Băng Sơn/Nhà văn Băng Sơn/"Cái chính là bản thân người viết có nhàm chán hay không"

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

"CÁI CHÍNH LÀ BẢN THÂN NGƯỜI VIẾT CÓ NHÀM CHÁN HAY KHÔNG"

Bảy mươi tuổi, ông có sức viết thật đáng nể: 2-3 bài/ ngày. Từng thể nghiệm ở nhiều thể loại khác nhau: thơ, xã luận v.v... nhưng sau Vũ Bằng và Nguyễn Tuân có lẽ người ta hay nhắc đến tên ông ở thể loại tuỳ bút: "Thú ăn chơi người Hà Nội" (tập 1,2,3,4 xuất bản các năm 1997,1999,2000), "Nước Việt hồn tôi" (Xuất bản năm 1995), "Nghìn năm còn lại" (1996), "Cái thú lang thang" (1997) v.v... và mới đây "Dòng sông Hà Nội" (2002) là những tập sách gồm nhiều bài viết của ông khai thác ở thể loại này.

- Thưa nhà văn Băng Sơn, có thể nói loại tuỳ bút đã mang lại cho ông đến một duyên may, còn vận rủi, có khi nào ông nghĩ tới tình trạng "bội thực" của độc giả khi phải đọc mãi một tác giả với một thể loại nhất định?

+ Nhà văn Băng Sơn: - Điều đầu tiên là không phải độc giả nào cũng đọc mãi một tác giả và chỉ đọc một thể loại cố định. Hơn nữa nội trong một thể loại, nếu có 1000 nhà văn thì có 1000 cách viết khác nhau. Tôi luôn cố gắng tìm ra một lối đi riêng, tránh lặp lại mình. Theo tôi, không sợ độc giả nhàm chán. Cái chính là bản thân người viết có nhàm chán hay không?

- Vậy có khi nào nhà văn rơi vào tình trạng bất lực, tự cảm thấy mình rất nhàm chán?

+ NV Băng Sơn: - Ở một đề tài cũ, tôi cố gắng đưa vào đó một cách viết mới , suy nghĩ mới. Bài sau luôn phải bổ sung cho bài trước, mở rộng hơn bài trước. Những tác phẩm nằm trong số này không nhiều. Thường thì khi ngồi trước máy chữ, trước đó trong đầu tôi đã hiện hình những ý tưởng mới rồi. Nguyên tác của tôi là: Khi không phát hiện ra điều gì mới, không viết. Tôi tránh lặp lại mình bằng cách đó.

- Cuốn sách mới nhất của ông được NXB Thanh niên ấn hành tháng 1-2002 có tên "Dòng sông Hà Nội". Ông có thể giải thích đôi chút về tên gọi đầy chất thơ này?

+ NV Băng Sơn: - Đây là một cuốn sách có số phận khá long đong, nó nằm ở NXB 2 năm sau đó mới được ra đời. Sách dày 344 trang gồm nhiều bài tuỳ bút về Hà Nội, bạn bè, những sự vật quen thuộc của quê hương đất nước: bóng tre, mùa sen, trăng chiêm, cháo lá đa v.v... về cơ bản vẫn là những bài viết theo mạch cũ là tuỳ bút trữ tình.

Hà Nội trong hình dung của tôi là hình ảnh một dòng sông thường nhận về mình những nguồn nước nhỏ to, rồi tìm cho mình một hướng đi riêng ra biển. Hà Nội cũng nhận về mình tất cả sản vật, tinh tuý, con người của mọi địa phương. Nó lọc đi tạp chất, chỉ giữ lại tinh hoa. Vì thế mà Hà Nội hào hoa, thanh lịch tao nhã, tế nhị. Ám ảnh của tôi về "Dòng sông Hà Nội" đã trở thành tên gọi của cuốn sách.

- Đời viết văn của ông gắn liền với thể loại tuỳ bút. Vậy thế nào là một tác phẩm tuỳ bút hay thưa ông?

+ NV Băng Sơn: - Định nghĩa "hay" trong văn chương nói chung là rất khó. Với cá nhân tôi, một tác phẩm khi viết ra mà mình có thể tạm bằng lòng trước hết là phải trong sáng. Toát ý người viết và người đọc bằng cách này cách khác cũng có thể hiểu được. Vì ngôn ngữ của tuỳ bút gần với thơ, tôi cố gắng tìm chữ "đắt" giàu sức gợi. Ví dụ khi viết về liền chị quan họ, tôi gọi họ là "nàng gái" chữ"nàng" nghe có cổ hợp với không khí của quan họ. Tả cô dân quân "áo lẳn tròn" cũng sẽ gợi hơn "bờ vai lẳn tròn". Vũ khí của người viết tuỳ bút là liên tưởng. Do đó viết tuỳ bút, khi đọc lên thấy lung linh, thấy óng ánh là được.

- Xin cảm ơn nhà văn

Bản quyền bài viết thuộc về Đỗ Thu Hằng, Phụ nữ Thủ đô, số 14, ra ngày 3/4/2002. Sưu tầm từ website về Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây