Cải thiện nồng độ đường huyết

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 ở Mỹ. Thống kê cho thấy ở Mỹ, có gần 30 triệu người bị tiểu đường và hàng ngày, họ đều phải tìm mọi cách để kiểm soát nồng độ đường huyết hay nồng độ glucose. [1] Dù bạn bị tiểu đường hay có vấn đề sức khỏe không liên quan đến glucose thì việc tìm hiểu và kiểm soát tình trạng sức khỏe cũng đều quan trọng. Có nhiều cách, mặc dù khó khăn, để giúp bạn kiểm soát bệnh, bao gồm áp dụng liệu pháp Insulin, thay đổi thói quen ăn uống, tập luyện, hoặc có thể cần phải thay đổi toàn bộ lối sống.

Các bước[sửa]

Kiểm soát nồng độ đường huyết cao[sửa]

  1. Kiểm tra nồng độ đường huyết. Đây là bước đầu tiên khi điều trị tiểu đường và thường được tiến hành bằng máy đo đường huyết bằng điện. Làm theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn sẽ phải đâm lưỡi trích nhỏ vào ngón tay để lấy máu nhiều lần mỗi ngày. Máu sẽ được đặt lên que thử trong máy đo để đưa ra chỉ số chính xác. Nồng độ đường huyết cao hơn 126 mg/dl trước bữa ăn hoặc 200 mg/dl hai tiếng sau bữa ăn được xem là đường huyết cao. Ngoài ra, bạn cũng nên đều đặn ghi chép chỉ số đường huyết đo được để biết đường huyết thay đổi thế nào theo chế độ ăn và tập luyện.[2]
    • Một số máy đo đường huyết có lưỡi trích lò xo giúp việc đo chỉ số ít đau đớn hơn. Một số máy khác có thể đo chỉ số từ cánh tay, đùi hoặc bàn tay.
    • Không may là xét nghiệm nước tiểu không chính xác bằng xét nghiệm máu và cũng không sử dụng được.
  2. Sử dụng Insulin. Liệu pháp Insulin là bắt buộc đối với bệnh nhân tiểu đường loại 1. Bệnh nhân tiểu đường loại 2 đôi khi cũng cần liệu pháp này. Bác sĩ sẽ giúp bạn xác định xem có cần áp dụng liệu pháp này không và cần chuẩn bị những gì. Nói chung, bệnh nhân tiểu đường loại 1 sẽ bắt đầu với 2 lần tiêm insulin mỗi ngày, bệnh nhân tiểu đường loại 2 cần 1 lần tiêm mỗi ngày cùng với thuốc, ví dụ như thuốc uống. Trong cả hai trường hợp, cơ thể sẽ kháng insulin nên lượng insulin sẽ dần tăng lên. Insulin cũng được đưa vào cơ thể bằng nhiều cách. Cách phổ biến và đơn giản nhất là tiêm. Ngoài ra còn có cách bơm và dùng bút tiêm insulin.[3]
    • Nên tiêm vào cùng một khu vực trên cơ thể (nhưng không cần chính xác một vị trí) để tạo sự đồng nhất.
    • Đưa insulin vào cơ thể cùng lúc với bữa ăn để tăng hiệu quả xử lý glucose.
  3. Áp dụng chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Bổ sung đủ dinh dưỡng và lôi sống lành mạnh là hai bước chính trong quá trình kiểm soát bệnh tiểu đường. Nghiên cứu y học cho thấy chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục và giảm cân có thể giúp giảm nồng độ glucose ở bệnh nhân tiểu đường. [4] Tốt nhất, bạn nên biết mình cần ăn gì, tức ăn những thứ giúp hạ đường huyết thay vì làm tăng đường huyết. Cùng với sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, bạn có thể lên thực đơn cho bữa ăn phù hợp.
    • Dinh dưỡng là cách tốt nhất để kiểm soát đường huyết vì đường huyết bị tác động trực tiếp bởi thực phẩm tiêu thụ và thời điểm tiêu thụ thực phẩm. Chế độ ăn lành mạnh tập trung kiểm soát đường huyết là rất cần thiết để duy trì nồng độ đường huyết lành mạnh, từ đó giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường.
  4. Giảm tiêu thụ đường đơn. Đường đơn như đường mía, mật ong hoặc sirô ngô có trong soda và thực phẩm đã qua chế biến được hấp thụ dễ dàng vào máu và làm tăng nồng độ đường huyết. Vì vậy, nên thận trọng khi tiêu thụ đường đơn. Nói vậy không có nghĩa là bạn không được ăn đồ ngọt. Thỉnh thoảng, bạn có thể ăn một miếng bánh hoặc một chiếc bánh quy. Tuy nhiên, cần biết tự kiểm soát và không ăn quá nhiều đồ ngọt.[5]
  5. Bổ sung cacbon-hydrat phức hợp. Các bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung 60-70% tổng calo từ cacbon-hydrat và chất béo không bão hòa, đặc biệt là cacbon-hydrat phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, gạo lứt và yến mạch. Chế độ ăn giàu protein không được khuyến nghị. Thay vào đó, bạn nên lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ như đậu thận, đậu lăng, đậu gà, bông cải xanh, đậu Hà Lan, hạnh nhân, táo và lê. Chất xơ giúp làm chậm hấp thu cacbon-hydrat, điều hòa đường huyết và giúp bạn no lâu hơn.
    • Nhiều bệnh nhân tiểu đường hoặc người buộc phải duy trì nồng độ đường huyết cho rằng họ cần hoàn toàn tránh tiêu thụ cacbon-hydrat. Tuy nhiên, điều đó là không đúng. Cacbon-hydrat phức hợp giàu chất xơ sẽ giúp ổn định đường huyết.
    • Trang bị kiến thức cho bản thân về lượng thức ăn trong bữa nhẹ và bữa chính, đồng thời sắp xếp thời gian giữa các bữa ăn hợp lý để kiểm soát đường huyết tốt hơn.
  6. Đặc biệt chú ý đến thực phẩm nhiều tinh bột. Nên hạn chế lượng tinh bột mà cơ thể cần xử lý tại một thời điểm nhất định. Ví dụ, không nên nhai tinh bột quá nhiều vì sẽ làm giảm kích thước phân tử, tăng diện tích bề mặt của thực phẩm và tăng tiếp xúc với enzym tiêu hóa. Bạn nên cố gắng nuốt thực phẩm mềm như cơm hoặc mì ống từ ngũ cốc nguyên hạt.[6] Quá trình chế biến cũng ảnh hưởng đến tốc độ tiêu hóa và hấp thụ tinh bột. Nướng, đông lạnh rồi rã đông, hoặc kết hợp cả hai, sẽ làm thay đổi tinh bột và khiến chúng được tiêu hóa chậm hơn.[7]
  7. Tập thể dục thường xuyên. Một bước căn bản khi kiểm soát bệnh tiểu đường và kiểm soát lượng đường huyết cao đó là tập thể dục thể chất. Tập thể dục giúp tăng độ nhạy cảm với insulin. Bạn nên thường xuyên tham gia các lớp tập thể hình, đi bộ, hoặc hoạt động thể chất nhiều hơn. Có thể kết hợp việc tập luyện vào sinh hoạt hàng ngày bằng cách đi bộ thay vì đi xe máy, đi thang bộ thay thang máy. Bơi lội và các lớp tập thể dục cũng là lựa chọn thích hợp. Nên nhớ phải trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện vì thuốc chữa bệnh có thể khiến đường huyết hạ quá thấp; một số bài tập thể dục cũng khiến các bệnh tiểu đường (như bệnh về mắt do tiểu đường) trở nặng hơn. [8]
    • Tập thể dục có thể làm hạ nồng độ đường huyết lên đến 12 tiếng. Vì vậy, bạn nên kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập thể dục.[8]
    • Cân nhắc việc đeo vòng tay dành cho bệnh nhân tiểu đường. Nên cho bạn tập hoặc huấn luyện viên biết về tình trạng bệnh của bạn. Ngoài ra, nên mang theo số điện thoại liên lạc khẩn cấp khi cần thiết.
    • Cẩn trọng nếu thấy xuất hiện mụn nước hoặc vết loét ở bàn chân, đặc biệt đối với bệnh nhân bệnh thần kinh do tiểu đường. Vết loét nhỏ có thể bị nhiễm trùng. [9]

