Năm cấp độ trong phát triển nhận thức hình học của Van Hiele

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Theo lý thuyết Van Hiele, lý do chính của việc dạy học hình học truyền thống thất bại là nó được trình bày theo cấp độ cao hơn so với khả năng của học sinh. Nói cách khác, học sinh không hiểu được giáo viên cũng như giáo viên cũng không hiểu tại sao các em lại không hiểu, đặc biệt ở trong các chứng minh hình học. Lý thuyết này tin rằng việc chứng minh trong hình học đòi hỏi tư duy theo những cấp độ khác nhau, và nhiều học sinh cần đủ các trải nghiệm trong tư duy ở những cấp độ thấp trước khi học các khái niệm hình học hình thức.

Cấp độ 1: Nhận biết trực quan. Học sinh nhận biết được các hình đơn lẻ. Các em nhận biết được tam giác, hình vuông, hình bình hành và nhận biết các hình trong thực tế khi so sánh chúng với hình dạng của các hình vẽ mẫu. Ở cấp độ này, học sinh chưa xác định được tính chất của các hình mà chủ yếu dựa vào trực giác.

Cấp độ 2: Phân tích. Học sinh bắt đầu phân tích được các tính chất của các hình, xem một hình tương ứng với một tập hợp các tính chất. Học sinh có thể nhận ra và biết tên của tính chất các hình nhưng không thấy mối liên hệ giữa các tính chất đó. Khi diễn tả một đối tượng, học sinh ở cấp độ này có thể liệt kê tất cả các tính chất các em biết, nhưng không phân biệt được tính chất nào là cần thiết và những cái nào là đủ để diễn tả đối tượng.

Cấp độ 3: Sắp thứ tự. Học sinh nhận thức được mối liên hệ, trật tự logic giữa các tính chất và giữa các hình. Ở cấp độ này, học sinh có thể tạo ra các định nghĩa có ý nghĩa và đưa ra các thông số theo cách hiểu của các em để khẳng định cho suy luận của mình. Các em hiểu những ứng dụng logic và các lớp bao hàm (kiểu như hình vuông là một dạng hình chữ nhật), nhưng chưa hiểu vai trò và dấu hiệu của các suy diễn hình thức.

Cấp độ 4: Suy diễn. Học sinh có thể thiết lập các chứng minh, hiểu vai trò của các tiên đề, định nghĩa và định lý, mối liên hệ bên trong giữa các định lý, biết điều kiện cần và đủ.

Cấp độ 5: Vững chắc. Học sinh ở cấp độ này hiểu được các khía cạnh hình thức của suy diễn như thiết lập và so sánh các hệ thống toán học. Học sinh hiểu việc sử dụng gián tiếp các chứng minh và chứng minh bằng phản chứng, có thể hiểu hệ thống hình học phi Euclide.

Một số nhà nghiên cứu về sau còn đề nghị thêm một cấp độ: cấp độ 0, hay gọi là tiền nhận thức. Học sinh tại cấp độ này chỉ ghi nhớ được một tập con các tính chất trực quan của các hình, dẫn đến việc khó khăn trong phân biệt các hình. Chẳng hạn, học sinh có thể phân biệt tam giác và tứ giác, nhưng khó khăn trong phân biệt hình thoi với hình bình hành.

Nguồn: Nguyễn Đăng Minh Phúc

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây