Kỹ thuật đặt câu hỏi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng hết sức hữu ích mà giáo viên cần phát triển. Trong một buổi giảng, người giáo viên giỏi luôn biết sử dụng nhiều câu hỏi với nhiều mục đích khác nhau. Ở một chừng mực nhất định, việc đặt câu hỏi là quá đơn giản bởi đó là việc mà tất cả chúng ta làm hàng ngày. Tuy nhiên, người đặt câu hỏi cũng phải có kỹ năng và hiểu biết thì mới có thể diễn đạt câu hỏi một cách rõ ràng, chính xác, tung ra câu hỏi đúng thời điểm để đem lại hiệu quả tối đa, và khai thác câu trả lời để đặt câu hỏi tiếp theo. Những phân loại cơ bản sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn các mục đích sử dụng khác nhau của mỗi loại câu hỏi.

Câu hỏi mở và câu hỏi đóng[sửa]

Câu hỏi đóng là những câu hỏi mà chỉ có một câu trả lời đúng, thường là những câu hỏi tìm hiểu thực tế. Câu hỏi đóng có thể được sử dụng để kiểm tra sự hiểu bài, khuyến khích người học ôn lại những nội dung đã học, hoặc đưa ra một thông tin, nhưng giá trị sư phạm của loại câu hỏi này tương đối hạn chế.

Câu hỏi mở là những câu hỏi không có câu trả lời cố định, chúng kích thích suy nghĩ và mở ra những trao đổi hoặc tranh luận. Câu hỏi mở có thể được sử dụng để bắt đầu một cuộc thảo luận với học viên, để tìm hiểu những suy nghĩ sơ bộ về một chủ đề, hoặc phản bác những suy nghĩ hời hợt. Các câu hỏi mở có thể được phân cho các nhóm nhỏ để thảo luận và phân tích. Những câu hỏi mở tốt sẽ tạo điều kiện cho học viên đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, làm phong phú thêm cuộc thảo luận và kinh nghiệm của học viên.

Câu hỏi sơ cấp và câu hỏi thứ cấp[sửa]

Câu hỏi sơ cấp là những câu hỏi lớn, mang tính định hướng và dẫn dắt cho nội dung buổi học. Đó là những “câu hỏi vĩ mô” được giáo viên chuẩn bị trước; mục đích là mở một nội dung mới hoặc hình thành tiêu điểm cho buổi học.

Câu hỏi thứ cấp là những câu hỏi mà giáo viên có được “ngay tại trận” trong giờ học. Mục đích có thể là yêu cầu học viên suy nghĩ kỹ hơn về một ý kiến, hay đưa ra gợi ý cho học viên, hay khuyến khích học viên đào sâu hơn ý tưởng của chính mình. Người giáo viên giỏi - trước khi lên lớp - thường xây dựng một danh sách những câu hỏi thứ cấp có thể sử dụng trong buổi giảng, trù tính trước xem làm thế nào để buộc học viên phải đào sâu suy nghĩ về chủ đề bài giảng.

Người giáo viên giỏi thường sẽ bắt đầu một chủ đề bằng việc đưa ra một câu hỏi sơ cấp, sau đó phát triển chủ đề thông qua việc sử dụng tăng dần các câu hỏi thứ cấp đối với học viên. Vì vậy, chủ đề được phát triển thông qua sự suy nghĩ và diễn đạt của học viên, cùng với sự hướng dẫn chu đáo của giáo viên. Giáo viên có vai trò dẫn dắt học viên suy nghĩ và thảo luận thông qua việc đặt câu hỏi cụ thể, và lắng nghe chăm chú để tóm tắt, làm rõ những điều học viên vừa phát biểu và lái cuộc thảo luận đi đúng trọng tâm.

Một số kỹ thuật đặt câu hỏi[sửa]

Hướng dẫn để sử dụng các câu hỏi một cách tốt nhất[sửa]

  • Nếu biết cách đặt câu hỏi, giáo viên có thể khuyến khích mọi học viên cùng suy nghĩ. Trong đào tạo chuyên môn, điều này có thể thực hiện qua các câu hỏi mở liên quan trực tiếp đến nội dung công việc.
  • Khuyến khích sự tham gia của tất cả học viên. Với những học viên ít nói, giáo viên có thể lôi kéo sự tham gia của họ bằng những câu như “bây giờ chúng ta sẽ nghe một ai đó chưa phát biểu ý kiến”
  • Diễn đạt các câu hỏi một cách ngắn gọn và rõ ràng. Nếu câu hỏi có ý nghĩa phức tạp, giáo viên cần diễn đạt lại cho học viên hiểu.
  • Sau khi đặt một câu hỏi, chú ý tới thời gian “chờ đợi”. Nếu thời gian chờ quá lâu, bài giảng sẽ bị kéo dài, nhưng nếu quá ngắn thì các học viên không đủ thời gian để suy nghĩ.
  • Khi học viên có câu trả lời sai, không bao giờ được chế giễu điều đó. Đối với học viên người lớn, nên tránh những câu hỏi có tính gài bẫy – ví dụ những câu hỏi mà chúng ta biết chắc họ sẽ trả lời sai. Nếu học viên đưa ra câu trả lời sai, giáo viên có thể gợi ý về câu trả lời để giúp học viên nhìn ra cái sai của mình. Giáo viên cũng có thể chia quá trình lập luận thành từng những bước nhỏ để học viên dễ theo dõi bằng cách đặt ra một loạt những câu hỏi dễ hơn để dẫn dắt học viên tiến tới câu trả lời đúng.
  • Nếu một học viên đưa ra câu trả lời ngoài dự kiến, giáo viên không được bác bỏ thẳng thừng. Giáo viên hãy suy nghĩ về câu trả lời đó. Giáo viên có thể diễn đạt lại ý của học viên bằng ngôn từ của mình để kiểm tra xem mình có hiểu đúng hay không, hoặc tìm hiểu xem tại sao học viên lại có câu trả lời như vậy. Những câu trả lời ngoài dự kiến có thể là do học viên suy nghĩ theo một hướng độc đáo, hoặc thậm chí xuất chúng.

Tài liệu tham khảo[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây