Giúp đỡ học sinh yếu kém môn Toán

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Học sinh yếu kém về toán là những học sinh có kết quả học tập toán thường xuyên dưới trung bình. Việc lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng cần thiết ở những học sinh này thường đòi hỏi nhiều công sức và thời gian so với những học sinh khác.

Sự yếu kém toán có những biểu hiện nhiều hình, nhiều vẻ, nhưng nhìn chung thường có 5 đặc điểm:

Ảnh minh họa
  • Nhiều "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng[1]
  • Tiếp thu kiến thức, hình thành kĩ năng chậm[2]
  • Năng lực tư duy yếu[3]
  • Phương pháp học tập toán chưa tốt[4]
  • Thờ ơ với giờ học trên lớp, thường xuyên không làm bài tập ở nhà[5]

Giáo viên cần nắm vững 5 đặc điểm này để có thể giúp đỡ học sinh yếu kém một cách có hiệu quả. Việc giúp đỡ học sinh yếu kém cần được thực hiện ngay cả trong những tiết học đồng loạt, bằng những biện pháp phân hóa nội tại thích hợp. Về nguyên tắc đó là phương hướng chủ yếu khắc phục tình trạng yếu kém trong học toán.

Bên cạnh việc nâng cao hiệu suất giờ lên lớp, giáo viên cần có tách riêng nhóm học sinh yếu kém toán (ngoài giờ chính khóa). Bài viết này chỉ trình bày hình thức giúp đỡ này.

Mục đích việc giúp đỡ tách riêng nhóm học sinh yếu kém toán là làm cho diện này theo kịp yêu cầu chung của những tiết học trên lớp và có thể hòa vào việc dạy học đồng loạt.

Nội dung giúp đỡ nhóm học sinh yếu kém nên nhằm vào những phương hướng sau:

Tạo tiền đề xuất phát[sửa]

Việc học tập có kết quả trong một tiết học thường đòi hỏi những tiền đề nhất định về trình độ kiến thức, kĩ năng sẵn có của học sinh. Thế nhưng với học sinh yếu kém nhiều khi chưa có đủ những tiền đề này và giáo viên phải giúp các em tạo tiền đề xuất phát cho những tiết trên lớp.

Đối với diện học sinh yếu kém, trong hai hình thức tái hiện: tái hiện tường minh và tái hiện ẩn tàng, nên dùng nhiều hình thức thứ nhất, tức là nói rõ kiến thức, kĩ năng cần ôn luyện là nhằm chuẩn bị cho việc học nội dung nào trong buổi học chính khóa sắp tới. Làm như vậy là để tăng cường hiệu lực hướng đích và gợi động cơ, nâng cao ý thức trách nhiệm của học sinh đối với bài học.

Lấp "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng[sửa]

Kiến thức có nhiều "lỗ hổng" là một "bệnh" phổ biến của học sinh yếu kém toán. Việc tạo tiền đề xuất phát cũng chính là nhằm lấp lỗ hổng kiến thức và kĩ năng, nhưng chỉ để phục vụ cho một nội dung sắp học. Còn trong mục này, việc "lỗ hổng" kiến thức, kĩ năng được đề cập một cách tổng quát, không phụ thuộc ý đồ chuẩn bị cho một bài học cụ thể nào.

Trong quá trình dạy học trên lớp, giáo viên quan tâm phát hiện và phân loại[6] những lỗ hổng kiến thức, kĩ năng của học sinh. Những lỗ hổng nào điển hình mà trên lớp chưa đủ thời gian khắc phục thì cần có kế hoạch tiếp tục giải quyết trong nhóm học sinh yếu kém.

Thông qua quá trình học lý thuyết và làm bài tập của học sinh, giáo viên cũng cần tập cho học sinh, kể cả học sinh yếu kém có ý thức tự phát hiện những lỗ hổng của bản thân mình và biết cách tự lấp những lỗ hổng đó.

  • Với những lỗ hổng kiến thức (quên) thì cần tra cứu sách vở, tài liệu và ghi lại nhiều lần ra nháp, sổ tay.
  • Với những lỗ hổng kĩ năng thì cần luyện tập nhiều, giải nhiều bài tập cùng loại.

