Cơ sở lựa chọn phương pháp sử dụng thí nghiệm theo hướng tích cực phù hợp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trước hết GV cần hiểu rõ bản chất, nét đặc trưng của mỗi phương pháp sử dụng thí nghiệm, từ đó có thể thấy được đặc điểm của kiến thức có thể lĩnh hội theo từng phương pháp một cách phù hợp tích cực:

Với phương pháp nghiên cứu[sửa]

Với phương pháp nghiên cứu cần đưa ra được các giả thuyết. Nghĩa là kiến thức cần lĩnh hội đối với HS là kiến thức mới, HS chưa được học lí thuyết chung về chúng để có thể suy diễn, dự đoán được. Tuy nhiên từ những kiến thức cơ sở có thể đưa ra các giả thuyết khác nhau, với HS khả năng xảy ra các giả thuyết đó ngang nhau không thể lập luận loại trừ được; HS sẽ quan sát (hoặc tiến hành thí nghiệm), phân tích các hiện tượng từ đó xác nhận được giả thuyết đúng.

Trong hóa học hữu cơ, thường sử dụng thí nghiệm theo phương pháp nghiên cứu khi dạy tính chất của các chất mà bản chất, nguyên nhân của tính chất này không giống các chất đã học. Ví dụ khi dạy phản ứng cộng của xicloankan, phản ứng thế kim loại của ankin, phản ứng thủy phân của dẫn xuất halogen, phản ứng tráng gương của anđehit …

Với phương pháp đặt và giải quyết vấn đề[sửa]

Với phương pháp đặt và giải quyết vấn đề cần tạo được mâu thuẫn nhận thức. Nghĩa là GV phải tạo ra được mâu thuẫn nhận thức giữa kiến thức đã có của học HS với kiến thức cần lĩnh hội bằng thí nghiệm và cũng thông qua thí nghiệm mà phân tích các hiện tượng từ đó rút ra kiến thức mới, giải quyết mâu thuẫn nhận thức lúc đầu.

Trong hóa học hữu cơ thường có thể tạo tình huống có vấn đề khi

+ nghiên cứu một chất mới có một phần cấu tạo giống chất đã học, HS suy ra tính chất của nó bằng phép loại suy nhờ việc so sánh cấu tạo với các chất đã học, tuy nhiên thực tế nó không có tính chất đó do ảnh hưởng của phần cấu tạo còn lại;

+ hoặc khi nghiên cứu tính chất đặc biệt của một chất thuộc dãy đồng đẳng đã biết.

+ hoặc khi nghiên cứu cấu tạo của một chất hay hướng phản ứng của một phản ứng hữu cơ, do hiện tượng đồng phân và đặc điểm tính đa hướng của phản ứng hữu cơ, HS cần cân nhắc lựa chọn công thức cấu tạo đúng hay hướng xảy ra chính của một phản ứng.

Với những kiến thức như vậy thì việc HS suy diễn hoặc suy lí từ kiến thức đã học sẽ mâu thuẫn với thực tế, HS được đặt vào tình huống có vấn đề, có nhu cầu giải quyết mâu thuẫn từ đó lĩnh hội kiến thức mới và các phương pháp nhận thức.

Ví dụ khi dạy tính thơm của vòng benzen (có liên kết  nhưng lại dễ tham gia phản ứng thế, khó tham gia phản ứng cộng), tính chất tạo phức của ancol đa chức, phản ứng thế với dung dịch brom của phenol (benzen thực hiện phản ứng thế cần đun nóng và có chất xúc tác còn vòng benzen của phenol thế ngay với dung dịch brom),….

Với phương pháp kiểm chứng[sửa]

Với phương pháp kiểm chứng HS cần dự đoán được hiện tượng thí nghiệm trên cơ sở những kiến thức đã có. Thường kiến thức cần lĩnh hội là sự vận dụng có lí thuyết chung vào các trường hợp cụ thể (những trường hợp theo đúng lí thuyết chung, không đặc biệt) hoặc các tính chất của chất mới tương tự chất đã học.

Trong hóa học hữu cơ thường gặp các trường hợp sử dụng thí nghiệm theo phương pháp kiểm chứng là khi nghiên cứu tính chất của các hợp chất hữu cơ có bản chất giống với các chất đã học có thể cho HS so sánh đặc điểm cấu tạo của chúng để HS suy luận dự đoán tính chất và hiện tượng, hoặc khi nghiên cứu tính chất của các chất hay dãy đồng đẳng mà HS đã biết nhưng chưa rõ nguyên nhân, nay nghiên cứu với mức độ sâu hơn thì từ kiến thức đã có, GV hướng dẫn cho HS suy luận tìm ra bản chất, đồng thời suy lí được tính chất của các chất tương tự sau đó làm thí nghiệm để kiểm chứng dự đoán của HS.

Ví dụ dạy phản ứng cộng của anken ở lớp 11 (HS đã biết phản ứng cộng brom của etilen), hay dạy phản ứng cộng của ankađien, ankin (bản chất của phản ứng giống phản ứng cộng của anken), phản ứng tráng gương của axit fomic, của glucozơ (có nhóm chức anđehit đã học),…

Với mỗi trường hợp cụ thể, GV cần xác định rõ mục tiêu, nội dung thí nghiệm cũng như tình trạng kiến thức kĩ năng của HS mà lựa chọn phương pháp sử dụng cho phù hợp sao cho HS vừa có thể tích cực lĩnh hội kiến thức mới, vừa có thể củng cố kiến thức, kĩ năng đã có và yêu thích môn học.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây