Phong cách ngôn ngữ khoa học và công nghệ tiếng Việt và các quy tắc hoạt động của nó trên bình diện văn hóa khoa học

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dẫn nhập[sửa]

Trong bối cảnh phát triển xã hội hiện nay, trình độ tri thức về khoa học là thước đo chính xác và là động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự phát triển vô cùng nhanh chóng và rộng rãi của khoa học và công nghệ là điều kiện quan trọng cho việc hình thành và phát triển phong cách ngôn ngữ khoa học. Các thành tựu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước ảnh hưởng một cách trực tiếp đến văn hóa công nghiệp và văn hóa chung của xã hội hiện đại, đến trình độ kiến thức chung và kiến thức khoa học, đến tư duy và ngôn ngữ của xã hội Việt Nam. Tăng cường phát triển tư duy khoa học luôn gắn với thành tựu vĩ đại nhất của quá trình tiến hóa xã hội là ngôn ngữ. Ngôn ngữ khoa học tạo cho con người khả năng thể hiện và hiểu được những ý tưởng mới trong quá trình phát triển văn hóa và khoa học.

Để tiếp cận nhanh chóng với nền khoa học tiên tiến nhất trên thế giới và tạo động lực sáng tạo trong khoa học, cần có một hệ thống kiến thức hoàn chỉnh về ngôn ngữ khoa học chuyên ngành và phong cách biểu đạt tương ứng. Đối với khoa học ngôn ngữ hiện đại, có ý nghĩa hàng đầu là sự mô tả và biểu đạt các thuộc tính của phong cách ngôn ngữ thuộc các lĩnh vực khoa học chuyên ngành khác nhau.

Bài báo đề cập đến các nguyên tắc hoạt động của phong cách ngôn ngữ khoa học và công nghệ trên bình diện khoa học hiện đại và văn hóa khoa học với mục đích góp phần đưa ra các giải pháp rút ngắn được thời gian và tiết kiệm sức lực trong quá trình chuyển giao và phát triển các ngành công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay.

Cơ sở khái niệm và các nguyên tắc hoạt động của phong cách ngôn ngữ khoa học[sửa]

1. Cơ sở khái niệm

Theo các nhà ngôn ngữ học, khái niệm về phong cách xuất hiện từ thời kỳ Hy Lạp và La Mã cổ đại cùng với sự xuất hiện của khoa học về hùng biện. Phong cách ngôn ngữ là sự kết hợp của hai nhân tố : “nói gì” và “nói như thế nào”, có nghĩa đây là sự tổng hòa các phương tiện ngôn ngữ. Cơ sở khái niệm phong cách ngôn ngữ là đánh giá quan hệ các phương tiện biểu đạt và nội dung biểu đạt.

Xét về phương diện văn hóa khoa học thì trong từng lĩnh vực hoạt động của các khoa học khác nhau, phong cách ngôn ngữ có những sắc thái biểu đạt đặc thù. Cơ sở phong cách ngôn ngữ văn bản khoa học tiếng Việt hiện đại là các chuẩn ngôn ngữ viết bằng tiếng Việt có các tính chất xác định, cụ thể là:

Từ vựng học. Sử dụng số lượng lớn các từ và thuật ngữ chuyên ngành dưới dạng từ thuần Việt hoặc vay mượn. Từ loại thường được lựa chọn rất cẩn thận để đạt nghĩa chính xác tối đa. Chiếm vị trí đáng kể là kết từ và các từ đảm bảo mối liên kết lôgích giữa các thành phần lời nói riêng biệt (trạng từ).

Ngữ pháp. Chỉ sử dụng các chuẩn ngữ pháp đã được xác định chắc chắn trong văn viết. Khác với tác phẩm văn học với nhiệm vụ chủ yếu là xây dựng các nhân vật, văn bản khoa học và công nghệ có xu hướng mô tả và giải thích hiện tượng xác định một cách chính xác nhất. Vì vậy, trong văn bản khoa học và công nghệ phần lớn sử dụng các câu phức chủ động và bị động, trong đó chiếm ưu thế là danh từ, tính từ, các dạng bị động và vô nhân xưng của động từ.

Phương thức trình bày văn bản. Nhiệm vụ chính của văn bản khoa học và công nghệ là đưa được lượng thông tin nhất định đến tận người đọc một cách thật rõ ràng và chính xác. Điều này đạt được bằng cách soạn thảo văn bản có cơ sở lôgích trên thực tế, không sử dụng các từ, các thành ngữ và cấu trúc ngữ pháp mang tính biểu cảm. Phương thức tạo lập văn bản như vậy có thể gọi là phương thức trình bày lôgích.

Các đặc điểm nêu trên thường thuộc về các khoa học tự nhiên và chính xác (cũng như các lĩnh vực ứng dụng của chúng) như toán học, thiên văn học, vật lý, hóa học, địa chất, luyện kim, sinh vật học, thực vật học, động vật học, trắc địa học, khí tượng học, cổ sinh vật học, y học, điện tử học, kỹ thuật điện, kỹ thuật vệ sinh, hàng không, nông học, lâm học, hầm mỏ, quốc phòng, xây dựng, giao thông và công nghiệp hóa học, công nghệ cơ khí.

Theo R.V.Iupelta, các khoa học như kinh tế học, xã hội học, lịch sử và pháp lý không thuộc về lĩnh vực này do tính chất đặc thù của các khoa học này gần với các bộ môn khác. Đôi khi ở các giới hạn phân loại này chúng ta gặp những tác phẩm được viết ở trình độ cao về văn học (công trình của nhà sinh vật học người Anh Tr.Tomson, nhà hóa học người Pháp A.Muanxan, nhà địa chất người Nga A.E.Phecxman). Thông thường, khi chứng minh một luận điểm bất kỳ, khi minh họa một ý nghĩ nào hoặc khi tranh luận với các phản biện khoa học của mình, cách thể hiện của tác giả có thể gần với cả cách thể hiện của nhà hùng biện, của bài báo hoặc gần với ngôn ngữ một tác phẩm văn học. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy đều không điển hình.

