Luận về Lao động và Bóc lột/ ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
CHƯƠNG III
ĐỊNH GIÁ GIÁ TRỊ SỨC LAO ĐỘNG

Sự xuất hiện phân công và chuyên môn hoá lao động trong xã hội loài người làm xuất hiện việc trao đổi các sản phẩm của lao động. Ban đầu, sự trao đổi được thực hiện nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu, người có dư sản phẩm này sẽ đem trao đổi với người có dư sản phẩm khác mà mình không có. Hình thức trao đổi là một đổi một. Dần dần, xuất hiện nhiều hình thức trao đổi khác như trao đổi bằng sự tương đương về khối lượng hay tương đương về kích thước. Sự trao đổi tương đương làm xuất hiện khả năng trao đổi qua vật trung gian. Sự trao đổi thông qua vật trung gian đã giải quyết được những khó khăn của người có nhu cầu nhưng chưa có vật đem trao đổi và giúp cho những người có dư các sản phẩm khó bảo quản đổi lấy các vật có khả năng chuyển đổi dễ bảo quản hơn. Vật trung gian ban đầu là hạt cây hoặc vỏ sò, vỏ ốc... Sự tương đương giữa vật trung gian với các sản phẩm được quy ước trong một nhóm hay một cộng đồng người. Sau đó lan rộng sang các cộng đồng khác. Sự trao đổi ngày càng rộng rãi, số lượng sản phẩm đem trao đổi ngày càng nhiều đòi hỏi phải có những vật trung gian có tính ổn định cao, dễ bảo quản và có thể vận chuyển dễ dàng. Những vật trung gian này được chọn lọc dần từ những vật sẵn có trong tự nhiên đến việc sử dụng những miếng kim loại được đúc theo những hình dạng và kích thước nhất định. Mỗi miếng kim loại này được quy ước tương đương với một phần hay một số sản phẩm nào đó. Sự quy ước này chính là sự định giá cho vật trung gian và loại sản phẩm trung gian có khả năng trao đổi với tất cả các sản phẩm trong xã hội trở thành tiền tệ. Sự ra đời của tiền tệ đã làm thay đổi hẳn về chất của quá trình trao đổi sản phẩm. Các sản phẩm đem trao đổi đã trở thành hàng hoá. Sự trao đổi đã trở thành sự mua bán. Người ta đem hàng hoá đổi lấy tiền tệ và đem tiền tệ đổi lấy hàng hoá. Tiền tệ được gán các giá trị và trở thành thước đo giá trị sản phẩm hay hàng hoá. Tiền tệ đã và đang giữ một vai trò to lớn trong sự phát triển kinh tế và phát triển xã hội. Tiền tệ ra đời là một tất yếu của lịch sử.

Hàng hoá và các sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu của con người do con người tạo ra, chúng là kết quả từ sức lao động của con người, vì vậy chúng mang giá trị của sức lao động. Việc định giá sản phẩm, hàng hoá là việc xác định giá trị của các yếu tố cấu thành hoặc có tác động tạo ra các sản phẩm, hàng hoá đó. Sức lao động là một trong các yếu tố đó. Trả giá cho hàng hoá là trả giá cho các yếu tố nói trên. Sức lao động được định giá và được trả tiền có nghĩa là sức lao động cũng được coi là một loại hàng hoá. Nhưng sức lao động chỉ thực sự được coi là hàng hoá khi nó được giải phóng. Sự giải phóng sức lao động đã cho phép tập trung sức lao động cho việc sản xuất những loại hàng hoá đang có nhu cầu lớn trong xã hội. Điều này làm cho nhu cầu của mọi người nhanh chóng được đáp ứng và thoả mãn. Nhu cầu được đáp ứng đầy đủ cũng có nghĩa là cuộc sống của con người được nâng lên. Nhưng sự đáp ứng đầy đủ cho mọi người hay chỉ cho một số ít người trong một cộng đồng hoặc trong toàn xã hội còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có việc xác định giá trị sức lao động và định giá sức lao động. Giá trị sức lao động là cơ sở cho việc định giá sức lao động. Xác định sai giá trị sức lao động sẽ dẫn đến định giá sai sức lao động. Xác định sai giá trị sức lao động sẽ dẫn đến tình trạng thu nhập của người lao động không tương ứng với giá trị sức lao động của họ. Ưu điểm của việc giải phóng sức lao động là xã hội có thể tập trung sức lao động cho những cộng việc cần thiết hoặc tập trung sản xuất nhiều sản phẩm cần thiết trong thời gian ngắn, nhưng mặt trái của nó là làm cho người lao động không gắn bó chặt chẽ với tư liệu sản xuất, không còn sở hữu tư liệu sản xuất, họ phải bán sức lao động để có thu nhập. Chính vì vậy họ ở thế bất lợi trong việc định giá sức lao động của họ. Khi đã ở thế bất lợi thì thường phải nhận phần thua thiệt. Thu nhập của người ở thế bất lợi thường thấp hơn giá trị sức lao động của họ. Khi thu nhập là thấp thì người lao động khó cải thiện được cuộc sống của mình. Những người có giá trị lao động thấp ( hay trình độ lao động thấp ) còn lâm vào thế bất lợi nữa là khó tìm được việc làm hoặc bị thất nghiệp. Việc tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu xã hội trở nên vô nghĩa khi những người lao động là số đông trong xã hội không đủ khả năng trả tiền cho những sản phẩm đó. Khi sức lao động trở thành hàng hoá thì nó được định giá và trả giá. Vấn đề đặt ra là định giá sức lao động như thế nào. Trong thực tế, sức lao động có khả năng chuyển hoá hay chứa đựng những giá trị sức lao động khác nhau. Do đó cần có những cách nhìn nhận, cách định giá phù hợp. Sự phù hợp ở đây là sự phù hợp giữa giá trị và sức lao động. Có sự định giá đúng giá trị sức lao động thì mới có thể định giá đúng sức lao động. Định giá và trả tiền sức lao động thấp hơn giá trị sức lao động, xét trong một số khía cạnh nào đó, là sự bóc lột. Ngược lại, nếu định giá trị sức lao động cao hơn giá trị thực thì sẽ có một phần giá trị sức lao động từ chỗ khác chuyển đến để bù cho phần chênh lệch do sự định giá cao này tạo ra. Sự dịch chuyển giá trị này có thể từ việc định giá thấp một hoặc nhiều sức lao động khác. Sự bóc lột sẽ được nghiên cứu ở một chương khác. Chương này nghiên cứu về vấn đề định giá giá trị sức lao động.