Luyện tập vừa sức[sửa]

Đối với học sinh yếu kém, giáo viên nên coi trọng tính vững chắc của kiến thức, kĩ năng [7] và tăng cường luyện tập vừa sức.[8]

Trong những tiết học đồng loạt, việc luyện tập được thực hiện theo trình độ chung, nhiều khi không phù hợp với khả năng học sinh yếu kém. Vì vậy khi làm việc riêng với nhóm học sinh yếu kém, cần dành thời gian để các em tăng cường luyện tập vừa sức mình. Và lưu ý những điều sau đây:

  • Đảm bảo học sinh hiểu đầu bài tập: Học sinh yếu kém nhiều khi vấp ngay từ bước đầu tiên, không hiểu bài toán nói gì đó đó không thể tiếp tục quá trình giải toán. Vì vậy, giáo viên nên lưu ý giúp các em hiểu rõ đầu bài, nắm được cái gì đã cho, cái gì cần tìm/cần chứng minh, tạo điều kiện cho các em vượt qua sự vấp váp đầu tiên đó.
  • Gia tăng số lượng bài tập cùng thể loại và mức độ: Để hiểu một kiến thức, rèn luyện một kĩ năng nào đó, học sinh yếu kém cần những bài tập cùng thể loại và mức độ với số lượng nhiều hơn so với các em khá giỏi và trung bình. Phần gia tăng này được thực hiện trong những tiết làm việc riêng với nhóm học sinh yếu kém toán. Chẳng hạn giáo viên có thể ra cho học sinh rất nhiều bài tập giải phương trình bậc hai với hệ số mà không sợ "nhàm" như trường hợp học sinh khá giỏi.[9]
  • Sử dụng những mạch bài tập phân bậc mịn: Việc sử dụng những mạch bài tập phân bậc trong dạy học toán nói chung là đáng làm, riêng với nhóm học sinh yếu kém toán thì cần phân bậc mịn hơn so với trình độ chung, tức là khoảng cách giữa hai bậc liên tiếp không nên quá xa, quá cao. Ta hình dung rằng nhiều bậc của học sinh yếu kém có thể gộp lại thành một bậc cho học sinh trung bình hoặc khá giỏi.[10]

Được bước theo những bậc thang vừa sức với mình, học sinh yếu kém sẽ đỡ bị hẫng, bị hụt, bị ngã từ đó có nhiều khả năng leo hết các nấc thang dành cho họ để chiếm lĩnh được kiến thức, kĩ năng mà chương trình yêu cầu. Những nấc thang đầu dù có thấp, những bước chuyển bậc dù có ngắn nhưng khi học sinh thành công sẽ tạo nên một yếu tố tâm lý rất quan trọng: các em sẽ tin vào bản thân, tin vào sức mình, từ đó có đủ nghị lực và quyết tâm vượt qua tình trạng yếu kém.

Rèn luyện kĩ năng học tập[sửa]

Yếu về kĩ năng học tập là một tình hình phổ biến của học sinh yếu kém toán. Hơn nữa, có thể nói rằng đó là nguyên nhân của tình trạng yếu kém đối với một bộ phận trong những học sinh diện này. Vì vậy, một trong những biện pháp khắc phục tình trạng học sinh yếu kém là giúp đỡ các em về phương pháp học tập.

Ngoài việc hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng học tập môn toán, mục này chỉ lưu ý một điều là đối với học sinh yếu kém, cần bồi dưỡng cho các em ngay cả những hiểu biết sơ đẳng[11] về cách thức học tập toán như:

  • nắm được lý thuyết mới làm bài tập
  • đọc kĩ đầu bài
  • vẽ hình sáng sủa
  • viết nháp rõ ràng

Đặc biệt, giáo viên cần đấu tranh kiên trì với những thói quen xấu của học sinh như: chưa học lý thuyết đã lao vào làm bài tập[12], không đọc kĩ đầu bài trước khi làm bài tập[13], vẽ hình cẩu thả[14], viết nháp lộn xộn[15],...

