáo dục cho khái niệm này. Nhưng theo nhận xét riêng của chúng tôi, hiện nay ở các trường phổ thông, khi nói đến sử dụng giáo án điện tử trong dạy học thì hầu như có nghĩa là giáo án được biên soạn trên máy tính bằng một phần mềm chuyên dụng, sau đó nhờ thiết bị máy chiếu (projector) kết nối với máy tính, để xuất nội dung giáo án ra màn ảnh lớn cho học sinh xem trong quá trình dạy học

Có nhiều phần mềm khác nhau có thể dùng cho mục đích này, nhưng được sử dụng nhiều hơn cả vẫn là phần mềm PowerPoint của Microsoft.

Sở dĩ PowerPoint được ưa dùng trong mục đích này là nhờ:

  1. Ưu thế về tính tương thích cao với hệ điều hành Windows (là hệ điều hành phổ biến trên các máy PC ở VN).
  2. Khả năng hỗ trợ multimedia rất mạnh.
  3. Sự đa dạng về hiệu ứng, nhưng sử dụng hiệu ứng lại đơn giản.
  4. Tính nhất quán trong bộ MS Office giúp người đã biết dùng WinWord dễ dàng sử dụng PowerPoint.

Giới thiệu sơ về sản phẩm PowerPoint:

Năm 1984, Bob Gaskin, một nghiên cứu sinh về khoa học máy tính tại đại học Berkeley (tiểu bang California), và các cộng sự của ông đã sáng tạo ra phần mềm PowerPoint

Tên ban đầu của phần mềm này là Presenter. Khi đăng ký thương hiệu, sản phẩm được đổi tên là PowerPoint như hiện nay.

Phiên bản đầu tiên bán ra trên thị trường là PowerPoint 1.0, vào tháng 4 năm 1987, dùng cho các máy MAC. Tất nhiên vào thời điểm đó Powerpoint khác phiên bản hiện nay rất xa. Nó chỉ cho phép tạo các trang văn bản và đồ họa dể in ra trên giấy phim (transparent film) và trình chiếu bằng các máy chiếu Overhead.

Phiên bản PowerPoint đầu tiên cho Windows xuất hiện vào năm 1990.

Để sở hữu PowerPoint, Microsoft đã phải trả cho công ty Forethought của Bob Gaskin 14 triệu đô la.

Theo ước tính của Microsoft, trung bình mỗi ngày trên thế giới có ít nhất 30 triệu phiên trình chiếu bằng PowerPoint, tức là mỗi giây có khoảng 347 phiên trình chiếu!

1) Vị trí của PowerPoint trong quá trình dạy học với giáo án điện tử:

Có thể xem quá trình dạy học như một quá trình thông tin 2 chiều:

Kiến thức cần truyền thụ được chuyển giao từ Giáo viên đến học sinh và thông tin phản hồi từ học sinh đến Giáo viên. Chú ý rằng kênh thông tin phản hồi không chỉ diễn ra sau tiết dạy mà nó có thể (và cần thiết) diễn ra thường xuyên ngay trong tiết dạy.

Trong dạy học trước đây, kiến thức cần truyền thụ được Giáo viên chuyển giao cho học sinh thông qua các phương tiện truyền thống như: đọc, nói, viết ,…Và thông tin phản hồi nhận được cũng nhờ phần lớn vào các phương tiện đó.

Trong dạy học với giáo án điện tử, kiến thức được lưu trữ trong tập tin của PowerPoint và được chuyển giao cho học sinh dưới dạng hình ảnh, âm thanh,…trên màn hình chiếu. Tuy nhiên , vì PowerPoint không được thiết kế để giao tiếp với người xem, nên tính tương tác với người xem hầu như không có. Do vậy để thiết lập kênh thông tin phản hồi, trong dạy học dùng giáo án điện tử, phương tiện truyền thống: nói, viết,..thật ra vẫn cần thiết.

