Khoa học hóa cách suy nghĩ, làm việc, học tập/Chương 1.7

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Mục lục - Lời mở đầu - Chương 1 - Chương 2 - Chương 3 - Chương 4

 

Phần: 1.1 - 1.2 - 1.3 - 1.4 - 1.5 - 1.6 - 1.7 - 2.1 - 2.2 - 2.3 - 2.4 - 2.5 - 3.1 - 3.2 - 3.3 - 3.4 - 3.5 - 3.6 - 4.1 - 4.2 - 4.3 - 4.4 - 4.5 - 4.6

TƯ DUY KHÔNG VỤ LỢI

“Tìm hiểu chân lý phải là mục đích chính của hoạt động khoa học”. Henri Poanhcarê

Mục đích chính của khoa học là giúp con người ngày càng đi sâu vào bí ẩn của tự nhiên. Khoa học chỉ phát triển mạnh mẽ nếu quy luật phát triển nội tại của nó được bảo đảm.

Nếu lồng mục đích danh lợi vào nghiên cứu khoa học thì quy luật phát triển của khoa học bị thương tổn và đường hướng phát triển tự nhiên của khoa học bị lệch lạc hoặc ngừng trệ. Điều này ảnh hưởng ngay tới việc đi tìm chân lý.

Khoa học và danh lợi dường như là hai phạm trù mâu thuẫn. Yêu cầu của khoa học là khách quan, còn yêu cầu của danh lợi là chủ quan. Chân lý là sự thật khách quan. Danh lợi không thể nào dẫn dắt con người tới chân lý.

Không vụ lợi trong khoa học mới giữ vững được tính không thiên tư trong nghiên cứu, không thiên tư với mình và với các đồng nghiệp.

Người khoa học không thiên tư với mình dễ thấy sai lầm trong giả thuyết của mình, và dễ xác định hướng triển khai thí nghiệm một cách đúng đắn.

Không thiên tư với các đồng nghiệp mới đánh giá chính xác sự đóng góp của từng người cho khoa học, và nêu la người quản lý, sẽ giữ vững được tình tập thể chặt chẽ của đội ngũ nghiên cứu.

Nhờ đó, khoa học phát triển được thuận lợi.

Tư duy không vụ lợi là của nhà khoa học nghiên cứu không vì lợi nhuận hoặc danh vị. Không vì lợi nhuận, người nghiên cứu sẽ kiên trì với đề tài, không bỏ rơi đề tài đang làm để chọn một đề tài mới dễ “kiếm ăn” hơn.

Với một đề tài nào, thông thường, ta cũng phải dành hai năm mới gọi là nắm đủ đối tượng nghiên cứu để triển khai công việc.

Rõ ràng dưới thời gian này, kiến thức thu thập được chưa giúp ích gì nhiều cho khoa học. Những người nhảy từ đề tài này sang đề tài khác theo thời trang chỉ làm lãng phí trí tuệ của mình. Họ có thể đạt được chút hư danh nào đó nhưng không có thể xây dựng nổi sự nghiệp khoa học dù nhỏ.

Nếu vì lợi nhuận mà hoạt động, người ta còn có thể dễ dàng bán kết quả nghiên cứu cho những thế lực đen tối mưu đồ sử dụng thành tựu khoa học chống lại hạnh phúc của loài người. Những nhà khoa học nay rẽ phản bội lý tưởng của chính bản thân họ.

Và như vậy, họ tách khỏi hàng ngũ những người khoa học chân chính.

Nhóm bác học chống Anxtanh, trong số này có người được giải thưởng Nôben, hoạt động cho chủ nghĩa phát xít ở nửa đầu thế kỷ này, là một vết nhơ trong lịch sử vật lý học cận đại.

