Mang bầu không dễ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để có được cái hạnh phúc làm mẹ, người phụ nữ phải đánh đổi một phần nhan sắc và cả sức khỏe của mình.

Mặt sạm đen, đỏ au, nám, mụn và già hơn

Những thay đổi chẳng hề mong muốn này là điều dường như không thể tránh được với chị em mang bầu khi mà nó bắt nguồn từ chính câu chuyện của hoóc-môn và nội tiết tố. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể phụ nữ tăng tới 40% và cùng với sự tuần hoàn máu tăng mạnh ở các mạch máu nhỏ ngay dưới da làm cho da mặt chị em trở nên đỏ rực. Những thay đổi về hoóc-môn khi có thai mà điển hình là việc hắc sắc tố bài tiết nhiều hơn, sinh ra nhiều vết sạm, nhiều mảng đen hay mảng nám khắp mũi.

Đây là hiện tượng thường gặp và theo chuyên gia về sản khoa Suzanne Trupin tại đại học Illinos, Urbana-Champaign thì "70% phụ nữ mắc chứng này tạm thời, nó sẽ tự biến mất một vài tuần sau khi sinh". Nhưng mọi chuyện cũng không đơn giản như thế bởi có tới 25% những mảng đen bướng bỉnh sẽ vĩnh viễn nằm lại trên da, dù em bé đã chào đời và khôn lớn.

Và rồi lượng estrogen thừa cùng với sự tăng cường bài tiết chất nhờn của tuyến bã làm cho mặt bà bầu nổi mụn nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào. Song rất may là sự hiện diện của những loại mụn nhọt này sẽ không lâu. Khoảng sáu tuần sau khi em bé chào đời, chúng sẽ tự nói lời tạm biệt các bà bầu.

Có một điều đáng buồn nhất là muốn hay không thì phụ nữ trông cũng sẽ già hơn sau mỗi lần mang bầu. Nếu bạn tăng cân ở mặt và để trọng lượng giảm nhanh chóng sau sinh thì đó còn là cơ hội tốt để các vết nhăn, vết chân chim hình thành.

Hông nở, mông xệ

Đây là vùng ít thay đổi nhất song chúng vẫn chịu những tác động của hoóc-môn. Hoóc-môn relaxin giữ vai trò nới lỏng dây chẳng giúp hông bạn căng ra để chuẩn bị cho đứa trẻ chui ra và vì thế mà hông bạn nở rộng hơn thuở con gái. Phải mất tới sáu tuần sau sinh, hông bạn mới ổn định trở lại.

Mông của bà bầu chỉ không khác với lúc chưa có bầu với một điều kiện: họ không tăng và cũng chẳng giảm cân, vì sự tăng giảm cân là điều kiện hình thành lớp mỡ ở mông và đùi của phụ nữ. Nhưng giữ nguyên cân là điều dường như không tưởng với phụ nữ mang bầu.

Khi bạn giảm cân, thường là giảm không đều và điều này gây nên những điểm trũng mấp mpp. Những cơ vốn phải căng ra lúc béo giờ khó lòng mà co lại nên làm cho cặp mông của bạn tất nhiên khó có cơ hội chắc gọn như trước.

Dạ dày trễ và âm đạo giãn rộng

Hơn bất kỳ bộ phận nào dạ dày là nơi chịu nhiều tổn thương nhất do thai nghén: Dưới sức ép của tử cung dạ dày có thể bị giãn dài, trễ thấp xuống, làm tăng nhu động cơ dạ dày. Vị trí của dạ dày cũng bị thay đổi do tử cung to lên, chèn ép khiến thức ăn chậm tiêu, dễ ứ đọng dịch vị, gây thương tổn niêm mạc dạ dày.

Cũng giống như dạ dày, âm đạo cũng chịu những thay đổi to lớn do bầu thai mang lại. Khi có thai âm đạo có nhiều mạch máu, các tĩnh mạch giãn nở ra, vì vậy nó có màu tím sậm thay vì hồng nhạt như bình thường. Các niêm mạc âm đạo dày lên, phù mọng, nhất là vào các tháng cuối. Tăng sinh môn mềm ra, các môi lớn và môi nhỏ cũng có các tĩnh mạch giãn rộng, dưới da cũng có hệ thống mạng lưới tĩnh mạch phong phú...

Tất cả những thay đổi này làm người phụ nữ có cảm giác cửa mình "nặng" hơn bình thường, tức tức hơn bình thường và "to" hơn bình thường. Và sau khi sinh em bé hầu hết mọi người đều cảm thấy âm đạo bị căng ra. Theo một số chuyên gia sản khoa thì hầu hết phụ nữ sẽ lấy lại sự gọn gàng sau khi sinh một thời gian nhưng có thon thả được như thuở còn son hay không thì còn tùy thuộc vào cơ thể mỗi người. Bởi thế nên các dịch vụ khâu tầng sinh môn hay thu hẹp đường âm đạo vẫn cứ được quảng cáo khắp nơi.

Ngực to và chảy xệ

Có bầu luôn đồng nghĩa với cơ hội được nâng ngực miễn phí. Dưới tác động của hormone estrogen và progesterone tuyến sữa được kích hoạt để chuẩn bị nuôi con. Một phần do số lượng tuyến sữa tăng trong suốt thời kỳ mang thai và một phần do phổi cũng phải nở ra hết cỡ để cung cấp đủ oxy cho cả mẹ và em bé nên size ngực của bạn sẽ lớn chưa từng có.

Tuy nhiên lưu lượng máu tăng khi mang thai có thể tạo nên một bản đồ chằng chịt các gân xanh trên đôi bầu ngực và những thay đổi sắc tố khiến cho đầu vú của bạn trở nên thâm quầng. Theo Joanne Stone, bác sỹ, đồng tác giả cuốn Pregnancy for Dummies thì: "Các gân này sẽ biến mất nhưng màu thâm ở đầu ví sẽ chỉ giảm bớt chút ít sau khi sinh con". Và hiếm hoi trong số các sản phụ còn giữ được bộ ngực thon gọn như thuở con gái. Ngực càng to thì càng dễ nhận thấy sự xuống cấp của đôi gò bồng đảo, đặc biệt ở những người nuôi con bằng sữa mẹ.

Đùi chằng chịt gân và đôi bàn chân múp míp

Cũng giống như bầu ngực, cặp đùi bạn cũng sẽ chằng chịt những đường gân xanh. Theo thời gian chúng sẽ lặn dần nhưng đôi khi có những đường gân còn đuổi bám theo chị em suốt cả đời. Khi mang bầu cơ thể tích trữ một lượng nước khá lớn và điều này gây nên hiện tượng phù.

Hiện tượng này xảy ra ở khắp cơ thể nhưng đáng kể nhất là ở mặt, bắp chân và đôi bàn chân, biến những đôi bàn chân vốn nhỏ xinh của bạn thành những con thuyền múp míp. Trong khi hầu hết phụ nữ sẽ lấy lại được đôi chân của dáng xưa một vài tuần sau sinh thì một số chị em phải chung thân với cỡ giày tăng một số mãi mãi.

Mắt kém tinh

Vì cơ thể giữ nước nên giác mạc mắt của người mang bầu dày hơn, sự biến đổi này rõ rệt từ tuần thé 10 và tồn tại đến khoảng sáu tuần sau sinh, áp lực nước trong nhãn cầu giảm khi có thai. Hai hiện tượng nói trên làm cho mắt nhìn hơi mờ đi. Nếu phụ nữ mang kính áp tròng, nhất là loại cứng có thể sẽ gây cảm giác khó chịu.

Răng lợi... chảy máu

Tuần hoàn máu tăng nên làm cho lợi của phụ nữ mang bầu mềm hơn và hậu quả là đa số bà bầu bị chảy máu khi đánh răng.


Về mục lục

Liên kết đến đây