2) Các kiểu giáo án điện tử dùng PowerPoint: Quan sát một số giáo án điện tử, chúng tôi thấy có thể tạm chia các giáo án điện tử thành 2 kiểu:

  • Kiểu 1: Giáo viên chỉ sử dụng PowerPoint và thiết bị projector để thay thế bảng và phấn một cách đơn thuần.
  • Kiểu 2: Khai thác tốt tính năng multimedia của PowerPoint. Giáo án kiểu 2 không chỉ thay thế bảng phấn, mà còn thay thế rất sinh động giáo cụ trực quan, thí nghiệm, tài liệu minh họa,..


3) Giáo án điện tử có lợi gì hơn?

  • Đối với các môn khoa học tự nhiên, giáo án điện tử dùng PowerPoint có ưu thế rất lớn ở chỗ:

Giúp giáo viên thực hiện được nhiều thứ mà cách dạy “bảng phấn” không thể làm được như: sơ đồ động, tài liệu minh họa đa dạng và phổ biến được đến từng học sinh, …


Cho phép giáo viên liên kết sử dụng các phần mềm chuyên dụng phục vụ bộ môn.

  • Giáo án điện tử cũng hỗ trợ tốt cho việc dạy các môn khoa học xã hội.

Qua vài hình ảnh 1 tiết dạy Văn lớp 11, bài “Đây thôn Vĩ dạ”, chúng ta thử so sánh hai phương tiện giảng dạy: một theo kiểu truyền thống và một dùng PowerPoint.

  • Có gì hơn? Hãy xem một ví dụ

Tất nhiên các giáo viên Văn đều có tư liệu này. Nhưng đem nó photocopy, phóng lớn, và đem vào giờ dạy, treo lên giữa bảng đen khi giới thiệu tác giả thì chắc…chẳng mấy người làm! Bởi vì điều đó có thể làm loãng trọng tâm bài học chẳng hạn!

Nhưng với Powerpoint, tư liệu đó xuất hiện trong bài giảng thật nhẹ nhàng, tự nhiên như một trang trí cho màn hình trình diễn; kiên nhẫn chờ đến lúc giáo viên dành cho nó đôi lời cũng thật nhẹ nhàng, không cần cường điệu và …lúc đó, có lẽ ngay cả những học sinh đang hưng phấn nhất trong việc “tâm sự” với bạn bè cũng phải cảm thấy lòng mình chùng xuống trước những dòng chữ nguệch ngoạc của một bàn tay khôngcòn điều khiển nổi ngọn bút! Một cảm giác với tác giả đã xuất hiện! Còn thời điểm nào tốt hơn để giáo viên triển khai bài giảng của mình?

Ưu thế của Poweroint là vậy đó!

  • Chưa hết! Câu thơ mượt mà, mơn mỡn: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc”, qua cách dạy “bảng-phấn” truyền thống, trong một tiết học buổi chiều giao hạ oi ả, làm sao có thể “cạnh tranh” nổi với tấm hình nền minh họa của PowerPoint.
  • Và còn nữa!

Dòng “sông trăng” lung linh, huyền ảo của Hàn Mặc Tử chỉ chịu hiện ra trên màn hình trình diễn của Powerpoint…chứ không phải trên những tấm bảng đen đã bạc màu thời gian!

4) Kết luận:

Thế hệ học sinh ngày nay, ngay từ khi chào đời, có vẻ như đã quen với việc tiếp nhận thông tin dưới dạng hình ảnh, âm thanh (nói theo ngôn ngữ hiện nay là “thông tin dạng multimedia”) nhiều hơn các thế hệ trước. Do đó, việc dạy học bằng giáo án điện tử, dù là cho bộ môn khoa học tự nhiên hay xã hội, nếu khai thác đúng thế mạnh của PowerPoint, chọn bài dạy thích hợp với kiểu dạy học này, sẽ giúp học sinh tiếp thu bài học tốt hơn nhiều.

Xin chúc qúi Thầy Cô là khán giả của chương trình “Tạp chí công nghệ thông tin” sẽ ngày càng có được nhiều giáo án điện tử hấp dẫn và sinh động hơn.

Nguồn[sửa]

  • Tiến sỹ Nguyễn Đình Lân , Khoa Toán - Tin Đại học Sư phạm TPHCM
  • Tạp chí công nghệ thông tin, số 60

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này