Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Lý tưởng thanh niên An Nam, Nguyễn An Ninh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

DẪN NHẬP[sửa]

Tháng 10/1922, sau khi viết xong luận án tiến sĩ Luật đại học học Sorbonne Paris, Nguyễn An Ninh về Việt Nam và đã nói với cha :

Con làm luận án tiến sĩ cũng để có trình độ mong tìm ra hướng đi cho dân tộc mình.

Con muốn hiệp lực với Nguyễn Ái Quốc, kẻ trong nước, người ngoài nước. Con sẽ làm việc mà Nguyễn Ái Quốc chưa có hoàn cảnh để làm. Con sẽ đánh thức đồng bào còn đang mê ngủ. Sẽ làm cho họ hiểu bổn phận mỗi người trước vận mệnh của đất nước. Sẽ giải thích cho họ biết phải làm gì, và theo ai. Rồi con sẽ tổ chức một lực lượng quần chúng…

- Nhưng con bắt đầu từ đâu?

- Con sẽ thử sức bằng một bài diễn thuyết. Điều lo lắng thứ nhứt của con là con còn quá trẻ, tiếng nói của con chưa biết có được đồng bào chấp nhận không?

- Nếu chấp nhận?

- Nếu chấp nhận thì con sẽ ra một tờ báo, con muốn làm cơn gió thổi bùng ngọn lửa yêu nước có truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc. Trên tờ báo con có thể dẫn giải mọi chuyện. Nếu khéo léo con sẽ nói được những điều mà ngày thường không ai dám nói. Tờ báo sẽ là của đông đảo quần chúng.

- Còn lo lắng gì nữa?

- Lo lắng thứ hai, bắt đầu từ đối tương nào? Với người Cộng sản, giai cấp vô sản là động lực cách mạng, phải bắt đầu từ vô sản. Còn con, con muốn bắt đầu từ lực lượng trí thức và thanh niên sinh viên. Họ sẽ là động lực cách mạng, tiếp thu kiến thức, giác ngộ lại cho giai cấp khác như nông dân, công nhân và mọi tầng lớp yêu nước khác…

HAI BÀI NÓI CHUYỆN[sửa]

1. Tối ngày 25/1/1923, Nguyễn An Ninh xuất hiện trước công chúng tại Hội Khuyến học Nam Kỳ, Sài Gòn với bài diễn thuyết “Chung đúc nền học thức cho dân An Nam”. Bài nói thăm dò dư luận quần chúng, thăm dò sự phản ứng của mật thám nên nội dung dẫn chuyện từ Tàu sang Tây, phải đề cao văn hóa tiến bộ phương Tây, rồi đi đến học để mở mang kiến thức, để biết suy nghĩ lựa chọn, chớ không phải học để làm quan, học như vậy đưa nòi giống đến họa diệt vọng.

2. Tối ngày 15/10/1923, Nguyễn An Ninh nói chuyện lần hai trước hội trường trật ních người của Hội Khuyến học Nam kỳ. Bài nói “Lý tưởng thanh niên An Nam” bằng tiếng Pháp chỉ rõ “văn hóa là tâm hồn của dân tộc”, phải có niềm tự hào về lịch sử dân tộc Việt Nam, sau đó khuyên thanh niên phải sống có hoài bão, ước mơ mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước, phải đấu tranh để đạt được ước mơ đó, phải dám ra khỏi nhà, quan sát cuộc sống quanh mình, mở tầm nhìn rộng, đem tài năng đưa dân tộc ta lên ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn. Thính giả cổ vũ bài nói rất cuồng nhiệt.

Trong bài diễn thuyết có đoạn:

- Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hóa ngoại bang thì dân tộc ấy không thể có độc lập thật sự. Văn hóa là tâm hồn của một dân tộc... Một dân tộc có nền văn hóa cao thượng thì mới nắm trong tay những đặc quyền mà những dân tộc với một nền văn hóa thấp kém hơn không thể có được. Như vậy, một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hóa của riêng mình.

- Học thức và lý tưởng phụng sự dân tộc là hai điều kiện tiên quyết để có tư tưởng dân chủ, không thể thiếu điều kiện nào. Có học thức mà không có lý tưởng phụng sự dân tộc chỉ trở thành một trí thức "sĩ hoạn" mà thôi. Trái lại, có lý tưởng phụng sự dân tộc mà không có học thức thì dễ phạm sai lầm cực đoan, có thể làm tổn hại cho dân tộc!

- Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta.

LÝ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN AN NAM[sửa]

Bài diễn thuyết của Nguyễn An Ninh bằng tiếng Pháp buổi tối ngày 15/10/1923

Thưa các ông,

Năm ngoái, cũng tại đây, trong một buổi thuyết trình ngắn, tôi có đề cập đến vấn đề “cần xây dựng cho dân An Nam ta một nền văn hoá”.

Buổi thuyết trình đó không mấy người nghe hiểu đúng, hay nói thẳng ra, không ai hiểu đúng cả.

Nền văn hoá Trung Hoa trên nước ta đang suy và thế hệ chúng ta đang chìm đắm trong vòng ngu dốt, nên việc không hiểu đó, không làm cho tôi ngạc nhiên.

Tôi vừa nói: “Nền văn hoá Trung Hoa trên nước ta đang suy”, ra vẻ như có lúc nào đó, trên nước ta, nền văn hoá Trung Hoa đã trải qua một thời kỳ rực rỡ. Nhưng xét cho thật, tôi phải tự hỏi: Liệu có lúc nào, nền văn hoá Trung Hoa đã chịu được cái phong thổ nước ta chưa?

Hai chữ văn hoá tự nó đã bao hàm ý nghĩa về cái chỗ rộng mênh mông, một chỗ cao hơn hết mà ta có thể đạt được sau khi hấp thu những chân trời cao rộng.

Tên tuổi của những người, những tác phẩm đã đóng góp vào việc nâng cao trình độ học thức của người Trung Hoa, thật là nhiều. Nhưng đối với các nhà Nho học của ta, khi nghe các ông ấy bàn luận, thì dường như các ông chỉ biết có mỗi một mình Khổng Tử. Người có học đương nhiên đều tôn kính Khổng Tử như một bậc thánh nhân đáng cho người da vàng tưởng nhớ và biết ơn. Nhưng những bậc cao siêu thì rất khó mà nhận Khổng Tử làm thầy mình, làm người hướng dẫn con đường trí tuệ và tinh thần của mình, là người lo về luân lý trong dân, là người làm thầy dạy dân.

Trang Tử đã nhiều lần lên tiếng chống lại các luân lý hẹp hòi, những ý nghĩa ràng buộc của Khổng Tử. Những tác phẩm của ông quả là một chiến dịch chống đối nhà hiền triết lừng danh của Trung Quốc. Lời châm biếm khôn khéo của ông đã lắm phen làm cho các môn đồ của Khổng Tử cũng phải cười theo. Như vậy thì còn gì cái oai nghiêm và uy thế của bậc đại hiền triết.

Chúng ta phải công nhận công lao to lớn của Khổng Tử trong việc đem lại hoà thuận, trật tự, bình yên trong dân, dân đến cho họ bao nhiêu nguồn hạnh phúc nho nhỏ.

Nhưng từ đó, phải suy tôn đạo Khổng lên tới giá trị cao nhất về tinh thần và trí tuệ của loài người, thì lại là một bước khác, chúng tôi thấy là khó lắm.

Hãy để nguyên đạo Khổng trong cái phận sự dạy dân của mình, và chúng ta sẽ làm ngơ đi, để mặc cho đạo Khổng chuyên lo trong phận sự mình.

Lại nữa trong thời buổi tranh đấu này, nếu ta bằng lòng với những thú vui đồng áng và hạnh phúc gia đình cỏn con, thì con người hoá ra yếu; tức là ta dọn sẵn một mảnh đất cho bạo lực và sự quyết đoán sẽ nhân đó mà làm chủ nhà ta dễ như chơi.

Ý tưởng của Khổng Tử, néu hiểu nó cho thấu đáo thì giá trị con người sẽ được nâng lên, quan niệm về cuộc sống trở nên rộng rãi và độ lượng.

Điểm khởi đầu trong đạo Khổng là nằm trong con người, trong việc tự tu dưỡng bản thân của mỗi người. Nó đòi hỏi trước hết phải: “tìm cho ra nguồn gốc muôn việc làm của con người”. Như vậy là sự công bằng của Khổng Tử là ở nơi “hiểu” mà ra, phải “hiểu” chớ chẳng phải là dò theo từng câu, từng chữ trong Tứ Thư, Ngũ Kinh mà cư xử người, như các quan toà y theo luật mà xử vậy. Hiểu trước rồi sẽ xử người. Xét cho tận rồi sẽ xử người. Thì tự nhiên thấy rõ rằng chỉ còn cái khoan dung, cái độ lượng, cái hào hiệp mà thôi. Như vậy thì con người buộc người ít hơn buộc mình, buộc mình nhiều hơn buộc người khác và chỉ còn biết buộc mình mà thôi.

Chữ “Trung” là sức mạnh giúp ta gìn giữ lời hứa, là một hệ quả khác của nguyên tắc lớn làm nền tảng cho đạo Khổng.

Hai chữ “Trung”, “Thứ” là cái gốc của kẻ muốn làm người theo như Khổng Tử dạy: Trung để buộc mình, Thứ để đối với người.

Nhưng rồi theo dòng thời gian, đạo Khổng bên Trung Hoa đã trở thành một món hàng hoá xuất cảng. Và chính cái tác hại của món hàng hoá xuất cảng của nền văn hoá giả tạo đó trong giới ưu tú xứ ta, làm cho số ưu tú ấy tưởng mình đầy đủ mà phô trương cái “đầy đủ” ấy ra một cách thô kệch thường thấy với các nhà Nho có tuổi của chúng ta. Chính là để chống lại sự hạ thấp trình độ trí thức xứ ta gây ra bởi “đạo Khổng dưới dạng hàng xuất cảng” đó, mà tôi phải nói phớt qua hôm nay với các bạn. Tôi nói phớt qua là vì muốn xác định vị trí xứng đáng của Khổng Tử trong số những bậc thánh nhân làm thầy của nhân loại, thì tôi phải viết rõ ra trong năm ba quyển sách mới đầy đủ được.

Tôi có lòng mơ ước rằng: Trời sẽ giúp cho tôi có đủ sức và dư thì giờ để mà viết ra một số những tác phẩm nhằm giúp cho đồng bào hiểu rõ tinh thần Viễn Đông ta và tinh thần Âu Tây.

Chiều nay, tôi chỉ muốn giới thiệu qua với các bạn về vị trí xứng đáng của Khổng Tử trong nhận thức của những ai muốn vươn lên đến một trình độ trí thức cao.Vì rằng chính lúc còn sinh thời, Khổng Tử cũng chưa bao giờ dám tự nhận rằng học thuyết của mình là ước vọng cao quý nhất của tri thức loài người. Chính ông đã tự mình tìm đến để nghiêng mình chào Lão Tử, gọi Lão Tử bằng thầy và công nhận Lão Tử cao hơn mình, sánh Lão Tử như con Rồng, Khổng Tử đã nói: “Tôi biết rằng chim bay, cá lội nhưng cái lực, cái tinh thần của con Rồng tôi không đo được”. Trong khi đó thì Lão Tử đã kề vai nói nhỏ với Khổng Tử rằng: “Học thuyết của ông ví như một con ruồi bay vo vo trong cái vò”.

Thuật lại câu chuyện này với các bạn, tôi chỉ muốn hỏi các bạn nghĩ gì khi có người ở nước ta lại cố tình đưa đạo Khổng lên hàng cao nhất của tri thức nhân loại, như lý tưởng cao quý nhất của con người, trong khi chính Khổng Tử lại nhìn nhận có người khác hơn mình. Phải chăng, điều đó chứng minh sự hèn kém của nòi giống An Nam, cho thấy nỗi bắt lực của những tâm hồn đẹp đẽ nhất trong chúng ta. Tất nhiên thử hỏi có mấy người có thể đọc được sách của Lão Tử. Nhưng người táo bạo nhất cũng ráng sức, miệt mài, họ còn dựng lên một cái đài cao, những con người biếng nhác, bất tài đã không ngại ngùng mà lên trên chót đài ấy rao cùng thiên hạ rằng đạo Lão là một cái “đạo thầy pháp” làm nản lòng những ai còn ham muốn tìm hiểu. Nhưng như vậy cũng còn chưa có thể gọi là phá hoại.

Đạo Khổng dưới dạng một món hàng xuất cảng mang sang nước An Nam ta, đã gây tai hại như thế này: Các nhà Nho học nổi tiếng của ta được nhồi nặn theo đạo Khổng, cứ tưởng rằng ngoài cái đạo Khổng không có ý tưởng nào là rộng, là thật. cứ biết một mình đạo Khổng thôi, các nhà Nho học xứ ra hễ đọc sách nào thì không lo hiểu cho tận sách ấy, lại lấy ý Khổng Tử mà giải sách ấy, thành ra ngoài cái ý của Khổng Tử thì không hiểu chi cả; hễ động đến đạo nào, dẫu cho đạo ấy khác đạo Khổng như ngày khác đêm, cũng hoá ra đạo Khổng; làm cho mấy ý tưởng cao thượng để giúp người trí thức dễ thở hoá ra hẹp hòi.

Tôi lấy một ví dụ: Đây nói về ông Trang Tử, người học trò xuất sắc của Lão Tử. Ai ai cũng nghe biết mẩu huyền thoại rất phổ biến về giấc mộng của thầy Trang Tử thấy mình hoá bướm, về câu chuyện đã xảy ra cho vợ thầy Trang. Như thế này: Trong buổi lễ tang vợ thì Trang Tử vẫn ngồi gảy đàn, hẳn là không phải ông muốn quên lãng một sự thật đau đớn mình mới biết, hay để cười cái tội lỗi ngàn đời của người phụ nữ.

Vì cười như vật là đau đớn lắm. Mà nếu như Trang Tử đã phải xúc cảm đến mức độ đó thì những tư tưởng trong sáng của

Lão Tử nhất định đã chẳng giúp được gì nhiều cho học trò ông.

Lời giải thích đúng nhất, có lẽ nằm trong tác phẩm của chính Trang Tử.

Trả lời những câu trách móc của anh bạn Huệ Tử rằng: “Anh đã sống với chị ấy, mà đến khi người ta chết, anh không hề thương khóc thế là đã nhềiu rồi, đằng này anh còn dạo đàn, tôi tưởng như vậy là thái quá chăng?”. Trang Tử trả lời: “Không đâu, lúc vợ tôi tắt thở thì tôi cũng có buồn. Nhưng tôi lại nhớ đến lúc chưa có tạo hoá, lúc hãy còn chưa có “Sinh”, chưa có “Hình”, rồi tôi nghĩ đến sự biến đổi đột ngột từ đâu ra. Nó biến đổi cái không “khí trời” thành ra cái có “khí trời”, rồi sinh ra cái có “Hình”, sinh ra sự “Sinh”, rồi lại dắt trở về với sự “Chết”, làm cho ta thấy bốn mùa như nối đuôi nhau vậy, xoay vòng không cùng vậy.

Hôm nay, vợ tôi như người trở về nơi mình sinh ra, êm đềm trở về với cội nguồn vũ trụ, mà tôi lại khóc than thì chẳng hoá ra là tôi chẳng hiểu tí gì về quy luật của Trời đất hay sao?”.

Người có nhận thức về triết học Ấn Độ, về đạo Lão, thì cách giải thích này là đúng nhất, chớ giải thích khác hơn thì hoá ra Trang Tử như người thường, như con người theo nghĩa của đạo Khổng vậy. Mà Trang Tử cũng thú nhận rằng ông có một chút buồn lúc vợ chết, ấy là Trang Tử nhận rằng mình hành chưa trọn cái đạo của Lão Tử.

Tôi có hơi dông dài về đạo Khổng, chẳng là để dẫn chứng qua một trong hàng nghìn ví dụ, rằng hiểu biết của ta về các vấn đề Trung Hoa hãy còn rất xa yêu cầu hiểu biết thực sự về nền văn hoá TrungHoa. Nhận xét này nói lên cho các bạn hiểu vì sao trong các nhà Nho học của ta ít người hiểu tôi. Hiểu thấu đáo ăn hoá Trung Hoa, tôi tưởng cũng đủ cho ta hiểu nổi các luồng tư tưởng khác trong nhân loại vậy.

Còn trong các bạn đã được nước Pháp đào tạo bây giờ cũng ít người hiểu tôi. Là vì ngày nay tôi chưa thấy người An Nam nào tiếp thu đầy đủ ý nghĩa của văn hoá Pháp. Và như tôi đa nói trong buổi nói chuyện lần trước “Học Tây trong nước ta bây giờ chỉ học để làm nô lệ cho nhà nước. Tại Đông Dương này tuổi trẻ An Nam khó mà tìm cho ra cái cao thượng của Âu Tây lắm”. Dẫu cho chúng ta có được thừa hưởng một truyền thống gia đình, hay nhờ vào những hoàn cảnh thuận lợi khác đi nữa, không mấy người trong chúng ta đủ sức vươn lên đến trình độ một học giả ở Châu Âu. Mà giờ đây, vào thời buổi hiện nay, mỗi người châu Á chúng ta lại phải được trang bị hai phía, vừa phải tiếp thu văn hoá Âu Tây và cả văn hoá Á Đông nữa.

Lần diễn thuyết trước tôi có nói về dùng thuốc: “Trong ta phải có hai thứ thuốc chống nhau để rồi hoà tan sinh ra một thứ thuốc mới. Trong ta phải có thắng trận hai lần” và không ai theo kịp tôi muốn nói gì. Có thể lời lẽ tôi nêu ra hôm ấy không sát với hiện tại, có thể là lời dự báo trước vậy.

Chiều hôm đó, người nghe có vỗ tay khen tôi lúc tôi bài bác cá tính ưa làm quan của ta. Có vỗ tay hoan nghênh tôi nhưng thực ra là cũng để tự khen chính mình. Họ đã vỗ tay hoan nghênh và lấy làm kiêu hãnh vì chính họ đã chống ý nghĩ mốn học để ra làm quan. Khi tôi lên tiếng chống những cái hại đó đang đầu độc những mầm sống đẹp đẽ nhất của nòi giống ta, là tôi đã nói cho những người muốn học cao hiểu rộng muốn có một địa vị xã hội cao, những người tin rằng mình có một sứ mạng xã hội xứng đáng với tài đức của mình.

Tôi sẽ nói với các bạn về xứ mạng xã hội đó, bắt buộc đối với những người thông minh nhất, mạnh mẽ nhất trong chúng ta.

Tôi lại kéo dài thời gian thêm chút nữa để nói về sự cần thiết phải xây dựng cho nòi giống ra một nền văn hoá riêng.

Khi tôi nói đến nền văn hoá cho nòi giống ta, chắc các bạn ai cũng liên nghĩ đến việc tại sao lại không dùng tiếng An Nam để nói. Chắc hẳn, tôi không dám tự liệt mình vào hàng những nhà viết văn bằng quốc ngữ lớn nhất hiện nay, nhưng tôi có thể khẳng định là tôi đủ sức trình bày mọi ý kiến của tôi bằng tiếng An Nam. Thú thật với các bạn là cái “vừa đủ” ấy làm cho tôi thẹn với nòi giống ta lắm, song tôi biết thẹn và biết cố gắng để quay về với tiếng mẹ đẻ thì cũng đã an ủi tôi và đủ cho các bạn thứ cho tôi.

Tuy nhiên, dùng tiếng Pháp có thể là một điều bắt buộc đối với thanh niên ta, những nhà trí thức tương lai mà tư tưởng sẽ dẫn đường cho nòi giống ta, nay phải qua con đường văn hoá Châu Âu để hiểu sâu hơn văn hoá Viễn Đông. Lại nữa, tôi nói chuyện với các bạn bằng tiếng Pháp là cũng cốt để phơi bày mọi ý tưởng của mình,d dể cho có nhiều người khác nghe được, để đính chính mọi nghi ngờ ngu xuẩn cứ lảng vảng quanh tôi. [(1) N.A.N ám chỉ bọn mật thám]

Các bạn cần hiểu tại sao tôi nói “cần thiết” phải có một nền văn hoá riêng cho nòi giống ta. Nhiều dân tộc nhờ có nền văn minh của mình mà nổi danh trên thế giới, mà gây được ảnh hưởng của mình trên thế giới. Dân tộc nào bị thống trị bởi nền văn hoá ngoại bang thì không thể có độc lập thật sự. Văn hoá là tâm hồn của một dân tộc. Giống như một con người có tâm hồn cao thượng thì mới biết những thú vui thanh cao trong cuộc sống, một dân tộc có nền văn hoá cao thượng thì mới hưởng được những đặc ân mà một dân tộc thấp kém hơn không thể biết được. Như vậy một dân tộc muốn sống, muốn độc lập, muốn rạng danh trong nhân loại, cần phải có một nền văn hoá riêng của mình.

Tôi lấy ví dụ: một nền văn hoá mà chúng ta chịu ảnh hưởng mãi cho đến ngày nay, nền văn hoá Trung Hoa. Nhiều lần bị bạo lực lấn áp bị các dân tộc “man di” láng giềng xâm chiếm, nhưng nhờ có nền văn hoá mà nước Trung Hoa vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Hơn thế nữa, cứ mỗi lần biến cố xã hội xảy ra, lẽ ra phải nô dịch hay huỷ hoại nước Trung Hoa, thì lại mở rộng biên cương và càng làm cho nước Trung Hoa thêm hùng mạnh, ảnh hưởng càng rộng lớn.

Kẻ xâm lược, chinh phục được nước Trung Hoa rồi nhưng tự mình lại bị nền văn hoá Trung Hoa chinh phục. Dần dần, họ từ bỏ những phong tục của đất nước họ, văn chương nước họ, cả ngôn ngữ dân tộc họ để đồng hoá với nền văn hoá Trung Quốc. Và cứ như thế qua mấy lần bị đô hộ, mỗi lần giành tự do, thì đất nước Trung Hoa lại được mở rộng thêm một bước sát nhập vào lãnh thổ của mình.

Chứng minh sự cần thiết phải xây dựng một nền văn hoá riêng cho nòi giống ta không đến nỗi khó. Cái lúng túng của chúng ta, là phải tìm ra một di sản tinh thần thật vững chắc làm nền tảng cho việc thực hiện mong ước của chúng ta. Nếu chúng ta gom góp tất cả những gì về văn chương, về nghệ thuật đã được toạ ra trên đất nước ta, thì nguồn tài sản tri thức của tổ tiên ta để lại nhất định sẽ hết sức mỏng manh so với nhiều dân tộc khác. Đó chính là lý do đầu tiên mà cũng là lớn nhất dễ làm cho ta chán nản, làm giảm niềm phấn chấn của chúng ta. Mớ vốn văn chương để lại cho chúng ta quá mỏng manh, mà thêm vào đó, nó còn sặc mùi sa đoạ, bệnh hoạn, mệt mỏi, mang vị đắng của những giấy phút hấp hối. Và nhất định không thể từ cái di sản đó mà chúng ta có thể tiếp thêm sức mạnh, thêm lực sống cho nòi giống ta trong cuộc chiến đấu giành cho mình một chỗ đứng trên thế giới.

Cái gọi là giới tinh hoa Nho học đã được đào tạo theo sách vở Tàu đã chẳng cố bám vào đạo Khổng như những con người chết đuối cố bám vào khúc gỗ mục đó sao?

Ngay như, chỉ cần đem so sánh với nước Ấn Độ thì Việt Nam ta chỉ là một chú tí hon bên cạnh ông khổng lồ. Vì rằng Ấn Độ đã có một quá khứ lẫy lừng và bây giờ đây, nước Ấn Độ, và nước Nhật Bản đang cung cấp cho loài người những nhà tư tưởng, những nghệ dĩ, mà thiên tư và tài nghệ đang rực sáng bên cạnh những thiên tư và những tài nghệ của Châu Âu.

Nước Nam ta xí như một trẻ nhỏ còn chưa có được ý nghĩ hay sức lực để mò mẫm đi lên một tiền đồ tốt đẹp hơn, đi trên đường giải phóng thật sự.

Và làm sao người ta có thể nói đến tự trị về chính trị, đến tự do, người ta đang đọc những bài diễn văn rỗng tuếch , đưa ra những yêu sách điên rồ, chỉ để phung phí thêm nữa sức mạnh của nòi giống.

Ta đòi tự do nào? Tự do để làm gì?[sửa]

Đứa trẻ còn chập chững bước đi chưa vững, có phải cần đến cả cái trái đất này để tập đi hay không? Tự do không phải là một vật gì mà ta có thể chuyền tay, có thể cho hay bán. Ai cũng có thể có tự do được. Người nào đã sinh ra tự do, thì dù có bị bắt làm nô lệ họ cũng sống tự do. Ngược lại, một người sinh ra đã nô lệ, thì dù ngồi trên ngai vàng họ cũng là tên nô lệ. Cho đến ngày giờ này, trong xứ ta may mắn có một vài người sáng suốt, đã chú ý đến việc chuẩn bị một cơ sở vững chắc cho tương lai của đất nước. SỐ còn lại, tất cả những người còn lại, họ nói chính trị, xem như chỉ có chính trị, duy nhất bằng con đường chính trị mới đạt được một lời hứa nào đó từ lâu mong đợi. Họ xem như vấn đề sống còn của nòi giống là vấn đề chính trị chứ không phải là vấn đề xã hội. Nếu trong nước dốt nát đến mức ấy mà những đầu óc sáng suốt lại nín thinh thì tội ấy nặng bằng giết cả nòi giống mình. Vấn đề sống còn của nòi giống mình là vấn đề xã hội, nó ở trong tinh thần của dân tộc ta từ Nam chí Bắc. Ta còn đang phải lo cho có một lý tưởng chung cho thời bây giờ để tạo nên hạt giống của cái cây “ngày mai” của dân ta.

Tagore nói về Ấn Độ có nói câu này đáng cho ai lo cho ngày mai của dân ta để tâm suy nghĩ. Nhắc đến một thời xôn xao bên Ấn Độ, ông nói: “Trí tôi lúc ấy không chịu để cho mấy cái rung động, xôn xao của các cuộc vận động chính trị thời đó mê hoặc, vì mấy cái xôn xao ấy không có nghĩa lý gì cả; trong đấy không có lực lượng nào thực sự có tinh thần dân tộc, trong đấy hoàn toàn không hiểu biết gì về đất nước và từ đáy lòng thì dửng dưng với việc phụng sự Tổ Quốc”. Và bên cạnh cái vinh quang của một nhà thơ lớn, ông Tagore còn mang lại gì cho đất nước Ấn Độ? Ông đã hết lòng hết sức vì sự nghiệp giáo dục quốc dân, đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm văn chương bằng tiếng Bengali, các tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và tung ra khắp châu Âu. Ta hãy nghe ông Ananda Coomarasvvany, một nhà thông thái của Ấn Độ giới thiệu về nền giáo dục quốc dân đó.

Tagore nói về Ấn Độ có nói câu này đáng cho ai lo cho ngày mai của dân ta để tâm suy nghĩ. Nhắc đến một thời xôn xao bên Ấn Độ, ông nói: “Trí tôi lúc ấy không chịu để cho mấy cái rung động, xôn xao của các cuộc vận động chính trị thời đó mê hoặc, vì mấy cái xôn xao ấy không có nghĩa lý gì cả; trong đấy không có lực lượng nào thực sự có tinh thần dân tộc, trong đấy hoàn toàn không hiểu biết gì về đất nước và từ đáy lòng thì dửng dưng với việc phụng sự Tổ Quốc”. Và bên cạnh cái vinh quang của một nhà thơ lớn, ông Tagore còn mang lại gì cho đất nước Ấn Độ? Ông đã hết lòng hết sức vì sự nghiệp giáo dục quốc dân, đã sáng tác ra bao nhiêu tác phẩm văn chương bằng tiếng Bengali, các tác phẩm này được dịch ra nhiều thứ tiếng và tung ra khắp châu Âu. Ta hãy nghe ông Ananda Coomarasvvany, một nhà thông thái của Ấn Độ giới thiệu về nền giáo dục quốc dân đó.

Trong những trường công lập, có hai hay ba trường đặc biệt quan trọng: trường của Rabindranath Tagore tại Bolpour, trường Kalasala ở Masulipatam, trường Gurukula của Arya Samaj ở Hardwar.

Trong các trường này, người ta dạy bằng tiếng địa phương, tiếng Anh chỉ giữ vai trò thứ yếu, mặc dù hãy còn rất quan trọng; người ta muốn tránh một tình trạng nguy hiểm là giới trí thức đào tạo ra lại chẳng nói được thông thạo một thứ tiếng nào hết. Mọi người đều cho rất đúng là trường Gurukula là có phương pháp sư phạm hay nhất, hấp dẫn nhất thế giới. Trường này chỉ nhận con trai, thuộc mọi giai cấp, không hề phân biệt. Học không tốn học phí và thầy giáo cũng không có lương. Trong 7 năm đầu, dạy hoàn toàn bằng chữ Phạn, dạy đạo giáo và tập luyện thể thao; 12 năm sau đó, dạy văn chương Âu Tây, dạy khoa học và thực nghiệm. Đến chừng 25 tuổi, anh thanh niên ra trường là đã sẵn sàng để lao vào cuộc sống. Suốt thời gian học, học sinh được giao phó cho thầy giáo và không được về gia đình. Học sinh không được gặp một người phụ nữ nào khác hơn là mẹ mình. Cũng có những trường đại loại như vậy dành riêng cho con gái, tuy có phần đỡ nghiêm khắc hơn; điều này ngược lại với đạo lý xã hội Ấn Độ vốn đòi hỏi những đôi trai gái cưới nhau phải cùng trình độ học vấn.

Đặc điểm của hệ thống giáo dục đó là quay lại với những ý niệm triết lý của văn hoá Á Đông, biết kết hợp hài hoà giữa đạo lý của các bậc hiền triết cổ xưa với kiến thức thực dụng của thời hiện đại”.

Đây là những cố gắng hay ho của một nền giáo dục quốc dân, là một nhiệm vụ mà ý nghĩa của nó khó lọt vào tai của các ông chưa quen thuộc với những cách nói như thế, nhưng đó chính là lý tưởng của những tâm hồn cao đẹp của nước Ấn Độ.

“Ngày nay đối với những bậc cao siêu của nước Ấn Độ- Ananda Coomarrasvvanys nói- chủ nghĩa dân tộc chưa đủ. Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành buồn chán, chỉ hấp dẫn đối với người gác chuông, giữ chùa, còn tâm hồn cao thượng phải vươn tới những vai trò cao đẹp hơn, họ không thể chỉ là những nhà truyền giáo hay tuyên truyền. Đã qua rồi thời đại của những phe nhóm biệt phái, buộc người ta phải cầu luỵ khi muốn trở thành “người cùng phái” công việc của họ. Những nhà trí thức cao thượng của Ấn Độ ngày nay cũng như tất cả chúng ta có phận sự phải tìm ra hàng ngàn con đường chưa khai phá.

“Cuộc sống- tất nhiên không phải là cuộc sống riêng của Ấn Độ- đòi hỏi chúng ta phải trung thực. Theo đuổi độc lập cho dân tộc mình chưa đủ; lý tưởng hướng ta phải lo cho cả nhân loại nữa, chớ không riêng gì hạnh phúc của mình. Vì lẽ những con người cao cả thường theo đuổi những mục tiêu xa hơn là dành thì giờ cho những cuộc phù du”.

Ông còn nói: “Vai trò quan trọng trên thực tế và duy nhất của nước Ấn Độ đối với thế giới là phát hiện cho thế giới những con người vĩ đại, cống hiến họ cho cuộc sống chung; một triết gia lớn, một thi nhân, một hoạ sĩ, một nhà thông thái, hoặc một ca sĩ, đến ngày phán xét cuối cùng sẽ có giá trị gấp bao lần những nhượng bộ mà chúng ta giành được sau hàng trăm năm tranh đấu nghị trường”.

Phải chăng những lời nói như vậy rất xa lạ với lỗ tai các bạn, là những phím nhạc hoàn toàn xa lạ, mới mẻ cho đến ngày nay? Và những mơ ước đó đối với các bạn thật xa vời biết bao nhiêu, và cũng rất khó mà chấp nhận ngay được.

Qua một vài câu chuyện, tôi chỉ muốn vạch ra cho các bạn thấy rõ thế nào là nước Ấn Độ trẻ, so với nước An Nam trẻ của chúng ta. Tôi cũng hiểu rằng nói đến những vĩ nhân cho đất nước này là việc quá cao, khó mà với tới được, và đối với một số người nhu nhược yếu đuối, không còn nghị lực, nản lòng thối chí vì những việc nhỏ nhoi làm như sống thì không phải tranh đấu. Đối với một dân tộc, đang tránh né mọi cố gắng và đang ru ngủ mình trong sự lười biếng và vô trách nhiệm, mà còn nói đến vĩ nhân thì quả thật là một điều đáng tức cười. Nhưng tại sao ta lại không có quyền nói đến vĩ nhân, trong khi ta đang cần những bậc vĩ nhân, cần sự xuất hiện như hoa nở rộ những bậc vĩ nhân, những con người đã mang lại một vị trí xứng đáng cho dân tộc mình.

Nước Ấn Độ dù trong cảnh áp bức của nước Anh, vẫn có những triết gia, những nhà thơ, những nhà bác học của mình, những nhà lãnh tụ đang lãnh đạo phong trào quần chúng.

Hơn cả nước Ấn Độ, đất nước chúng ta còn cần biết bao những con người hiểu biết tâm hồn nòi giống mình, hiểu biết những nhu cầu tinh thần và những gì phù hợp với tâm nòi giống chúng ta; chúng ta đang cần những con người có khả năng hướng dẫn từng bước đi cho dân tộc, soi sáng con đường đi của dân tộc; chúng ta cần những nhà nghệ sĩ, nhà thơ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, các nhà bác học để làm giàu di sản trí tuệ của dân tộc. Như vậy, không những chúng ta phải nói không ngừng về nhu cầu có những bậc vĩ nhân, mà chúng ta còn phải ước ao có thật nhiều vĩ nhân, lớn tiếng kêu gọi cho họ đến- kêu gọi với tất cả sức mạnh của buồng phổi chúng ta- phải vang lời kêu gọi qua núi cao, sông rộng, qua không gian bao la, thần bí , mà âm thanh giọng nói con người có thể vượt qua để đến tận những cõi xa thăm thẳm,- bằng tất cả sức mạnh của buồng phổi chúng ta, kêu gọi các bậc vĩ nhân (1) phải đến. Biết đâu từ những lời kêu gọi chân thành nồng nhiệt của chúng ta lại chẳng xuất hiện sức mạnh tạo ra được những thiên tài, những con người xuất chúng. Hãy chiêm ngưỡng, mong ngóng nhân tài như tôn sùng đạo giáo, hãy cầu nguyện không ngớt cho đất nước sản sinh được nhân tài. Mọi người hãy kêu gọi, van xin, cầu khẩn cho toàn cõi đất nước An Nam này cùng kêu gọi và mong chờ trong niềm lo âu và hồi hộp. Chừng đó, tôi cam đoan với các bạn, trong một tương lai rất gần, tiếng dội của những âm thanh đó sẽ đáp lại lời kêu gọi của chúng ta và lòng mong đợi của chúng ta sẽ được đền đáp.

Ở một mức thấp hơn những mơ nước cao siêu đó, có những tham vọng gần gũi con người hơn, tuy nhiên nó vẫn cao đối với đông đảo quần chúng, nhưng hoàn toàn thực hiện được với những con người cương nghị.

Ước vọng có một quyền lực như một vị vua, dùng được sức mạnh của cả một nước, trở thành một nhà tài phiệt mà gia tài làm đảo điên vận mệnh của một dân tộc; sống mà đạt được những cao vọng như thế có phải chăng là đáng sống?

Tôi vừa nói đến những mong ước hãy còn quá xa vời đối với các bạn. Một thanh niên ta ngay nay chỉ cần muốn trở thành một Bùi Quang Chiêu, một Nguyễn Phan Long, muốn trở thành một bác sĩ Thinh hay Đôn, một kỹ sư Lang, cũng đã là quá lắm. Các bạn thử nhìn, thử quan sát đám thanh niên đầy tham vọng đang dập dìu trên đường phố, giữa những gánh hàng rong, để đánh hơi những người phụ nữ. Đám thanh niên ấy có tướng đi như vịt đực, quái gở trong những bộ y phục Âu Châu, và chắc các bạn không khỏi phì cười, các bạn bật cười tự hỏi làm sao một cao vọng như thế lại có thể ẩn sau một lớp áo như thế. Muốn được như một bác sĩ Thinh hay kỹ sư Lang, phải có được cái thông minh và kiên trì của hai ông- hơn thế nữa, muốn được nhiều người biết tiếng như hai ông ấy thì cả tài đức và danh tiếng đều phải cao hơn.

