Nobel Hòa Bình: Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ XIV - Tenzin Gyatso

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các bạn thân mến,
Vào ngày 17 tháng 10 năm 2007, tổng thống Hoa kì George W Bush, thay mặt quốc hội đã trao tặng cho đức Đạt-lai Lạt-ma giải thuởng cao qúy nhất của Hoa kì là "Congressional Gold Medal Award" . Nhân dịp này, Ngài đã cho phép một Phái đoàn Phật tử Kim Cương thừa Việt Nam được diện kiến. Nhân cơ hội này LĐ xin được bổ xung và điều chỉnh một số thông tin mới về Ngài. Sắp tới, quyển sách được Ngài kí tặng cho người Việt và xuất bản lần đầu tại Việt Nam sẽ được phát hành với tựa đề "Tứ Điệu Đế".


Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 được rất nhiều người trên thế giới ngưỡng mộ không phải chỉ vì Ngài một nhà lãnh đạo của một tôn giáo hay một chính thể mà là vì Ngài là một tấm gương kiên trì đấu tranh bất bạo động cho quyền độc lập Tây Tạng và là một người tiến hành không mệt mỏi trong suốt nhiều thập niên việc mưu cầu hạnh phúc cho mọi tha nhân không phân biệt tôn giáo sắc tộc và truyền bá tư tưởng từ bi vị tha. Ngài nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1989.

Đức Đạt-lai Lạt-ma

Trong khuôn khổ một bài báo, tác giả bài viết không có tham vọng trình bày đầy đủ chi tiết về nhân vật tôn giáo lớn này, chỉ mong đem lại cho người đọc một vài nét rất sơ lược về hình ảnh của một vĩ nhân đương tại.

Lưu ý: Các bài viết có liên quan đến Phật giáo do tác giả Làng Đậu khởi đăng trên Internet cho phép người đọc được tự do in lại hay phổ biến nguyên văn mà không có sự cắt xén để tránh gây ngộ nhận hiểu sai khi câu văn đã bị đưa khỏi ngữ cảnh. Chân thành cảm tạ.


Phật Giáo Tây Tạng và Truyền Thừa Đạt-Lai Lạt-ma[sửa]

Khi nhắc đến Tây Tạng thường sẽ gợi nhớ cho người đọc về hình ảnh của một đất nước đầy màu sắc thần bí huyền hoặc. Một trong những nguyên do của sự kiện này là vì vị trí địa lý và truyền thống tôn giáo đặc sắc của xứ Tây Tạng. Đây là vùng đất có độ cao trung bình trên 4200m thuộc về dãy núi Hymalaya lạnh lẽo ở giữa Ấn Độ và Trung Hoa. Với vị trị địa lý hiểm trở, mãi đến thế kỉ 18 xứ Tây Tạng vẩn còn tương đối cô lập so với thế giới bên ngoài và do đó người dân bản địa có thể giữ được truyền thống văn hóa đặc thù riêng của vùng đất này. Do có chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa Ấn-Trung nên các phong tục tập quán sống của người Tây Tạng xưa rất đặc biệt vừa pha trộn sắc thái đa thần của Bà-la-môn giáo, Phật giáo từ Ấn Độ và nhiều tập quán du nhập từ Trung hoa.


Vùng tô màu vàng là lãnh thổ của nước Tây Tạng trước đây.


Phần khác quan trọng hơn, đây là nơi mà hơn 99% người dân đều theo Phật giáo Đại Thừa, đặc biệt là Mật tông hay còn gọi là Kim Cương thừa. Về triết lý thì giáo lý Trung Quán truyền lại từ bồ tát Long thọ và các đệ tử của Ngài được xem như là cốt lõi giáo lý Phật giáo ở đây, nhưng với một quan điểm thực hành đặc thù. Người theo bộ phái Kim Cương Thừa chú trọng hai khía cạnh tu học chính đó là Phương Tiện và Trí Huệ. Phương tiện tu học Mật tông là một trong những nét độc đáo mà không bộ phái Phật giáo khác nào có được. Bên trong Mật thừa còn có nhiều bộ phái nhỏ; tựu trung giáo lý có khoảng 4 lớp nguyên lý cơ bản. Lớp nguyên lý tu học cao nhất được gọi là "Mật tông Du-già Tối Thượng " (Anuttarayogatantra). Nguyên lý này bao gồm cả các thực hành thiền định sử dụng nhiều yếu tố tâm lý, như là việc hình tượng hóa các kinh (mạch) năng lực của thân thể, các năng lực luân chuyển trong các kinh mạch, 'các gìọt vi tế vân vân. Những yếu tố tâm lý này có tác động khai mở các năng lực tiềm tàng bên trong thân tâm nhằm giúp hành giả tu học được nhanh hơn và tùy trường hợp còn có thể đạt tới một số năng lực siêu nhiên khác (như là năng lực tự soi rọi được các tiền kiếp). Một số phương tiện khá nổi tiếng của Mật tông đã được nhiều người biết đến là: Mật Chú (các thần chú), Thủ Ấn (hay bắt ấn trên tay), và một kĩ thuật đặc sắc đầy tính nghệ thuật là Mạn-đà-la. Để bảo đảm được sự tu học thành công và tránh các hậu quả do việc tu tập sai lầm, phần nhiều các phương tiện tu học học này và nhiều kinh văn đặc thù chỉ được truyền dạy trực tiếp từ một đại sư đến riêng từng học trò. Tên gọi Mật tông có lẽ cũng là do từ đây mà ra. Điều này có thể là nguyên do chính tạo nên tính "huyền bí" ở Tây Tạng.

Khi đề cập đến việc thực hành Mật tông, đức Đạt-lai Lạt-ma 14, người được xem có vị trí tối cao trong Cách-lỗ Phái, giáo phái lớn nhất thuộc Mật tông, đã nhấn mạnh hai đặc tính cơ bản nhất của Đại thừa (từ tác phẩm "Tứ Diệu Đế" xuất bản năm 1997 -- chương Đạo Đế - phần Lộ Trình Kim Cương thừa ):

...trong tất các các loại thiền định thì chìa khóa luôn luôn là đạt được bồ đề tâm và trực giác tính khônga. Thiếu hai nhân tố này, không có cái nào trong những điều vừa kể có thể xem xét là các thực hành Phật giáo.

Bây giờ, ta hãy chuyển sang tìm hiểu sơ lược về truyền thống lựa chọn các vị Đạt-lai Lạt-ma. Ở Tây Tạng các vị Đạt-lai Lạt-ma được tin là đức Quán Thế Âm Bồ Tát tái sinh để độ chúng sinh. Theo từ điển bách khoa mở bằng Anh ngữ (en.wikipedia.org) thì dòng tái sinh này được truy cứu là có từ 1931. Các vị Đạt-lai Lạt-ma đều thuộc về trường phái Phật giáo Gelug (Cách-lỗ Phái)

Chữ Đạt-lai có gốc từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là biển lớn, chữ Lạt-ma là chữ Tây Tạng dùng để chỉ các đạo sư. Chữ "Đạt-lai Lạt-ma" được hiểu như là một người có trí trí huệ sâu xa như biển. Danh hiệu này nguyên được Hoàng Tử Mông Cổ phong cho ngài Sonam Gyatso trong năm 1578b , tức là vị Đạt-lai Lạt-ma thứ 3 tái sinh từ hai vị thứ nhất và thứ nhì. Kể từ đời Đạt-lai Lạt-ma thứ 5, lúc đó tên là Losang Gyatso, đã ban danh hiệu Ban-thiền Lạt-ma cho ngài Lobsang Choekyi Gyaltsen. Kể từ đó, danh hiệu này được các dành cho các hóa thân tái sinh của vị Ban-thiền Lạt-ma trước đó.

Chữ Ban-thiền (Panchen) là chữ ghép bởi hai từ "Pandita" và "Chenpo". Padita là chữ Phạn có nghĩa là "học giả" trong khi chữ "Chenpo" trong Tạng ngữ có nghĩa là "vĩ đại".

Kể từ khi có danh hiệu Ban-thiền Lạt-ma, thì vị này giữ nhiệm vụ phát hiện hóa thân của đức Đạt-lai Lạt-ma tái sinh, và ngược lại, đức Đạt-lai Lạt-ma sẽ là người quyết định lựa chọn ai là vị Ban-thiền Lạt-ma (tái sinh) kế tục.

Sẽ là một thiếu sót nếu không giới thiệu sơ lược về trường phái của các vị Đạt-lai Lạt-ma. Gelug hay còn gọi là Cách-lỗ phái (tên khác là "cách lỗ") được sáng lập từ ngài Tsongkhapa một đại sư người Tây Tạng đã nhấn mạnh nguyên lý Đại thừa về từ bi vô lượng. Ngài đã kết hợp sự giác ngộ trực tiếp về tính không của hai vị Bồ tát Long Thọ (thế kỉ thứ 2) và Nguyệt Xứng (thế kỉ thứ 7) để giảng dạy về giáo lí Trung Quán (Madhyamaka). Cách-lỗ phái phát triển phương cách để giác ngộ tính không thông qua thiền định và các phương tiện tu học quan trọng nhất là kết hợp thiền định với các thực hành Mật tông như đã đề cập.

Chữ gelug có nghĩa là "tông phái của các hiền nhân" trong khi đó chữ "Cách-lỗ" là chữ phiên âm.

Bối Cảnh Lịch Sử và Thời Gian Ở Tây Tạng[sửa]

Đức Đạt-lai Lạt-ma thứ 13

Năm 1895 đức Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 nắm quyền thế tục , trong bối cảnh của hai cuộc thế chiến, năm 1913 Tây Tạng tuyên bố độc lập. Người Tây Tạng đã thành công trong việc đánh đuổi quân Trung quốc trong năm 1918. Nước Tây Tạng này đứng trước một mối nguy rất lớn từ hai phía: Anh-Ấn và Trung Hoa. Ngài Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 đã tìm cách giữ được trạng thái độc lập của Tây Tạng giữa hai thế lực này trong suốt 12 năm kể từ 1918 (nhờ vào một hiệp ước mong manh kí với các lân bang) và Tây Tạng đã đạt được công nhận của quốc tế. Vào năm 1935 vị Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 qua đời khi mà hoàn cảnh đất nước đứng trước các hiểm họa lớn, và ngài đã để lại một lời tiên tri về vận mệnh của nước Tây Tạng:

Điều có thể xảy ra ngay tại trung tâm của Tây Tạng, tôn giáo và nội các có thể bị tấn công từ bên ngoài và bên trong. Ngoại trừ chúng ta có thể bảo vệ quê hương của chúng ta, các vị Đạt-lai và Ban-thiền Lạt-ma, Cha và Con ... sẽ phải rời bỏ không kèn trống. Các Chùa chiền, các sư, ni, đất đai tài sản của họ sẽ bị hủy hoại ... những viên chức của quốc gia sẽ thấy rằng đất nước họ bị xâm chiếm và tài sản của họ bị tịch thu, và họ hoặc tự mình phục vụ cho kẻ thù hoặc lang thang trong quê nhà như những kẻ ăn mày. Mọi chúng sinh sẽ bị chìm ngập trong đau khổ và sợ hãi bao trùm.

Nhiệm vụ lớn khi Đạt-Lai Lạt-ma thứ 13 qua đời cho chính quyền Tây Tạng là đi tìm hóa thân mới của ngài tức là đức Đạt-lai Lạt-ma 14.

Năm 1935, Nhiếp chính đã đến hồ Lhamo Lhatso ở Chokhorgyal cách thủ đô Lhasa của TâyTạng 90 dặm về phía Đông Nam. Đây là hồ linh thiên đối với người Tây Tạng, nhiều sự kiện tương lai có thể đọc thấy ở đây. Nhiếp chính đã tìm được 3 chữ cái Tây tạng là Ah, Ka, và Ma theo đó là ảnh của một ngôi chùa với nóc ngọc xanh biếc và vàng và một ngôi nhà lát đá màu lam. Đến năm 1937 đoàn Lạt-ma cao cấp và các chức sắc dưới sự lãnh đạo của Lạt-ma Kewtsang Rinpoche trụ trì chùa Sera mang theo những sự kiện kì bí thấy được từ hồ nước đến Amdo và đã thấy được một nơi trùng hợp với các hình ảnh kì bí đó. Ngài Kewsang Rinpoche đã giả dạng làm những người hầu, ông đeo một một tràng hạt của đức Đạt-lai Lạt-ma 13 và chánh văn phòng Lobsang Tsewang giả làm người thị giả.

Khi tới nơi, một đứa bé hai tuổi trong ngôi nhà nhận ra được xâu chuỗi và yêu cầu trả lại cho bé. Ngài Kewsang Rinpoche đồng ý nhưng với điều kiện là đứa bé đó phải đoán được ông là ai. Đứa bé đã trả lời "Sera aga", trong nghĩa của tiếng địa phương là "một Lạt-ma từ Sera". Sau đó Rinpoche hỏi tên người chủ, đứa bé trả lời đúng tên ông ta; và còn biết cả tên của người hầu thật sự của ông này. Sau đó, đứa bé cũng đã vượt qua hàng loạt thử nghiệm trong đó bao gồm cả việc lựa chọn đúng các món đồ dùng cá nhân để lại của đức Đạt-lai Lạt-ma 13. Đứa bé đó chính là ngài Đạt-lai Lạt-ma 14. với các thử nghiệm đã đủ để tin đó chính là hóa thân của đức Đạt-lai Lạt-ma 13 tức là một kiếp tái sinh mới của đức Quán Thế Âm. Ngoài ra, các sự kiện lấy từ hồ Lhamo Lhatso cũng được giải đáp: chữ Ah có thể viết tắt cho Amdo, tên tỉnh lỵ; Ka là từ chữ Kumbum, tên của các ngôi chùa lớn nhất ở gần đó; và Ka và ma là tên của chùa Karma Rolpai Dorje ở trên núi gần ngôi làng.

Đức Đạt-lai Lạt-ma 14 ra đời ngày 6 tháng 7 năm 1935 tại ngôi làng nhỏ Taktser, phía Đông Tây Tạng gần biên giới Trung Hoa, trong một gia đình nông dân bình thường với tên khi chào đời là Lhamo Dhondup. Mẹ ngài lập gia thất từ lúc 16 tuổi và sinh nhiều con nhưng chỉ nuôi được 5 trai và 2 gái. Ngài được tìm thấy khi mới hai tuổi.

Ngài được đặt tên lại sau đó là Jetsun Jamphel Ngawang Lobsang Yeshe Tenzin Gyatso -- được nhiều mệnh danh như Thánh Nhân, Hào Quang Êm Diệu, Từ bi, Hộ Pháp của Đức Tin, Biển của Trí Huệ hay đơn giản gần đây là Kundun.

Ngài lên ngôi ngày 22 tháng 2 năm 1940 lúc năm tuổi.

Tại Lhasa, ngài được dạy nhiều môn trong đó có Phạn ngữ, Y học, và chủ yếu là Phật học. Tuy nhiên, trong một tác phẩm, Ngài đã tự thuật rằng thuở thiếu thời là một đứa trẻ rất tò mò táy máy, yêu khoa học:

Việc thấy được tầm quan trọng to lớn của khoa học và việc công nhận tư thế thống trị không tránh được trong thế giới hiện đại đã làm thay đổi thái độ của tôi một cách cơ bản từ việc tò mò sang một kiểu hành động gấp rút.
...Tôi muốn tìm hiểu khoa học vì nó cấp cho tôi những lĩnh vực mới để khám phá trong cuộc truy tìm cá nhân để tìm hiểu bản chất của thực tại.

Theo lời tường thuật lại, thì Ngài đã là một trong số ít người Tây Tạng trẻ biết tự mày mò tháo gỡ để lắp sửa các loại đồng hồ và nhiều máy cơ khí khác khi còn sống ở trong thời gian đó.

Có lẽ, tinh thần yêu khoa học này cũng đã ảnh hưởng đến nhiều hoạt động như là việc cho phép các nhà khoa học, vật lý học, và thần kinh học tham gia nhiều hội thảo nghiên cứu với các nhà thiền sư đã chứng ngộ cao thâm về những lĩnh vực có liên quan đến triết học Phật giáo, vũ trụ quan và thần kinh học sau này.

Năm 25 tuổi (1959) ngài đã hoàn tất được trình độ Geshe Lharampa tức là học vị tiến sĩ Phật học.

Vào tháng 11 năm 1950 ngài được cho phép tiếp tục vị trí chính trị của mình như là người đứng đầu chính phủ ở Tây Tạng sau khi quân đội Trung Quốc lấn chiếm. Đến năm 1954, ngài đến Bắc Kinh để tìm cách đàm phán hòa bình với các nhà lãnh đạo Cộng Sản trong đó bao gồm cả chủ tịch Trung Quốc bấy giờ là Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đến năm 1956, nhân dịp kỉ niêm 2500 Phật đản, ngài đã có Nhiều cuộc họp với thủ tướng Ấn độ là Nehru và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai để bàn về các điều kiện làm hư hại Tây Tạng.

Các nổ lực chống đối của dân Tây Tạng đối với sự chiếm đóng của quân đội Trung Quốc ngày càng tăng. Tháng 10 năm 1959 tại Lhasa đã xảy ra cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử Tây Tạng để đòi quyền độc lập. Kết quả là quân đội Trung quốc đã đàn áp dã man cuộc biểu tình này. Hàng chục ngàn chùa chiền bị tiêu huỷ và rất nhiều di sản quý liên quan tới Phật giáo ở đây bị cướp phá nghiêm trọng, và khoảng hơn 87,000 Phật tử Tây Tạng bị giết. Những hành động tiếp theo của quân đội Trung Quốc có chỉ đấu cho thấy họ muốn giết đức Đạt-lai Lạt-ma.

Đo đó, vào ngày 17 tháng 3 1958, Ngài đã quyết định đào thoát sang Ấn độ và cùng với hơn 80 ngàn người Tây Tạng tỵ nạn hình thành một cộng đồng Tây Tạng tại Dharamsala

Hành Trạng[sửa]

Từ một vị lãnh đạo thế quyền và là một vị lãnh đạo tinh thần cao nhất của một giáo phái ngài trở thành kẻ lưu vong. Mất nước, nhưng không mất tinh thần và Ngài thực sự hoạt động tích cực, kể từ năm 1960 ngài đã mở đầu nhiều cuộc gặp gỡ, vận động, giảng dạy ở khắp nơi với một tinh thần hoàn toàn vị tha:

.., cuộc khủng hoảng tại trung tâm Tây Tạng buộc tôi đào thoát khỏi quê nhà sang Ấn Độ, để dấn thân trở thành tị nạn không có tư cách công dân. Điều này vẩn còn là tình trạng hợp lệ của tôi. Nhưng mất quyền công dân tại quê hương, tôi tìm thấy nó trong một ý nghĩa rộng lớn hơn; tôi có thể thực sự nói rằng tôi là một công dân của hoàn vũ.

Hoạt động của Ngài có thể chia làm ba lĩnh vực chính là: Phát triển cộng đồng và đấu tranh cho quyền độc lập của người Tây Tạng và các hoạt động thế quyền; truyền bá Phật giáo, các phương pháp thực hành Phật giáo và giáo dục về nền nếp sống; và cuối cùng là tham gia hoạt động khoa học.

Trong lãnh vực thứ nhất Với tư cách lãnh đạo quốc gia Tây Tạng, Ngài đã kiên quyết đấu tranh bất bạo động không mệt mỏi để yêu sách nhà cầm quyền Trung Hoa trả lại quyền tự trị cho người Tây Tạng đồng thời ngưng các hoạt động phá hủy môi trường sống và âm mưu đồng hóa người Tây Tạng.

Đối với cộng đồng lưu vong, ngay từ những ngày đầu, ý thức được tầm quan trọng về giáo dục ngài đã cho tiến hành xây dựng trường học các cấp bao gồm cả các đại học. Riêng về chính quyền, Ngài đã cho thành lập nội các bao gồm các bộ như Thông tin, Giáo dục, Gia đình, Nội an, Tôn giáo, và Kinh tế. Đồng thời bản hiến pháp dân chủ cũng đã được thông qua.

Đến năm 1967 lần đầu tiên Ngài xuất ngoại sang Nhật và Thái

Tháng 9 năm 1973 ngài khởi đầu cho nhiều cuộc thăm viếng và vận động ở các nước Tây Phương bao gồm Ý, Thụy Điển, Hòa Lan, Bỉ, Ireland, Na Uy, Thụy sĩ, Đan Mạch, Anh, Tây Đức và Áo.

Năm 1987, tai Washington Hoa Kì, Ngài đã đề xuất chương trình hoà bình 5 điểm cho vùng đất Tây Tạng bao gồm:

  1. Biến Tây Tạng thành một khu vực hòa bình.
  2. Chấm dứt việc di dân Trung Hoa đang de dọa sự tồn tại của dân tộc Tây Tạng
  3. Tôn trọng các quyền dân chủ, tự do và quyền làm người của dân Tây Tạng
  4. Phục hồi và bảo vệ môi sinh của Tây Tạng và chấm dứt việc sử dụng đất Tây Tạng để sản xuất vũ khí nguyên tử và bỏ đồ phế thải nguyên tử và
  5. Khởi sự thương thảo ngay về quy chế tương lai của Tây Tạng và bang giao giữa Tây Tạng với Trung Hoa.

Năm 1988 Ngài đưa ra đề xuất Strasbourg gửi tới nghị viện châu Âu nhằm tranh thủ sự chú ý ủng hộ cho 5 điểm trên về một Tây Tạng tự trị.

Năm 1992 Khởi động thêm những bước quan trọng cho một chính quyền dân chủ bao gồm trực tiếp đầu phiếu cho Hội đồng bộ trưởng bởi Nghị viện và thành lập ngành tư pháp.

Năm 2001 Cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên trong lịch sử của Tây Tạng để chọn thủ tướng (senior minister)

Trong lãnh vực truyền bá Phật Pháp và giáo dục Ngài là người hoạt động rất mạnh trong lãnh vực truyền bá Phật giáo đặc biệt là giáo lý Đại thừa và Trung Quán tông. Đúng với mệnh danh hiện thân của lòng từ bi, trong hầu hết các buổi thuyết giảng, tinh thần từ ái, bao dung luôn luôn được ngài nhấn mạnh nhiều lần. Ngài đã đến hơn 62 quốc gia, có mặt ở tất cả các lục địa, gặp gỡ nhiều chính khách cũng như các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã hội và kể cả các khoa học gia để nói về chuyện này. Nếu nhìn vào lịch làm việc của ngài thì hết hơn 70% thời lượng là dành cho thuyết Pháp và giảng dạy Phật học và thiền. Bên cạch các đề tài về Phật học người đọc còn có thể tìm tìm thấy nhiều chục mặt sách, có đứng tên Ngài, chỉ dạy về cách sống vuơn tới hạnh phúc. Trong số hàng trăm mặt sách mà Ngài làm tác giả hay đồng tác giả (mà phần nhiều trong chúng là do các đệ tử hay các tác giả khác ghi lại qua phỏng vấn hay đàm thoại với Ngài). Riêng Ngài có giữ bản quyền của hơn 72 tựa sách, có nhiều quyển trở thành sách bán chạy nhất (best seller). Ngoài ra, người ta còn tìm thấy số lượng không nhỏ các dạng sách bằng âm thanh và hình ảnh. Rất nhiều trong các sách dạng này là trực tiếp thu lại từ các buổi thuyết giảng của Ngài. Điều này cho thấy năng khiếu sư phạm của đức Đạt-lai Lạt-ma. Nếu người ta có dịp tham gia một khoá tu học ngắn hạn trực tiếp từ Ngài sẽ nhận thấy phong cách đặc trưng hồn nhiên, hóm hỉnh, thoải mái được lồng vào trong khuôn khổ hiểu biết sâu sắc về cả Phật học lẫn tinh thần lạc quan. Việc giáo dục truyền bá Phật giáo chắc chắn là một trong các nhiệm vụ chính yếu mà Ngài đề ra.

Đối với Khoa học Nhiều người có thể sẽ rất ngạc nhiên khi mà một lãnh tụ tôn giáo lại có thể tham gia hỗ trợ các nghiên cứu khoa học.

Thât vậy, nhận thấy tầm quan trọng cũng như sự tương tự của Phật học và khoa học, đức Đạt-lai Lạt-ma là nhà hoạt động tôn giáo đầu tiên trên thế giới đã không ngần ngại có các hoạt động hỗ trợ trực tiếp các nghiên cứu khoa học đặt biệt là trong lãnh vực thần kinh học:

Với ảnh hưởng ngày càng lớn của khoa học lên đời sống của chúng ta, tôn giáo và tinh thần càng có một vai trò vĩ đại hơn nhắc nhở ta về bản chất con người. Không có mâu thuẫn giữa hai phương diện này. Mỗi phương diện cho ta các hiểu biết thấu suốt vào phương diện còn lại. Cả khoa học lẫn các giảng huấn của Phật đều dạy bảo ta về sự thống nhất của vạn vật.

Chỉ cần dùng Google, người đọc có thể để dàng kiểm nhận lại các hoạt động của ngài trong lĩnh vực này.c Đã có lần Ngài phát biểu rằng nếu không phải là một nhà sư thì Ngài sẽ thích trở thành một kĩ sư. Trong quá trình hoạt động ngài đã có nhiều liên hệ mật thiết với các nhà khoa học các nhà vật lý tiếng tăm và các nhà thần kinh học. Ngài tin rằng khoa học và Phật học chia sẽ nhau cùng một đối tượng đó là phục vụ nhân sinh và tạo ra sự hiểu biết tường tận hơn về thế giới.

Nhiều tác phẩm và diễn thuyết của Ngài có nội dung liên hệ tới khoa học và Phật học hay sử dụng các kết qủa nghiên cứu khoa học để làm vật liệu cho các giảng huấn về Phật học. Đưọc biết ngài cũng có nhiều đệ tử đã xuất gia xuất thân từ các nhà khoa học.

Trong năm 1987 trong bài giảng về "Gánh Nặng của Chủ Nghĩa Ngờ Vực" nhà thiên văn nổi tiếng Carl Sagan đã phát biểu:

Trong khoa học thường có lúc các nhà khoa học bảo rằng, 'Anh biết là anh tranh luận rất tài; ý kiến của tôi là một sai lầm,' và sau đó họ liền thay đổi lập trường và bạn chẳng bao giờ nghe lại được cái ý kiến đó nữa. Họ thực sự làm vậy. Nó không thường xảy ra như nên có, bởi vì các nhà khoa học là con người và sự thay đổi đôi khi rất đau đớn. Nhưng điều đó xảy ra hàng ngày. Tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng những điều tương tự xảy ra hay không trong chính trường và tôn giáo.

Tuy nhiên, điều này có lẽ không còn đúng ít nhất là đối với Phật giáo. Không chỉ hỗ trợ hợp tác đơn thuần với khoa học, mà Ngài còn chứng tỏ một tinh thần khách quan tôn trọng các kết quả nghiên cứu khoa học đúng đắn. Trong quyển "Vũ Trụ Trong Một Đơn Nguyên Tử" mà tác giả chính là đức Đạt-lai Lạt-ma có viết:

Nếu phân tích khoa học đã biểu thị được một cách thuyết phục rằng những luận điểm nào đó trong Phật giáo là sai, thì chúng ta phải chấp nhận khám phá đó của khoa học và từ bỏ các luận điểm đó.

Từ những năm đầu của thập niên 1980, Ngài đã có nhiều nổ lực để đàm thoại và trao đổi quan điểm giữa khoa học và Phật học. Ngay chính tại Dharamsala, nơi Ngài sống và làm việc, các nhà khoa học thường được mời đến để tham dự các buổi thảo luận và diễn thuyết về những vấn đề tương quan. Ngài cũng đã dành nhiều thì giờ viễn du đến các đại học lớn ở khắp nơi để tham khảo, tham quan, thảo luận và diễn thuyết về các đề tài Phật học liên quan đến khoa học.

Sống và Cách hành sự[sửa]

Theo giáo sư Eric Sharp thuộc đại học Sydney, Úc thì đức Đạt-lai Lạt-ma là một trong ba vĩ nhân người châu Á của thế kỉ 20 (hai người kia là Rabindranath Tagore (1861-1941), Mahātma Gandhi (1869-1948)). Và trong số tháng tư năm 2005, tạp chí TIME đã xếp ngài vào trong danh mục của 100 người có tầm vóc ảnh hưởng nhất.

Mặc dù rất nổi tiếng và được nhiều triệu người yêu mến, Ngài vẩn tự miêu tả mình như là "một nhà sư bình thường". Tính bình dị khiêm tốn của Ngài không chỉ thể hiện qua hành động lúc giảng dạy, lúc tiếp xúc với các nhân vật cao cấp khác, hay lúc viết mà ngay cả trong phong cách. Khi còn ở Lhasa, mỗi khi có khó khăn hệ trọng, Ngài đã không ngần ngại trao đổi ý kiến với ngay chính những người làm phục dịch cho Hoàng cung, điều này khó có thể tìm được ở bất bất kì một nguyên thủ quốc gia hay tôn giáo nào nào khác. Đối với ngài, không có sự phân biệt giàu nghèo sang hèn hay màu da chủng tộc, Ngài có thể bắt chuyện ngay lập tức với một người lạ mà không cần phải qua các thủ tục xã giao khách sáo.

Ngài làm được các việc đó là vì lòng từ bi vô lượng mà ngài thường quán chiếu hay giảng dạy:

Lòng từ bi chân thật không nên thiên vị. Nếu chỉ cảm thấy gần gũi với các bạn mình, và không cảm thấy với những kẻ thù của ta; hay khi đối với vô số người mà cá nhân ta không hề quen biết thì ta lại hướng tới những ai không khác biệt với ta thì lòng từ bì này chỉ là một phần và có tính thiên vị.
..., lòng từ bi chân thật dựa trên sự nhận biết rằng người khác có quyền để hạnh phúc như chính bạn, và do đó, ngay cả kẻ thù cũng là một con người có cùng một mong ước và có quyền để được hạnh phúc như bạn. Một ý thức quan tâm được phát triển trên sơ sở này ta gọi là từ bi; nó rộng mở đến mọi người, bất kể ứng xử của người đó hướng về bạn là thù địch hay thân thiện.

Lòng từ bi này không chỉ có đối với con người mà Ngài còn mở rộng cho mọi sinh giới hữu tình và cho các thế hệ mai sau:

Hòa bình và sinh tồn của cuộc sống trên trái đất, như chúng ta biết, bị đe dọa bởi các hành vi thiếu sự tự giác vào các giá trị nhân đạo của con người. Sự hủy hoại môi trường và tài nguyên thiên nhiên đến từ thiếu hiểu biết, tham lam, và thiếu tôn trọng các vật thể sống khác trên trái đất.
Khi sống còn hôm nay, ta phải xét tới các thế hệ tương lai: một môi trường trong sạch là một quyền như các nhân quyền khác. Do đó, một phần trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác là bảo đảm rằng thế giới ma ta đang trải qua là lành mạnh, nếu không thể lành mạnh hơn cái (thế giới) mà chúng ta tìm được ở đó.

Chủ trương "Trung Đạo" và Truyền Thống Nalanda[sửa]

Mặc dù được nhiều người xem là một Phật tử của truyền thống Cách Lỗ (Gelug) nhưng đức Đạt-lai Lạt-ma được tu học với các đại sư cao cấp nhất của tất cả các bộ phái Phật giáo lớn có mặt ở Tây Tạng cũng như được truyền thụ lại toàn bộ căn bản giáo lý của các bộ phái khác như Tiểu thừa và Đại thừa. Về câu hỏi đức Đạt-lai Lạt-ma được đào tạo và hành đạo thuộc về bộ phái nào thì Ngài đã không ngần ngại cho biết rằng Ngài thuộc về "truyền thống Nalanda". Cũng xin nhắc lại Nalanda là một trong các trường đại học cổ đầu tiên của thế giới chuyên giảng dạy Phật học tại Ấn tồn tại từ năm 450 đến năm 1193 mới bị tiêu hủy bởi quân đội Hồi giáo. Chính tại đại học này, nhiều vị đại sư có tầm ảnh hưởng rất lớn với Phật giáo Đại thừa thuộc Trung Quán tông và Duy Thức tông đã được đào tạo trong đó phải kể tới:

Thánh giả Long thọ, người được xem là khởi xướng của triết lý Trung đạo mà ngày nay trở thành triết lý trụ cột của Đại thừa Sư Thánh Thiên Sư Atisa, vị đại sư này đã mang giáo pháp từ Nalanda sang truyền dạy tại Tây Tạng Sư Vô Trước, người được xem là sáng lập ra Duy thức tông Sư Nguyệt Xứng Sư Hộ Pháp, Sư Pháp Xứng ... Trong các khoá giảng Ngài thường nhắc nhở rằng: Việc tu học của hành giả đòi hỏi phải kết hợp các giáo pháp của Nguyên Thủy, Đại thừa và Kim Cương thừa mới có hiệu quả tốt.

Ngoài ra, ngay cả trong chính sách đòi hỏi quyền tự trị chân thật cho người Tây Tạng, Ngài cũng gọi đó là "chinh sách trung đạo". Tức là không đòi hỏi một Tây Tạng độc lập mà chỉ yêu cầu một Tây Tạng tự tri thực sự bên trong lãnh thổ Trung Hoa.

Các Quan Điểm Sơ Lược về Phật Giáo[sửa]

Đức Đạt-lai Lạt-ma có đưa cái nhìn tương đối gói gọn và dể hiểu về Phật giáo. Theo người viết bài, các quan điểm khởi đầu này có thể dùng làm cơ sở cho một cá nhân bắt đầu tìm hiểu sâu rộng hơn vào trong khối lượng giáo Pháp khổng lồ của đạo Phật (giảm được các mơ hồ và bối rối trước một lượng quá lớn các giáo pháp). Các ý chính có thể được tóm gọn như sau:

Về Mặt Nhân Văn[sửa]

Ngài cho rằng Phật giáo có thể được nhìn một cách thu tóm trong hai phương diện lớn chính yếu.

  • Phương diện thứ nhất là Mục tiêu hay cứu cánh. Đó chính là Trí huệ hay

Tuệ giác. Mọi Phật tử của mọi truyền thống hay bộ phái đều có mụch đích tối hậu là đat được giải thoát thông qua các tu tập để đạt đến trí huệ toàn giác.

  • Phương diện thứ hai là Ứng xử Phật giáo. Điều này không gì khác hơn là

lòng từ bi vô lượng bình đẳng với mọi chúng sinh. Chủ nghĩa vị tha bình đẳng cũng là một động lực quan trọng và là một mục tiêu giúp cho Phật tử tu tập được nhanh chóng đến hoàn mãn từ sơ căn cho đến các quả vị cao nhất của Bồ-tát.

Về Mặt Học thuật[sửa]

Ngài chia Phật học thành 3 phạm trù chính:

  • Khoa học Phật giáo hay là các lập luận và Phân tích Phật giáo: Đây là những phương pháp suy luận, phân tích Phật giáo cùng với những quy luật khách quan mà Phật giáo lấy làm nền tảng. Hệ thống này tương thích với một bộ môn khoa học mà Ngài tạm gọi là "Buddhist science"-- tức là khoa học Phật giáo, trong đó, việc phân tích khảo sát các đối tượng hoàn toàn chỉ là các lập luận có tính khách quan dựa trên các tiền đề cơ sở (trong đó, chúng ta có thể thấy được bên cạnh hệ thống suy luận lô-gíc, là các quy luật chẳng hạn như luật nhân quả, thuyết duyên sinh và Tứ Diệu đế.
  • Triết Lý Phật giáo: Từ các suy luận trên cơ sở các quy luật, Phật giáo phát triển theo chiều sâu và rộng và phân nhánh thành hệ thống triết lý. Hệ thống này sẽ là nên tảng cho nhân sinh quan, thế giới quan, và vũ trụ quan Phật giáo. Các quan điểm triết học này bao gồm nhiều kết luận dẫn xuất từ các nguyên lý cơ bản trong Khoa học Phật giáo. Theo người viết thì các chủ truyết về Duy thức, Trung Quán, Các thuyết lý về luân hồi và hệ thống vũ trụ học Thời Luân (Kalachakra) có thể được xếp vào phạm trù thứ hai này. Dĩ nhiên, tùy theo căn cơ và cách tiếp nhận, cách hiểu các nguyên lý cơ bản mà các "học thuyết" hay triết lý này có ít nhiều dị biệt, nhưng tất cả đều phải được xem là tương thích với phạm trù thứ nhất.
  • Thực Hành Phật giáo: Từ hệ thống triết lý Phật giáo, các môn sinh sẽ tiếp thu và phát triển thành các truyền thống thực hành tu học phù hợp với hệ thống tư tưởng của mình. Các truyền thống tu học Phật giáo thực sự phong phú từ Nguyên Thủy, Đại thừa, cho đến Zen hay Mật tông ...

Các Giải Thưởng[sửa]

Có lẽ Ngài là một trong những nhân vật được nhiều tặng thưởng nhất thế giới. Hơn 80 giải thưởng hay bằng tưởng lệ, bằng cấp danh dự từ các viện đại học cho đến cấp quốc gia quốc tế từ khoảng hơn 30 nước đã trao tặng cho ngài.

Trong đó, bao gồm cả giải Nobel Hoà Bình vào năm 1989. Để nói về cống hiến của Ngài, chắc không gì tốt hơn là dẫn lại lời từ Ủy Ban trao giải:

Ủy Ban muốn nhấn mạnh một sự thật là ngài Đạt-lai Lạt-ma trong trong công cuộc đấu tranh để giải phóng Tây Tạng không mệt mỏi đã chống lại việc sử dụng bạo lực. Thay vào đó ngài kêu gọi các giải pháp hòa bình dựa trên cơ sở khoan dung và tôn trọng lẫn nhau để từ đó bảo vệ lịch sử và tài sản con người.
Đức Đạt-lai Lạt-ma đã phát triển triết lý của Ngài về hòa bình từ sự kính trọng vĩ đại đối với tất cả chúng sinh và trên nguyên tắc tinh thần trách nhiệm phổ dụng bao gồm toàn thể nhân loại cũng như thiên nhiên.
Ý kiến của Ủy Ban cho rằng đức Đạt-lai Lạt-ma đến với tính cách xây dựng và với những đề xuất nhìn về phía trước cho giải pháp về các xung đột quốc tế, các khó khăn về nhân quyền, và các vấn đề về môi trường toàn cầu.

Mới đây, Ngài cũng đã nhận được giải thưởng cao quý nhất Hoa kì "Congressional Gold Medal Award" thì bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ viện Hoa kì cũng đã lập lại những điều mà nhiều chính phủ, nhân vật cao cấp đã nhắc lại tinh thần Phật giáo của Ngài::

Ngài đã dùng cương vị của mình để đề cao trí huệ, từ bi, và bất bạo động như là một giải pháp -- không chỉ ở Tây Tạng - mà cho cả các xung đột khác của thế giới.

Tác Phẩm Chính[sửa]

Tính đến nay đã có trên 72 tác phẩm các loại, do chính ngài tự tay viết hoặc do đệ tử ghi chép lại từ những bài giảng. Đáng chú ý trong số tác phẩm này là:

  • Mở Huệ Nhãn (The opening of the Wisdom eye, xuất bản năm 1972);
  • Phật giáo Tây Tạng (The Buddhism of Tibet, xb năm 1975);
  • Biển của Trí Huệ (Ocean of Wisdom, xb tháng 2 năm 1990);
  • Dalai Lama: Chính sách của Lòng Từ (The Dalai Lama: A Policy of Kindness, xb năm 1990);
  • Tự do nơi lưu đầy (Free in Exile, xb năm 1991);
  • Ý nghĩa của cuộc sống (The meaning of Life, xb năm 1992);
  • Tia sáng trong bóng đêm (Flash of Lightning in the Dark of Night, xb năm 1994);
  • Cuộc đối thoại về trách nhiệm chung và giáo dục (Dialogues on Universal Responsibility and Education, xb năm 1995);
  • Sức mạnh của lòng từ bi (The power of compassion, xb năm 1995);
  • Con đường giác ngộ (The Path of Enlightenment, xb năm 1995);
  • Bạo lực và Lòng từ bi-Sức mạnh của Phật giáo (Violence and Compassion/ Power of Buddhism, xb năm 1995);
  • Chữa lành cơn thịnh nộ: Sức mạnh của sự kiên nhẫn từ cách nhìn của Phật tử (Healing Anger: The Power of Patience from a Buddhist Perspective, xb tháng 3 năm 1997);
  • Tứ Diệu Đế (The Four Noble Truths, xb năm 1998);
  • Nghệ thuật hạnh phúc (The art of Happiness, xb năm 1998);
  • Thời luân Đát-đặc-la (KALACHAKRA TANTRA, Xb 1999);
  • Ý Nghĩa cuộc cuộc sống (THE MEANING OF LIFE, Xb 1999);
  • Khoa học Tâm Linh, Cuộc đối thoại Đông-Tây (MIND SCIENCE, An East-West Dialogue, xb 1999);
  • Ngủ, mơ và chết, một cuộc khám phá của Tâm thức (SLEEPING, DREAMING, AND DYING, An Exploration of Consciousness, Xb 1999);
  • Thế giới Phật giáo Tây Tạng, khái quát về triết lý và thực hành (THE WORLD OF TIBETAN BUDDHISM, An Overview of Its Philosophy and Practice, Xb 1999);
  • Đạo Đức Thiên Niên Ki Mới (Ethics for the new millennium, xb tháng 8 năm 1999);
  • Nghệ Thuật của Hạnh Phúc: Sổ tay cho cuộc sống (The Art of Happiness: A Handbook for Living, xb tháng 9 năm 1999);
  • Trí Huệ Luận (The Dalai Lama's Book of Wisdom, xb tháng 4 năm 2000);
  • Biến đổi Tâm (Transforming the Mind, xb tháng 5 năm 2000);
  • Các Giai Đoạn của Thiền Định (Stages of Meditation, xb tháng 3 năm 2001);
  • Con Đường dẫn tới cuộc sống đầy ý nghiã (How to Practice : The Way to a Meaningful Life, xb tháng 5 năm 2001)
  • Tâm hồn rộng mở: Thực Hành Từ bi trong cuộc sống hàng ngày (An Open Heart: Practicing Compassion in Everyday Life, xb tháng 9 năm 2001);
  • Luận về Từ Bi và Bác Ái (The Dalai Lama's Book of Love and Compassion, xb tháng 10 năm 2001);
  • Những lời Khuyên của Thích-Ca-Mâu-Ni (Advice from Buddha Shakyamuni, xb tháng 7 năm 2002);
  • Cốt Tủy của Hạnh Phúc: Sách Hướng Dẫn cho Cách Sống (The Essence of Happiness: A Guidebook for Living xb tháng 7 năm 2002);
  • Đường Dẫn tới sư Yên Tĩnh: Trí huệ hàng ngày (The Path to Tranquility: Daily Wisdom , xb tháng 8 năm 2002);
  • Tỉnh Thức Luận (The Dalai Lama's Book of Awakening, xb tháng 2 năm 2003);
  • Nghệ Thuật của Hạnh Phúc trong Công Việc (The Art of Happiness at Work, xb tháng 8 năm 2005);
  • Vũ Trụ Trong Một Nguyên Tử : Sự Hội Tụ của Khoa Học và Tâm Linh (The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality, xb tháng 9 năm 2005);
  • Để Thấy được Thực Sự Chính Mình (How to See Yourself As You Really Are, xb tháng 12 năm 2006);

Tương Lai[sửa]

Có người thắc mắc về vấn đề tái sinh của chính ngài Đạt-lai Lạt-ma. Để có được một cái nhìn khách quan cần theo dõi lại lịch sử. Năm 1968, ngài Ban-thiền Lạcma thứ 10 bị Trung Quốc bắt và sau đó chết thình lình không rõ nguyên do tại Shigate Trung Quốc. Sau đó, theo truyền thống đức Đạt-lai Lạt-ma đã chứng nhận Gedhun Choekyi Nyima là Ban-thiền thứ 11 vào tháng 5 năm 1995 như là vị Ban-thiền tái sinh, nhưng sau đó, ngài Ban-thiền mới đã bị Trung Quốc bắt đi và thông báo rằng để bảo đảm "an toàn cá nhân" người này và không tiết lộ tung tích cho đến nay. Chính quyền Trung Quốc cũng tự ý xác nhận một người khác lên làm Ban-thiền Lạt-ma. Điều này cho thấy ý định của chính phủ Trung Quốc là sẽ dùng Ban-thiền Lạt-ma riêng của mình để tìm cách lựa chọn một Đạt-lai Lạtma 15 trong tương lai.

Ngài Đạt-lai Lạt-ma thứ 14 đã lập lại tuyên bố rằng sẽ không bao giờ tái sinh nội trong lãnh thổ chịu sự kiểm soát của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa mà đôi lần Ngài gợi ý là có thể sẽ trở thành Đạt-lai Lạt-ma cuối cùng bằng cách không tái sinh nữa. Mặc dù vậy, Ngài cũng có nói rằng mục tiêu của những lần tái sinh là để tiếp tục công việc chưa hoàn thành và nếu như là hoàn cảnh của Tây Tạng vẫn không thay đổi, thì có lẽ rằng Ngài sẽ tái sinh để hoàn tất công việc đó. Trong mùa hè năm 2007, chính quyền Trung Quốc một lần nữa muốn khẳng định quyền lực của mình trong việc định đoạt một nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo trong tương lai đã kí sắc lệnh rằng "tất cả các Đạt-lai Lạt-ma tái sinh phải được chính phủ thế quyền Trung Hoa chuẩn y"!

Tuy nhiên, khi được hỏi về cơ chế truyền thừa Đạt-lai Lạt-ma thì Ngài đã nhiều lần trực tiếp nhắc lại rằng: Cơ chế Đạt-lai Lạt-ma hoàn toàn do chính phủ Tây Tạng quyết định và Ngài cũng cho biết thêm là cơ chế này thực sự hữu hiệu cho đất nước Tây Tạng trong lịch sử.

Gần đây, trong các dịp được hỏi, Ngài có mở thêm rằng: Một vị Đạt-lai Lạt-ma tương lai có khả năng thuộc về nữ giới nếu như điều này đem lại lợi ích. Ngoài ra, Ngài còn cho rằng với sự đồng thuận của người dân Tây Tạng, thì truyền thừa về Đạt-lai Lạt-ma có thể được thay đổi chẳng hạn như do Ngài chỉ định ra, hay sẽ có cuộc lựa chọn ra một vị Đạt-lai Lạt-ma thay thế bởi chính phủ Tây Tạng.

Kết Luận[sửa]

Có lẽ lời kết luận tốt nhất là hãy để cho độc giả tự tìm đến với các diễn thuyết các bài giảng mà Ngài đã cống hiến cho nhân loại. Những ca ngợi hay phê phán sẽ bằng thừa nếu như các lời lẽ đó không dựa trên một cơ sở chứng nghiệm thực tế.

Sau đây là những tâm nguyện của ngài đăng trên trang WEB của văn phòng đức Đạt-lai Lạt-ma:

Thứ nhất, trên mức độ con người, đề cao các giá trị nhân bản như từ bi, hỉ xã, dung thứ, khoan hoà và tự chế. Mọi người đều như nhau. Tất cả chúng ta đều mong cầu hạnh phúc và không muốn đau khổ. Ngay cả những ai không tin tôn giáo cũng chấp nhận tầm quan trọng của các giá trị nhân bản trong việc làm cho cuộc sống họ hạnh phúc hơn. Ngài cho những giá trị này như là đạo đức trường tồn. Ngài còn nguyện để thảo luận về tầm quan trọng của các giá trị này và sẽ chia sẽ với mọi người mà ngài gặp gở.
Thứ hai, trên mức độ của một người hành đạo, Ngài đề cao sự hài hoà tôn giáo và hiểu biết lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo chính. Mặc cho các khác biệt về triết lý, tất cả các tôn giáo chính trên thế giới có cùng một năng lực để tạo ra những con người tốt đẹp. Do đó việc tất cả tôn giáo tôn trọng và công nhận giá trị của truyền thống của tôn giáo khác là điều quan yếu. Một sự thật là, mỗi tôn giáo được quan tâm liên quan đến từng cá nhân . Mặc dù vậy, đối với tổng thể cộng đồng, nhiều chân lý, nhiều tôn giáo là điều cần thiết.
Thứ ba, Ngài là một người Tây Tạng và mang danh hiệu "Đạt-lai Lạt-ma". Người Tây Tạng đặt lòng tin vào Ngài. Do đó, sở nguyện thứ ba hướng về vấn đề Tây Tạng. Ngài có một trọng trách để hành động như là người phát ngôn cho tự do của người Tây Tạng trong khó khăn giành lấy công bằng của họ. Nguyện ước thứ ba này sẽ không còn tồn tại một khi giải pháp lợi ích lẫn nhau đạt tới được giữa người Tây Tạng và Trung Hoa.
Mặc dù vậy, Ngài sẽ thi hành hai nguyện ước đầu cho đến hơi thở cuối cùng.

Tác giả bài viết này xin trân trọng gửi đến đức Đạt-lai Lạt-ma một lời cảm tạ về các công lao mà Ngài đã đóng góp cho nền giáo dục đạo đức của nhân loại đặc biệt là công đức khuếch trương Phật giáo ở các nước tiên tiến và ngay cả mở rộng Phật học vào trong giới nghiên cứu khoa học.


Namo Thích Ca Mâu Ni Phật,
Bài viết kỉ niệm lần thứ 72 sinh nhật đức Đạt-lai Lạt-ma

Chú thích[sửa]

(a) Ở đây Bồ Đề Tâm được hiểu như là tâm thức của những người có Quy Y Phật-Pháp-Tăng và tự nguyện hành trì theo Bồ tát đạo với lòng từ bi vô lượng.

(b) Tác giả bài viết dựa theo tài liệu chính thức bằng Anh ngữ của chính phủ Tây Tạng Lưu vong http://www.tibet.com/PL/nov29c.html. Ở đây có sự khác biệt với bài viết về "Đạt-lại Lạt-ma" trong từ điển Bách Khoa mở bằng tiếng Việt vi.wikipedia.org. Xin độc giả tự tìm hiểu thêm.

(c) Hãy dùng từ khoá Dalai Lama science.

Tài Liệu Tham Khảo Chính[sửa]

  • "The Four Noble Truths" --His Holiness The Dalai Lama 1997. HarperCollins Publishers Ltd (19 Jan 1998). ISBN 0722535503
  • "The Buddhist Handbook" -- John Snelling 1991. Barn&Noble. ISBN 0760710287
  • "The Dalai Lamas" -- Jitendra Pant (text). Roli and Janssen BV 2002. ISBN 8174361901
  • The Goverment of Tibet in Exile (http://www.tibet.com/DL/discovery.html) -- The artice: His Holiness The Dalai Lama including many subtitle articles
  • "The Universe in a Single Atom: The Convergence of Science and Spirituality". Broadway (September 13, 2005). ISBN 076792066X
  • The Office of His Holiness the Dalai Lama (http://dalailama.com/) --the articles: From Birth to Exile,Chronology of Events, Awards and Honors, schedule
  • en.wikipedia.org -- the articles: Gelug, Tsongkhapa
  • vi.wikipedia.org -- the articles: Đạt-lại Lạt-ma, Cách Lỗ, Lịch sử Tây Tạng, Đăng-châu Gia-mục-thố

Liên kết đến đây