Gần đây, một hội nghị quốc tế về vật lý học họp ở Rôma (ITALIA) đã tẩy chay một nhà vật lý học Mỹ vì ông này đã giúp việc nghiên cứu cải tiến vũ khí của chính phủ Mỹ đã dùng trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thiên nhiên không dễ dàng hé mở bí ẩn cho con người. Muốn đi tới mục đích, nhà khoa học nào cũng phải dành toàn bộ sức mạnh tinh thần và thể chất cho khoa học.

Nhà khoa học không thể nhìn lợi nhuận, tức là mục đích trước mắt, thiển cận, của con người bình thường mà phải nhìn chân lý tức là mục đích lâu dài, cao của khoa học.

Trong một bức thư gửi cho bạn, Mác đã viết: Tôi buộc phải dùng mỗi khoảnh khắc của mình còn có thể làm việc để viết cho xong tác phẩm (tức bộ Tư Bản) mà vì nó tôi đã hy sinh cả sức khoẻ, hạnh phúc trên đời và gia đình mình.

Không vụ lợi trong khoa học, sự nghiệp khoa học càng lớn. Bộ Tư Bản được đánh giá là một trong hai công trình khoa học vĩ đại của thế kỷ XIX (công trình kia là về nguồn gốc loài vật của Đácuyn).

Trong lịch sử y học, đã có nhiều bác sỹ dùng cơ thể mình để thực nghiệm về một loài vi trùng, một loại thuốc chữa bệnh nào đó.

Ở thế kỷ trước, bác sỹ Cốc đã đích thân kiểm nghiệm vi trùng lao trên cơ thể mình. Gần đây, báo chí có nêu nhiều gương dũng cảm đó của một bác sỹ Liên Xô.

Năm 1959, về bệnh sốt ban Viễn Đông ở Liên Xô và Nhật Bản, chưa ai rõ nguyên nhân. Bác sỹ Giơnanmenxki sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu, đặt giả thuyết là vi trùng có lẽ giống trùng lao vì triệu chứng bệnh cũng tương tự.

Ông lấy vi trùng người bệnh tiêm thử vào mình theo dõi kết quả.

Sau một tháng nằm bệnh viện, ông tiến hành thêm nhiều thí nghiệm và viết luận văn khoa học “Nguyên nhân của bệnh sốt ban Viễn Đông”. Công trình được bảo vệ thành công ở học viện quân sự Kirốp.

Không vì lợi nhuận nhà khoa học mới có thể tạo điều kiện cho khoa học tiện nhanh. Ở đầu thế kỷ này, nhà vật lý học Anh Rơdơpho cho xây dựng ở trường đại học tổng hợp Cambrigiơ một phòng thí nghiệm hiện đại dành cho nhà vật lý học Liên Xô Kapitda làm việc.

Sau khi Kapitda về nước và không sang lại nước Anh, Rơdơpho đã đề nghị nhà trường bán lại cho chính phủ Liên Xô toàn bộ phòng thí nghiệm này mà người ta biết là ông rất quý. Đối với Rơdơpho thì việc thiết bị để ở đâu là điều không quan trọng. Cái chính là lợi ích của khoa học đòi hỏi phải tiếp tục những thí nghiệm đã được Kapitda bắt đầu. Nếu Kapitda không thể đến phòng thí nghiệm của Rơdơpho thì hãy thu xếp để phòng thí nghiệm của Rơdơpho đến với Kapitda.

Không ham lợi nhuận, còn phải kể đến gương của các nhà vật lý học Pie và Mari Curi.

Được biết họ đã tinh chế thành công chất radium, chính phủ Mỹ mời hai người sang tổ chức một xí nghiệp sản xuất radium và trả tiền bản quyền về phương pháp tinh chế này. Sau khi cân nhắc, hoặc chọn một cuộc đời nghiên cứu vất vả thiếu thốn chắc không bảo đảm lắm cho tương lai của đứa con gái nhỏ, hoặc chọn một cuộc sống dễ dàng có thể kiếm nhiều tiền, họ đã thống nhất chọn cuộc sống thứ nhất, với lý do các nhà khoa học không có quyền thu lợi về phát minh của mình. Chất radium là để cho tất cả mọi người. Và Pie đã viết thư cho chính phủ Mỹ từ chối lời mời đó.

Chính vì thế mà chỉ sau vài năm, việc sử dụng tia phóng xạ đã triển khai nhanh chóng trong y học, công nghiệp, nông nghiệp, trong nghiên cứu sinh học và ngày càng mở rộng những tiền đồ mới đáng ngạc nhiên.

Không vụ lợi là nhà khoa học nghiên cứu không phải vì danh vị.

Danh vị sẽ làm mất tính minh mẫn của nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu. Người ta dễ dàng xuyên tạc số liệu hoặc thí nghiệm, kết luận vội vã để chóng nổi danh.

Lịch sử khoa học đã chứng tỏ nhiều trường hợp, người nghiên cứu trẻ tuổi muốn mau chóng có tiếng tăm đã đi tới chỗ giả mạo trong khoa học. Thí dụ gần đây nhất là vụ Oatơghết khoa học năm 1974 của nhà sinh học Summéclin.

Người nào, do một động cơ cá nhân nào đó, xuyên tạc một sự kiện khoa học, một kết luận khoa học, không xứng đáng có vị trí trong phòng thí nghiệm vĩ đại, ở đó tính trung thực là một tiêu chuẩn để được kết nạp cần thiết hơn là sự khéo léo (Gaston Paris).

Vì danh vị mà nghiên cứu, nhà khoa học dễ sốt ruột, thường thông báo quá sớm kết quả nghiên cứu của mình. Những kết quả vội vàng trong nghiên cứu có thể để nhiều khe hở và từ đó sự tín nhiệm của giới khoa học đối với tác giả có thể bị giảm sút.

Ở thế kỷ XIX, có cuộc tranh luận giữa hai học phái sinh học, phái tự sinh và phái sinh vật sinh. Theo phái thứ nhất, thì sinh vật có thể sinh ra ngẫu nhiên từ chất nào đó, và theo phái thứ hai, sinh vật chỉ có thể nảy sinh từ sinh vật khác.

Có một nhà khoa học thuộc phái thứ nhất, đã công bố thì nghiệm sau đây: Ông để quần áo bẩn vào một ngăn kéo tủ, sau ba tuần đã nảy sinh một ổ chuột con. Công bố này đã làm trò cười cho giới khoa học, do tính chất quá vội vã và vì vậy thiếu cơ sở khoa học của nó. Người ta vặn lại: Làm thế nào bảo đảm là không có chuột từ ngoài chui vào ngăn kéo để đẻ. Nhà khoa học hiếu danh đã để một khe hở trong thí nghiệm của mình.

Vì danh vị, nhà khoa học có thể đi tới chỗ hẹp hỏi với các đồng nghiệp, nhất là đồng nghiệp trẻ tuổi hơn mình.

Một số thành tựu trong khoa học dễ làm nhà nghiên cứu tự cao tự đại, cho học thuyết của mình là bất khả xâm phạm.

Từ đó, họ không chấp nhận những ý kiến khác với quan điểm của mình.


Nếu những người này lại có trách nhiệm nào đó trong quản lý khoa học, họ dễ dàng kìm hãm những ý niệm mới không cho nảy nở, và từ đó chặn bước tiến của khoa học. Thí dụ, các giáo sư y khoa của trường đại học y khoa Buđápet, hồi thế kỷ XIX, vì danh vị, đã không cho quan điểm khoa học đúng đắn của bác sỹ Summenvai triển khai trong suốt 20 năm trời.

Không vì danh vị, người ta mới có dũng cảm đấu tranh cho chân lý.

Khi nhà vật lý học Lanđao bị kẻ xấu vu khống là gián điệp của Đức quốc xã, ông đã bị chính phủ bắt giam. Ông thầy của Lanđao, nhà vật lý học Kapida đã can thiệp, yêu cầu chính phủ thả người bị nghi oan. Nếu không, ông rẽ từ chức Viện trưởng của Viện nghiên cứu các vấn đề vật lý.

