Đánh giá đúng nguy cơ ung thư phổi và mù lòa do khói nhang (hương)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khói nhang (hương) chứa nhiều chất độc hại, nhưng chúng có đủ độc để gây ung thư như khói thuốc lá hay không, có lẽ là thắc mắc của nhiều người. Vấn đề nhang đậu tàn gần đây càng gây thêm mối lo về việc sử dụng nhang. Qua đây, chúng tôi xin gửi đến mọi người một cái nhìn đa chiều và sâu sắc hơn về vấn đề này.

Thông điệp chính[sửa]

– Việc sử dụng nhang (hương) 1 lần/ngày KHÔNG thấy có ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, đã có 1 báo cáo tìm thấy mối liên hệ giữa 1 loại ung thư đường hô hấp với khói nhang, do đó nên tránh cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi ở gần vùng nhang (hương) đang cháy, vì trẻ nhỏ và người lớn tuổi dễ bị tác động của các chất phá hoại DNA hơn người trưởng thành và trung niên.

– Tránh thường xuyên tới những nơi có nhiều khói nhang (hương) như đình, chùa. Khi tới những nơi đó, nên hoàn thành việc thờ phụng càng nhanh càng tốt.

– Khói nhang (hương) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người đang hút thuốc lá. Và tốt nhất là những người đang hút nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, trừ khi bạn muốn tăng khả năng ung thư phổi của mình lên 3 lần.

– Đối với những ai phải thường xuyên tiếp xúc với lượng lớn khói nhang, hoặc đốt nhiều nhang một lần trong ngày, nên đi kiểm tra sức khỏe ngay khi có dấu hiệu bệnh hô hấp.

– Nói không với nhang đậu tàn, dù khả năng gây mù lòa là KHÔNG khả thi như các báo nói. Hãy quay về với nhang truyền thống, vừa để bảo vệ sức khỏe của người làm nhang, vừa để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình mình.

Phần dưới dây sẽ đề cập tới các vấn đề:

1. Một số chất độc có trong khói nhang (hương) có thể gây ung thư

2. Nghiên cứu ở Thái Lan

3. Nghiên cứu ở Trung Quốc

4. Nghiên cứu ở Singapore

5. Về vấn đề nhang bị tẩm độc ở Việt Nam và Kết luận.

1. Một số chất độc có trong khói nhang (hương) có thể gây ung thư[sửa]

Nhang (hương) là một thứ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Á Đông. Nhang có mặt trong hầu hết các nghi thức cúng bái có nguồn gốc từ văn hóa Trung Quốc.

Đáng buồn thay, nhiều nghiên cứu khoa học đang chỉ ra rằng, khói từ nhang chứa nhiều chất độc hại, trong đó có nhóm chất PAH, nhóm bị coi là những chất có khả năng gây ung thư[1-4], trong đó có cả dioxin[1]. Hàm lượng các chất này trong khói nhang là khoảng 0.4 – 1.0 microgram/ 1 gram khói[2].

Đó là về mặt lý thuyết, tức là khói nhang có nhiều chất độc hại. Nhưng thực tế, phải sử dụng với tần suất bao nhiêu thì tác hại mới đáng kể? Hãy xem các thống kê sau.

2. Nghiên cứu ở Thái Lan[sửa]

Một nghiên cứu năm 2008 ở Thái Lan chỉ ra rằng, những người làm công trong các đền chùa phải hằng ngày hít thở không khí mà chứa hàm lượng tổng benzene (45.90 microgram/m3), 1,3-butadiene (11.29 microgram/m3) và PAHs (19.56 microgram/m3), cao hơn đến vài trăm lần so với nhóm người bình thường. Nồng độ các chất này trong máu của những người làm trong chùa duy trì ở mức gấp 3 tới 5 lần so với người thường. Từ đó, tỷ lệ hư hỏng trong gen của họ cũng cao gấp 2 lần[3].

