Điều trị bệnh Herpes

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Herpes hay Herpes Simplex Virus (HSV) là bệnh nhiễm vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Riêng ở nước Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC ước tính có khoảng 250.000 người nhiễm vi-rút Herpes mỗi năm.[1] Không may là hiện vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh Herpes. Mặt khác, bệnh có thể được điều trị và kiểm soát bằng việc dùng thuốc, chăm sóc tại nhà và các bước phòng ngừa đơn giản để ngăn bệnh bùng phát và lây truyền.

Các bước[sửa]

Phương pháp điều trị được bác sĩ khuyến nghị[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ để được chẩn đoán. Đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục như Herpes, bạn không nên tự chẩn đoán. Thay vào đó, để chắc chắn, bạn cần đi khám bác sĩ. Nhiều trường hợp bệnh Herpes không có triệu chứng, nghĩa là triệu chứng không xuất hiện hoặc quá nhẹ nên không thể nhận biết.[2] Mặt khác, một số trường hợp mắc bệnh Herpes sẽ có các triệu chứng sau:
    • Mụn nước nhỏ, gây đau đớn mọc thành lớp sần sùi trên da và thường lành lại sau nhiều tuần. Mụn nước có thể xuất hiện ở bộ phận sinh dục hoặc ở mông.
    • Da đỏ, sần sùi, cứng ở vùng sinh dục, có thể ngứa hoặc không.
    • Cảm giác đau hoặc khó chịu thường xuyên khi tiểu tiện.
    • Triệu chứng giống cảm cúm như sốt, đau người (đặc biệt là ở lưng và cổ), sưng các tuyến.
  2. Khi được chẩn đoán mắc bệnh Herpes, bạn nên trao đổi với bác sĩ về các thuốc kê đơn mạnh. Bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn một số khuyến nghị cụ thể về loại thuốc và nên chú ý điều gì để kiểm soát triệu chứng. Vì không có cách chữa khỏi nên việc kiểm soát triệu chứng là bước cơ bản khi điều trị bệnh Herpes.
  3. Biết được hiệu quả khi tìm được phương pháp điều trị thích hợp. Kiểm soát triệu chứng bằng phương pháp phù hợp sẽ giúp bạn:
    • Chữa lành vết thương nhanh và hiệu quả hơn.
    • Rút ngắn thời gian và giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
    • Giảm nguy cơ tái phát bệnh.
    • Giảm nguy cơ lây lan bệnh Herpes khi quan hệ tình dục.
  4. Uống thuốc kháng vi-rút do bác sĩ kê đơn. Thuốc kháng vi-rút giúp giảm số lượng vi-rút Herpes bùng phát bằng cách giảm "phát tán vi-rút" hay quá trình vi-rút tạo ra các bản sao mới trên bề mặt da.[3] Sử dụng thuốc kháng vi-rút thường xuyên còn giúp giảm nguy cơ lây vi-rút HPV khi quan hệ tình dục. Các thuốc kháng vi-rút phổ biến thường được kê đơn cho trường hợp mắc bệnh Herpes bao gồm:
    • Acyclovir (Zovirax)
    • Famciclovir (Famvir)
    • Valacyclovir (Valtrex)
  5. Biết được những lựa chọn khi điều trị bệnh Herpes bằng thuốc kháng vi-rút. Việc dùng thuốc sẽ được bác sĩ theo dõi trong thời gian được khuyến nghị. Khi vi-rút Herpes được chẩn đoán lần đầu, bác sĩ thường kê đơn thuốc. Sau đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ có thể kê thêm thuốc uống từng giai đoạn hoặc uống thường xuyên.
    • Điều trị ban đầu: Sau khi chẩn đoán bệnh Herpes, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng vi-rút cho bạn uống trong thời gian ngắn (7-10 ngày). Nếu liều thuốc 10 ngày không kiểm soát được vi-rút, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị thêm vài ngày.
    • Điều trị từng giai đoạn: Nếu bạn hiếm khi mắc bệnh Herpes hay mắc bệnh không thường xuyên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi-rút dể dùng khi bệnh bùng phát. Chuẩn bị sẵn thuốc kháng vi-rút giúp bạn có thể bắt đầu dùng thuốc ngay khi cơn bùng phát xảy ra, nhờ đó giảm được mức độ nghiêm trọng và thời gian của bệnh.
    • Điều trị thường xuyên: Nếu mắc bệnh Herpes thường xuyên (nhiều hơn 6 lần một năm), bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc uống thuốc kháng vi-rút mỗi ngày. Đây được gọi là phương pháp điều trị ức chế. Bệnh nhân thường xuyên nhiễm vi-rút Herpes khi bắt đầu uống thuốc mỗi ngày nhận thấy số lần bùng phát giảm đến 80%. [3]

Liệu pháp điều trị thay thế tại nhà và chưa được kiểm chứng[sửa]

  1. Thử dùng cây cúc dại Echinacea. Được sử dụng từ lâu để chống lại cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng, Cúc Echinacea là nguyên liệu thảo mộc tự nhiên được càng nhiều người biết đến trong những năm gần đây. Cúc Echinacea có thể dùng ở dạng nước ép, rượu thuốc hoặc chiết xuất (như trà). Mặc dù được nhiều người dùng để điều trị bệnh Herpes nhưng tác dụng này của cúc Echinacea lại không có bằng chứng khoa học nào chứng minh.[4]
  2. Dùng muối nở để làm khô vết thương do Herpes. Muối nở là một nguyên liệu hữu hiệu dùng để khử mùi hôi trong tủ lạnh cho đến mùi hôi dưới cánh tay, cũng như dùng làm kem đánh răng và điều trị mụn trứng cá. Muối nở giúp làm khô vết thương ẩm hoặc rỉ nước, nhờ đó giúp vết thương biến mất nhanh hơn. Muối nở là chất khô nên có khả năng làm sạch và thấm hút, tuy nhiên vẫn không phải là phép điều trị được bác sĩ khuyến nghị.
  3. Dùng Lysine hoặc L-lysine để ngăn ngừa Herpes bùng phát. Lysine là axit amin thiết yếu có nhiều tác dụng đối với cơ thể người (hấp thụ canxi, hình thành collagen, sản sinh carnitine,…). Trong trường hợp bệnh Herpes, Lysine giúp ngăn bệnh bùng phát bằng cách chặn arginine - chất hỗ trợ nhân rộng vi-rút Herpes. [5] Mặc dù vậy, kết quả của các thử nghiệm lâm sàng đối với việc dùng Lysine vẫn chưa thống nhất và các nhà khoa học tin rằng Lysine giúp phòng ngừa Herpes tốt hơn là điều trị bệnh.
  4. Dùng túi trà lạnh để kiểm soát triệu chứng. Một số người tin rằng tannin trong trà giúp điều trị triệu chứng bệnh Herpes khi chúng xuất hiện. Cách dùng:
    • Đun nóng nước đủ để ngâm túi trà.
    • Làm lạnh túi trà dưới vòi nước lạnh cho đến khi túi trà không còn ấm. Bóp bớt độ ẩm còn trong túi trà.
    • Đắp túi trà lên vết thương và để vài phút.
    • Vứt bỏ túi trà và dùng khăn khô hoặc máy sấy để làm khô vết thương ngay lập tức.
  5. Dùng kem lô hội để điều trị thương tổn. Lô hội có thể hữu ích trong việc chữa lành thương tổn do Herpes, đặc biệt là ở nam giới.[6] Thoa kem lô hội lên vết thương và để khô hoàn toàn có thể giúp giảm thời gian bệnh.
    • Cân nhắc việc dùng thuốc vi lượng đồng căn dạng năng lượng sinh học chữa bệnh Herpes như 2lherp, HRPZ3 và Bio 88. Các thuốc này có tác dụng kéo dài 5 năm đối với 82% người tham gia thử nghiệm sau 6 tháng điều trị.
    • Cân nhắc việc dùng thảo mộc Hypericum. Các chuyên gia y học cổ truyền Ấn Độ cho rằng đây là phương pháp tự nhiên điều trị Herpes hiệu quả nhất.
  6. Thử dùng Monolaurin. Monolaurin bao gồm glycerol và lauric acid - hai chất tạo thành dầu dừa. Dầu dừa được biết đến với đặc tính kháng vi-rút và kháng khuẩn. Chế biến thức ăn với dầu dừa và uống nước dừa giúp tăng cường hệ miễn dịch. Thoa dầu dừa trực tiếp lên vết thương giúp chữa lành vết thương nhanh chóng.
    • Tìm mua Monolaurin dạng viên nén (nếu ở dạng viên nang, bạn có thể tách viên nang ra và đổ Monolaurin vào sữa hạnh nhân hoặc nước dừa). Lưu ý cần kiểm tra để xem liệu Monolaurin có chống chỉ định với thuốc chữa bệnh bạn đang uống hay không.
  7. Đến gặp nhà thảo dược học. Có thể bạn cần tham khảo ý kiến của nhà thảo dược học về việc tìm loại thảo dược giúp điều trị bệnh Herpes. Loét do Herpes thường gây đau đớn dữ dội. Nhiều loại thảo mộc trong y học cổ truyền Ấn Độ được dùng từ hàng nghìn năm nay để xoa dịu cảm giác bỏng rát, ngứa và ngứa ran. Các thảo mộc như câu đàn hương trắng Chandana (Santalum album), cây bách hương Devadaru (Cedrus devdar), cây Nagarmotha (Cyperus rotundus), cây Guduchi (Tinospora cordifolia), thực vật chi Ficus như Ficus bengalenis và cây Bồ đề (Ficus religiosa), Sariva (Hemidesmus Indicus), sen Utpala (Lotus), cây Cam thảo Yashtimadhu (Glycirhiza glabra) đều nổi tiếng với đặc tính làm mát trên da. Bạn có thể kết hợp các thảo mộc trên với tỉ lệ bằng nhau và dùng theo hướng dẫn dưới đây để xoa dịu viêm loét và mụn nước do Herpes. Trao đổi với nhà thảo dược học về 2 hình thức sử dụng thảo mộc dưới đây:
    • Nước sắc: Đun sôi 1 thìa cà phê bột (đun dưới lửa nhỏ) với 480 ml nước cho đến khi còn lại 120 ml. Dùng thuốc sắc để rửa vùng da bị Herpes.
    • Hỗn hợp: Trộn bột thảo mộc với sữa, nước hoa hồng hoặc nước lọc. Thoa hỗn hợp lên vùng da bị Herpes. Sử dụng hỗn hợp thảo mộc khi bị đau dữ dội và bỏng rát.
    • Nên thoa trực tiếp lên da khi vùng da bị Herpes đang ẩm.

Phương pháp điều trị bổ sung[sửa]

  1. Ngâm vùng da bị ảnh hưởng trong nước ấm và giữ khô ráo khi không ngâm nước. Đôi khi, các bác sĩ có thể khuyến nghị ngâm nước ấm để giảm ngứa, đau hay cảm giác khó chịu khi Herpes bùng phát. Nhôm acetate (Domeboro) hay magie sulfate (muối Epsom) có thể giúp xoa dịu vùng da bị Herpes. Tuy nhiên, đây không phải là phép điều trị được bác sĩ khuyến nghị.
    • Dùng xà phòng và nước ấm để nhẹ nhàng vệ sinh mụn nước. Giữ sạch vùng da bị mụn nước có thể giúp tăng tốc độ lành lại.
    • Giữ khô vùng da bị Herpes khi không ngâm nước ấm. Nếu cảm thấy khó chịu khi dùng khăn thấm khô nước, bạn có thể dùng máy sấy tóc để sấy khô da.
  2. Mặc nội y và quần áo rộng, thoáng mát. Nội y chất liệu cotton là trang phục bắt buộc. Quần áo bó chật và nội y, quần áo chất liệu tổng hợp có thể khiến triệu chứng Herpes sinh dục trở nặng vì chất liệu tổng hợp không thông thoáng bằng chất liệu vải như cotton.
  3. Nếu vết loét gây đau đớn dữ dội, bạn nên hỏi bác sĩ về việc thoa thuốc gây tê lên vết loét. Mặc dù không hiệu quả bằng thuốc uống nhưng thuốc thoa ngoài có thể giúp giảm bớt cơn đau và cảm giác khó chịu.
    • Thuốc giảm đau không kê đơn như Aspirin (Bayer), Acetaminophen (Tylenol) hoặc Ibuprofen (Advil) thường được chỉ định để giúp giảm đau.
  4. Thử dùng thuốc mỡ chứa sáp ong. Ở trạng thái tự nhiên, sáp ong là vật liệu dạng keo được thu thập từ chồi cây bạch dương. Tuy nhiên, sáp ong thường được thu hoạch từ tổ ong. Thuốc mỡ chứa 3% sáp ong (ví dụ như Herstat hoặc ColdSore-FX) có thể giúp chữa lành khi thoa lên vết thương do Herpes.[7]
    • Trong một nghiên cứu, thuốc mỡ chứa sáp ong được sử dụng 4 lần mỗi ngày trong vòng 10 ngày đối với 30 tình nguyện viên. Sau đó, 24 trong 30 tình nguyện viên đưa ra báo cáo rằng vết thương của họ đã lành lại; trong khi đó, chỉ có 14 trong số 30 tình nguyện viên sử dụng giả dược báo rằng vết thương lành lại. [8]
  5. Thử dùng thảo mộc Hạ khô thảo (Prunella vulgaris) và nấm Rozites caperata. Hạ khô thảo và nấm Rozites caperata đều mang lại những hứa hẹn trong việc điều trị Herpes.[9][10] Hạ khô thảo có thể dùng cùng nước nóng để xoa dịu và chữa lành mụn nước; còn nấm Rozites caperata có thể ăn để điều trị mụn nước.

Biện pháp phòng ngừa[sửa]

  1. Hiểu được rằng Herpes thường bùng phát khi bạn căng thẳng, bệnh tật, chấn thương về thể chất (bao gồm hoạt động tình dục) và mệt mỏi. Chăm sóc bản thân cả về mặt thể chất và tinh thần có thể giúp giảm tần suất bùng phát bệnh Herpes.
  2. Tham gia các hoạt động giúp giảm căng thẳng. Kiểm soát căng thẳng có thể giúp phòng ngừa bệnh. Nên cân nhắc tham gia một hoạt động giúp bạn duy trì trạng thái cân bằng và tĩnh tâm, ví dụ như Yoga, hội họa hoặc thiền.
    • Tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục là phương pháp tự nhiên tuyệt vời giúp giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe thể chất. Duy trì sức mạnh thể chất giúp tránh bệnh tật và bảo vệ hệ miễn dịch, nhờ đó phòng ngừa được bệnh Herpes.
  3. Luôn dùng bao cao su chất liệu Latex khi quan hệ tình dục qua đường miệng, bộ phận sinh dục và hậu môn. Cách này không những giúp bảo vệ đối phương (người nên được thông báo về tình trạng của bạn trước khi quan hệ tình dục hoặc tiếp xúc về thể xác) mà còn giúp bảo vệ da của bạn khỏi tổn thương có thể dẫn đến bùng phát bệnh Herpes.
    • Cố gắng không quan hệ tình dục trong thời gian bệnh bùng phát. Phát tán vi-rút Herpes có thể xuất hiện ở toàn bộ vùng sinh dục, khiến nguy cơ lây truyền tăng cao. Nếu lo lắng về việc lây truyền vi-rút cho đối phương khi quan hệ, bạn chỉ nên quan hệ tình dục khi hết bệnh và luôn dùng bao cao su.
  4. Nghỉ ngơi đầy đủ. Nâng cao mức năng lượng bằng cách ngủ đủ giấc sẽ giúp bạn tránh được bệnh tật và kiểm soát được tình trạng căng thẳng (về cả thể chất lẫn tinh thần). Nên cố gắng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm và tránh các hoạt động khiến cơ thể phải chịu áp lực cao, ví dụ như chạy Marathon.
  5. Tránh tham gia các hoạt động làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc nhiễm trùng. Rửa tay thường xuyên và tránh những nơi dễ lây bệnh (ví dụ như khu vực chờ ở bệnh viện hoặc những nơi có nhiều người bệnh). Luôn tăng cường hệ miễn dịch là một bước quan trọng để phòng ngừa bệnh Herpes.

Cảnh báo[sửa]

  • Ngay khi được chẩn đoán mắc bệnh Herpes, bạn nên thông báo cho người có quan hệ tình dục với bạn về tình trạng bệnh và khuyên họ đi khám. Lần bùng phát đầu tiên thường xuất hiện trong vòng 2 tuần sau khi tiếp xúc và nhiễm vi-rút nhưng triệu chứng có thể nhẹ và khó nhận biết.
  • Nếu mụn nước do Herpes lan rộng và nghiêm trọng, bạn có thể cần nhập viện để truyền thuốc qua tĩnh mạch và tiếp nhận điều trị tại chỗ chuyên nghiệp.
  • Người mắc bệnh Herpes có thể truyền vi-rút ngay cả khi không có triệu chứng dễ nhìn thấy bằng mắt hoặc mụn nước. Vì vậy, người bệnh cần sử dụng bao cao su chất liệu Latex khi quan hệ tình dục để tránh lây truyền vi-rút, ngay cả trong giai đoạn bệnh ngưng bùng phát.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]