Máy đưa thuốc vào mắt qua da

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các kỹ sư thuộc ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chế tạo một loại máy điện phân dùng để đưa thuốc vào mắt nhanh hơn và hiệu quả hơn so với phương pháp nhỏ thuốc thông thường.

Theo KS Đào Quang Huân, một thành viên của nhóm nghiên cứu, gần 15 máy điện phân như thế đang hoạt động tốt tại Bệnh viện mắt Trung ương trong một chương trình chế tạo thử nghiệm nhằm thay thế máy điện phân thế hệ cũ do Liên Xô sản xuất. Nhược điểm của máy điện phân thế hệ cũ là dòng điện không ổn định, thường tăng lên sau một vài phút, gây rát và thậm chí là bỏng da của bệnh nhân.

Trước tình hình này, nhóm nghiên cứu do GS. TS Nguyễn Đức Thuận đứng đầu đã chế tạo máy điện phân GAL, đảm bảo dòng điện điều trị luôn ổn định ở giá trị mà bác sĩ đã đặt. Sau khi nhỏ thuốc vào một hoặc cả hai mắt bệnh nhân, bác sĩ áp điện cực làm bằng chì hoặc cao su dẫn điện lên mí mắt, trong khi điện cực trái dấu được áp vào gáy. Tiếp đến, giá trị dòng điện được điều chỉnh trong phạm vi 0,2-1mA cho tới khi bệnh nhân cảm thấy hơi râm ran ở mắt. Cuối cùng, bác sĩ đặt thời gian hoạt động của máy từ 5 tới 59 phút, tuỳ thuộc vào yêu cầu điều trị cho từng bệnh nhân. Mọi giá trị được đặt đều hiện lên màn hình chỉ thị số.

Theo BS Phạm Cương thuộc Khoa điều trị ngoại trú, trong quá trình đi từ cực hoạt tính ở mí mắt tới cực trung tính ở gáy, dòng điện đẩy thuốc thẩm thấu sâu và nhanh vào trong mắt. Bằng cách này, bệnh nhân bị viêm giác mạc và viêm kết mạc khỏi rất nhanh, trung bình chỉ phải điều trị 5 ngày, so với 2-3 tuần nếu chỉ nhỏ thông thường. Mỗi lần điều trị kéo dài khoảng 20 phút và bệnh nhân phải trả 5.000 đồng/lượt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng không phải mọi loại thuốc nhỏ mắt đều có thể được đưa vào mắt theo phương pháp này.

KS Huân cho biết, máy có hệ thống tự ngắt khi dòng điện vượt quá 1mA nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Khi quá trình đưa thuốc vào mắt kết thúc, máy sẽ phát ra tiếng kêu báo động rồi ngừng hoạt động. Cũng theo KS Huân, khó khăn lớn nhất trong quá trình chế tạo máy là tìm mua linh kiện. Linh kiện trên thị trường hiện nay chủ yếu là do Trung Quốc sản xuất, không hoạt động đúng như thống số ghi trên nhãn mác. Do vậy, nhóm phải đặt mua nhiều linh kiện từ Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua internet.

Theo ông Phạm Kính, Trưởng phòng kỹ thuật và vật tư, Bệnh viện Mắt trung ương, máy GAL được sử dụng cho chuyên khoa, không phải thiết bị dân dụng song lại có giá thành rất rẻ, chừng 1,5 triệu đồng/chiếc. Mặc dù vậy, giá trị thực tế mà máy mang lại rất cao, mỗi ngày điều trị cho hàng chục lượt bệnh nhân và họ rất hài lòng. Được biết ngoài máy GAL, nhóm nghiên cứu còn chế tạo một loại máy đưa thuốc vào cơ qua da nhằm điều trị viêm cơ, khớp. Hiện hai chiếc máy loại đó đang được chạy thử ở Bệnh viện E. Cơ chế hoạt động của máy cũng tương tự như GAL song dòng điện điều trị lớn hơn. Hiện nhóm nghiên cứu đang xúc tiến xin bằng sáng chế cho máy GAL.

  • Minh Sơn - Vietnamnet

Liên kết đến đây