Thành viên:Cao Xuân Hiếu/Note: Constructive alignment

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Giáo sư John Biggs một chuyên gia giáo dục hàng đầu của thế giới đã chia việc giảng dạy thành 3 quan điểm theo cấp độ từ thấp đến cao, tùy theo mục đích mà người giảng viên hướng tới trong quá trình dạy học.

  1. Giảng viên ở cấp độ 1 cho rằng học tập là quá trình thu nhận thông tin “chuẩn mực” đã được đúc kết thành sách. Họ thường cho rằng trách nhiệm cơ bản của một giảng viên là biết rõ nội dung môn học và truyền đạt lại một cách chính xác. Giảng viên ở cấp độ này hay nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các sinh viên, nhấn mạnh đến việc sinh viên là người thế nào, so sánh giữa sinh viên này với sinh viên khác; họ thường phân chia sinh viên thành 2 nhóm là nhóm giỏi và nhóm kém. Họ cho rằng sinh viên phải có trách nhiệm chăm chú nghe giảng, ghi chép đầy đủ, đọc hết các tài liệu được giảng viên giao, ghi nhớ tất cả những gì đã nghe, đã đọc. Dưới quan điểm đó, họ tin rằng sự khác biệt về kết quả học tập giữa các sinh viên với nhau là do sự khác biệt giữa các cá nhân sinh viên; vì thế, nếu sinh viên không học được là do sinh viên thiếu ý thức, lười nhác, thiếu năng lực, có thái độ và động lực học tập kém vv... còn giảng viên không thể làm gì hơn. Theo quan điểm này thì “đổi mới” cơ bản nên là chỉnh sửa và bổ sung thêm nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình ở các cấp học.
  2. Giảng viên ở cấp độ 2 cho rằng học tập là quá trình thu nhận sự hiểu biết từ giảng viên. Với quan niệm đó, người ta hay nhấn mạnh đến việc giảng viên làm gì trong khi giảng dạy để truyền đạt lại những hiểu biết của mình cho sinh viên; giảng viên là người chịu trách nhiệm chủ yếu về kết quả học tập của sinh viên. Mặc dù giảng dạy vẫn còn được coi như quá trình truyền đạt thông tin, nhưng giờ đây “thông tin” không còn mang tính “rời rạc” như ở cấp độ 1 nữa, mà là sự lý giải về những khái niệm, kiến thức hay nội dung cụ thể. Ở cấp độ này, các kỹ năng sư phạm như quản lý lớp học tốt, nói to và rõ ràng, sử dụng power point thành thạo, có kỹ năng giao tiếp tốt vv... được đặc biệt coi trọng và là mục tiêu cốt lõi của “đổi mới”. Giảng viên càng nắm chắc nội dung môn học và sử dụng hiệu quả kỹ năng sư phạm thì càng được đánh giá cao và thường được ví như một nhà hùng biện.
  3. Giảng viên ở cấp độ 3 cho rằng học tập là quá trình tự kiến tạo kiến thức; vì thế họ rất quan tâm đến trải nghiệm của sinh viên trong quá trình học tập. Thông tin, các khái niệm, sự lý giải vv… về một chủ đề nào đó giờ đây được xem như là nguyên liệu để người học xây dựng nên những ý nghĩa thiết thực cho bản thân mình. Các kỹ năng sư phạm chỉ có nghĩa khi các kỹ năng đó giúp sinh viên phát triển các năng lực bản thân như đã công bố ở chuẩn đầu ra. Câu hỏi thường hay được đặt ra nhằm đánh giá sự “đổi mới” sẽ là “các hoạt động học tập của sinh viên hướng đến các chuẩn đầu ra của môn học, của ngành đào tạo được hỗ trợ ở mức độ tối đa hay chưa?”. Giảng viên ở cấp độ này sẽ không ca thán rằng “tôi đã dạy nhưng sinh viên không học”. Sinh viên làm gì trong quá trình học tập để đạt được những năng lực cần thiết luôn được quan tâm hàng đầu và được thể hiện trong việc xây dựng và triển khai đề cương chi tiết môn học. Việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên giờ đây được coi là cơ hội để sinh viên học tập, hơn là chỉ để phân loại sinh viên. Trong quá trình học tập, sinh viên tự kiến tạo nên hiểu biết, năng lực và kỹ năng riêng cho mình dưới sự hỗ trợ của giảng viên, bạn học và những người khác. Giảng viên giỏi là người biết thiết kế và tổ chức thực hiện các hoạt động dạy/học giúp người học phát triển và đạt được các năng lực cần thiết cho nghề nghiệp và cuộc sống của họ.John Biggs gọi cách thức tổ chức giảng dạy như vậy là Constructive Alignment, tạm dịch là đồng kiến tạo.

Ba cấp độ giảng dạy trên được mô tả bằng một video clip có thuyết minh tiếng Việt và có thể xem trực tiếp dưới đây:

Nguồn[sửa]

Sách tham khảo[sửa]

  • A Handbook for Teaching and Learning in Higher Education: Enhancing Academic Practice, Heather Fry, Steve Ketteridge, Stephanie Marshall, 2002
  • Teaching and Supervision (The Academic's Support Kit), Debbie Epstein, Rebecca Boden, Jane Kenway, 2002
  • Greater Expectations: Teaching Academic Literacy to Underrepresented Students, Robin Turner, 2007
  • What They Didn't Teach You in Graduate School: 199 Helpful Hints for Success in Your Academic Career, Paul Gray, David E. Drew, 2007