Về việc phun gibberellin vào rau sống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Gần đây báo chí Việt Nam có quan tâm đến sự kiện nông dân tự ý phun vào rau một loại thần dược có nguồn gốc từ Trung Quốc. Việc này gây quan ngại đối với người tiêu dùng mà theo như Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời báo giới thì gia đình ông cũng lo lắng không kém. Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội đã tiến hành kiểm tra "định tính" và kết luận rau phun thuốc kích thích tăng trưởng không lớn hơn đáng kể. Thí nghiệm có quy mô hơi nhỏ và điều kiện nuôi trồng chưa tối ưu (lạnh hơn so với nhiệt độ phát triển của xà lách). "Thần dược" được Chi cục bảo vệ thức vật "chiết xuất" là Gibberellic acid (gibberellin) GA3. Sau đó, TS. Nguyễn Văn Khải (Trung tâm hoạt hoá điện hoá) lại cho thấy "thần dược" làm dài cả xà lách và cải cúc. Do đó, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Viện nghiên cứu Bảo vệ Thực vật tổ chức thí nghiệm đánh giá hiệu quả của "thần dược" gồm có thuốc An Khang (50ppm GA3, đã cấp phép sử dụng), và những loại "thần dược" "lậu" của Trung Quốc (cũng là GA3) nhưng không đăng ký, không mô tả thành phần. Kết luận từ thí nghiệm chưa công bố nhưng với những kết quả ban đầu có thể đưa ra nhận định là 1) việc truyền thông mô tả phun GA3 làm cây phát triển nhanh trong vài ba ngày là sai sự thât. Những cây rau khi phun GA3 phải phát triển từ 3-4 tuần mới có sự khác biệt về hình thái. 2) Khi phun GA3, cây trồng sẽ có thân cao, lá nhạt màu so với những cây bình thường. Kết quả này phù hợp hoàn toàn với các quan sát của người dân cũng như mô tả về chức năng của gibberellin đã được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới vì giberellin là một loại hormone thực vật có tác dụng kích thích sinh trưởng, kéo dài thân và lá.

GA tác dụng lên tế bào thực vật thông qua việc phân hủy protein kìm hãm sinh trưởng, tạp chí Science 2003

Gibberellin được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà khoa học người Nhật Kurosawa được sản sinh từ chủng nấm Gibberella fujikuroi. Về sau, gibberellin được tìm thấy ở hầu hết các loài thực vật chứng tỏ nó hoạt động như một hormone thực vật nội sinh tự nhiên. Các GA hoạt tính (trong đó có GA3) có tác dụng chính là kéo dài tế bào (cellular elongation) thông qua việc phân hủy một nhóm protein kìm hãm sinh trưởng ở thực vật là DELLA protein. Ngoài ra, GA còn có tác dụng kích thích nảy mầm hạt, kích thích ra hoa và hình thành quả không hạt. Trên thế giới, GA được sử dụng rộng rãi để tăng năng suốt cây trồng do kéo dài thân hoặc tăng kích thước lá. Từ năm 1995, Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (nơi cấp phép cho các hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp) đã xếp GA3 nằm ở nhóm chất độc nhóm 3 và nhóm 4, nghĩa là nhóm có độc tính nhẹ nhất và gần như không đáng kể. EPA cho phép sử dụng GA3 ở Hoa Kỳ mà không hề có bất kỳ cảnh báo về ảnh hưởng của nó đối với môi trường cũng như vật nuôi và sinh vật hoang dã. Điều duy nhất phải chú ý khi sử dụng GA3 là không được phép đổ thẳng GA3 vào nguồn nước thủy lợi hoặc bón cho cây đang ở trạng thái ngập nước. Thực tế cách sử dụng GA3 hữu hiệu nhất là hòa tan hoàn toàn GA3 trong bình dung dịch và phun trực tiếp lên lá. Việc phun GA3 không thể thay thế việc cung cấp chất dinh dưỡng (bón phân) hay bảo vệ khỏi sâu hại (trừ sâu). Thông thường nên phun GA3 trước khi thu hoạch độ 4-5 ngày để rau phát triển hoàn toàn cũng như loại bỏ các tồn dư có hại với người sử dụng. Trong khi đó, người sử dụng các rau quả có bón GA3 chỉ cần rửa sạch và gọt vỏ thì hoàn toàn có thể an tâm.

Những nông dân muốn sử dụng GA3 để phục vụ sản xuất xin hãy chọn mua các sản phẩm có ghi nhãn mác cẩn thận, nơi sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng. Chất GA3 chỉ có tác dụng tốt nhất khi nó còn ở dạng hoạt tính và nếu bảo quản không đúng cách, mua hàng kém chất lượng, lẫn nhiều tạp chất thì giá trị sử dụng của hóa chất rất thấp, không tương xứng với chi phí đầu tư. Chất GA3 có một ngưỡng nồng độ hoạt động tối ưu nhất định nên khi sử dụng phải tuân thủ theo đúng hướng dẫn của sản phẩm. Việc tăng hay giảm ngoài biên độ đều làm giảm hoạt tính của GA3 đối với thực vật. Giá một bình GA3 khoảng 4lit của hãng MegaGro (USA) là tầm 100$ (dung dịch dùng trực tiếp).

Một số lưu ý đối với các thí nghiệm kiểm định và công bố kết quả đối với người dân.

Thứ nhất việc báo chí gây sốc khi để tựa 'Hoạt chất tưới rau là chất độc loại 3' mặc dù đúng về nội dung nhưng đưa một thông điệp hoàn toàn ngược lại. Hầu hết các hóa chất đều có tác hại (độc tính) đối với người hoặc động vật ở một ngưỡng liều nhất định. GA3 được xếp vào độc loại 3 có nghĩa là loại nhẹ thứ 2 trong bảng xếp loại các chất độc. Loại 3 có nghĩa là độc rất nhẹ trong khi loại 4 có thể coi là không độc. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ nghiêm cấm phun GA3 quá ngưỡng liều là 20g ai/acre (tương đương 5 mg/m²) đối với đa số các loại nông sản, rau quả (chi tiết).

Thứ hai, đối với các loại rau trồng nông nghiệp thì khi đánh giá định lượng thiết tưởng phải tính ra đơn vị sản lượng. Vd. nếu dùng thuốc GA3 thì người dân sẽ thu hoạch được bao nhiêu kg nông sản trên 1ha. Đây mới là con số có ý nghĩa hơn là việc thông báo cây rau sẽ cao hơn bao nhiêu % so với đối chứng.

Thứ ba, việc tiến hành tiếp tục các thử nghiệm "định tính" và "định lượng" trên các loại thực vật khác nhau, vùng đất khác nhau là một sự lãng phí. Việc cần thiết là dùng GC-MS xác định rõ các thành phần trong "thần dược" là những gì, có chất lẫn tạp nào gây độc không. Nếu chỉ có GA3 thì việc GA3 có tác dụng đối với thực vật như thế nào đã được nhân loại chứng minh và tìm ra cơ sở khoa học từ hơn 50 năm trước. Có hay chăng là cục bảo vệ thực vật cần đưa ra quy định chính thức cho nông dân về nồng độ (hàm lượng) cho phép tối đa của "thần dược" trên một đơn vị khối lượng rau, quả. Đồng thời, ngăn cấm một cách hiệu quả việc sử dụng trái phép các "thần dược" nhập lậu, không rõ thành phần, xuất xứ cũng như khuyến cáo sử dụng các thần dược tương đương đã qua quy chế kiểm duyệt an toàn.

Thứ tư, các tổ chức khuyến nông cần phổ biến kiến thức về sử dụng GA3 cho bà con nông dân một cách hợp lý. Bà con nông dân cần hiểu rằng GA3 chỉ có tác dụng cao thân, dài lá nên thích hợp với một số loại rau nhưng nếu dùng cho lúa thì sẽ bị tổn thất nghiệm trọng gây nên bệnh lúa von. Nghĩa là cây lúa rất cao nhưng hạt lúa lép vì thiếu dinh dưỡng. Do đó, tuyệt đối tránh để GA3 bị nhiễm vào nước tưới tiêu của các cây trồng khác.

Ngoài ra, bà con cần suy tính về lợi nhuận trước khi quyết định có sử dụng GA3 cho các luống rau của mình. Việc người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy những cây xà lách, cải cúc được phun GA3 (vì lá dài rất bất bình thường) sẽ gây tâm lý nghi ngại và họ có lẽ sẵn sàng trả một cái giá cao hơn đối với những cây rau sạch, không sử dụng chất bảo vệ thực vật (như GA3). Đồng thời, người viết cũng mong muốn các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả trong việc giám sát và tư vấn việc sản xuất các nông sản "sạch", không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật.