Và thanh niên ta ngày nay thì có đủ khả năng để làm gì? Không ai cấm chúng ta phác hoạ mơ ước, có được ước mơ và cao vọng. Ước mơ lại là cần thiết, vì từ những ước mơ, nhân loại đã tạo được ra bao nhiêu công trình vĩ đại trong thực tế. Ước mơ, ước mơ đi! Các bạn hãy ước mơ thật nhiều, nhưng phải hành động. Vì sống là hành động. Những ai đã nói đến hành động là nói đến cố gắng. Nói cố gắng nghĩa là nói trở lực. Và trở lực làm cản ngại ước mơ cao vọng của ta còn nhiều, nhiều lắm, mà trở ngại lớnn hất lại nằm trong bản thân chúng ta. Chúng ta thiếu cái trì chí để hâm nóng mãi ước mơ, nhất là chúng ta thiếu quyết tâm để đạt đến mục đích.

Ngay cả khi ta đã có đủ sức mạnh để thực hiện những mong ước, chúng ta lại còn phải có ý chí vươn lên, với niềm khát vọng bất tận đạt đến một cái gì tốt đẹp hơn, hoàn hảo hơn. Chúng ta cũng phải luôn nuôi một cao vọng vượt hơn bè bạn, vươn lên hàng đầu.

Người ta (N.A.N ám chỉ bọn thực dân) hay nói về sự vong ơn, sự vô đạo đức, sự hỗn loạn, nhưng chúng ta không thèm đếm xỉa đến tất cả những hạng người phản động, hạng người đầu độc đó. Họ có xứng đáng với lòng biết ơn của chúng ta không, những người kể công đó?

Thế còn ngăn trở cuộc sống vươn lên, diệt nguồn sinh lực của người khác, thì có phải là một hành vi vô đạo đức nữa, phải nói là dã man! Họ nói đến hỗn loạn, nhưng họ gọi hỗn loạn là gì? Họ gọi trật tự là gì? Cái trật tự của họ đấy ư? Là trật tự hay là cưỡng bức, là dã man, là hỗn loạn?

Chúng ta không phải bàn cãi nhiều và chỉ cần nhận thức rằng mọi sức mạnh đều gây khuất động chung quanh nó, mà quy luật cuộc sống cũng đòi hỏi phải nhẫn tâm.

Vả lại, suy cho cùng, muốn cho xã hội loài người tồn tại và tiến bộ, thì sự hỗn loạn há chẳng cần thiết hay sao? Có hỗn loạn mới có thống nhất, cũng như tính thống nhất là kết quả của sự hỗn loạn vậy.

Cũng như trong cuộc sống, điều ác cần đến điều thiện và điều thiện cần có điều ác, hỗn loạn đòi hỏi phải thống nhất và một thể thống nhất lại cần có sự hỗn loạn đòi hỏi phải thống nhất và một thể thống nhất lại cần có sự hỗn loạn bên trong thì mới tránh được sự kết tinh, tức là huỷ diệt.

Người ta nói với chúng ta về cái hoàn hảo của các tổ chức do các bậc tiền bối để lại, về những học thuyết của các nhà hiền triết cổ xưa. Nhưng con người phải sống với hiện tại, và chỉ có quên lãng mới là đức tính duy nhất nuôi dưỡng được ý chí ham sống nơi ta.

Những vấn đề lớn mà xã hội cần quan tâm cũng phải được hướng về hiện tại và về cái trước mắt.

Muốn chữa trị những nỗi đau ngày nay thì phải có phương thuốc của ngày nay. Sự sống của nhân loại xoay vòng như bốn mùa, nên phải ăn theo thời, ở theo tiết. Những kinh nghiệm xa xưa về cuộc sống bị vùi lấp trong quá khứ xa xôi mờ mịt của lịch sử, không còn giữ được ảnh hưởng tức thì đối với thế hệ ngày nay. Những tiếng nói yếu ớt nhắc nhở cho chúng ta những răn dạy của các bậc hiền triết xưa, những tiếng nói ấy nay chỉ còn là những tiếng vọng xa xôi, thoáng qua rồi tắt lịm trên vành tai.

Thế hệ thanh niên ngày nay cần có những lý tưởng mới, lý tưởng của chúng ta, những hoạt động mới, hoạt động riêng của chúng ta, những đam mê mới, đam mê của chúng ta.

Chỉ có trong điều kiến đó- điều kiện duy nhất đó mà thôi- thì mới có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp. Cuộc sống- tôi không nói cuộc sống riêng của dân An Nam ta- mà cuộc sống chung cho mọi người, phải luôn được đổi mới, đổi mới trường cửu.

Nhiệm vụ của thế hệ thanh niên ta ngày nay thật là nặng nề. Giai đoạn lịch sử của chúng ta ngày nay lại càng làm cho nhiệm vụ đó nặng gấp bội lần.

Con người ai cũng có quyền nghĩ riêng đến hạnh phúc và cuộc sống của mình. Nhưng muốn có được hạnh phúc đó và cũng để tránh khỏi bị nghi ngờ, bị hành hạ, thì con người ta này nay buộc phải bán mình. (1) [ (1)- Bán mình= làm việc cho bộ máy cai trị thuộc địa]

Trong điều kiện như vậy, làm sao họ có thể vươn đến một vai trò đòi hỏi họ phải thoát khỏi mọi sự cưỡng bức, mọi sức thúc ép họ, đòi hỏi ở họ một ý thức về sứ mạng của mình, đòi hỏi họ phải luôn luôn nâng cao giá trị mình lên ngang với sứ mạng đó.

Chúng ta sinh ra trong một đất nước thiếu thốn mọi bề, cái gì cũng phải tạo lập ra, sinh vào một thời buổi mà mọi sáng kiến thông minh đều bị người ta ghét bỏ. Ở đây có hai sức mạnh đối chọi nhau, hai cuộc sống đang tranh giành nhau: Một đàng yếu ớt đang cố tìm một chỗ đứng dưới mặt trời, một đàng mạnh mẽ, lại còn rút xỉa đến kiệt quệ, nhằm tiếp ứng cho một con quái vật ở xa. Và chính là cái yếu đang kêu gọi chúng ta giúp đỡ.

Đã sinh ra trên mảnh đất này thì lương tri ta đã buộc ta phải lãnh lấy sứ mạng. Còn ai khác hơn chúng ta có thể ra đảm đương trọng trách đó?

Chỉ có dòng máu chảy trong huyết quản của ta mới giúp chúng ta hiểu được những nhu cầu của nòi giống. Cho dù nước Pháp có đầy thiện ý đi nữa thì ở đây họ cũng sẽ phải mò mẫm và hao phí sức lực. Trong bổn phận đó, nước Pháp chỉ có khả năng làm một việc là giúp đỡ chúng ta. Bổn phận của họ là phải giúp đỡ chúng ta , vì bảo hộ là dìu dắt, mà dìu dắt thì không phải là cứ để cho mãi mãi non nớt.

Vì lẽ chúng ta phải tạo lập nên sự nghiệp của mình, nên thanh niên ta ngày nay phải biết nhìn về tương lai và làm sao đưa tương lai đó đến gần, càng sớm càng tốt. CHúng ta phải biết dang chân ra, một chân đặt vững chắc trong hiện tại, chân kia phải bỏ vào tương lai, một tương lai gần gũi mà chúng ta xem như là hiện tại thực sự của chúng ta.

