Xử lý món ăn phiền phức

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trứng lacoóc[sửa]

Trứng lacoóc chỉ nhúng nước sôi khoảng 1-2 phút, lấy ra để trên giá đựng trứng, đặt trước mặt khách kèm một đĩa không.

Khách dùng cùi dìa con, khẽ đập vào đầu nhọn quả trứng, bóc vỏ trứng để một chỗ trống có thể dễ dàng bỏ thìa vào; sau đó dùng dĩa nhẹ nhàng làm thủng màng bọc quả trứng, lấy chút muối (đặt sẵn trên mặt bàn) để bỏ vào quả trứng và quý khách dùng cùi dìa để xúc trứng ăn.

Vì lòng đỏ trứng gà chưa chín, khi ăn cần lưu ý không để lòng đỏ trứng gà dây trên môi. Khi ăn trứng, quý khách có thể ăn thêm bánh mỳ, nhưng không dùng bánh mỳ chấm vào lòng đỏ trứng để ăn.

Trứng tráng hoặc ốp lết[sửa]

Đối với món trứng tráng thì lòng đỏ, lòng trắng được đánh lẫn lộn, sau đó tráng chín rồi để nguyên cả mảng trứng hoặc đánh tơi từng miếng nhỏ; còn món trứng ốp lết khi tráng chỉ chín ít lòng trắng, lòng đỏ gần như còn nguyên.

Với trứng ốp lết, khách dùng cùi dìa lấy muối để sẵn trên bàn rắc lên trứng, sau đó dùng thìa lớn và dĩa để ăn với bánh mỳ. Không nên để lòng đỏ trứng dây trên môi.

Các loại trứng nói trên, phương Đông, phương Tây thường ăn vào bữa sáng, lúc điểm tâm, tuy nhiên cũng có thể vào bữa trưa hoặc bữa tối theo yêu cầu của khách.

Trứng vịt lộn được một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam, dùng đãi khách nước ngoài trong các tiệc thân mật. Hiện nay, trứng vịt lộn đã được đưa từ châu Á sang châu Âu và một số nơi ở Bắc Mỹ.

Cua[sửa]

Cua là món ăn tương đối phổ biến từ Đông sang Tây.

Cách ăn cua luộc: trước mặt khách, ngoài dao, thìa, dĩa, có thêm cái kẹp bằng kim loại kèm hai đĩa và một bát bằng thủy tinh có hoa văn trang trí, trong đó đựng nước trong suốt dùng rửa tay, trên mặt nước thả mấy cánh hoa hồng.

Ăn món cua luộc, khách có thể cầm tay: Đầu tiên bóc yếm cua, tách mai cua và để mai xuống đĩa, dùng thìa lấy muối trên bàn rắc lên thịt cua rồi để vào đĩa khác; sau đó, khách nhúng tay vào bát nước, dùng khăn lau tay rồi dùng dao và dĩa ăn thịt cua (nhúng nhẹ nhàng mấy đầu ngón tay vào nước, không nhúng cả bàn tay).

Dùng kẹp bằng kim loại bóp kẹp hai càng cua lớn, bóc vỏ vào đĩa và ăn thịt càng cua, lưu ý chỉ ăn hai càng lớn, không ăn càng nhỏ. Sau đó nhúng rửa tay vào bát nước.

Ở vùng Camtrátca của Nga có giống cua rất lớn, có con dài hơn một mét. Người Nga đóng hộp xuất khẩu đến rất nhiều nơi trên thế giới. Thịt cua hộp này được cắt thành khúc nhỏ dùng trong các món ăn khai vị.

Tôm[sửa]

Tôm là món sang trọng, nhưng ăn khá phức tạp: vừa dùng tay, vừa dùng dao, thìa, dĩa...

Có nhiều loại tôm, nhưng có thể chia làm 3 loại: tôm lớn như tôm hùm (Homard), tôm he (Langoustine) và tôm nhỏ (Crevette). Trước khi ăn món này, người phục vụ cần bày trước mặt khách đầy đủ dụng cụ: đĩa, dao, dĩa, thìa và bát thủy tinh đựng nước rửa tay.

Loại tôm lớn thường luộc hoặc rán. Nếu tôm chưa được bóc vỏ thì dùng tay bóc hết vỏ tôm bỏ vào một đĩa. Không cầm cả con tôm đã bóc vỏ để ăn mà đặt nó vào một đĩa khác, sau đó nhúng và rửa qua mấy đầu ngón tay trong bát nước rửa tay. Khi ăn dùng dĩa, dao. Gia vị dùng để chấm là muối tiêu.

Thịt tôm cùng với thịt cua và gia vị nấu thành xúp, làm thành chả, đều là những món ăn tốt dùng để đãi khách. Tôm nhỏ đã bóc vỏ hấp chín kẹp với bánh mỳ thành món ăn khai vị; thịt tôm xay nhỏ trộn với bột gạo hoặc bột mỳ làm thành bánh phồng tôm, cũng là một món ăn khai vị được khách ưa thích.

Trai[sửa]

Khi ăn món trai (moule) phải dùng dao nhỏ, khẽ cậy miệng trai, rắc muối tiêu vào miệng trai, sau đó dùng dĩa xúc thịt trai để ăn. Không đưa vỏ trai lên miệng để húp nước.

Ốc[sửa]

Nếu ăn ốc đã luộc thì dùng dao nhỏ khẽ nhể miệng ốc, rồi dùng dĩa nhỏ kéo thịt ốc. Khác với món ốc dân dã của Việt Nam thường chấm với nước mắm gừng, ốc trong bữa tiệc thường chấm với muối tiêu. Không đưa con ốc lên miệng để hút nước.

Sò huyết[sửa]

Sò huyết được coi như một loại thuốc bổ. Sò huyết dùng trong các bữa tiệc chính thức hoặc thân mật với số lượng thực khách ít. Người phục vụ đặt trước mặt quý khách một lò nhỏ than đang bốc cháy kèm một cặp bằng kim loại, các thứ dụng cụ khác, kể cả bát, đĩa.

Khách dùng cặp đặt con sò huyết lên trên lò cho đến khi chín, tức là khi miệng con sò tự động mở ra. Trong ruột con sò lúc đó vẫn có màu máu tươi nhưng đã ăn được. Quý khách dùng cặp đưa ra đĩa; dùng dĩa nhỏ xúc ruột sò huyết ra bát, cho nước xốt và rau thơm các loại vào (mỗi thứ một ít), rồi dùng thìa hoặc đũa để ăn. Cách ăn này xuất phát từ phương Đông rồi lan sang phương Tây. Cũng như khi ăn các món trên, không nên cầm bát húp nước sò huyết.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.