Lời bàn của tác giả: Theo như những thông tin được phản ánh trên truyền thông xung quanh vấn đề phun gibberellin lên rau quả, hiện nay có hai nhóm quan điểm trái chiều từ các "chuyên gia" hay "chuyên viên". Nhóm 1 là các người làm trong lĩnh vực khoa học, những người này ủng hộ quan điểm cho rằng tiếp tục "nghiên cứu" hay lặp lại nghiên cứu về GA là một sự lãng phí. Nhóm này thừa nhận những nghiên cứu đã mang tính "kinh điển" được giới khoa học thế giới kiểm chứng về tác dụng của GA. Do đó, nhóm những người có cùng quan điểm này cho rằng Việt Nam nên thừa kế các kinh nghiệm của thế giới (hay các nước lân cận) về quản lý và ứng phó đối với GA hay là các chất kích thích sinh trưởng thực vật khác. Các bài báo thể hiện quan điểm của nhóm 1 được ký hiệu mũi tên hướng lên trên ở phần liên kết ngoài dưới đây. Nhóm thứ 2 là các chuyên viên hay những nhà quản lý và cấp phép sử dụng các chất bảo vệ thực vật hay là các hóa chất sử dụng trong nông nghiệp hoặc môi trường nói chung. Các chuyên viên này gửi đến người dân một thông điệp "cẩn trọng" đối với việc sử dụng GA cũng như sử dụng các nông sản đã được xử lý GA. Họ ủng hộ việc tiến hành tiếp tục và mở rộng các thí nghiệm trên GA theo các hướng 1) trên nhiều đối tượng thực vật, 2) trên nhiều vùng địa phương, hay điều kiện nuôi trồng khác nhau, và 3) ảnh hưởng đối với người và động vật. Những nhà quản lý này muốn trả lời câu hỏi 1) có nên cấp phép cho các hóa chất hỗ trợ nông nghiệp có chứa GA hay không? và 2) nếu câu 1 trả lời có thì cần có các quy định về sử dụng như thế nào để đảm bảo an toàn cho cả nông dân và người tiêu dùng nông sản. Các bài báo thể hiện quan điểm của nhóm 2 được ghi dấu mũi tên hướng xuống. Quả thực, với sự khuyếch đại của truyền thông, cuộc tranh cãi giữa hai luồng quan điểm này dẫn đến một hậu quả nhãn tiền là sự hoang mang của cả nông dân và đặc biệt là người tiêu dùng nông sản, những người mà niềm tin vào người sản xuất nông sản dường như là rất thấp.

Theo quan điểm của người viết, những người vốn thuộc nhóm 1 cả về chuyên môn lẫn quan điểm đối với vấn đề đang đề cập trong bài viết thì đã đến lúc 2 nhóm cần phải thống nhất quan điểm. Thực chất, trong vấn đề xã hội này, nhóm có trách nhiệm phải giải quyết chính là nhóm 2. Nhóm 1 chỉ đóng vai trò tư vấn nếu được tham gia. Do đó, người viết có những đề xuất hay gợi ý đối với các cá nhân và tổ chức thuộc nhóm 2 như sau:

1, Cần sớm công bố ý kiến chính thức của Bộ NN&PTNT về sự việc và cách giải quyết vấn đề đối với người nông dân lẫn người tiêu dùng. Nếu cần thiết có thể tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu khoa học về lĩnh vực sinh lý thực vật cũng như từ Bộ Y tế.
2, Về quyết định cấp phép lưu hành và quy chế an toàn sử dụng các sản phẩm có chứa GA thì nên tham khảo các quy định từ các nước khác nhau trên thế giới. Nếu có thể, hãy ưu tiên tham khảo quy định từ những nước nhập khẩu chính nông sản từ Việt Nam.
3, Cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho các đơn vị cấp phép của Bộ NN&PTNT đối với một hóa chất sử dụng trong nông nghiệp để tránh những lúng túng tương tự trong tương lai.

Một điều ngạc nhiên thú vị mà người viết phát hiện là trong xã hội có một số lượng những người yêu thích các thí nghiệm khoa học một cách "nghiệp dư". Họ đã độc lập tiến hành các thí nghiệm và cố gắng thiết kế các mô hình thực nghiệm nhằm kiểm chứng các vấn đề khoa học. Đây là một điều tốt đẹp và đáng khích lệ. Những người viết chợt nghĩ tại sao các nhà giáo dục lại không bố trí những bài tập thí nghiệm về GA trên thực vật ở chương trình SGK bậc phổ thông. Điều này chắc chắn làm những kiến thức trong SGK bớt khô khan và nhàm chán. Và điều này cũng giúp không để lại một lỗ hổng kiến thức về sinh lý thực vật cơ bản trong nhận thức người dân nói chung và thậm chí ở cả những viên chức có chức năng giám sát và cấp phép thuộc ngành nông nghiệp.

Tác giả[sửa]

  • NCS. Cao Xuân Hiếu (Đức)
  • TS. Vũ Thị Hà Giang (UK)
  • Các tác giả cám ơn TS. Nguyễn Trọng Bình (chuyên gia về chế phẩm sinh học phục vụ y tế, Hoa Kỳ), TS. Vũ Mạnh Huỳnh (đã từng làm tại phòng thí nghiệm của TS. Kurosawa, Nhật Bản), TS. Nguyễn Quốc Vọng (chuyên gia về rau sạch, Úc) về những thông tin và góp ý cho bản thảo.

Xem thêm[sửa]

Liên kết ngoài[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này