3. Nghiên cứu ở Trung Quốc[sửa]

Một báo cáo khác năm 2011 ở Trung Quốc, khảo sát trên 1208 bệnh nhân ung thư và 1069 người khỏe mạnh để tìm hiểu thói quen của họ, cho thấy: mối liên hệ giữa khói nhang với ung thư phổi ở người không hút thuốc là không rõ ràng, nhưng tác động của khói nhang lại rất mạnh ở những người có hút thuốc. Cụ thể, ở những người vừa hút thuốc vừa tiếp xúc với khói nhang thường xuyên (hơn 60 ngày/năm, hoặc hơn 2 lần/ngày) có tỷ lệ ung thư phổi gấp 4.5 đến 5 lần so với người không hút thuốc cũng không tiếp xúc với khói nhang bao giờ, và tăng 20-45% so với người hút thuốc nhưng ít hoặc không tiếp xúc với khói nhang[4].

Bảng 1: So sánh tỷ lệ ung thư phổi ở nhóm người không hút thuốc vs người hút thuốc và số lần tiếp xúc với nhang (hương). Lấy tỷ lệ người không hút thuốc và không tiếp xúc với nhang bao giờ làm gốc, và là 100%. Kết quả đã được chuyển đổi để phù hợp với kiến thức cộng đồng, nhưng không thay đổi số liệu[4].

Một điều thú vị là thí nghiệm này cũng cho thấy, tỷ lệ ung thư phổi ở người hút thuốc lúc nào cũng hơn gấp 3 những người không hút thuốc, dù có tiếp xúc với nhang hay không[4]. Một lý do chính đáng để bỏ thuốc từ ngay hôm nay.

4. Nghiên cứu ở Singapore[sửa]

Một nghiên cứu nữa được làm ở Singapore vào năm 2008, khảo sát trên 61 320 người Sing gốc Trung Quốc, khỏe mạnh, độ tuổi từ 45 – 74. Nghiên cứu này tập trung theo dõi số lượng người bị ung thư trên đường hô hấp (gồm ung thư vòm họng, thanh quản, phế quảng, phổi), theo dõi đến năm 2005. Kết quả cho thấy, việc sử dụng nhang không có liên hệ rõ ràng với đa số ung thư hệ hô hấp. Chỉ riêng loại ung thư biểu mô vảy, mối liên hệ này mới rõ ràng, và tăng theo tần suất sử dụng nhang. Ở nhóm sử dụng thường xuyên nhất (liên tục trên 40 năm, và hiện vẫn sử dụng hằng ngày), tỷ lệ ung thư này tăng 80%[5].

5. Về vấn đề nhang bị tẩm độc ở Việt Nam[sửa]

Dù số lượng nghiên cứu về tác động của khói nhang (hương) lên sức khỏe khá ít, chúng cũng chỉ ra được rằng, tác động về lâu dài là có ở những người tiếp xúc với nó thường xuyên. Điều này là đáng lo cho những ai làm việc thường xuyên ở những nơi thờ phụng, cúng bái như đình, chùa. Ở những người không thường xuyên dùng nhang (dưới 2 lần/ngày), nếu chỉ theo các báo cáo đã có, thì không cần phải lo về vấn đề này.

Đáng tiếc rằng, ở Việt Nam ta lại có 1 mối lo nữa, đó là vấn đề nhang (hương) đang bị tẩm thuốc để tạo ra cái-gọi-là nhang (hương) đậu tàn. Sự “đậu tàn”, còn gọi là “cuốn tàn” tức là hiện tượng tàn nhang uống cong lại, được cho là biểu tượng cho thấy lộc nhiều.

