Vấn đề tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc qua môn học "Cơ sở văn hóa Việt Nam"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tóm tắt[sửa]

Kiến thức về cơ sở văn hóa Việt Nam đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng trên mọi lĩnh vực hoạt động xã hội của các dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và trong công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa đất nước. Văn hóa là chất keo kết dính các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội, tạo nên bản sắc dân tộc. Vì vậy, việc giảng dạy môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam cần được phổ cập cho sinh viên tất cả các loại hình học tập.

Abstract[sửa]

Understanding the basis of Vietnamese culture played and plays a very important role in all the fields of social activities of Vietnamese nations in the international joining and industrialization, modernization processes in Vietnam. Culture is things which glue economical, political, social relations and creates the identity of Vietnamese culture. Thus, teaching the basis of Vietnamese culture must be spread to not only students of human studies but also students of technological ones.

Nội dung[sửa]

Môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào chương trình học chính thức cho sinh viên ngoại ngữ chuyên ngành khoa học công nghệ khóa 1 - K45 năm học 2000 - 2001 của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Đây là môn học nhằm cung cấp cho sinh viên những tri thức cần thiết cho việc hiểu một nền văn hóa, giúp họ nắm được các đặc trưng cơ bản cùng các qui luật hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt Nam.

Quá trình giảng dạy Cơ sở văn hóa Việt Nam trong môi trường của khoa học công nghệ đã đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu và tìm hiểu để tăng tính hiệu quả của môn học này và góp phần vào việc giới thiệu bản sắc đa dạng của nền văn hóa Việt Nam cho các đối tượng là sinh viên khối khoa học công nghệ như sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Trước khi đề cập đến công nghệ dạy học với các phương pháp cụ thể, trong khuôn khổ bài báo đầu tiên về việc giảng dạy môn Cơ sở văn hóa Việt Nam tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi khẳng định rằng: môn học Cơ sở văn hóa Việt Nam có tầm quan trọng rất lớn không những đối với sinh viên khối ngoại ngữ chuyên ngành hiện nay của trường, mà còn đối với cả sinh viên khối khoa học công nghệ.

Bằng công cuộc Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa đất nước, Việt Nam đang chứng minh cho thế giới thấy được nỗ lực vươn lên hội nhập vào cộng đồng quốc tế ở thời điểm bước ngoặt của thời đại với mối quan hệ hữu cơ và sự tác động qua lại, đan xen và liên kết giữa hai quá trình của sự phát triển thế giới là cuộc cách mạng khoa học công nghệ và cuộc cách mạng xã hội.

Năm 2000 - ngưỡng cửa của thế kỉ XXI - đã được UNESCO lấy làm năm Quốc tế Văn hóa hòa bình. Theo UNESCO, thế giới ngày nay đang đứng trước triển vọng là đường phân cách về kiến thức sẽ trở thành một vực thẳm không thể san lấp nổi (theo Francisco Sagasti, tạp chí Courier, tháng 2/2000). Như vậy, sự thay đổi tính chất xã hội toàn cầu và cuộc cách mạng về kiến thức ngày càng gay gắt đang tạo ra một không gian mới cho sự xuất hiện một nền văn hóa hòa bình. Trụ cột của nền văn hóa này không còn là quốc gia, mà là từng cá nhân mỗi con người. Văn hóa hòa bình tự thân nó đã được hình thành, tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ trong mọi xã hội, được con người thực hiện mà không nhất thiết phải công khai đề cập đến. Văn hóa hòa bình của từng cá nhân luôn có quan hệ hữu cơ với văn hóa của dân tộc của cá nhân đó. Văn hóa là sự tạo lập trạng thái cân bằng giữa tự nhiên và xã hội loài người, giữa tăng trưởng kinh tế với ổn định và phát triển hài hòa, là động lực điều chỉnh sự phát triển kinh tế và xã hội. Nói cách khác, văn hóa là chất keo kết dính các mối quan hệ kinh tế, chính trị và xã hội, tạo nên bản sắc đặc thù của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, thế giới ….

Trong quá trình phát triển, đặc biệt trong cuộc cách mạng toàn cầu về khoa học công nghệ như hiện nay, không thể không có hợp tác quốc tế bởi vì nếu thiếu nhân tố quan trọng hàng đầu này thì không thể nghiên cứu các đại dương, bầu khí quyển, vũ trụ, các dòng sông, sa mạc, sinh thái … Những đám mây bụi phóng xạ từ Chernobyl không tôn trọng các đường biên giới.

