Thành viên:Cao Xuân Hiếu/Note: Góc nhìn giáo dục Đông Tây

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhân dịp tốc độ lướt trang trên VLOS được cải thiện "mạnh mẽ", tôi ghi chép lại đôi điều về sản phẩm của giáo dục sau thời gian quan sát những đứa trẻ người Việt đang thích nghi môi trường giáo dục mới ở Đức. Những ý kiến dưới đây có thể thiển cận, mang cảm tính cá nhân và hoàn toàn có thể thay đổi (trưởng thành) sau một thời gian nhận thức tiếp theo.

Bạn muốn mình như một cây tre?

Khi nói đến ở người Việt thích nghi tốt nhất (và thành công nhất?) ở nước Đức, tôi nghĩ ngay đến ông Philipp Rösler, cựu Phó thủ tướng CHLB Đức mặc dù nói một cách chính xác ông này là người Đức gốc Việt. Dù hấp thụ hoàn toàn môi trường giáo dục Đức do được cặp vợ chồng người Đức nhận nuôi từ 9 tháng tuổi, nhưng trong một lần được phỏng vấn ông tự ví mình như cây tre có thể linh hoạt uyển chuyển để tránh những cơn gió lớn. Đối thủ chính trị của ông, dĩ nhiên là một người Đức, đã tái khẳng định quan điểm nước Đức là dân tộc của những sồi hiên ngang trước gió. Mặc dù nguyên nhân khiến ông Rösler chịu thất bại chưa từng có trong lịch sử của Đảng FDP có thể chẳng liên quan gì đến hình ảnh và quan niệm sống của ông nhưng sự so sánh cho thấy sự đối lập của 2 quan điểm sống "linh hoạt" và "nguyên tắc".

Nhìn một cách tiêu cực, "linh hoạt" có thể trở nên "tùy tiện", "cẩu thả". Giáo dục và môi trường xã hội Việt Nam những năm gần đây đang định hướng để tạo ra những thế hệ "khôn vặt" với những kiểu mẫu "khôn như Trạng". Bởi khi các giáo viên khi dạy những câu chuyện ngụ ngôn "Trạng Quỳnh", "Trí khôn của ta đây".v.v đã đề cao sự mưu mô mà không nhắc đến những chuẩn mực làm người khác như lòng trung thực, vị tha, tuân thủ pháp luật. Vì vậy khá dễ hiểu khi những đứa trẻ tiếp thu nền giáo dục tiên tiến (vd. Đức) khi trở về môi trường VN đều bị chê là "đần". Điều này khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi về triết lý giáo dục cũng như bộ giá trị đạo đức tiêu chuẩn hiện hành liệu có vấn đề? Nhu cầu hội nhập với nền văn minh nhân loại cũng như cung cấp nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh trong một thế giới ngày càng phẳng khiến chúng ta phải không ngừng hoàn thiện.

Cặp phạm trù đối lập "duy tình" - "duy lý" có thể minh họa một khía cạnh khác của sự khác biệt "tre - sồi". Đặc tính "duy tình" có thể được diễn giải như một lối sống giàu tình cảm, trọng tình nghĩa (Trần Ngọc Thêm) nhưng cũng đồng nghĩa với cả sự kém duy lý và kém duy ý chí (Vương Trí Nhàn). Kém lý trí dẫn đến nông nổi, cạn nghĩ. Kém ý chí dẫn đến ngắn hơi, ăn xổi. Cái gọi là duy tình rút lại là đồng nghĩa với bột phát, tùy tiện, lúc thế này lúc thế khác, và thường không dẫn đến sự sáng suốt cùng những quyết sách hợp lý, nhất là trong xã hội hiện đại.

Điểm tốt hay xấu giữa cây tre khôn khéo và cây sồi đần cứng nhắc sẽ tiếp tục được bàn luận ở các lần cập nhật tiếp theo. Hoan nghênh mọi ý kiến khen/chê, ủng hộ/phản đối quan điểm tre/sồi của độc giá (xin viết vào phần thảo luận).