Phong cách ngôn ngữ văn bản khoa học và công nghệ có một vài cấp bậc. Các văn bản khoa học khác nhau không chỉ bởi lĩnh vực khoa học mà văn bản đề cập tới, mà còn bởi mức độ chuyên môn hóa của chúng. Các đặc trưng nêu trên hoàn toàn có liên quan đến các tài liệu tham khảo và các bài báo, tóm tắt và sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong văn bản của các sách chỉ dẫn về kỹ thuật, danh mục, bảng biểu, báo cáo kỹ thuật, bản liệt kê và hướng dẫn đôi khi có thể có những câu không có vị ngữ (khi tính các số liệu về kỹ thuật và v.v.) hoặc chủ ngữ (nếu theo văn bản cụ thể). Trong các sách chỉ dẫn về kỹ thuật thường gặp nhiều đoạn văn bản chỉ là liệt kê con số. Bảng biểu, bảng liệt kê, báo cáo kỹ thuật và danh mục thường được lập theo khuôn mẫu cứng và bằng các thuật ngữ chuyên ngành. Khuôn mẫu về từ vựng - ngữ pháp cũng tồn tại trong văn bản về chứng nhận.

2. Nguyên tắc hoạt động của phong cách ngôn ngữ trong văn bản khoa học và công nghệ tiếng Việt

a) Sử dụng một lượng lớn các thuật ngữ khoa học, nghĩa là các từ hoặc cụm từ biểu đạt nghĩa của khái niệm về khoa học. Chúng ta không thể xác định được giới hạn rõ ràng giữa thuật ngữ và từ của ngôn ngữ toàn dân do sự đa nghĩa của nhiều từ. Ví dụ, các khái niệm phổ biến như điện, nhiệt độ, ô tô và các từ thường được sử dụng như nguyên tử, chất dẻo, vitamin, vũ trụ, trong ngôn ngữ toàn dân là nơi mà các thuật ngữ khoa học chỉ đóng vai trò thứ yếu (phụ thuộc), không phải là các thuật ngữ. Mặt khác, những từ đơn giản như nước, trái đất, lửa, chất lỏng, lực, bạc, áp suất lại là thuật ngữ trong văn bản khoa học cụ thể.

Hệ thống hóa các thuật ngữ tiếng Việt khoa học và công nghệ cơ bản thường gặp khó khăn do cùng một thuật ngữ có ý nghĩa khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau của khoa học hoặc thậm chí trong các giới hạn của một lĩnh vực (ví dụ, trong lĩnh vực công nghiệp than tồn tại hơn 6 000 tên gọi cho 300 ngành nghề cơ bản), cũng như bởi sự xuất hiện số lượng lớn các thuật ngữ mới.

b) Trong tiếng Việt còn sử dụng nhiều thuật ngữ và cấu trúc vay mượn, trong đó có cả đồng nghĩa về từ vựng : cùng một khái niệm có thể được biểu đạt bằng các từ khác nhau, chủ yếu là các từ có nguồn gốc Latinh (Pháp), Anglơ Xăcxông (Anh) hoặc Slavơ (Nga). Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong các văn bản khoa học và công nghệ, trong đó chủ yếu là văn bản khoa học kỹ thuật, tiếng Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của các ngôn ngữ nước ngoài nêu trên, đặc biệt là trong các văn bản dịch do các tác giả dịch đã chuyển dịch sang tiếng Việt các cấu trúc mang nhiều sắc thái của ngôn ngữ ban đầu hơn là thuần Việt (ví dụ, trong các văn bản khoa học công nghệ thông tin : mouse - chuột, computer - máy tính, keyboard - bàn phím hoặc cách dịch các cấu trúc bị động như từ tiếng Nga sang tiếng Việt).

c) Trong văn bản khoa học và công nghệ, cá nhân tác giả lùi xuống vị trí thứ hai còn tên gọi sự vật, quá trình v.v. được chuyển lên vị trí thứ nhất do vấn đề được quan tâm là các hiện tượng cụ thể cần mô tả và giải thích. Ngoài ra, trong văn bản khoa học hiện đại, nội dung thường được truyền đạt bởi các cấu trúc vô nhân xưng dạng : cần phải, không được, nên v.v. Do vậy, có thể nói rằng, văn bản khoa học và công nghệ có phương thức biểu đạt nội dung trung lập hoặc có phong cách trung lập. Tác giả có xu hướng loại bỏ khả năng lý giải võ đoán bản chất sự vật. Vì vậy, trong văn bản khoa học và công nghệ hầu như không sử dụng các phương tiện biểu cảm như ẩn dụ, hoán dụ và v.v., và sự biểu đạt văn bản mang đôi chút đặc tính hình thức, khô khan.


Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Đinh Trọng Lạc. (1998) Phong cách học. Nxb. Giáo dục.

2. Flood W.E. The problem of vocabulary in the popularisation of science. Edinburgh - London.

3. Hook J.H. Hook’s guide to good writing. New York.

4. Đào Hồng Thu. (2002) Phong cách học và Phong cách chức năng khoa học kỹ thuật - công nghệ. Tập bài giảng, ĐHBK Hà Nội.


Bản quyền[sửa]

TS. Đào Hồng Thu

Kỉ yếu Hội thảo khoa học "Ngữ học trẻ 2003"

Liên kết đến đây