Như vậy, trong quá trình hội nhập, thế giới khoa học kĩ thuật luôn có xu hướng hội tụ, tích hợp kiến thức về khoa học công nghệ của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên hành tinh của chúng ta. Ngược lại, văn hóa ngày càng bộc lộ tính khu biệt trong quá trình hội nhập này. Văn hóa các dân tộc trên toàn thế giới bền bỉ tích lũy và phát triển, mở rộng giao lưu và hội nhập vào đại dương văn hóa mênh mông của nhân loại với các nét rất đặc trưng của từng dân tộc.

Văn hóa luôn tồn tại với cuộc sống loài người bởi vì nó là tất cả những gì do con người sáng tạo ra để ứng xử phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội. Mặc dù vậy, khái niệm về văn hóa còn chưa được thống nhất với hàng trăm định nghĩa. Đến cuối thế kỉ XIX văn hóa học mới bắt đầu được hình thành với nhiều quan điểm, nhiều cách tiếp cận, nhiều trường phái khác nhau.

Ở phương Tây, khái niệm "văn hóa" lần đầu tiên được nhà luật học Putedort, nhà triết học Herder, nhà ngôn ngữ học Adelung ở Đức sử dụng vào giữa thế kỉ XVIII. Năm 1871 thuật ngữ "văn hóa" mới được E.B.Taylor định nghĩa lần đầu tiên trong tác phẩm "Văn hóa nguyên thủy" (Primitive Culture) tại London. Năm 1885 trong cuốn sách 2 tập "Khoa học chung về văn hóa" của Klenưri, người Đức, khái niệm văn hóa như đối tượng của một khoa học độc lập bắt đầu được hình thành rõ nét với tiến trình phát triển của loài người được đề cập tới như một lịch sử văn hóa. Tại Đại hội về sinh ngữ tại Viên, thủ đô nước Áo, thuật ngữ "văn hóa học" được chính thức sử dụng và trở thành phổ biến sau sự ra đời của tác phẩm "Khoa học về văn hóa" (The Science of Culture) năm 1949 của L.White, người Mĩ.

Ở Việt Nam, cho đến những năm 80 mới chỉ có các công trình về lịch sử văn hóa, khá tản mạn và thiếu hệ thống về toàn cảnh bức tranh cấu trúc văn hóa trong quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Trong khi hiểu biết về văn hóa dân tộc còn quá thấp, nhu cầu về phổ cập văn hóa dân tộc lại quá cao. Vai trò của văn hóa dân tộc ngày càng lớn, trong khi khoa học nghiên cứu về văn hóa lại phát triển quá chậm trong quá trình hội nhập quốc tế. Sự kém hiểu biết về một nền văn hóa dân tộc được biểu hiện trên nhiều phương diện của cuộc sống hiện đại. Một ví dụ đơn giản và nhức nhối là nhiều phiên dịch viên ở nhiều cấp độ chuyên môn khác nhau, thậm chí có thâm niên đáng kính nể đã không lí giải được các câu hỏi như: "Thăng Long tứ quán là gì?", "Những rạp hát cổ nhất của Việt Nam ở những đâu?", "Làng Cầu đuổi lợn, làng Cự kéo co, làng Ngò chạy ngựa có nghĩa là gì?" do thiếu kiến thức cơ bản về văn hóa dân tộc.

Xuất phát từ những bức xúc về phổ cập trình độ cơ sở văn hóa dân tộc, khoảng 10 năm trước đây, trước thềm thế kỉ XXI, môn học Cơ sở Văn hóa Việt Nam đã chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy tại các trường Đại học Ngoại ngữ trong đó có trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, nay là Đại học ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội. Môn học tự thân nó đã mang một sức sống mãnh liệt. Thêm vào đó, nhu cầu về kiến thức văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập đã trở nên bức xúc hơn bao giờ hết. Và đúng vậy, quá trình giảng dạy môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam đã chứng minh tính cấp thiết của môn học không những đối với sinh viên chuyên ngành khoa học xã hội, mà còn đối với sinh viên chuyên ngành khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ mọi thế hệ.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. Tạp chí Courier, tháng 11/1991.

2. Tạp chí Courier, tháng 2/2000.

3. Trần Ngọc Thêm. Tìm về bản sắc Việt Nam. Nxb.tp.Hồ Chí Minh, 1996.

4. Trần Ngọc Thêm. Cơ sở Văn hóa Việt Nam. Nxb.Giáo dục, 1998.

Bản quyền[sửa]

Đào Hồng Thu

Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 25+26 năm 2000.