Cứu vãn một mối quan hệ

Từ VLOS
(đổi hướng từ Cứu vãn một Mối Quan hệ)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu bạn cảm thấy bồn chồn vì mối quan hệ của mình đang trên bờ vực thì có lẽ đã đến lúc bạn cần xem xét lại và cố gắng cứu vãn nó. Khi muốn hàn gắn một mối quan hệ, hai bạn cần ngồi lại với nhau để tìm ra vấn đề hoặc nhiều vấn đề vướng mắc, đồng thời tìm giải pháp cho các vấn đề đó. Bạn cũng cần cố gắng yêu thương nhau trở lại và đánh thức cảm giác bạn đã từng có trước đây. Xem phần “Khi nào bạn nên cố gắng hàn gắn?” để biết thêm khi nào thì việc cứu vãn quan hệ là những bước đi đúng hướng.

Các bước[sửa]

Tìm ra Vấn đề[sửa]

  1. Suy nghĩ xem sự việc bắt đầu không ổn từ lúc nào. Nếu đã đến giai đoạn nguy hiểm, có lẽ bạn đã đoán được từ khi nào thì mọi việc bắt đầu trục trặc, dù chỉ là chút.ít. Hãy suy nghĩ xem vấn đề bắt đầu từ bao giờ để biết cách thảo luận với bạn đời hoặc người yêu của mình.
    • Có thể bạn dễ dàng xác định lý do chủ yếu, ví dụ như người bạn yêu thương không chung thủy, và điều này đã làm thay đổi động lực của hai người trong mối quan hệ.
    • Thông thường hơn, bạn không tìm được nguyên nhân chủ yếu nào mà thay vào đó là hàng loạt những lý do khiến cho mọi việc không theo ý muốn. Nhiều việc nho nhỏ có thể bắt đầu tích tụ lại mà thành vấn đề. Ví dụ như anh ấy dành quá nhiều thời gian cho bạn bè, hoặc hai bạn không bao giờ cố gắng dành thời gian cho nhau. Hoặc có thể cả hai người đều bị áp lực vì công việc.
    • Có thể cả hai dần trở nên xung khắc với nhau. Nếu đã ở bên nhau được một thời gian dài, có thể hai bạn đã trở thành những con người khác sau một thời gian quan hệ.
    • Nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn thử trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Việc đó có thể giúp bạn đánh giá xem mối quan hệ của mình đang ở mức nào.[1]
  2. Xác định xem liệu bạn có nên cố gắng không. Đôi khi có những mối quan hệ mà ta không thể cứu vãn, nhất là khi người kia không sẵn lòng bỏ tâm sức vào đó. Nếu chỉ có một bên muốn cứu vãn thì kết quả cũng không đi đến đâu. Ngoài ra, nếu mối quan hệ của bạn mang tính bạo hành theo kiểu nào đó, dù là thể chất hay tinh thần, có lẽ bạn không nên níu kéo.[2]
  3. Chọn thời điểm thuận lợi để nói chuyện với người ấy. Bạn nên chọn thời gian ít bị quấy rầy. Ngoài ra đó phải là một nơi riêng tư để người khác khỏi nghe thấy.[3] Hơn nữa, bạn nên nói chuyện khi cả hai người không quá kích động. Bạn cần cố gắng tạo nên cuộc đối thoại bình tĩnh, có lý lẽ và gạt cảm xúc qua một bên.[4]
  4. Nói chuyện với người kia. Nếu cuộc hôn nhân hoặc mối quan hệ của bạn đã đi đến mức cần phải cứu vãn thì chắc là người kia cũng đã biết rằng giữa hai người đang có vấn đề. Tuy nhiên, nếu bạn chưa bao giờ đề cập đến việc đó thì giờ là lúc bạn cần bắt đầu nói chuyện. Tốt nhất bạn nên làm việc này khi bình tĩnh và kiềm chế để có một cuộc thảo luận thực sự chứ không phải cuộc đấu khẩu to tiếng.[5]
    • Quan trọng là bạn không chỉ nói mà còn phải lắng nghe bạn đời hoặc người yêu nói và cảm nhận về những gì xảy ra trong quan hệ giữa hai người.[5] Bạn có thể biểu lộ rằng mình đang lắng nghe bằng cách tóm tắt những điều người kia vừa nói để cho thấy bạn hiểu họ nói gì. Bạn cũng có thể hỏi lại để thể hiện rằng bạn có nghe và muốn tìm hiểu thêm nữa.
    • Khi đưa ra một vấn đề, bạn nên tập trung vào những câu nói mà chủ thể là chính bạn chứ không phải người kia. Ví dụ, bạn có thể nói, “Em muốn nói chuyện về quan hệ của chúng ta,” thay vì trách, “Anh đang làm rối tung mọi chuyện giữa hai chúng ta".[6]
  5. Cùng nhau giải quyết từng vấn đề. Trong cuộc đối thoại, hai người nên cùng nhau trao đổi từng điểm một. Tìm ra điều mà cả hai cùng nghĩ đó là vấn đề và thảo luận xem những rắc rối đó bắt đầu như thế nào. Việc tạo ra một cuộc trò chuyện cởi mở có thể là khó khăn, nhưng quan trọng là cả hai cùng nhận ra mối quan hệ bắt đầu không ổn ở đâu. Ngoài ra, bạn có thể tìm sự giúp đỡ qua các website về giáo dục để xác định những điều lành mạnh và không lành mạnh trong mối quan hệ của mình.[7]
    • Ví dụ, một mối quan hệ lành mạnh là khi cả hai cùng được là chính mình, được độc lập và tôn trọng cá tính cũng như ranh giới của nhau. Cả hai người đều quan tâm đến những việc người kia làm và cùng khích lệ nhau.[7]
    • Trái lại, mối quan hệ không lành mạnh là khi cả hai người đều không cảm thấy hài lòng về bạn đời hoặc người yêu, và cảm thấy áp lực phải thay đổi người kia. Bạn cũng có thể có cảm giác bị kiểm soát hoặc bị điều khiển, hoặc có khi chính bạn là người đang điều khiển người kia.[7]
  6. Chú ý về kiểu hành vi. Thay vì đổ lỗi cho nhau, các bạn hãy xem xét những kiểu hành vi nào của cả hai người đã dẫn đến vấn đề. Ví dụ như, bạn liên tục quên không gọi điện về nhà những hôm về muộn và vợ hay người yêu bạn tỏ ra bực bội khi thấy bạn không có mặt đúng giờ. Vậy là để trừng phạt người kia, lần sau bạn sẽ không gọi điện về nhà, cứ thế việc đó trở thành một vòng luẩn quẩn. Khi đưa vấn đề đó ra, bạn hãy tập trung vào cách giải quyết vấn đề, chẳng hạn như, “Lần sau anh sẽ cố gắng nhớ gọi về nhà nếu em có thể bỏ qua vài lần anh quên gọi. Hoặc gần cuối ngày em có thể nhắn tin nhắc cho anh nhớ".[8]

Tìm ra Cách Giải quyết Vấn đề[sửa]

  1. Cân nhắc tìm đến chuyên gia tư vấn. Nếu bạn đang cố gắng cứu vãn mối quan hệ của mình thì việc tìm đến sự giúp đỡ chuyên môn cũng là một ý tốt. Chuyên gia tư vấn có thể giúp bạn giải mã những vấn đề bạn đang đối mặt, nhất là khi bạn cảm thấy như không thể ở chung một phòng với người kia nữa.[2]
  2. Thành thực với nhau. Tỏ ra thành thực cũng là một cách sẵn sàng tiếp nhận, và bằng cách đó bạn cho người kia thấy rằng bạn tin tưởng anh ấy. Bạn nên thử giãi bày những suy nghĩ và cảm giác của mình. Khi sẵn sàng mở lòng, bạn đang khuyến khích người kia tham gia, và đòi hỏi họ cũng thành thực như bạn. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn nên tiếp tục nói những câu có chủ thể là bạn để diễn đạt cảm nghĩ của mình thay vì đổ lỗi cho người kia.[6]
    • Ví dụ như, khi nói chuyện với người kia, bạn không nên nói, “Anh chẳng bao giờ dành ưu tiên cho em hết”. Thay vào đó, bạn hãy nói, “Nhiều lúc em cảm thấy như mình bị bỏ bê trong mối quan hệ với anh”. Như vậy là bạn đang bộc lộ cảm nghĩ của mình thay vì chĩa mũi dùi vào người kia.[6]
  3. Hãy hợp tác. Thay vì mỗi người đứng một bên để tranh cãi, cả hai cần làm việc cùng nhau. Cả hai nên cùng chung tay giải quyết vấn đề, đối xử với nhau như đồng đội hơn là đối thủ. Tuy nhiên trong khi tìm sự hợp tác, bạn cũng phải cố gắng tìm ra giải pháp. Điều đó có nghĩa là đầu tiên hai bên cần đồng thuận với nhau trong việc xác định vấn đề.[9]
    • Khi đã cùng nhận ra vấn đề, bạn cũng cần trao đổi về điều còn ẩn bên trong mà cả hai đều băn khoăn. Có thể mỗi người đều biết “thắng lợi” là như thế nào, nhưng nếu cả hai cùng đặt mục đích chiến thắng thì rốt cuộc sẽ không ai thắng cả. Thay vì vậy, bạn hãy nêu lý do tại sao bạn muốn dùng giải pháp đó.[10]
    • Bạn cũng nên tìm sự đồng thuận về vấn đề và cách giải quyết. Ví dụ như, nếu hai người bất đồng về việc ai phải làm việc nhà thì ít nhất hai bạn cũng phải đồng ý rằng việc nhà cần được chú ý hơn. Đó chính là điểm khởi đầu.[10]
  4. Thảo luận về những giải pháp. Bước này có lẽ là phần khó khăn nhất khi đưa ra những giải pháp mà cả hai cùng chấp nhận được. Điều này có nghĩa là hai bạn đồng ý với nhau rằng đâu là vấn đề chủ yếu trong cuộc hôn nhân của mình và đưa ra những cách mà cả hai bạn cùng thực hiện để cải thiện mối quan hệ. Căn bản là hai bạn cần phải thỏa hiệp. Đổ lỗi cho nhau sẽ không ích gì, vì cả hai đều góp phần tạo nên tình huống này.[11]
    • Thỏa hiệp nghĩa là bộc bạch về những điều cả hai đều cần và mong muốn trong mối quan hệ. Bước này là quan trọng vì sau đó hai bạn có thể xác định được điều gì mỗi bên cần bảo lưu, và điều gì mà hai bên có thể nhân nhượng.[11] Thỏa hiệp nghĩa là nhân nhượng khi có thể.
    • Những giải pháp cụ thể sẽ có hiệu quả. Ví dụ, có thể bạn đã xác định được một trong những vấn đề chính là hai người không dành đủ thời gian cho nhau. Giải pháp cho vấn đề này có thể là cả hai đồng ý hẹn hò mỗi tuần một lần, thêm vào đó là sẽ cố gắng ăn trưa cùng nhau ít nhất ba lần một tuần.
    • Có thể vấn đề một phần là ở tài chính. Hãy ngồi xuống với nhau và thỏa thuận về việc tính toán ngân quỹ, theo đó các bạn thỏa hiệp về những thứ mà cả hai đều coi trọng. Ví dụ như, nếu bạn là người tiết kiệm và muốn dành dụm từng đồng, trong khi bạn đời của bạn lại thích tận hưởng những kỳ nghỉ xa hoa, vậy thì hai bên nên dung hòa bằng cách mỗi năm sắp xếp để có những kỳ nghỉ giản dị hơn trong điều kiện túi tiền cho phép.
    • Phân chia việc nhà. Một việc nhỏ cũng có thể trở thành vấn đề lớn nếu một người cảm thấy mình đang phải làm hết các công việc nội trợ. Bạn hãy thẳng thắn trao đổi về việc phân chia việc nhà sao cho công bằng và lên lịch cho ai làm việc gì và vào lúc nào.
  5. Học cách tha thứ. Nếu muốn tiếp tục tiến tới, bạn sẽ phải tha thứ cho nhau về những tổn thương hai bên gây ra. Điều này không có nghĩa là bạn phải hoàn toàn quên mọi việc xảy ra hay thậm chí nói rằng nó không hề gì. Điều đó có nghĩa là bạn cần nhận thức được tổn thương mà bạn đã phải chịu. Bạn cần biết rằng người kia đã phạm lỗi, và cả hai đều học được từ lỗi lầm đó. Cuối cùng, bạn cần chấp nhận rằng nó đã xảy ra và bạn nên tiếp tục tiến về phía trước.[12]
    • Hầu hết các lỗi lầm đều bắt nguồn từ những nhu cầu mà người ta mong muốn được đáp ứng. Việc nhận thức được điều đó có thể giúp bạn rút kinh nghiệm từ sự việc đã xảy ra.[13]
  6. Tính toán những việc sẽ xảy ra trong tương lai. Khi đã xác định được các vấn đề và giải pháp, cả hai cần phải chính thức cam kết thực hiện các giải pháp đó. Các giải pháp cần phải cụ thể và cả hai đều có thể chấp nhận được.[9]
    • Nếu thấy các giải pháp của mình không đem lại hiệu quả sau một thời gian, bạn có thể thảo luận lại và thử làm theo cách khác.[14]
  7. Đừng quên những ranh giới. Một khi đã lập được kế hoạch để bước tới trước, bạn cũng đừng quên đặt ra các ranh giới. Phải, bạn tha thứ cho nhau vì những gì đã xảy ra, nhưng bạn cũng nên đặt giới hạn để những sai lầm đó không xảy ra lần nữa.[15]
    • Ví dụ, một trong hai người đã lừa dối sau khi đến chơi ở một câu lạc bộ nào đó, vậy thì rõ ràng là hợp lý khi đặt ra giới hạn rằng người đó không nên quay lại nơi ấy nữa. Bạn có thể đặt vấn đề này bằng cách nói rằng, “Sự việc xảy ra trước đây làm em thấy không thoải mái khi anh lui tới câu lạc bộ đó. Nếu anh cứ khăng khăng đến nơi ấy thì đó sẽ là rào cản đối với em”.

Học lại Cách Yêu thương Nhau[sửa]

  1. Hãy suy nghĩ về những điều khiến các bạn đến với nhau. Khi quan hệ giữa hai người đang căng thẳng, bạn có thể quên mất tại sao cả hai đến với nhau vào những ngày đầu. Hãy dành thời gian ngẫm nghĩ về điểm nào khiến lúc đầu bạn thích anh ấy hay cô ấy.[5]
    • Có thể nàng luôn khiến bạn vui vẻ, hay chàng luôn gọi điện hỏi thăm xem bạn đã về nhà an toàn chưa. Hãy nghĩ về mọi điều nho nhỏ khiến bạn từng yêu mến người kia. Một cách để hồi tưởng về quá khứ là xem lại những tấm ảnh cũ hai người chụp với nhau.[5]
  2. Đảm bảo rằng cả hai đều sẵn sàng thay đổi. Nếu mục đích chính của bạn là bảo vệ bản thân khỏi đau khổ và giận dữ, bạn sẽ không mở lòng để thay đổi. Khi đó dường như bạn muốn kiểm soát bạn đời để thực hiện việc bảo vệ đó, điều này khiến mối quan hệ của bạn mang màu sắc tiêu cực và giam hãm. Trái lại, nếu cả hai đều sẵn lòng học hỏi và tiến bộ cùng nhau, mối quan hệ của bạn sẽ dần trở nên hoàn thiện theo thời gian. Nếu chỉ một trong hai người sẵn lòng thay đổi thì có lẽ mục đích này sẽ không đạt được.[16]
  3. Tập trung vào những điều tốt đẹp. Suy nghĩ về điều mà bạn yêu ở bạn đời của mình. Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày viết ra năm điểm ở người kia mà bạn yêu quý hoặc biết ơn. Cố gắng biến suy nghĩ đó thành lời nói và hành động bằng cách thể hiện sự biết ơn đối với người ấy.[17]
  4. Hiểu được ngôn ngữ tình yêu của nhau. Mỗi người trải nghiệm tình yêu theo một cách riêng. Gary Chapman đã phân chia ra năm cách con người trải nghiệm tình yêu, hoặc năm ngôn ngữ tình yêu. Nếu bạn chưa bao giờ dành thời gian tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của nhau thì bây giờ là lúc để làm điều đó. Bạn có thể tìm các bài trắc nghiệm trên mạng để biết ngôn ngữ tình yêu của mình là gì.[18]
    • Ngôn ngữ tình yêu đầu tiên là những lời khẳng định, nghĩa là bạn cảm thấy được yêu thương khi nghe những lời tán thưởng mình.[19]
    • Ngôn ngữ tình yêu thứ hai liên quan đến sự phục vụ, nghĩa là bạn cảm nhận được tình yêu khi ai đó dành thời gian giúp đỡ bạn những việc trong nhà.[19]
    • Ngôn ngữ tình yêu thứ ba là những món quà. Điều đó có nghĩa là bạn cảm thấy được yêu thương khi nhận được những món quà biểu lộ tình cảm từ những người gần gũi với bạn.[19]
    • Ngôn ngữ tình yêu thứ tư là thời gian. Với ngôn ngữ tình yêu này, bạn cảm nhận mình được yêu thương nếu người ấy dành thời gian cho bạn.[19]
    • Ngôn ngữ tình yêu cuối cùng là sự đụng chạm. Nói cách khác, bạn cảm nhận được tình yêu nếu người ấy tỏ lòng trìu mến bằng cách hôn bạn, ôm bạn trong vòng tay hay nựng nịu bạn.[19]
