Hành Trang Khoa Học/Các Phương pháp tư duy sáng tạo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
Từ ngọn đèn vàng buổi sớm

Nói về tư duy tức là nói về lãnh vực liên quan đến động não và giải quyết vấn đề, đối với mỗi con người bình thường trong chúng ta ai cũng có khả năng tư duy. Tuy vậy, câu hỏi lớn hay được động tới là tại sao có người thì thành công giải quyết nhiều vấn đề trong khi nhiều người khác lại chịu chấp nhận thất bại? Dĩ nhiên, nếu phân tích cặn kẽ đây là việc phức tạp. Sự thành công trong giải quyết một vấn đề lớn hay khó khăn bao gồm nhiều yếu tố. Trong đó có các yếu tố bẩm sinh, lòng kiên trì, khả năng tập trung suy nghĩ cao, sự hiểu biết thấu đáo vấn đề, cách định hướng để giải quyết vấn đề đó, và kể cả sự may mắn tình cờ ...

Não bộ con người có một tiềm năng rất lớn; tuy nhiên, làm cách nào để khai, mở tận dụng được các chức năng tuyệt vời ẩn kín bên trong mỗi người lại là một chuyện khác. Trong nữa cuối thế kỉ 20, nhiều nhà khoa học đặc biệt là trong các ngành y học, giáo dục học và tâm lí học đã tìm ra nhiều phương cách để kích thích và định hướng hóa các hoạt động của tư duy nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của bộ óc. Các nghiên cứu này được tập họp lại và tổng quát hóa thành các phương pháp được tạm đặt tên là các phương pháp tư duy sáng tạo.

Hiện nay, trong các xứ tiên tiến thì các phương pháp để giải quyết mau lẹ và hiệu quả các khó khăn về tư duy này đã được nghiên cứu và giảng dạy khá kỹ trong nhiều "course" hay "semina" ở các truờng. Tuy vậy, khi "trở về xứ Việt" thì chúng ta hầu như không thể tìm thấy một hướng dẫn nào khả dĩ giúp trang bị cho chúng ta một số phương tiện để có thể "qua cầu" mà không bị gió bay.

Trong một thời gian dài theo dõi thu thập tài liệu và phân tích, chúng tôi cố gắng trình bày lại với các bạn một số phương pháp quan trọng. Hy vọng các phương pháp này sẽ cung cấp thêm những "tia sáng cuối đường" hầu có thể giúp các bạn giải quyết được các nan đề đang gặp phải trong môi trường nghiên cứu cũng như trong học vấn.

Các bạn không nhất thiết phải "bám chắc" theo một phương cách nào hết mà chỉ cần rút tỉa ra xem phương pháp nào có hợp với tính cách đặc điểm công việc cũng như tư duy của bạn để có thể xử dụng thích hợp nhằm giải quyết vấn đề các bài toán của mình và do đó, cũng không nhất thiết phải nghiền ngẫm hết tất cả các phương pháp được trình làng ở đây. Một diểm quan trọng xin nhấn mạnh nữa là các phương pháp tư duy sáng tạo có thể được sử dụng kết hợp với nhau để giúp ta tìm đến những lời giải hay và đẹp hơn.

Đến ngọn đèn trắng tối này

Trước khi đi sâu vào các phương pháp cụ thể, chúng ta cần nắm qua khái niệm tóm gọn như sau:

Tư duy sáng tạo là chủ đề của một lĩnh vực nghiên cứu còn mới. Nó nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và để đào sâu rộng khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể cộng đồng làm việc chung về một đề tài hay lĩnh vực. Ứng dụng chính của bộ môn này là giúp cá nhân hay tập thể thực hành nó tìm ra các phương án, các lời giải từ một phần đến toàn bộ cho các vấn đề nan giải. Các vấn đề này không chỉ giới hạn trong ngành nghiên cứu khoa học kỹ thuật mà nó có thể là một trong các ngành khác như chính trị, kinh tế, xã hội, nghệ thuật, và trong các tìm tòi phát minh sáng chế. Một khái niệm tương đương được giáo sư Edward De Bono (*) (1933 -) sử dụng để chỉ ngành nghiên cứu này cũng được rất phổ biến là Tư duy định hướng. Một số các phương pháp tư duy sáng tạo đã và đang được triển khai thành các lớp học, các hội nghị chuyên đề ở các hãng nghiên cứu lớn hay ngay cả trong các tổ chức chính quyền nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của từng cá nhân hay tập thể người. Ở các trường trung học của các nước phát triển các phương pháp quan trọng như tập kích não, giản đồ ý cũng đã được áp dụng cho học sinh biết cách áp dụng trong các dạng thô sơ. Đồng thời, đã có rất nhiều trường tư thục hay học viện tư giảng dạy chuyên về các phương pháp tư duy sáng tạo cho các chuyên gia, sinh viên và học sinh của mọi lứa tuổi.

Rất tiếc ở Việt Nam hiện chưa có trường học hay cơ quan chính thức nào nghiên cứu hay đưa vào ngành giáo dục các biện pháp "giải phóng tư duy" này. Do vậy, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức nhấn mạnh và đi sâu hơn chương này ngỏ hầu giúp các SV/HS hay các giáo chức có thêm một nguồn tham khảo để thử ứng dụng các phương pháp tư duy sáng tạo.


(*) Xin xem thêm phần phụ lục về tiểu sử GS. Edward De Bono trong phụ lục B

Trở về mục lục

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này