Giá trị sức lao động là mức độ đáp ứng nhu cầu sử dụng và hưởng thụ của mọi cá nhân trong xã hội của sức lao động. Còn định giá giá trị sức lao động hay định giá sức lao động là việc xác định mức độ thoả mãn nhu cầu đó. Giá trị sức lao động là cơ sở cho việc định giá sức lao động. Nhưng do sự biến động của nhu cầu mà sự định giá giá trị sức lao động không phải luôn luôn phù hợp với giá trị của sức lao động. Đây là vấn đề quy luật bởi sức lao động và giá trị sức lao động không thay đổi khi tạo ra sản phẩm ( nếu không có sự thay đổi nào về phương pháp tạo ra sản phẩm ), người thụ hưởng được hưởng đầy đủ giá trị ( giá trị sử dụng và giá trị hưởng thụ ) của sản phẩm, nhưng khi lượng sản phẩm được tạo ra đạt mức bão hoà thì giá cả xuất hiện xu hướng giảm. Sự giảm giá này kéo theo việc định giá thấp sức lao động hay sức lao động bị giảm giá, giá trị sức lao động bị định giá thấp. Giá trị sức lao động nằm trong tổng giá trị sản phẩm được tạo ra. Còn định giá giá trị sức lao động nhằm hai mục đích : xác định lượng giá trị sức lao động cần cho việc tạo ra lượng sản phẩm mới và xác định lượng giá trị sức lao động được thực hiện trong các sản phẩm đã được tạo ra. Vì vậy sức lao động và nhu cầu xã hội có quan hệ với nhau thông qua giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động được định giá cao hay thấp thể hiện mối quan hệ giữa nhu cầu và sức lao động là cấp thiết hay không cấp thiết. Nhu cầu cao đòi hỏi lượng giá trị sức lao động tương ứng. Giá trị của mỗi sức lao động được xác định bằng tỷ lệ giữa lượng giá trị cần thiết với số sức lao động. Số liệu này trong thực tế thường không trùng với số liệu về giá trị mà sức lao động có khả năng tạo ra. Cách xác định giá trị sức lao động kiểu này thường được sử dụng để hạ giá sức lao động trong những trường hợp số lượng sức lao động cao hơn yêu cầu.

Định giá giá trị sức lao động trong thực tế là một vấn đề gặp nhiều khó khăn bởi có nhiều yếu tố tác động đến việc định giá. Giá trị sức lao động được thực hiện thông qua sức lao động. Nhưng quan hệ giữa giá trị sức lao động và sức lao động không phải là một quan hệ tuyến tính. Trong một sức lao động có thể có nhiều lớp giá trị sức lao động. Mặt khác giá trị sức lao động cũng là giá trị nên nó cũng tuân theo quy luật giá trị. Sức lao động được định giá cao hay giá trị sức lao động cao khi nó đáp ứng nhu cầu xã hội đang tăng cao, nó sẽ giảm hoặc không còn giá trị khi nhu cầu đã được thoả mãn. Nhưng như vậy không có nghĩa là không thể và không thực hiện việc định giá giá trị sức lao động bởi có như vậy mới động viên được sức lao động và phát huy giá trị sức lao động. Giá trị sức lao động phải được định giá trong mối liên hệ tổng thể với các yếu tố có liên quan.

Giá trị sức lao động gồm có các yếu tố cấu thành và các yếu tố ảnh hưởng. Trong chương trước đã nêu một số yếu tố có khả năng tham gia cấu thành nên giá trị sức lao động và mối quan hệ phức tạp giữa sức lao động và giá trị sức lao động. Các yếu tố cấu thành không phải được chỉ ra là có thể được định một giá nhất định, mà chúng chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng nên sự định giá chúng tại những thời điểm khác nhau, ở những nơi khác nhau cũng không cố định. Điều này có nghĩa là giá trị sức lao động, khi chịu sự tác động của các yếu tố ảnh hưởng sẽ dễ bị định giá sai lệch( và cũng có thể đúng đắn hơn). Vì vậy tuỳ theo từng loại hình lao động, tuỳ theo từng hoàn cảnh mà xây dựng các tiêu chí, các phương pháp hiệu chỉnh để định giá. Sức lao động là đại lượng có thể cân đo đong đếm được, nhưng giá trị sức lao động lại không hoàn toàn tính toán được thông qua sức lao động bằng một công thức toán học. Những công việc lao động giản đơn với sức lao động có giá trị nhỏ thì việc định giá giá trị sức lao động không gặp nhiều khó khăn. Với những công việc phức tạp cần đến nhiều người có trình độ và ngành nghề khác nhau tham gia thì xác định được giá trị sức lao động cho từng người trong đó là không đơn giản. Định giá giá trị sức lao động cao hơn giá trị thực dễ gây ngộ nhận về năng lực cá nhân và tình trạng thu nhập không hợp lý ( mặc dù có thể là hợp pháp ) cho những người được định giá cao. Ngược lại, việc định giá thấp sẽ không khuyến khích sức lao động và xuất hiện sự tước đoạt giá trị sức lao động. Nếu giá trị sức lao động đã được thực hiện nhưng bị định giá thấp hơn giá trị thực một cách cố ý nhằm hạ thấp thu nhập của người lao động so với giá trị sức lao động của họ thì có nghĩa là hành vi được gọi là bóc lột đã xuất hiện. Vấn đề này sẽ được đề cập sâu hơn trong chương nói về sự bóc lột. Định giá giá trị sức lao động là việc định giá tổng hợp các yếu tố cấu thành, các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả định giá.

I Những yếu tố cấu thành giá trị sức lao động

Những yếu tố cấu thành giá trị sức lao động có thể là một số trong các yếu tố sau:

1- Yếu tố thời gian.

Yêú tố thời gian là yếu tố được tính đến trong mọi quá trình lao động. Nhưng nó không phải luôn được thể hiện bằng cách đo thời gian làm việc. Trong một số trường hợp nó được biểu hiện qua khối lượng sản phẩm được tạo ra. Còn trong những trường hợp sản phẩm không xác định được khối lượng thì việc đo thời gian để định giá giá trị sức lao động là cần thiết. Trong trường hợp thứ nhất thì do giá trị thời gian được ẩn trong khối lượng sản phẩm cho nên nó không được chú ý nhiều, việc định giá giá trị sức lao động được thực hiện thông qua khối lượng công việc hoặc số lượng sản phẩm. Nhưng nếu nhu cầu xã hội tăng cao thì thời gian sẽ có giá trị lớn hơn bởi việc tận dụng thời gian tốt sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội tốt hơn và do đó giá trị được tạo ra nhiều hơn, giá trị sức lao động trong những khoảng thời gian tận dụng này ( thường được gọi dưới cái tên là làm thêm giờ) cũng cần được định giá cao hơn bình thường bởi trong sức lao động đã bao hàm thêm sự cố gắng của người lao động sau mỗi chu kỳ làm việc. Sự cố gắng của cá nhân trong việc đáp ứng nhu cầu xã hội cần được ghi nhận bằng hình thức công lao động trong thời gian làm thêm được trả cao hơn cho khối lượng công việc bằng với khối lượng công việc được thực hiện không cần đến sự cố gắng.

2- Cường độ lao động.

Cường độ lao động là biểu hiện của khả năng sinh công trong một đơn vị thời gian. Khả năng sinh công cao đồng nghĩa với khả năng thực hiện được khối lượng công việc lớn trong một chu kỳ làm việc. Cường độ lao động thường ít được chú ý nếu khối lượng công việc cần được thực hiện không có giới hạn hoặc giới hạn rộng về thời gian. Nhưng khi công việc đòi hỏi giới hạn thời gian khắt khe thì cường độ lao động được tính đến bởi người lao động phải tăng cường độ sinh công thì mới có thể hoàn thành được công việc. Trong trường hợp này, việc tăng cường độ lao động sẽ làm tăng khối lượng công việc hoặc số lượng sản phẩm được thực hiện

3- Trình độ lao động.

Trình độ lao động thể hiện khả năng thực hiện những công việc có tính phức tạp. Tính phức tạp của công việc càng nhiều thì yêu cầu trình độ lao động càng cao. Trình độ lao động là kết quả của đào tạo và rèn luyện. Để có trình độ, người lao động phải được đào tạo và rèn luyện. Quá trình học tập và rèn luyện thực sự là quá trình lao động, nhưng là lao động không tạo ra giá trị. Đây là một dạng lao động quá khứ. Để thu được kỹ năng hay trình độ lao động, người lao động phải tổn hao sức lao động. Sự tổn hao này chỉ đem đến giá trị cho người lao động và nâng cao giá trị cho người lao động khi người lao động sử dụng trình độ lao động để tiến hành tạo ra sản phẩm, họ đã kết hợp hai sức lao động của bản thân họ là sức lao động hiện tại và sức lao động quá khứ. Sự kết hợp này tạo ra giá trị sức lao động cao hơn giá trị của sức lao động hiện tại.

Trình độ lao động được phân biệt ở ba dạng: đào tạo, rèn luyện và kết hợp cả đào tạo và rèn luyện. Việc đào tạo giúp cho việc nâng cao trình độ diễn ra nhanh, thời gian để người lao động đạt tới một trình độ quy định có thể xác định trước. Để có thể đạt được điều này, người lao động cần có nhiều sự hỗ trợ. Còn quá trình rèn luyện để nâng cao trình độ là quá trình vận động tự thân của người lao động. Quá trình này kéo dài hay ngắn tuỳ thuộc vào từng cá nhân. Quá trình rèn luyện có thể được xen kẽ trong thời gian đào tạo hoặc là sự rèn luyện trong quá trình lao động. Việc rèn luyện trong lao động là việc tạo ra sự thành thục lao động ở một trình độ. Sự thành thục trong lao động có thể làm giảm nhiều chi phí trong quá trình tạo ra sản phẩm. Phần chi phí giảm do sự thành thục này là giá trị sức lao động mới hay giá trị sức lao động gia tăng và thay thế được cho một số giá trị tạo nên giá trị sản phẩm. Sự thành thục giúp cho người lao động thu được hiệu quả lao động cao ở những sản phẩm quen thuộc và nó ít có ý nghĩa ở những sản phẩm mới. (Nếu có ý nghĩa thì đó là quá trình thành thục diễn ra nhanh hơn). Việc được đào tạo và học tập giúp người lao động có sự linh hoạt trong thực hiện các công việc khác nhau, thực hiện được các sản phẩm khác nhau dễ dàng .

- Năng lực cá nhân

Năng lực cá nhân thường được quan niệm bao hàm cả trình độ và một vài phẩm chất riêng của mỗi cá nhân. Đây là một quan niệm mặc dù không sai nhưng nó dễ dẫn đến suy nghĩ rằng chỉ cần có trình độ là đủ. Trong thực tế thì trình độ là cái nhân tạo, mỗi người có thể phấn đấu để giành được. Còn năng lực cá nhân là phẩm chất riêng mà con người không thể tạo ra, con người chỉ có thể phát hiện và khai thác nó trong bản thân người lao động. Vì lẽ đó mà ở đây phân biệt trình độ và năng lực cá nhân. Khai thác năng lực cá nhân trong lao động sẽ thu được nhiều giá trị sức lao động mà không tổn hao thêm về sức lao động. Có nghĩa là sức lao động của những người có năng lực mang giá trị cao. Giá trị sức lao động từ năng lực cá nhân là giá trị được chuyển hoá trực tiếp từ bản thân người lao động. Vì vậy nó làm gia tăng giá trị xã hội. Định giá trình độ lao động để sử dụng, định giá năng lực cá nhân để khai thác.

Năng lực cá nhân thể hiện ở khả năng vận dụng tổng hợp tri thức, kinh nghiệm thực tiễn vào thực hiện những công việc cụ thể. Điều dễ nhận thấy về năng lực cá nhân là sự sáng tạo trong lao động và luôn đổi mới phương pháp làm việc. Nhưng không ít trường hợp năng lực cá nhân không thể hiển rõ bằng trình độ, nó lẩn trong trình độ. Trình độ có thể định giá được thông qua một số tiêu chuẩn. Còn năng lực cá nhân rất đa dạng và có nhiều sự thể hiện khác nhau nên tiêu chuẩn cho năng lực cá nhân khó được xây dựng. Bởi không có tiêu chuẩn định giá nên năng lực cá nhân dễ bị lạm dụng. Để có trình độ, người lao động cần có kinh phí và sự hỗ trợ, còn năng lực cá nhân do bẩm sinh. Năng lực cá nhân giúp cho việc nâng cao trình độ nhanh hơn. Trong nhiều trường hợp, năng lực cá nhân mang đến trình độ cho người lao động mà không phải trải qua đào tạo và rèn luyện. Điều này rất có ý nghĩa bởi xã hội không phải mất thời gian và tiền bạc để đào tạo người lao động.

5- Tính chất công việc

Nhu cầu của con người ngày càng đa dạng, do đó chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú. Công việc tạo ra các sản phẩm cũng rất đa dạng và có tính chất khác nhau. Tính chất công việc đặt ra các yêu cầu cho sức lao động. Về cơ bản tính chất công việc thể hiện ở năm dạng: đơn giản, phức tạp, nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Tính phức tạp yêu cầu về trình độ và năng lực cá nhân, tính nặng nhọc yêu cầu về cường độ lao động, còn tính độc hại làm suy giảm sức khoẻ, tính nguy hiểm tạo nên sự căng thẳng thần kinh và sự huy động tối đa sức mạnh của cơ thể, vì vậy làm cho sức lực bị tổn hao nhanh. Tuỳ theo từng công việc cụ thể mà các yếu tố này xuất hiện. Sự xuất hiện của chúng là đơn lẻ hay kết hợp. Giá trị sức lao động khi thực hiện những công việc đơn giản được định giá không cao. Khi công việc xuất hiện các yếu tố còn lại thì giá trị sức lao động phải được tính đến cho từng yếu tố bởi ngoài sự tổn hao về sức lực còn có sự tổn hao về trí lực và tuổi thọ.

II- Các yếu tố ảnh hưởng

Các yếu tố ảnh hưởng là các yếu tố làm tăng hay giảm giá trị sức lao động của sức lao động khi thực hiện một loại công việc. Do việc làm thay đổi về lượng của giá trị sức lao động cho nên về bản chất, phần tác động làm thay đổi giá trị sức lao động của các yếu tố ảnh hưởng cũng là giá trị. Chúng cũng là các yếu tố có thể chuyển hoá thành giá trị sức lao động. Giá trị của chúng là sự chuyển hoá hai chiều thành giá trị sức lao động và ngược lại.