  5. Áp dụng các ngôn ngữ tình yêu. Khi tương tác với nhau, bạn cố gắng dùng ngôn ngữ tình yêu của người kia để chứng tỏ rằng mình có quan tâm. Nếu bạn đời của bạn có ngôn ngữ tình yêu là sự phục vụ, bạn thử làm những việc nhỏ trong nhà, hoặc đem xe của nàng đi rửa để thể hiện sự quan tâm. Nếu ngôn ngữ tình yêu của người ấy là thời gian, vậy thì bạn nên tìm cách thường xuyên dành thời gian cho nàng/ chàng.[20]
  6. Dành thời gian để kết nối với nhau. Cũng như lúc đầu đến với nhau, hai bạn cần dành thời gian ở bên nhau trong thế giới riêng của hai người. Bạn có thể nghĩ rằng mình biết tất cả về bạn đời của mình, nhưng người ta vẫn có thể khiến bạn ngạc nhiên thậm chí sau nhiều năm. Mỗi ngày bạn nên dành thời gian nói chuyện và hỏi han về cuộc sống, về những suy nghĩ, cảm nhận của anh ấy (hay cô ấy).[21]
    • Có một cách để phát hiện những điều mới mẻ về bạn đời hay người yêu là thử cùng tham gia một lớp học như nấu ăn hay khiêu vũ chẳng hạn. Hai người sẽ có những trải nghiệm mới mẻ cùng nhau và cùng nhen nhóm lại ngọn lửa yêu ngày xưa.
  7. Tận hưởng những thú vui cùng nhau. Tuy sở thích có thể thay đổi, bạn vẫn nên dành thì giờ làm những việc trước kia hai bạn đã từng muốn làm cùng nhau. Nếu đã từng thích thú khi cùng nấu những món ăn Việt Nam, bạn hãy thử quay lại sở thích ấy. Nếu trước đây bạn từng tập chạy đường dài, nhưng nay cảm thấy thân hình không còn được như xưa, bạn hãy đương đầu với thử thách. Bằng sự quyết tâm quay về với những việc gây cảm hứng trước đây, bạn sẽ khơi lại niềm đam mê ngày xưa. Tuy nhiên cũng không nhất thiết phải là việc cả hai từng thích. Bạn cũng có thể thử tìm những sở thích mới.[22]
  8. Tiếp xúc cơ thể. Hãy nhớ kết nối với nhau qua những cử chỉ đụng chạm chứ không chỉ là sex. Khi ở bên nhau, bạn hãy nắm tay, vuốt ve hay ôm nhau. Chạm vào tay nàng khi nghe nàng nói chuyện. Xoa đầu gối chàng khi hai người đang ngồi cạnh nhau. Đụng chạm là yếu tố quan trọng để duy trì sự thân mật, tuy nhiên sau nhiều năm nó có thể dần mất đi vi những điều nhàm chán hàng ngày.[23]
  9. Duy trì sự giao tiếp. Một khi đã bắt đầu thực hiện theo cách này, có lẽ bạn cho rằng những vấn đề của bạn có thể được hàn gắn bằng cách chỉ cần một lần hai người ngồi lại và nói chuyện. Tuy nhiên, duy trì một mối quan hệ có nghĩa là không ngừng giao tiếp với nhau và trao đổi về những điều đang xảy ra và cảm giác của bạn.[4]
    • Việc giao tiếp đặc biệt quan trọng khi bạn đang cảm thấy giận dữ và chỉ muốn nói nhát gừng với người kia. Thay vì nổi giận, bạn hãy dừng lại giây lát và hít thở. Khi đã bình tĩnh trở lại, bạn hãy nói lý do khiến bạn bực bội và bây giờ cần phải làm thế nào.

Khi nào Bạn Nên Cố gắng Hàn gắn?[sửa]

  1. Hãy cố gắng cứu vãn khi bạn vẫn còn yêu. Hai người từng có lý do để đến với nhau, và đó là hạt giống tình yêu đã khiến hai bạn ở bên nhau thời gian dài đến vậy. Nếu vẫn còn cảm nhận được tình yêu, thì điều đó cũng xứng đáng để hai người bỏ công sức tìm cách giao tiếp và hòa hợp lại với nhau. Nhiều mối quan hệ yêu đương cũng có lúc trục trặc. Việc hàn gắn mối quan hệ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng nó xứng đáng để nỗ lực nếu bạn biết rằng trong lòng mình vẫn còn có chỗ cho người ấy.
  2. Cân nhắc về việc hàn gắn nếu “một nửa” của bạn muốn thế. Có thể bạn là người đang đứng ở lằn ranh muốn từ bỏ mối quan hệ, nhưng bạn đời hay người yêu của bạn lại đang cố gắng níu kéo. Nếu hai bạn đã ở bên nhau một thời gian dài thì có lẽ điều đó xứng đáng để bạn nỗ lực hàn gắn. Bạn có thể thấy được tình yêu của người ấy dành cho bạn và sẽ có niềm tin rằng tuy bây giờ bạn đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Hãy cân nhắc các lựa chọn xem điều đó có đáng để bạn cố gắng vì người ấy không.
  3. Cho phép mình ngừng cố gắng nếu thấy đã đến lúc. Cho dù mọi việc đã từng tốt đẹp ra sao, hay một bên muốn tiếp tục mối quan hệ tha thiết đến thế nào, đôi khi rõ ràng là sự việc đã đến hồi kết thúc. Nếu đã gắng sức để cứu vãn mối quan hệ nhưng bạn không còn cảm nhận được tình yêu nữa, hoặc không còn quyết tâm nhen nhóm ngọn lửa tình yêu nữa thì bạn có thể không cần buộc mình tiếp tục cố gắng. Đừng kéo dài lê thê từ tháng này qua năm nọ và tự trách mình không có khả năng giải quyết. Việc chọn hạnh phúc mà không chọn hy sinh là điều bình thường. Khi một người đã thờ ơ trong mối quan hệ thì chấm dứt là tốt hơn cho cả hai.
  4. Không cố gắng cứu vãn một mối quan hệ độc hại hoặc lạm dụng. Thực sự không có cách nào để hàn gắn một mối quan hệ có hại và lạm dụng. Dù có bỏ bao nhiêu công sức dùng các phương pháp giao tiếp hay nỗ lực khơi gợi sự lãng mạn, bạn cũng không thể khiến sự việc tốt hơn về lâu dài. Có thể bạn cảm thấy mình cũng có lợi ích nào đó trong mối quan hệ này, nhưng bạn sẽ có nhiều thứ hơn khi được tự do.

Cảnh báo[sửa]

  • Đảm bảo rằng cả hai bên đều thực sự quyết tâm trong quá trình hàn gắn. Nếu chỉ một bên sẵn sàng thì người đó sẽ thất vọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.loveisrespect.org/pdf/Healthy_Relationship_Quiz.pdf
  2. 2,0 2,1 http://divorce.usu.edu/files/uploads/ShouldIKeepTryingtoWorkItOut.pdf
  3. http://www.wfm.noaa.gov/workplace/EffectivePresentation_Handout_1.pdf
  4. 4,0 4,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2009/04/14/9-steps-to-better-communication-today/?all=1
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 https://www.psychologytoday.com/blog/the-mindful-self-express/201304/four-steps-relationship-repair-the-h-e-l-technique
  6. 6,0 6,1 6,2 http://strongermarriage.org/files/uploads/Married/FY04700.pdf
  7. 7,0 7,1 7,2 http://depts.washington.edu/hhpccweb/project/healthy-vs-unhealthy-relationships/
  8. https://www.psychologytoday.com/blog/fixing-families/201208/relationship-repair-10-tips-thinking-therapist
  9. 9,0 9,1 http://extension.missouri.edu/publications/DisplayPub.aspx?P=gh6610
  10. 10,0 10,1 https://www.psychologytoday.com/blog/resolution-not-conflict/201110/solve-tough-dilemmas-the-win-win-waltz
  11. 11,0 11,1 http://www.cmhc.utexas.edu/vav/vav_healthyrelationships.html
  12. https://www.psychologytoday.com/blog/mindful-anger/201409/how-do-you-forgive-even-when-it-feels-impossible
  13. https://www.psychologytoday.com/blog/mindful-anger/201409/how-do-you-forgive-even-when-it-feels-impossible
  14. http://extension.missouri.edu/publications/DisplayPub.aspx?P=gh6610
  15. https://www.ipfw.edu/affiliates/assistance/selfhelp/relationship-settingboundaries.html
  16. http://psychcentral.com/blog/archives/2011/11/14/7-ideas-to-help-save-your-sinking-relationship/
  17. http://greatergood.berkeley.edu/raising_happiness/post/Gratitude_Relationships
  18. http://www.researchgate.net/publication/233241159_Speaking_the_Language_of_Relational_Maintenance_A_Validity_Test_of_Chapman's_(1992)_Five_Love_Languages
  19. 19,0 19,1 19,2 19,3 19,4 https://www.iacac.org/wp-content/uploads/2012/05/D31-I-Hate-Your-Job-The-5-Love-Languages.pdf
  20. http://www.researchgate.net/publication/233241159_Speaking_the_Language_of_Relational_Maintenance_A_Validity_Test_of_Chapman's_%281992%29_Five_Love_Languages
  21. https://www.psychologytoday.com/blog/tech-support/201410/6-steps-repairing-your-relationship
  22. http://psychcentral.com/lib/is-parenting-drowning-your-marriage-6-tips-to-help-reconnect-with-your-partner/
  23. https://www.psychologytoday.com/blog/tech-support/201410/6-steps-repairing-your-relationship

Liên kết đến đây