Sau này, chính Lanđao đã đánh giá việc làm đó trên báo: Chẳng cần phải nói nhiều, ta cũng rõ là để hành động như vậy cần phải hết sức dũng cảm, phải có một lòng nhân đạo bao la và một sự thẳng thắn tuyệt đối.

Tuy nhiên cũng phải dè chừng là một số ít nhà khoa học đã dựa vào tính không vụ lợi của trí tuệ để mở rộng quan điểm: Khoa học vị khoa học chứ không phải vị dân sinh. Nhà triết học cổ Hy Lạp Arixtôt đã có câu nổi tiếng: Khoa học cao quý nhất là khoa học không có ích nhất.

Gần đây, có nhà toán học lúc gần chết, có nói rằng, ông rất sung sướng là trong công cuộc nghiên cứu của đời ông chưa có công trình nào được ứng dụng vào thực tiễn.

Nhưng thực tế đã chứng minh những nhà khoa học này thường vô danh và cố gắng của họ cũng ít hiệu quả. Nhà khoa học thực sự, nhất thiết phải có tính nhân văn. Anxtanh là thí dụ đẹp nhất. Cả đời ông đều quan tâm tới đạo lý, tới con người, mặc dù ông nghiên cứu một lĩnh vực khoa học thuần lý.

Nhà khoa học phải tự đấu tranh để thông báo cho người khác biết kêt quả nghiên cứu và hậu quả có thể của thành tựu khoa học. Khoa học nào cũng phải vị dân sinh.

Hiện nay tình trạng vụ lợi trong khoa học không phải hiếm. Nhiều người trẻ tuổi muốn sớm có danh lợi, cho thông báo quá vội vàng những thành quả khoa học không được chuẩn bị kỹ về nội dung và hình thức.

Nhiều bản dịch các tác phẩm khoa học mang nhiều sai sót, do dịch giả không giành thì giờ đọc lại bản thảo của mình.

Một số người muốn có tiếng tăm quá sớm, không suy nghĩ về đề tài được gợi ý từ trên. Sau khi bắt tay vào nghiên cứu, vấp phải khó khăn, họ chuyển ngay đề tài theo gợi ý khác. Có những trường hợp quá đáng hơn, vì vội thông báo công trình nghiên cứu, lặng lẽ lấy số liệu của người khác, làm qua loa một vài thí nghiệm bổ sung rồi trình bày như tác phẩm của riêng mình. Có người còn luôn mồm gièm pha các đồng nghiệp để tự đề cao.

Một hậu quả rõ ràng là những người nói trên đã tạo nên một không khí hoài nghi vào tư liệu khoa học đương thời, và gây ra mâu thuẫn trong giới khoa học. Còn đối với bản thân người nghiên cứu, anh ta đi dần tới chỗ sút kém trí tuệ và trở thành người bịp bợm, không thể có chỗ đứng trong đội ngũ khoa học chân chính, và cuối cùng tự cô lập mình.

Muốn sửa chữa tính vụ lợi trong khoa học, phải quán triệt đúng đắn mục đích cao cả của khoa học là phục vụ lợi ích của loài người và nhiệm vụ cao cả của người nghiên cứu khoa học không phải để được gì cho bản thân mà chỉ để tiếp cận chân lý nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của con người.

Phải tạo cho mình niềm phấn khởi và lòng nghiệt tình đi tìm những bí ẩn trong thiên nhiên, để có thể sau này dành cả đời mình cho nhiệt tình này. Ta sẽ cảm thấy niềm vui sâu sắc trong hoạt động nghiên cứu, một niềm vui không thể có trong cái xã hội tầm thường bon chen vì danh lợi hiện nay.

Mác đã nói lý tưởng của mình: Khoa học không thể là một thích thú ích kỷ. Những người may mắn được cống hiến đời mình cho nghiên cứu khoa học phải là những người đầu tiên đưa kiến thức phục vụ con người.

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.