Các yếu tố ảnh hưởng có thể được kể đến:

1- Sự nhận thức về lao động và giá trị sức lao động.

Sự nhận thức về lao động là ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng đến việc định giá giá trị sức lao động. Không có nhận thức hoặc nhận thức không đầy đủ về lao động và giá trị sức lao động thì không thể định giá hoặc định giá sai về giá trị sức lao động. Sự định giá sai sẽ dẫn đến sự bất bình đẳng về quyền lợi chính đáng của các bên tham gia vào quá trình lao động hoặc việc định giá chỉ dựa đơn thuần vào thời gian và cường độ lao động, sức lao động và giá trị sức lao động bị đồng nhất, lao động của con người vì vậy không được phân biệt với hoạt động của những cỗ máy công suất nhỏ, con người bị coi là những cỗ máy. Sự xác định đầu tiên của việc nhận thức đúng về lao động và giá trị sức lao động là không coi con người là những cỗ máy. Trong lao động, con người không chỉ cần và có kỹ năng lao động , mà còn có tri thức, khả năng sáng tạo và tình cảm. Những yếu tố này làm cho giá trị sức lao động không đồng nhất với sức lao động. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã kéo theo sự gia tăng giá trị sức lao động so với sức lao động. Điều này đỏi hỏi nhận thức về lao động và giá trị sức lao động ngày càng phải được nâng lên. Sự nhận thức đúng về lao động là điều kiện để xác định được tính không đồng nhất đó và xác định được mức độ không đồng nhất, xác định được các phương thức phân phối giá trị hợp lý, công bằng.

2- Môi trường làm việc.

Môi trường làm việc là yếu tố dễ nhận thấy nhất trong các yếu tố ảnh hưởng tới giá trị sức lao động. Sự tác động của môi trường không chỉ làm thay đổi giá trị sức lao động mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức lao động, làm tăng hoặc giảm khả năng lao động. Môi trường làm việc bao gồm nhiều yếu tố và sự tác động của môi trường vào lao động có thể là đơn lẻ hoặc kết hợp các yếu tố đó. Các yếu tố của môi trường bao gồm:

a- Môi trường tự nhiên

Môi trường tự nhiên ảnh hưởng đến sinh lý của người lao động, làm thay đổi sức khoẻ và do đó làm thay đổi năng xuất lao động, thay đổi kết quả của lao động. Năng xuất lao động là cơ sở của hiệu quả lao động và do đó ảnh hưởng đến giá trị sức lao động. Các yếu tố tác động tới sinh lý của người lao động có trong môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố vật lý như nhiệt độ, ánh sáng, âm thanh, từ trường, điện trường, các tia bức xạ, áp xuất,..., các nhân tố hoá học xâm nhập vào cơ thể qua các con đường ăn uống, hô hấp, tiếp xúc...Nói chung, môi trường tự nhiên ảnh hưởng tới kết quả lao động theo hai hướng : làm tăng và giảm kết quả lao động, môi trường tốt sẽ làm tăng, còn môi trường xấu sẽ làm giảm. Việc định giá giá trị sức lao động khi tính đến môi trường làm việc cần đảm bảo khả năng phục hồi sức lao động, do đó giá trị sức lao động trong môi trường xấu được định giá cao hơn giá trị sức lao động trong môi trường thuận lợi. Nếu môi trường được cải thiện thì tác động tiêu cực của môi trường đến sức khỏe được hạn chế và do đó phần gia tăng hay chênh lệch giá trị sức lao động thuộc về công việc cải thiện môi trường làm việc chứ không hoàn toàn thuộc về sức lao động như khi chưa cải thiện môi trường. Đầu tư cải thiện môi trường làm việc cũng là một hình thức đầu tư thu được giá trị.

b- Môi trường xã hội

Môi trường xã hội ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Môi trường xã hội không chỉ trong phạm vi những người có quan hệ trực tiếp đến người lao động, đến công việc và kết quả lao động của người lao động như người thân, bạn bè, đồng ngiệp, đối tác, mà gồm cả nền văn hoá có ảnh hưởng đến hành vi, nếp sống và làm việc của người lao động. Cũng như môi trường tự nhiên, môi trường xã hội ảnh hưởng đến kết quả lao động theo hai hướng : tăng và giảm kết quả lao động. Nhưng việc định giá ảnh hưởng của môi trường xã hội là không định lượng được như ảnh hưởng của môi trường tự nhiên. Mặt khác, sự ảnh hưởng của môi trường tự nhiên là không rộng khắp thì môi trường xã hội có thể tác động tới phần lớn số người lao động, do đó có thể ảnh hưởng tới kết quả lao động chung. Cải thiện môi trường xã hội để có ảnh hưởng tốt tới người lao động không nhất thiết phải đầu tư như cải thiện môi trường tự nhiên mà ở việc ban hành chính sách của người lãnh đạo. Giá trị thu được từ hiệu quả của chính sách lao động đúng đắn sẽ bổ xung cho giá trị sức lao động, sức lao động vì vậy được định giá cao hơn. Sức lao động được định giá cao sẽ là động lực cho việc tạo thêm nhiều giá trị mới. Đây là chu trình của sự phát triển.

c- Các mối quan hệ lao động.

Các mối quan hệ lao động là các mối quan hệ mà người lao động có và phải có trong quá trình lao động. Trong quá trình lao động, người lao động có mối quan hệ như quan hệ với tư liệu sản xuất, quan hệ với người quản lý, quan hệ với sản phẩm, quan hệ với đồng nghiệp, quan hệ với người tiêu dùng. Giá trị sức lao động có thể thay đổi theo từng mối quan hệ.

c.1- Quan hệ với tư liệu sản xuất.

Quan hệ của người lao động với tư liệu sản xuất với tư liệu sản xuất thể hiện ở ba nội dung:

-Là người sở hữu nhưng không trực tiếp sử dụng
-Vừa sở hữu vừa sử dụng
-Là người sử dụng nhưng không sở hữu.