Chúng ta vừa ở trong việc hiện tại, vừa không ở trong việc hiện tại.

Ở trong việc hiện tại vì ta phải nhằm vào những nguyện vọng sâu xa của nòi giống; không ở trong việc hiện tại vì những việc ta cần làm hiện nay đều chưa có.

Chúng ta cũng phải chấp nhận những sự việc, những trạng thái như không thể nào tránh khỏi, và hiểu thấu đáo những quy luật xã hội, phải biết tạo cho mình một trật tự mới để đối chọi với trật tự cũ, một lực lượng mới để đương đầu với lực lượng cũ và từ đó khôi phục trạng thái cân bằng. Khi chúng ta có hai lực lượng đối chọi nhau, thì cuộc chiến đấu sẽ phải kéo dài cho đến khi tạo được thế cân bằng. Và trong cuộc tranh đấu nào cũng vậy, đều phải có sự bất công, vì lẽ sẽ có một đàng thắng và một đàng thua, mà có kẻ bại trận nào được sung sướng đâu.

Chúng ta chỉ nói ở đây về vấn đề sáng tạo, chúng ta phải suy nghĩ trước kết về vấn đề sáng tạo, chúng ta trước hết phải là những đầu óc sáng tạo.

Những người nào muốn sáng tạo được ở phải đủ sức già dặn để sản sinh, để sáng tạo. Sáng tạo không phải là bắt chước một cách nô lệ, làm như vậy còn lâu mới giúp chúng ta tự giải phóng, trái lại nó càng buộc chặt chúng ta vào những kẻ mà ta bắt chước.

Chúng ta cần những sáng tạo rất độc lập của cá nhân, nảy nở từ chính trong dòng máu của chúng ta hay là do kết quả một sự phản ứng nổi lên trong mỗi chúng ta. Người ta thường nói đến vai trò giáo hoá, mở mang văn minh của nước Pháp, được đại diện bởi nhóm người cầm quyền ở đây. Người ta đã quỳ mọp để ca ngợi những “người mang lại ánh sáng văn minh”, những “nhà tạo ra phép lạ ở Á Đông”, làm như chính những con người thô kệch mà Bộ Thuộc địa chớ không phải nước Pháp trí tuệ gởi sang đây, đã nhào nặn tâm hồn của một dân tộc trong một thời gian ngắn trở thành một công trình tuyệt vời. Người ta đã nói đến phép lạ của người Pháp ở Châu Á, đã xuất bản một quyển sách nhan đề: “Phép lạ của nước Pháp ở Châu Á”.

Thế phép lạ ấy là gì?[sửa]

Mà cũng là phép lạ thật, khi chỉ trong một thời gian hết sức ngắn người ta đã đưa trình độ kiến thức vốn đã suy thoái tệ hại của một dân tộc tuột xuống tận cùng của sự dốt nát, tối tăm dày đặc. Đó quả là phép lạ đã đưa một dân tộc vốn có tư tưởng dân chủ, vào cảnh nô lệ tối tăm trong một khoảng thời gian rất ngắn. Ai dám nói rằng đó không phải là phép lạ, phép lạ về mặt xã hội, bỗng dưng tạo nên một tình trạng mà các dân tộc phải mất mấy ngàn năm mới đi tới đó- vì phải chăng hai điều kiện đầu tiên của hạnh phúc là ngu muội và tê liệt?

Nói đến vai trò dạy dỗ, vai trò khai hoá của những ông chủ ở Đông Dương thì quả thật, thưa các ngài, đáng tức cười. Những người đại diện chính thức của nước Pháp ở Đông Dương chỉ biết nói về những công trình tốn kém như ngành đường sắt, về những công trình sạt nghiệp làm đường dây cáp ngầm dưới biển, về bộ máy công chức khổng lồ phải cung phụng, về quốc trái hàng năm, nghĩa là khai thác, bóc lột đến tận xương tuỷ cả Đông Dương.

Vai trò của họ trước hết là về kinh tế, nghĩa là lòng tham không đáy. Nhưng đến khi đề cập đến những vấn đề tế nhị hơn như giáo dục, đào tạo trí thức thì nước Pháp tỏ ra ngần ngại. Lẽ ra họ phải mang di sản trí thức của họ đến cho những nhà nghiên cứu, những nhà sáng tạo chúng ta.

Mà muốn tiến hoá được như những trí thức đó, con người phải được tự do chọn lựa, tự do tuyệt đối. Vì cưỡng bức sẽ dấn đến không tiêu hoá được, mà không tiêu hoá thì có thể đưa đến cái chết.

Có một điều tôi muốn nêu lên, thoáng qua thôi, là những người khao khát tìm tòi, đã theo đuổi công việc tìm tòi nghiên cứu xem họ phải làm gì, đang mò mẫm để nhận thức ra bản năng của mình và từ việc nghiên cứu sâu bản thân mình mà tìm ra tâm hồn dân tộc. Những người đó chí đến hôm nay, chưa hề được nhà cầm quyền giúp đỡ động viên một mảy may nào, ngược lại… Tôi có thể khẳng định điều này qua kinh nghiệm bản thân, và chưa có bất cứ một cơ quan quyền lực nào cải chính được việc đó.

Tôi sở dĩ phải nêu lên vấn đề này là cốt để cho các bạn thanh niêm hiểu rằng, trong bất luận hoàn cảnh nào, chúng ta cũng sẽ chỉ có thể dựa vào bản thân mình để vươn lên đạt trình độ mà con người ý thức được sức mạnh của mình, bắt đầu nhận thức ra phẩm giá của mình. Tôi muốn các bạn hiểu rằng cuộc chiến đấu của chúng ta, để có đủ kiến thức, để trở nên gắn bó với quyền tự hào và phẩm giá, bất ngờ và dồn dập mà những quyền lực ghê gớm sẽ dựng lên trên con đường của chúng ta.

Trên con đường đi đến ý thức được bản thân mình, tuổi trẻ hoạt động sẽ gặp phải những tài năng mà người ta cố tình khua chiêng gióng trống để tôn xưng, gặp những vị thần giả mạo được dựng lên trong một môi trường vinh quang giả tạo. Và quần chúng dễ tin nơi bề ngoải giả tạo đó mà xa lánh những tâm hồn thực sự cao đẹp, những tài năng đã dày công vun đắp. Con đường giải thoát con người quả là gian nan. Và nhất là ở xứ này, hơn bất cứ nơi đâu, những tâm hồn tự do, cao thượng, kiêu hãnh sẽ cònphải trải qua một đoạn đường dài gian khổ.

Ta phải giải thích việc này như thế nào?[sửa]

Nguyên nhân của việc này là gì? Đó là sự dốt nát. Tình trạng dốt nát, u tối và nặng nề của quần chúng. Tình trạng dốt nát mạ vàng, rỗng tuếch của giới ưu tú hiện nay. Đông đảo quần chúng cũng như giới gọi là ưu tú tân thời đã được cái nhà trường “Dân chủ bất nhã” tạo ra, ở các nước Âu Châu. Quần chúng cũng như hạng gọi là ưu tú đõ sẽ không biết phân biệt thật với giả.

Tôi nói lên những nhận xét đáng buồn này với các bạn, không cốt để làm tê liệt tấm lòng nhiệt tình, đầy thiện ý của tuổi trẻ. Tôi chỉ muốn nó sẽ là những bức tường ngăn cách làm rạch ròi giữa những tấm lòng cương nghị, sâu sắc, cần mẫn, quyết tâm hành động đến cùng khác với những tâm hòn rỗng tuếch nhưng kêu to. Tôi muốn hạng người này hãy quay phắt lại đi trước những gian nan, chướng ngại đã được phô bày. Vì những thất vọng, những chán nản của họ sẽ được ghi lại cho đời sau trong những vần thơ theo lối ngợi ca thành tích của những người anh hùng thất chí thuở xưa. Những con người thành đạt phải là những tấm lòng cương nghị tới cùng.

