Hiện tượng ốm nghén ở phụ nữ mang thai

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Trong số chị em chúng ta, ít ai khi mang thai mà lại không phải trải qua những khoảng thời gian tưởng như là đang bệnh.

Mới sáng ra đã thấy lợm giọng buồn nôn, chỉ mới ngửi thấy một mùi gì đó không ưng là đã nôn thốc nôn tháo, nhất là vào những tháng đầu. Khi thai lớn hơn đỡ buồn nôn thì lại hay thấy hiện tượng ợ nóng, đầy hơi... bị đau dạ dày chăng? Rồi có người còn bị táo bón, phù chân...

Chà! thật nhiều phiền toái. Hãy bình tĩnh xem xét, thường vào những tháng cuối, thai to chèn ép lên dạ dày, nhu động ruột kém gây ra những hiện tượng như vậy. Rồi còn thích ăn linh tinh và thèm ăn những thứ vớ vẩn nữa chứ, mà các bà nhà ta hay gọi là "ăn nghén", "ăn dở".

Một nghiên cứu gần đây cho biết khoảng 40% phụ nữ có thai thèm cái gì đó ngọt ngọt. Tiếp theo là những thức ăn mặn khoảng 33%. Số chị em nghén thèm các loại gia vị chiếm khoảng 17%. Số thèm các loại thức ăn chua chát như táo xanh, quýt chua chỉ chiếm khoảng 10%.

Thèm ăn thứ nọ thứ kia là một triệu chứng rất rõ của hiện tượng nghén, lý do tại sao họ thèm thì cho đến nay vẫn chưa rõ. Một số cho rằng đó là những dấu hiệu thiếu dinh dưỡng trong quá trính thai nghén. Nhưng điều gì giải thích cho những hiện tượng nghén "ăn dở" và thích ăn những loại thức ăn kì cục, hoàn toàn rất ít dinh dưỡng?

Loại thức ăn nhiều người thường thèm là các loại đồ ngọt như đường, sữa, các thực phẩm có gia vị, các loại quả chua và các loại bánh mặn. Vì vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi kem, các đồ muối chua, nước sốt cà chua, nước chanh, phomat và cả socola là những thức ăn những người nghén hay thèm nhất khi mang thai. Mặt khác, thịt được xếp hạng cao nhất trong khẩu phần ăn của bà bầu.

Một số thức ăn như hành muối, củ cải dầm cũng rất phổ biến. Một số người nghén dở thèm ăn cả thuốc đánh răng, xà phòng, than, phấn, đầu mẩu thuốc lá, người ta thường gọi đó là hiện tượng "nghén dở". Nghén dở là điều có hại cho cả người mẹ và thai nhi.

Tại sao?[sửa]

Cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng tại sao phụ nữ có thai hay thèm ăn lung tung. Trong thực tế cũng có những phụ nữ không thèm ăn nghén. Đó có thể do:

Thay đổi hormone trong quá trình thai nghén có thể làm thay đổi sự cảm nhận mùi, vị của người phụ nữ làm cho họ có cảm giác thèm ăn những thứ mà trước đâu họ không hề thích thú. Điều này cũng có thể giải thích tại sao những người mãn kinh cũng có cảm giác thèm ăn hoặc chán ăn. Thiếu dinh dưỡng tạm thời có thể gây thèm ăn, tuy nhiên lí do này không thể giải thích nổi tại sao một số người lại thèm ăn số lượng nhiều hơn mức dinh dưỡng cần thiết. Tuy nhiên, việc thèm các món ngâm dấm có thể do lượng Na trong máu thấp, thèm socola có thể là dấu hiệu báo thiếu vitamin nhóm B. Thèm thịt chứng tỏ thiếu protein, thèm đào, mơ, có thể thiếu beta caroten.

Nhu cầu tình cảm cũng có liên quan đến chuyện ăn uống. Nhiều phụ nữ có thai có thể thèm ăn linh tinh, một cách có ý thức hoặc tiềm thức để đáp ứng nhu cầu tình cảm. Nhiều chị thèm những thức ăn quê nhà để nhớ thời thơ ấu, phong tục, tôn giáo, văn hóa, đặc biệt là khi họ ở xa "chùm khế ngọt".

Cần xử lý thế nào khi bị nghén?[sửa]

Quy tắc quan trọng nhất cần tuân theo để thỏa mãn cơn thèm nghén là phải biết chọn những thức ăn bổ dưỡng thay thế những thức ăn vô bổ. Cần kết hợp một số vị mà người nghén thèm với các vị mặn ngọt chua cay thành một thực đơn điều độ cân đối dinh dưỡng cho chị em đang thai nghén. Có thể xem xét thay thế những món ăn như:

  • Kem. Có thể thay bằng sữa chua không béo sẽ vẫn đáp ứng được lượng canxi cần thiết mà không bị thừa chất béo.
  • Sô-cô-la - Có thể chỉ tưới một ít nước sô-cô-la không béo lên quả tươi để ăn thêm cho đỡ thèm.
  • Đường và kẹo có thể thay bằng quả khô như mơ, xoài, dứa, vải khô.
  • Bánh mặn - Thay bằng bánh xèo hoặc bánh vừng.
  • Đồ muối chua - Có thể thay bằng nước sốt hoặc một lát chanh với thức ăn, hoặc một món salat.

Để giảm bớt những khó chịu trong quá trình mang thai nên:

  • Ăn nhẹ và chia thành nhiều bữa.
  • Ăn tối, ít nhất là trước khi đi ngủ 2 giờ.
  • Tránh các thức ăn béo, không nên uống cà phê và coca.
  • Ăn chậm, nhai kĩ.

Nhu động ruột bị chậm khi có thai và điều này có thể tác động xấu hơn, như rối loạn tiêu hóa, táo bón. Cần:

  • Uống ít nhất 1,5 lít nước (hoặc chất lỏng như trà thảo mộc, nước quả, sữa...) mỗi ngày.
  • Ăn các thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, rau, quả, đậu đỗ.
  • Vào buổi sáng khi thức dậy nên uống một cốc nước mát, ăn một ít quả khô.

Ngoài hiện tượng ốm nghén trong khi mang thai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm, hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng. Một số bệnh nhiễm trùng rất nguy hiểm cho bào thai, nhưng có thể tránh được bằng việc thực hiện vệ sinh an toàn, nên nhớ:

  • Luôn rửa rau quả thật sạch.
  • Luôn rửa tay trước khi nấu nướng, ăn uống, sau khi sờ vào thịt sống đất cát.
  • Chỉ ăn thịt đã nấu kỹ, tránh ăn thịt tái, xúc xích nướng.
  • Tránh chơi với mèo và tiếp xúc với phân mèo, vì trong ruột mèo rất nhiều vi khuẩn gây bệnh.
  • Không ăn cá, thịt, trứng, sữa uống.
  • Không ăn vỏ phomat.

Hiện tượng thèm ăn linh tinh, "nghén dở" có thể hại cho cả sức khỏe của người mẹ và của thai nhi. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu tình trạng "nghén dở" này kéo dài và gây phiền toái.

Hãy tự thưởng cho mình bằng những cách khác (thậm chí có thể ăn một chút sô-cô-la) khi mà bạn đã tránh được những thứ vô bổ, có hại. Thường thì nghén dở là dấu hiệu của một bệnh hoặc còn do những vấn đề khác. Bởi vậy, hãy chú ý điều trị đúng bệnh, đó mới là điều quan trọng.


Về mục lục

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này