Nói chung, trong mối quan hệ với tư liệu sản xuất, người lao động luôn có xu hướng chuyển hoá các giá trị của tư liệu sản xuất thành giá trị sức lao động của mình. Nhưng với mỗi nội dung quan hệ thì sự chuyển hoá mang mục đích và do đó phương thức thực hiện khác nhau. Là người sở hữu nhưng không trực tiếp sử dụng, người lao động thực hiện việc quản lý tư liệu sản xuất và quản lý người lao động trực tiếp. Trong trường hợp này, người quản lý luôn có xu hướng thu được giá trị tối đa. Vì vậy họ tìm cách khai thác hết công suất tư liệu sản xuất và giá trị sức lao động của người lao động. Nhằm đạt yêu cầu này, người sở hữu tư liệu sản xuất thường quy định và giám sát chặt chẽ chế độ sử dụng tư liệu sản xuất hoặc yêu cầu người lao động làm việc trên các tư liệu không đạt tiêu chuẩn. Nếu việc thực hiện các quy định sử dụng tư liệu sản xuất cũng được trả công và khi làm việc trên các tư liệu sản xuất không đạt tiêu chuẩn được trả công cao hơn thì có nghĩa là giá trị sức lao động được định giá đầy đủ. Nhưng làm như vậy người sở hữu tư liệu sản xuất sẽ không thu được nhiều giá trị và cũng khó có thể nói rằng đó là mục đích của họ. Việc quy định chặt chẽ chế độ sử dụng tư liệu sản xuất và yêu cầu người lao động trực tiếp làm việc trên các tư liệu không đạt tiêu chuẩn, về bản chất là việc chuyển giá trị sức lao động của người lao động thành giá trị tư liệu sản xuất và vì vậy, người sở hữu dễ dàng dàng giành được quyền chiếm hữu phần giá trị này. Để tránh mâu thuẫn giữa việc yêu cầu người lao động thực hiện đầy đủ và đúng các quy định về sử dụng tư liệu sản xuất với việc định giá thấp giá trị sức lao động, những chủ sở hữu thực hiện một trong hai hoặc cả hai việc: chuyển dần sử dụng nhân công trong lao động sang sử dụng các công cụ lao động tự động, giảm dần sự phụ thuộc vào sức lao động và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa người sở hữu tư liệu sản xuất với người lao động bằng hình thức ưu đãi cho một bộ phận người lao động hoặc sử dụng người lao động có mối quan hệ thân thuộc. Sự ưu đãi thể hiện thông qua việc định giá cao giá trị sức lao động của nhóm người này. Để có nguồn chi trả cho việc định giá cao một số sức lao động, chủ sở hữu có thể áp dụng phương pháp định giá thấp giá trị sức lao động của một nhóm người lao động khác và tạo nên sự chênh lệch thu nhập giữa những người lao động. Đây là một thủ đoạn nhằm chia rẽ những người lao động. Một bộ phận người lao động có thu nhập cao sẽ trung thành và bảo vệ người sở hữu tư liệu sản xuất, bộ phận còn lại trong một số trường hợp phải tiến hành đấu tranh vì quyền lợi của mình. Nếu phương pháp đấu tranh không phù hợp sẽ tạo ra cái cớ cho chủ sở hữu sa thải. Khi công cụ lao động tự động thay thế cho sức lao động của con người thì người lao động bị đẩy ra khỏi quá trình tạo ra sản phẩm cho xã hội. Giá trị xã hội tăng lên nhưng không phải từ sức lao động của những người lao động trực tiếp. Số lượng người lao động trực tiếp trong xã hội tăng lên trong khi nhu cầu về lượng giá trị sức lao động trực tiếp không tăng hoặc giảm sẽ dẫn đến việc định giá thấp giá trị sức lao động của những nhân công lao động trực tiếp. Sự việc này xảy ra sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối ngày càng trầm trọng về thu nhập trong xã hội, những chủ sở hữu tư liệu sản xuất sẽ có thu nhập rất cao từ tư liệu sản xuất, tiếp theo là những người lao động có trình độ cao và có việc làm, còn những người lao động trình độ thấp sẽ dễ rơi vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập. Sự phân hoá xã hội sẽ ngày càng rộng, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Việc sử dụng công cụ lao động tự động là việc xoá bỏ mối quan hệ giữa tư liệu sản xuất với người lao động. Quá trình này diễn ra cùng với quá trình hiện đại hoá và phát triển kinh tế. Người lao động có thể thúc đẩy nhanh quá trình này bằng việc tận dụng năng lực công cụ sản xuất để nâng cao giá trị sức lao động của mình. Việc tận dụng tối đa năng lực công cụ sản xuất làm cho chu kỳ sử dụng rút ngắn, chủ sở hữu sớm phải đổi mới công cụ sản xuất, và khi đổi mới họ sẽ chuyển sang sử dụng các loại công cụ tự động. Một bộ phận người lao động không thích ứng được với việc đổi mới tư liệu sản xuất sẽ phải tìm việc khác hoặc bị thất nghiệp. Nói cách khác, người lao động có thể tự làm khó cho mình. Đây là một thế yếu của người lao động không sở hữu tư liệu sản xuất.

Khi người lao động vừa sở hữu, vừa trực tiếp sử dụng tư liệu sản xuất thì giá trị sức lao động của họ được định giá thông qua sản phẩm mà họ tạo ra. Giá trị sức lao động của họ được định giá theo quy luật giá trị.

Khi người lao động không sở hữu tư liệu sản xuất thị họ sẽ tìm cách chuyển hoá các giá trị tư liệu thành giá trị sức lao động của họ bằng cách không thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ sử dụng tư liệu, tận dụng tối đa hiệu quả tư liệu để giảm sức lao động, họ làm ngược lại so với người sở hữu. Đây là một mâu thuẫn tất yếu trong các xã hội có giai cấp và thừa nhận quyền sở hữu, bao gồm cả những xã hội xác định quyền sở hữu có tính mơ hồ hoặc sở hữu một phần.

Tư liệu sản xuất có nhiều dạng như nguyên, nhiên vật liệu, công cụ, thiết bị, phương tiện kỹ thuật, ruộng vườn, nhà xưởng. Người lao động có quan hệ và chịu ảnh hưởng của mối quan hệ với từng dạng tư liệu sản xuất trong quá trình chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động, trong đó có giá trị sức lao động của họ. Để cho ra đời một loại sản phẩm có cùng cấp độ chất lượng, người lao động sẽ phải bỏ nhiều công sức hơn khi phải làm việc với những tư liệu có chất lượng thấp, điều đó có nghĩa là giá trị sức lao động trong sản phẩm chiếm tỷ lệ cao hơn so với sản phẩm mà người lao động tạo ra từ những tư liệu sản xuất có chất lượng cao. Để có thể thu được cùng sản lượng lương thực trên cùng một đơn vị diện tích, người lao động làm việc trên thửa ruộng màu mỡ sẽ không phải vất vả bằng người canh tác trên thửa ruộng bạc màu. Máy móc, thiết bị tốt giúp cho việc tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Chất lượng tư liệu sản xuất có vai trò lớn và ngày càng lớn trong sản xuất, tỷ lệ giá trị của tư liệu trong sản phẩm ngày càng cao hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là giá trị sức lao động trong sản phẩm cần phải định giá thấp. Về bản chất, giá trị của tư liệu bao gồm giá trị tài nguyên thiên nhiên và giá trị sức lao động của con người. Giá trị sức lao động trong tư liệu sản xuất do lao động quá khứ tạo nên. Giá trị sức lao động quá khứ được chuyển hoá vào sản phẩm trong suốt quá trình người lao động sử dụng tư liệu sản xuất, nhưng nó được trả giá một phần và một lần khi chúng được chuyển quyền sử dụng hoặc sở hữu. Phần chênh lệch còn lại có thể làm cơ sở cho việc nâng sự định giá giá trị sức lao động của sức lao động hiện tại. Nhưng trong thực tế chúng thường bị chiếm hữu bởi những người sở hữu tư liệu sản xuất.