Và muốn hình thành một nhân cách, trước tiên là ta phải biết sống. Mà sống là tranh đấu, là đương đầu, là cảnh giác.

Tôi hiểu: Hỡi ơi! Phải chi thanh niên ta có thể hiểu được những gì xảy ra dưới lớp vỏ những lời gièm pha hàng ngày rùm beng nhưng rỗng tuếch ấy, thì chắc là họ sẽ rất bất bình và không còn nôn nả dấn thân vào cái mà họ gọi là hoạt động chính trị đã làm hư hỏng, hoen ố biết bao nhiêu tâm hồn trên một đất nước mà cuộc sống đã hầy như bị tê liệt, rã rời.Thanh niên hiện nay, quan niệm rằng không có cuộc tranh đấu nào khác hơn là tranh đấu chính trị. Nhưng họ lại hiểu hoạt động chính trị khác hẳn với các hoạt động ồn ào bên Âu Tây. Họ chỉ thấy những lời gièm pha rùm beng và rỗng tuếch phơi bày trên các báo hàng ngày ở Đông Dương. Tôi hiểu- không có gì vui khi ta phải nhắc đến những chuyện ấy. Tôi hiểu hiên nay thanh niên đang tập trung chú tâm vào cái mà họ gọi là làm chính trị hay làm quốc sự cho đến nỗi, người nào bị mật thám theo dõi, sẽ cảm thấy vô cùng vinh dự, và không ngần ngại để khoe khoang.

Tôi hiểu rằng đối với lứa tuổi thanh niên hiện nay đang dò dẫm tìm con đường đi, nếu họ gặp phải chướng ngại mà chính phủ dựng lên thì thay vì phải đi vòng tránh né thì họ lại đem hết sức lực ra để lay chuyển cho được tảng đá chặn đường. Và đối với họ, như vậy là tranh đấu. Không , thưa các bạn, cái mà các bạn gọi là tranh đấu ấy, thực ra là một việc phung phí sức lực để chống lại một cái bóng. Các bạn sẽ được gì qua một cuộc tranh đấu như thế, nếu không phải là sự kiệt sức, đẩy bạn đến một trạng thái thấp hèn, luôn luôn kém cỏi, thua sút và sẽ bị con người điều khiển cái bóng đen đó sai khiến.

Các bạn phải tranh đấu với cái gì đây?[sửa]

Phải tranh đấu với môi trường sống của mình, với gia đình đang làm tê liệt những cố gắng của chúng ta, chống lại cái xã hội tầm thường đang đè nặng lên ta, chống lại những thành kiến hẹp hòi đang bủa vây quanh hành động của chúng ta, chống lại những tư tưởng bạc nhược, hèn hạ, thấp kém đến nhục nhã, cứ ngày càng hạ thấp vị trí của nòi giống chúng ta. Cuộc chiến đấu chính là ở đó, mà nó còn nặng nề hơn gấp ngàn lần cuộc tranh đấu chính trị kia. Và chỉ có cuộc chiến đấu đó mới đưa chúng ta đến thắng lợi thực sự.

Những nhà tư tưởng lớn cho đến ngày nay đều khuyên những người muốn theo làm môn đồ phải “bỏ nhà cha mẹ ra đi”.

Và chúng ta cũng vậy, các bạn trẻ, chúng ta phải bỏ nhà cha mẹ ra đi, phải xa lánh gia đình, thoát khỏi cái xã hội chúng ta ngày nay và lìa xa xứ sở. Phải dấn thân vào cuộc sống tranh đấu, để khởi dậy nguồn sinh lực đang còn tồn đọng trong ta. Chúng ta cần một môi trường có khả năng nâng cao tâm hồn và trí tuệ của chúng ta. Chúng ta cần một đỉnh cao, để từ đó định tâm lại, chúng ta sẽ lường được hết sức mạnh của mình và làm chủ tâm hồn mình, từ đó mới nhìn tổng quát được thế giới chung quanh sống động và chứa chan tình yêu thương, mới hoà hợp được với thế giới.

Lúc đó, chúng ta có thể từ giã đỉnh cao mà ta đã đạt tới, từ giã nơi mà ta đã lựa chọn để tự lưu đày trong một thời gian ấy, để trở về với xã hội nơi mà ta có thể thi thố hết cả sức mạnh sáng tạo của chúng ta. Nghĩa là, là người An Nam, chúng ta sẽ trở về đất nước An Nam, sau khi đã nhận thức đầy đủ chân giá trị của mình về phẩm chất cao quý nhất của con người, về những quy luật của tạo hoá, chúng ta trở về nơi mà sự tình cờ run rủi đã đặt ta vào thành nơi chôn nhau cắt rốn, do đó không còn ai hơn ta có thể hiểu được nhu cầu của nòi giống đã sinh ta ra, và nhờ đó mà sức mạnh sáng tạo phong phú trong ta sẽ không trở nên phung phí.

Theo tôi, thanh niên ta ngày nay cần nên tránh nói về Tổ Quốc và lòng Yêu nước, mà chỉ nên tập trung sức lực để đi tìm tòi cho ra bản ngã của mình. Khi mà ta đã xác định được bản thân ta, thì hai chữ Tổ Quốc và Yêu nước sẽ trở thành những danh từ rộng lớn hơn, cao thượng hơn, thanh nhã hơn đối với ta, mà chúng ta sẽ phải hổ thẹn vì trong lúc còn ngu dốt, chúng ta đã pha trọn vào hai chữ Tổ quốc và Yêu nước những ý nghĩa thấp kém, hèn mạt nữa. Đến ngày mà tuổi trẻ An Nam không còn thấy suy tôn những mảnh bằng cấp nữa, bất chấp các thành kiến xã hội, xem thường áo mão cân đai dát vàng của bọn tay sai của thực dân, khinh miệt dáng vẻ bên ngoài trịnh trọng của các vị thân giả, khinh miệt những lời ca ngợi các tài năng giả tạo, những năng lực bất lực.

Đến ngày mà thanh niên An Nam ta khinh thường mọi bề ngoài giả dối, mọi lời nói xảo trá, biết ngẩng cao đầu tiến bước trên con đường chân chính mà chính lương tâm ta đã vạch ra cho chúng ta.

Thì ngày ấy chúng ta có thể cùng nhau xem xét những ước mơ cao đẹp nhất của chúng ta. Ngày ấy chúng ta có thể giải bài toán khó về tạo lập một nền văn hoá cho dân tộc chúng ta và một lần nữa chúng ta khôi phục đạo lý của tổ tiên chúng ta:

“Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà nâng cao vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta”.

(1) Nguyễn An Ninh muốn nhắc đến Nguyễn Ái Quốc, người mà NAN hết sức ngưỡng mộ. Đúng như nhà báo Lưu Quý Kỳ đã viết trên báo “Thống Nhất” số 155 ngày 19-5-1965: “Nguyễn An Ninh đã tuyên bố: “Chính anh Nguyễn Ái Quốc đã làm tôi hăng hái cách mạng. Tôi hoàn toàn tán thành đường lối của Quốc Tế Đệ tam và tôi luôn luôn coi anh Nguyễn Ái Quốc là người dẫn đường cho tôi”. (BT)

Nguồn[sửa]