Kiểm soát nồng độ đường huyết thấp[sửa]

  1. Ăn thường xuyên. Người có đường huyết thấp nên ăn thường xuyên để đảm bảo nguồn glucose ổn định, tránh tình trạng run rẩy, hoảng sợ, lú lẫn hoặc ngất xỉu. Tuy nhiên, ăn quá thường xuyên cũng khiến đường huyết tăng cao. Thay đổi đột ngột như vậy sẽ tạo môi trường tiểu đường trong cơ thể. Vì vậy, bạn nên lên kế hoạch ăn mỗi 3 tiếng một lần, ăn bữa nhỏ nhưng đủ no. Ngoài ra, nên có thêm bữa ăn nhẹ.[10]
    • Nên mang theo món ăn nhẹ phòng trường hợp hạ đường huyết đột ngột. Ví dụ, bạn có thể ăn nhẹ bằng các loại hạt hoặc thức ăn tiện lợi.
  2. Tránh ăn đồ ngọt. Cách tốt nhất để kiểm soát đường huyết thấp là thông qua chế độ ăn tương tự của bệnh nhân tiểu đường. Người có đường huyết quá thấp sẽ cần nạp đường nhanh chóng. Trong tình huống đó, bạn có thể bổ sung một lượng vừa phải nước ép hoa quả, kẹo, soda hoặc đường, mật ong để cải thiện triệu chứng.[11] Tuy nhiên, người có đường huyết thấp tốt nhất nên tránh ăn đồ ngọt, đặc biệt là khi bụng rỗng. Đường đơn có thể giúp tăng đường huyết nhưng làm tăng đột ngột và khiến đường huyết không ổn định. Việc duy trì đường huyết cân bằng, ổn định sẽ tốt hơn.
  3. Bổ sung cacbon-hydrat phức hợp. Nên ăn thực phẩm ít đường đơn, giàu cacbon-hydrat phức hợp và giàu chất xơ hòa tan. Ngũ cốc như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, tinh bột như mì ống từ ngũ cốc nguyên hạt hoặc khoai tây nướng, và đậu đều là những thực phẩm tốt. Hoa quả cũng là thực phẩm lý tưởng trong một số trường hợp vì lượng đường tự nhiên không cần có insulin.[12]
  4. Bổ sung nhiều chất xơ hòa tan. Đối với bệnh nhân tiểu đường, chất xơ trong chế độ ăn sẽ giúp đường chậm vào máu hơn và dần dần không còn vào máu. Hầu hết cacbon-hydrat phức hợp và ngũ cốc chưa qua chế biến đều chứa chất xơ. Rau củ cũng vậy. Do đó, bạn nên ăn nhiều rau củ giàu chất xơ như bông cải xanh, rau lá xanh, đậu xanh.
  5. Bổ sung protein nhưng không quá nhiều. Các bác sĩ từng khuyên bệnh nhân đường huyết thấp nên ăn 4-5 bữa ăn nhiều protein mỗi ngày để đủ no và tránh gây biến động đường huyết. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây cho rằng chế độ ăn quá nhiều protein có thể làm giảm dung nạp glucose, từ đó gây phản tác dụng.[12] Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để biết cách bổ sung protein tốt nhất.
  6. Tập thể dục. Tập thể dục thể chất đều có ích đối với bệnh nhân đường huyết thấp và đường huyết cao. Tuy nhiên, bạn vẫn phải thận trọng. Tập thể dục sẽ ức chế nồng độ đường huyết nên bạn cần ăn nhẹ trước khi tập. Có thể kết hợp một loại đường với một loại protein, ví dụ như một quả chuối với bơ lạc hoặc một quả táo với một ít phô mai. Nếu tập thể dục buổi chiều, bạn nên ăn nhẹ trước khi đi ngủ để ngăn phản ứng hạ đường huyết. [13]

Trang bị kiến thức[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ. Khi nghi ngờ hoặc đã xác định bản thân gặp vấn đề về đường huyết, bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh chính xác hơn, đưa ra chẩn đoán và cho bạn biết vấn đề là gì. Vấn đề có thể là tiểu đường do thiếu insulin (tiểu đường loại 1) hoặc kháng insulin (tiểu đường loại 2) trong cơ thể. Insulin là hormone giúp phân giải glucose hay đường để tạo năng lượng. Thiếu insulin dẫn đến tình trạng đường huyết cao mãn tính, qua thời gian có thể gây tổn thương thận, dây thần kinh, hệ tim mạch, võng mạc, chân và bàn chân.[14] Một vấn đề tiềm ẩn khác đó là đường huyết thấp hay hạ đường huyết. Trái với tình trạng đường huyết cao, đường huyết thấp có thể là do di truyền hoặc phản ứng với thuốc điều trị tiểu đường.[10]
    • Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng có kinh nghiệm để giúp điều hòa đường huyết (đối với bệnh tiểu đường, tiền tiểu đường hoặc không phải tiểu đường). Chuyên gia dinh dưỡng có thể lập kế hoạch cho bữa ăn giúp bạn đạt mục tiêu một cách lành mạnh và an toàn.
    • Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ khuyên bạn lên kế hoạch kiểm soát bệnh thông qua chế độ ăn và có thể cần dùng đến liệu pháp Insulin. Đây sẽ là tiền đề giúp kiểm soát nồng độ đường huyết.[15]
    • Đường huyết thấp có thể là bệnh lý nghiêm trọng và cần được kiểm soát thông qua chế độ ăn và tập thể dục.
  2. Học cách nhận biết triệu chứng. Kiểm soát bệnh là một quá trình học hỏi. Một phần trong quá trình đó là học cách nhận biết biểu hiện của tình trạng đường huyết áp hoặc đường huyết thấp. Ví dụ, bạn nên để ý xem có bao giờ bị chóng mặt, run rẩy, yếu ớt, muốn ngất xỉu không. Đó là triệu chứng có thể của tình trạng đường huyết thấp. Hay bạn có thường xuyên thấy đói hoặc khát không? Có đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm không? Nước tiểu có mùi ngọt không? Bạn có sụt cân không? Bất cứ dấu hiệu nào trong số kể trên đều có thể là dấu hiệu đường huyết cao.[14]
  3. Tìm hiểu thêm về vấn đề đối với đường huyết. Tiểu đường và các vấn đề liên quan là mãn tính, chưa có cách chữa khỏi và có thể đe dọa tính mạng. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu nhiều thông tin về bệnh, thực đơn tham khảo, thông tin nhóm hỗ trợ,.. bằng cách trao đổi với bác sĩ, đọc báo hoặc tham khảo những nguồn khác như thông tin trực tuyến.

Lời khuyên[sửa]

  • Đến gặp chuyên gia dinh dưỡng nếu gặp vấn đề trong việc kiểm soát nồng độ đường huyết. Chuyên gia sẽ giúp lập chế độ ăn giúp bạn đáp ứng mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, chuyên gia có thể hướng dẫn bạn cách đọc nhãn thực phẩm và cung cấp thông tin giúp bạn lựa chọn thực phẩm tốt hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]