Quan hệ giữa người lao động với tư liệu sản xuất vừa mang tính bù trừ, vừa mang tính tương hỗ. Có nghĩa là có sự chuyển hoá giá trị sức lao động thành giá trị của tư liệu sản xuất và ngược lại, nhưng cũng có thể cả hai cùng hỗ trợ nhau để cùng làm tăng lượng giá trị. Một người lái xe sử dụng một chiếc xe tải có trọng tải năm tấn để chuyên chở vật liệu. Nếu anh ta sử dụng chiếc xe có trọng tải bốn mươi tấn thì khối lượng mà anh ta thực hiện được tăng lên nhiều lần. Điều này không có nghĩa là phần giá trị công việc tăng lên thuộc hoàn toàn về người lái xe, và cũng không thuộc hoàn toàn về tư liệu sản xuất là chiếc xe tải bởi lái chiếc xe tải nặng khó hơn chiếc xe tải nhẹ, người lái xe phải nâng cao trình độ của mình cho thực hiện công việc. Người lái xe đã phát huy giá trị của chiếc xe trọng tải bốn mươi tấn và chiếc xe phát huy giá trị sức lao động của người lái xe bằng việc phát huy trình độ của anh ta. Nói chung, trong điều kiện kinh tế phát triển, năng suất lao động cao thì tỷ trọng giá trị sức lao động trong sản phẩm là không cao, nhưng giá trị sức lao động được định giá cao nhờ tăng số lượng sản phẩm thực hiện.

c.2- Quan hệ với đồng nghiệp

Quan hệ với đồng nghiệp ở đây được hiểu là quan hệ giữa những người làm việc trong cùng một bộ phận, cùng một tổ chức có liên quan và hợp tác với nhau để tạo ra một hoặc một số sản phẩm cho xã hội chứ không phải đơn thuần là cùng nghề. Có nghĩa là họ có thể làm những nghề khác nhau, những phần việc khác nhau trong một quy trình sản xuất và quản lý sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Do có các mối liên hệ với nhau trong sản xuất nên giữa họ cũng nảy sinh các mối quan hệ về giá trị sức lao động. Họ có thể hỗ trợ lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm làm việc để nâng cao năng lực cá nhân trong lao động. Năng lực lao động tăng lên làm tăng giá trị sức lao động và làm tăng giá trị thu được trong sản xuất. Điều này có thể mang lại lợi ích cho từng người lao động và lợi ích cho người sở hữu tư liệu sản xuất trên cơ sở một phương án phân phối nào đó. Trong quan hệ đồng nghiệp còn có thể xảy ra quá trình di chuyển giá trị sức lao động từ người lao động này sang người lao động khác và thông thường là sự di chuyển từ người có giá trị sức lao động cao sang người có giá trị sức lao động thấp. Một người lao động có một sáng kiến về phương pháp làm việc và vì vậy nâng cao được năng suất lao động. Những người khác cũng áp dụng sáng kiến đó và nâng cao được thu nhập cá nhân. Những người làm việc ở phía trước trong dây truyền sản xuất có trình độ cao sẽ nâng cao chất lượng thực hiện công việc và tạo được điều kiện thuận lợi cho những người thực hiện công việc tiếp theo, ngược lại, nếu họ có trình độ thấp thì những người thực hiện phần việc tiếp theo sẽ phải mất thêm thời gian khắc phục những sai sót do họ để lại. Nếu không có sự định giá đúng hoặc biện pháp phân phối phù hợp thì trong trường hợp thứ nhất, người sử dụng lao động được hưởng lợi, còn trong trường hợp thứ hai, những người phía sau dây chuyền sẽ không được hưởng đúng giá trị sức lao động của mình.

Trong mối quan hệ đồng nghiệp còn dễ xảy ra việc định giá không đúng giá trị sức lao động khi người lao động được quyền tham gia biểu quyết định giá giá trị sức lao động của các đồng nghiệp. Sự định giá sai xuất hiện khi sự định giá không được đặt trên sự công tâm mà dựa vào mối quan hệ mang tính tình cảm hoặc nâng đỡ lẫn nhau theo kiểu hai bên đều được lợi hoặc do không vừa ý mà hạ thấp giá trị sức lao động của nhau. Đây là mối nguy hiểm thực sự bởi nó dẫn đến không chỉ định giá sai về giá trị sức lao động mà cao hơn, đó là sự định giá sai về giá trị của con người, định giá sai về khả năng lao động và do đó dẫn đến sử dụng sai sức lao động.

c.3- Quan hệ với người quản lý.

Quan hệ giữa người lao động với người quản lý là quan hệ giữa người bị hoặc được lãnh đạo với người lãnh đạo, giữa người lao động với người sử dụng lao động. Mối quan hệ này có thể chịu ảnh hưởng của mối quan hệ khác như mối quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất hoặc quan hệ huyết thống, thân thuộc. Mối quan hệ giữa người lao động với người vừa sở hữa tư liệu sản xuất vừa là người sử dụng lao động là mối quan hệ chủ thợ, người sở hữu tư liệu sản xuất mở ra việc làm, thuê người lao động nên có xu hướng định giá thấp giá trị sức lao động của người lao động nhằm thu được nhiều giá trị cho mình. Khi người sử dụng lao động và người lao động đều là người bán sức lao động thì mối quan hệ có thể là là mối quan hệ nguyên tắc, nhưng cũng có thể là mối quan hệ chứa đựng tình cảm. Khi mối quan hệ chỉ đơn thuần là dựa trên nguyên tắc làm việc thì nó không có ảnh hưởng đến việc định giá giá trị sức lao động. Nhưng khi mối quan hệ chịu sự chi phối của tình cảm thì việc định giá giá trị sức lao động sẽ bị sai lệch. Tình cảm đã cầm lái con thuyền định giá giá trị sức lao động.

c.4- Quan hệ với sản phẩm.

Quan hệ giữa người lao động với sản phẩm thể hiện ở hai dạng: với các sản phẩm do họ tạo ra và với các sản phẩm cùng loại do những người lao động khác tạo ra. Việc người lao động tạo ra sản phẩm được hiểu là họ có sự tác động trực tiếp hay gián tiếp, toàn bộ hay một phần. Trong thực tế có nhiều sản phẩm trải qua nhiều công đoạn, nhiều giai đoạn, vì vậy có thể có người lao động tham gia vào việc tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau như những người lao động sản xuất nguyên vật liệu cung cấp cho các nhà sản xuất khác. Do đó mối quan hệ này chỉ xét đến lúc người lao động kết thúc việc tác động lên sản phẩm và chuyển giao cho người khác sử dụng hoặc tiếp tục quá trình tạo sản phẩm.

Với các sản phẩm do người lao động tạo ra hoặc sẽ tạo ra được xét ở các mức độ: sản phẩm quen làm và chưa quen làm, sự phù hợp giữa trình độ, năng lực với độ phức tạp của sản phẩm. Với sản phẩm cũ, người lao động đã làm quen với các thao tác, các quy trình, các thủ thục, các phương pháp tiến hành cho nên năng xuất lao động tăng, các chi phí khác có thể hạ xuống, giá trị thu được tăng lên. Đây là biểu hiện của sự chuyển hoá kinh nghiệm và sự thành thục thành giá trị sức lao động. Với các sản phẩm mới, người lao động có thể cần chi phí đạo tạo hay làm quen, năng suất lao động thấp, các chi phí khác cao trong khi không thể tăng được giá trị sản phẩm. Trong giai đoạn này, giá trị sức lao động là thấp.

Nếu trình độ của người lao động tương ứng với độ phức tạp của sản phẩm thì mối quan hệ giữa người lao động với sản phẩm không ảnh hưởng tới việc định giá giá trị sức lao động. Nếu trình độ của người lao động cao hơn độ phức tạp của sản phẩm thì giá trị sức lao động trong mỗi sản phẩm cao hơn bình thường do người lao động tăng được năng suất lao động và do đó có thể giảm được nhiều chi phí khác. Ngược lại, nếu người lao động phải tạo ra các sản phẩm có độ phức tạp cao hơn trình độ của mình thì năng suất lao động thấp và nhiều chi phí khác tăng lên. Nếu đặt vấn đề so sánh thì giá trị sức lao động của người có trình độ cao trong cùng một loại sản phẩm cao hơn những người có trình độ thấp.

Khi trong một khu vực xuất hiện nhiều sản phẩm cùng loại nhưng do nhiều người hoặc nhiều tổ chức tạo ra thì ngoài việc định giá giá trị sức lao động căn cứ vào nhu cầu, còn có sự định giá chứa đựng yếu tố cạnh tranh. Yếu tố cạnh tranh xuất hiện làm cho việc định giá giá trị sức lao động đi theo hướng hạ thấp giá trị sức lao động để hạ giá thành sản phẩm. Người lao động phải nhường lại một phần giá trị sức lao động của mình cho người tiêu dùng để thu hút họ sử dụng sản phẩm của mình. Điều này là ngược lại với trường hợp người lao động tạo ra các sản phẩm đơn độc. Người tạo ra các sản phẩm đơn độc mà xã hội có nhu cầu cao thường có xu hướng định giá giá trị sức lao động của mình cao hơn giá trị sức lao động thực để thu hút giá trị của người dùng sản phẩm của mình. Cũng cần phân biệt rõ sản phẩm đơn độc và sản phẩm độc quyền. Sản phẩm độc quyền thường phải trải qua một quá trình nghiên cứu và nếu nó đáp ứng tốt cho nhu cầu xã hội thì việc trả giá cao cũng chỉ là việc định giá hợp lý giá trị sức lao động. Còn sản phẩm đơn độc là các sản phẩm mà vì những lý do nào đó mà không có nhiều người tạo ra và cung cấp cho xã hội. Người tạo ra sản phẩm lợi dụng tính đơn độc để áp dụng việc định giá độc quyền nhằm thu được nhiều giá trị.

c.5- Quan hệ với người tiêu dùng.

Quan hệ với người tiêu dùng ở đây được hiểu là quan hệ chung giữa người tạo ra sản phẩm với khách hàng sử dụng sản phẩm đó. Mối quan hệ này thể hiện ở hai dạng: cần duy trì khách hàng và khách hàng buộc phải sử dụng sản phẩm của mình. Trong trường hợp cần duy trì khách hàng thì người tạo ra sản phẩm thường phải nhường lại một phần lợi ích của mình cho khách hàng. Mà phần lợi ích đó là từ giá trị sức lao động của người lao động. Điều này có nghĩa là giá trị sức lao động phải hoặc bị định giá thấp. Ngược lại, khi người lao động buộc phải sử dụng sản phẩm thì giá trị sức lao động được định giá cao lên, khách hàng sẽ chịu thiệt thòi so với giá trị của sản phẩm.

d- Sự phát triển kinh tế.

Sự phát triển kinh tế ảnh hưởng mạnh đến việc định giá giá trị sức lao động. Sự phát triển này bao hàm ý nghĩa là sự phát triển kinh tế của một nhóm người lao động, một doanh nghiệp, một cộng đồng, một khu vực kinh tế, một quốc gia. Sự phát triển kinh tế đem lại nguồn thu giá trị cao. Nguồn giá trị cao được phân phối cho sức lao động thông qua việc định giá cao giá trị sức lao động của mỗi sức lao động. Một sức lao động khi lao động ở khu vực kinh tế phát triển thấp được định giá thấp hơn khi lao động ở khu vực có nền kinh tế phát triển cao. Điều này không hoàn toàn có nghĩa là giá trị sức lao động ở những khu vực kinh tế phát triển cao hơn ở những khu vực kinh tế kém phát triển. Hai người thợ có cùng trình độ và năng lực, cùng làm việc trong những điều kiện giống nhau sẽ có cùng giá trị sức lao động mặc dù họ làm việc trong những khu vực kinh tế khác nhau. Nhưng cùng một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nếu được áp dụng ở những doanh nghiệp lớn sẽ mang lại nhiều giá trị hơn khi áp dụng ở những doanh nghiệp nhỏ bởi số lượng sản phẩm của doanh nghiệp lớn nhiều hơn. Tuỳ thuộc vào vị trí lao động mà giá trị sức lao động có sự thay đổi khi dịch chuyển sức lao động. Sự phát triển kinh tế có một biểu hiện là số lượng sản phẩm được tạo ra nhiều hoặc có nhiều người sử dụng sản phẩm. Giá trị sức lao động của một cá nhân là cao hoặc rất cao khi sức lao động của họ có thể tác động đến số lượng lớn sản phẩm hoặc số lượng lớn người sử dụng sản phẩm. Sự phát triển kinh tế đem đến cơ hội phát huy giá trị sức lao động của người lao động.

III.Các hình thức định giá giá trị sức lao động:
1- Tự định giá

Tự định giá là hình thức người lao động hoặc một tổ chức tự định lượng giá trị sức lao động trên một đơn vị sức lao động của mình theo một số tiêu chí tự đặt ra hoặc theo một số tiêu chuẩn do một tổ chức quy định hoặc được hình thành trong xã hội. Các tiêu chí đó thường là các tổn hao về thời gian, sức lực, trình độ, tính chất sản phẩm, mức độ tiêu thụ, điều kiện sản xuất, v.v...Hình thức tự định giá dẫn đến việc hình thành giá sản phẩm. Bằng việc bán sản phẩm, hàng hoá và thông qua giá bán, người lao động thu lại giá trị sức lao động của mình. Hình thức tự định giá thường được áp dụng khi người lao động hoặc tổ chức sản xuất ra sản phẩm để trao đổi hoặc bán cho người khác sử dụng. Việc tự định giá có thể đúng hoặc sai lệch. Việc định giá đúng đem lại lợi ích chung cho cả người lao động và người sử dụng sản phẩm bởi người sử dụng thoả mãn được nhu cầu với chi phí hợp lý, còn người lao động thu được đúng giá trị của mình. Việc định giá sai có ảnh hưởng với mức độ ảnh hưởng tuỳ thuộc vào trị số sai lệch. Ảnh hưởng đầu tiên là có một trong hai người lao động và sử dụng được lợi, còn người kia chịu thiệt hại. Ảnh hưởng tiếp theo là việc sản xuất sản phẩm có thể tăng trưởng nhanh hoặc đình trệ.

2- Thoả thuận

Thoả thuận về giá trị sức lao động của người lao động thường được áp dụng trong trường hợp sức lao động là hàng hoá. Giữa người lao động và người sử dụng lao động thoả thuận về giá cả sức lao động. Nhưng hình thức này cũng có thể được thể hiện cả trong trường hợp người lao động bán các sản phẩm do họ tạo ra khi giá sản phẩm cũng là thoả thuận. Điều kiện để áp dụng hình thức này là nhu cầu về sức lao động của người sử dụng không cao và người lao động cũng có nhiều lựa chọn. Việc thoả thuận nhằm đạt một mức hợp lý để không gây thiệt hại cho một bên nào hoặc nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên.

3- Bình quân

Bình quân là một hình thái biến tướng của thoả thuận bởi tiêu chí của nó là dựa trên mức giá trị sức lao động trung bình của các sản phẩm cùng loại do những người lao động không có liên hệ với nhau tạo ra. Sự định giá bình quân đem lại bất lợi cho người có giá trị sức lao động cao bởi họ được trả giá thấp hơn giá trị của mình và ngược lại. Để đảm bảo tính hợp lý thì hình thức này phải được thường xuyên xem xét lại.

4- Áp đặt

Xét về mặt hiện tượng, sự biểu hiện của áp đặt giống như hình thức thoả thuận. Nhưng về bản chất, sự áp đặt dựa trên sự bất cập giữa nhu cầu và sự đáp ứng. Vì vậy hình thức này có thể được che đạy bằng hình thức thoả thuận và ẩn chứa một sự bất bình đẳng về phân chia giá trị. Hình thức này thường được người sử dụng lao động áp dụng bởi số lượng người lao động luôn nhiều hơn số người sử dụng lao động. Người lao động có thể áp đặt được mức giá trị sức lao động của mình khi người sử dụng lao động thực sự cần năng lực, trình độ của họ. Người sử dụng lao động cũng áp đặt sự định giá khi giá trị của sản phẩm bị hạ thấp do lượng sản phẩm đã thoả mãn hoặc vượt quá nhu cầu. Sự áp đặt này do người sử dụng lao động chịu áp lực từ bên ngoài và việc áp đặt theo hướng hạ thấp giá trị sức lao động nhằm hạ giá sản phẩm.

Sự áp đặt cũng không phải luôn theo chiều hướng bất lợi cho người lao động. Trong thực tế có xuất hiện một vài trường hợp sự định giá đem lại quyền lợi cho một số người lao động. Điều này có thể xảy ra khi người áp đặt sở hữu những giá trị lớn hoặc có nguồn thu giá trị lớn. Trong trường hợp này, người áp đặt nhường lại một phần giá trị của mình cho người lao động và họ làm được điều đó khi trong họ có lòng nhân từ.

Trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền lợi của người lao động hoặc mang lại lợi ích cho người sử dụng lao động, một tổ chức được gọi là nhà nước cũng áp dụng hình thức áp đặt hoặc can thiệp vào việc áp đặt trong các tổ chức tạo ra sản phẩm. Lợi ích thuộc về người lao động hoặc người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào nhà nước đứng về phía người nào. Hình thức áp đặt hoặc can thiệp của nhà nước có thể là trực tiếp thông qua việc ban hành đơn giá lao động hoặc gián tiếp bằng cách định giá một số loại sản phẩm chính trong xã hội. Nói chung, hình thức áp đặt không hoặc ít mang đến sự định giá đúng về giá trị sức lao động.

5- Công nhận.

Công nhận là sự định giá giá trị sức lao động dựa trên một số tiêu chuẩn hoặc điều kiện được định trước. Những tiêu chuẩn hoặc điều kiện được xây dựng trên cở sở các tính toán khoa học hoặc do chủ quan, có thể được lượng hoá hoặc chỉ là định tính. Nói chung, các tiêu chuẩn hoặc điều kiện định giá rất khó thể hiện được đầy đủ và chi tiết, mặt khác, điều kiện lao động không phải luôn đúng với những điều kiện đã đặt ra trong các tiêu chuẩn định giá. Việc định giá do con người thực hiện cho nên khó tránh khỏi tính chủ quan áp đặt. Các tiêu chuẩn, điều kiện định giá nhiều khi được xây dựng chung cho nhiều loại hình lao động khác nhau. Vì những lẽ đó nên khó có thể nói rằng công nhận là một hình thức định giá đúng đắn giá trị sức lao động. Mức độ đúng đắn của công nhận là cao và chỉ cao khi nó được xây dựng chi tiết và cụ thể, hay nói cách khác, mức độ lượng hoá là cao.

6- Thừa nhận.

Thừa nhận là hình thức định giá giá trị sức lao động sau khi giá trị sức lao động đã được thực hiện. Công nhận và thừa nhận đều là hai hình thức định giá giá trị sức lao động sau khi giá trị đã được thực hiện. Nhưng sự thừa nhận định giá dựa trên kết quả thực tế, còn công nhận định giá theo những tiêu chí định trước. Thừa nhận dựa trên kết quả thực tế nên mang tính khách quan. Thừa nhận chỉ không chính xác khi việc tính toán không đầy đủ và chính xác.

Định giá giá trị sức lao động đúng hay không đúng đều tạo ra những vấn đề nào đó cho xã hội. Nó tạo nên sự công bằng hặc mất công bằng trong xã hội. Điều này cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc định giá giá trị sức lao động. Một xã hội công bằng cần có những phương pháp định giá giá trị sức lao động đúng đắn và cũng chỉ có những phương pháp định giá giá trị sức lao động đúng đắn mới đảm bảo được sự công bằng xã hội. Khi định giá sai giá trị sức lao động ở chỗ này thì tất yếu kéo theo sự định giá sai giá trị sức lao động ở chỗ khác. Điều này xuất phát từ nguyên lý tổng lượng định giá giá trị sức lao động của một đơn vị, một tổ chức, một khu vực, một quốc gia hay toàn xã hội luôn bằng tổng lượng giá trị sức lao động được thực hiện trong đơn vị, trong tổ chức, trong khu vực, trong quốc gia đó hay trong toàn xã hội. Khi một hoặc một số sức lao động được định giá cao hơn giá trị thực của sức lao động đó thì tất yếu có một hoặc một số sức lao động khác bị định giá thấp đi để tạo ra phần chênh lệch bù đắp cho sực định giá cao đã được nêu ra. Ngược lại, khi có một hoặc một số sức lao động bị định giá thấp thì sẽ có một hoặc một số sức lao động được nhận phần tăng thêm giá trị ngoài giá trị sức lao động của mình.

Mục lục[sửa]

Luận về Lao động và Bóc lột/GT

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/Chương IV:Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương VI: Sự bóc lột

Liên kết đến đây