Tài liệu tham khảo[sửa]

Chú thích[sửa]

  1. Nguyên nhân thì rất nhiều, có em do khả năng hạn chế của bản thân, có em do sự lười học lâu ngày mà thành hổng kiến thức, hạn chế hoặc mất hẳn kỹ năng giải Toán, có em do không đủ kiến thức, kỹ năng làm Toán từ cấp THCS... và còn rất nhiều nguyên nhân khác.
  2. Với cùng một khoảng thời gian hình thành kiến thức mới, trong khi các học sinh khác đã hiểu bài, biết vận dụng kiến thức thì học sinh kém vẫn chưa biết vận dụng để thực hành kĩ năng. Trong khi luyện tập thực hành, các học sinh khác đã hoàn thành hết các bài tập theo chuẩn, có em còn làm hết các bài tập trong sách giáo khoa thì học sinh kém mới chỉ giải được một bài hoặc một hai phần trong bài học...
  3. Tư duy thiếu linh hoạt : Nghe giáo viên phân tích giảng giải, học sinh yếu không biết khái quát, không biết tư duy nên không nhớ trình tự tính toán, giải toán.
    Sự chú ý, óc quan sát, trí tưởng tượng đều phát triển chậm.
    Khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ khó khăn, sử dụng ngôn ngữ toán học lúng túng, nhiều chỗ lẫn lộn
  4. Một số em không thuộc công thức, quy tắc, định lý đã học; chưa đọc kĩ đề toán để phân biệt cái đã cho và cái phải tìm đã vội bắt tay vào giải; không chịu thử lại sau khi làm tính, luôn tẩy xoá trong bài làm. Nhiều em không chịu làm ra nháp hoặc làm bài nháp cẩu thả gây ra sự lộn xộn nhầm lẫn khi làm bài vào vở.
  5. Biểu hiện bề ngoài là thái độ thờ ơ đối với học tập, ngại cố gắng, thiếu tự tin, ngay cả khi làm đúng bài tập, giáo viên hỏi cũng lại ngập ngừng không tin mình làm đúng bài tập. Thái độ trong lớp thụ động. Có thể thấy rõ đặc điểm này khi các em làm toán hoặc trả lời. Các em thường đưa mắt theo dõi thầy cô. Hễ thấy cô cau mày là sợ cho rằng mình sai không dám làm tiếp. Vì vậy kết quả học toán thường xuyên dưới trung bình.
  6. Phúc: Để phát hiện lỗ hổng, cần thiết kế các bài toán, ví dụ chứa đứng kiến thức tổng hợp liên hệ tới nhiều kiến thức cũ. Ví dụ, bài toán về vectơ nhưng đề bài có nói tới tam giác, trọng tâm, trực tâm,...
  7. hơn là chạy theo mục tiêu đề cao, mở rộng kiến thức
  8. Khi lập kế hoạch bài dạy phải cân nhắc lượng kiến thức, kĩ năng cơ bản và tối thiểu. Theo tôi thì nên theo nguyên tắc: 2-3-3, nghĩa là 2 nội dung mới với tiết lý thuyết, 3 bài tập với tiết bài tập, 3 chủ đề với tiết ôn tập.
  9. Theo một tài liệu tâm lý học, số lượng bài tập/công việc cùng thể loại này vào khoảng 12 bài/lần và qua thực tế dạy học tôi thấy đó là con số đó phù hợp.
  10. Có thể xem mô hình phậc bậc trong Phương pháp dạy học tiết ôn tập Toán#Các hoạt động dạy học ôn tập
  11. Sơ đẳng nhưng cơ bản, cơ bản nhưng lại không được xem là mục tiêu dạy học; không được xem là mục tiêu dạy học chính thống nên ai dạy cũng được, không dạy cũng chẳng sao. -:(
  12. Tay không bắt cọp, cọp xơi -:D
  13. Đọc kĩ "hướng dẫn" trước khi dùng -:D
  14. "Bóp méo" sự thật -:D
  15. "Bác sỹ" kê đơn cho chính mình -:D

Xem thêm[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này