Minh họa về nhang đậu tàn. (nguồn từ thegioimay.net)

Tuy nhiên, hiện tượng này khá hiếm với cách làm truyền thống. Khổ nỗi, dân ta lại thích cây nào cũng có đậu tàn, và để đáp ứng nhu cầu này, người làm nhang phải tẩm thêm thuốc vào. Theo phóng sự của nhiều báo cho rằng đó là acid phosphoric. Tác hại của việc tẩm acid này trên sức khỏe thì chưa có báo cáo nào làm, nhưng thiết nghĩ, riêng việc tác hại của acid này lên người làm nhang cũng đã là đáng lo ngại rồi. Một số báo còn cho rằng, khói của loại nhang này sẽ chứa P2O5. Thông tin này thì chưa có báo khoa học nào kiểm chứng, nhưng về P2O5 thì chắc chắn nó là một chất rất háo nước, khi vào mắt sẽ làm khô mắt, sinh ra acid phosphoric ở đạng đậm đặc có thể gây mù mắt. Tuy nhiên, theo chúng tôi thì khả năng gây mù lòa là rất thấp, vì hàm lượng P2O5 chắc chắn không đủ lớn để làm mù ngay khi tiếp xúc, mà tác dụng từ từ thì không thể gây mù, vì chẳng ai lại ngồi gần lư hương, vừa than cay mắt mà vừa không nghĩ đó là do khói hương.

Hình 2: Cảnh nhúng nhang (hương) vào thùng hóa chất ở làng hương Đông Khê, Thanh Hóa. Ảnh cắt từ phóng sự Hiểm họa hương tẩm hóa chất, mục Nông thôn chuyển động của VTC, đăng trên youtube.com ngày 16/12/2015 qua kênh VTCtube, ở phút 0:53.

6. Kết luận[sửa]

– Việc sử dụng nhang (hương) 1 lần/ngày KHÔNG thấy có ảnh hưởng rõ rệt. Tuy nhiên, đã có 1 báo cáo tìm thấy mối liên hệ giữa 1 loại ung thư đường hô hấp với khói nhang, do đó nên tránh cho trẻ nhỏ và người lớn tuổi ở gần vùng nhang (hương) đang cháy, vì trẻ nhỏ và người lớn tuổi dễ bị tác động của các chất phá hoại DNA hơn người trưởng thành và trung niên.

– Tránh thường xuyên tới những nơi có nhiều khói nhang (hương) như đình, chùa.

– Khói nhang (hương) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người đang hút thuốc lá. Và tốt nhất là những người đang hút nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, trừ khi bạn muốn tăng khả năng ung thư phổi của mình lên 3 lần.

– Đối với những ai phải thường xuyên tiếp xúc với lượng lớn khói nhang, hoặc đốt nhiều nhang một lần trong ngày, nên đi kiểm tra sức khỏe ngay khi có dấu hiệu bệnh hô hấp.

– Nói không với nhang đậu tàn, dù khả năng gây mù lòa là không khả thi như các báo nói. Hãy quay về với nhang truyền thống, vừa để bảo vệ sức khỏe của người làm nhang, vừa để bảo vệ sức khỏe của chính mình và gia đình mình.

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm thông tin: Nguyễn Cao Luân.
  • Mọi thắc mắc hay phản biện, xin mời bình luận bên dưới hoặc liên hệ trực tiếp với tác giả qua facebook: fb.com/Nguyen.Cao.Luan.1990

Tài liệu tham khảo:[sửa]

  1. Hu, M.T., et al., Characteritization of, and health risks from, polychlorinated dibenzo-p-dioxins/dibenzofurans from incense burned in a temple. Sci Total Environ, 2009. 407(17): p. 4870-5.
  2. Yang, C.R., T.C. Lin, and F.H. Chang, Particle size distribution and PAH concentrations of incense smoke in a combustion chamber. Environ Pollut, 2007. 145(2): p. 606-15.
  3. Navasumrit, P., et al., Potential health effects of exposure to carcinogenic compounds in incense smoke in temple workers. Chem Biol Interact, 2008. 173(1): p. 19-31.
  4. 4,0 4,1 4,2 Tse, L.A., et al., A case-referent study of lung cancer and incense smoke, smoking, and residential radon in Chinese men. Environ Health Perspect, 2011. 119(11): p. 1641-6.
  5. Friborg, J.T., et al., Incense use and respiratory tract carcinomas: a prospective cohort study. Cancer, 2008. 113(7): p. 1676-84.
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này