Chương trình môn Hóa học/Giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm


1. Giải thích thuật ngữ[sửa]

a) Nguyên tắc sử dụng thuật ngữ[sửa]

Việc sử dụng thuật ngữ hoá học và danh pháp hoá học trong văn bản chương trình môn Hoá học tuân theo các nguyên tắc sau:

- Nguyên tắc khoa học: Khái niệm mà thuật ngữ biểu thị phải được cập nhật phù hợp với sự phát triển của khoa học thế giới; hình thức của thuật ngữ phải bảo đảm tính hệ thống.

- Nguyên tắc thống nhất: Thuật ngữ phải có cách hiểu thống nhất trong toàn bộ Chương trình môn Hoá hoc và Chương trình giáo dục phổ thông nói chung.

- Nguyên tắc hội nhập: Danh pháp hoá học sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hoá học thuần tuý và Hoá học ứng dụng IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) có tham khảo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Quyết định số 2950-QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ), phù hợp với thực tiễn Việt Nam, từng bước đáp ứng yêu cầu thống nhất và hội nhập.

- Nguyên tắc thực tế: Sử dụng tên 13 nguyên tố đã quen dùng trong tiếng Việt: vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân; đồng thời có chú thích thuật ngữ tiếng Anh để tiện tra cứu. Hợp chất của các nguyên tố này được gọi tên theo khuyến nghị của IUPAC.

b) Từ ngữ thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt[sửa]

Chương trình môn Hoá học sử dụng một số động từ để thể hiện mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của học sinh. Một số động từ được sử dụng ở các mức độ khác nhau nhưng trong mỗi trường hợp thể hiện một hành động có đối tượng và yêu cầu cụ thể. Trong bảng liệt kê dưới đây, đối tượng, yêu cầu cụ thể của mỗi hành động được chỉ dẫn bằng các từ ngữ khác nhau đặt trong ngoặc đơn.

Trong quá trình dạy học, đặc biệt là khi đặt câu hỏi thảo luận, ra đề kiểm tra đánh giá, giáo viên có thể dùng những động từ nêu trong bảng này hoặc thay thế bằng các động từ có nghĩa tương đương cho phù hợp với tình huống sư phạm và nhiệm vụ cụ thể giao cho học sinh.

Mức độ Động từ mô tả mức độ
Biết - Gọi được tên (tên chất hoá học, công thức hoá học của chất và hợp chất), viết được, biểu diễn được, lập được (công thức hoá học của chất hoặc hợp chất; cấu hình electron của nguyên tố hoá học;...), phát biểu được, phân biệt được, nêu được (nội dung định luật, thuyết, khái niệm như: định luật tuần hoàn các nguyên tố hoá học; sự điện li;...).

- Xác định được (khối lượng mol của chất, công thức hoá học của chất hoặc một đại lượng cần thiết thông qua các công thức, dữ kiện và thông tin đã cho), nhận ra được các dụng cụ, hoá chất cần thiết để tiến hành một thí nghiệm hoá học.

- Tìm kiếm hoặc tìm hiểu thông tin (có trong bài viết hoặc hình ảnh bằng công cụ tìm kiếm, sử dụng từ khoá), sử dụng hoặc tra cứu được thông tin cần thiết trong các bảng, biểu đã cho như bảng tính tan, bảng tuần hoàn, bảng tín hiệu phổ, bảng Enthalpy AfHo298K của một số chất; bảng “Giá trị thế điện cực chuẩn”... để hoàn thành yêu cầu đặt ra.

Hiểu - Trình bày được nội dung bằng ngôn ngữ của cá nhân học sinh (trình bày được tính chất hoá học của một chất nào đó; trình bày được các loại liên kết; trình bày được các giai đoạn sản xuất một chất nào đó...).

- Mô tả, nhận xét được thông tin thông qua tài liệu hoặc mô tả được thí nghiệm qua xem video, nêu và giải thích được hiện tượng thí nghiệm, nhận xét và rút ra kết luận.

- Thực hiện được thí nghiệm (lựa chọn được dụng cụ, hoá chất, lắp ráp dụng cụ và tiến hành được thí nghiệm), quan sát, mô tả được các hiện tượng của thí nghiệm và giải thích được các hiện tượng đó, nhận xét và rút ra kết luận.

- Phân tích được một vấn đề đưa ra bằng cách sử dụng những lí lẽ, lập luận của mình dựa trên cơ sở các thông tin đã biết (phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất của phản ứng hoá học; phân tích các nguyên nhân, giải thích được hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, mưa acid...).

- Phân loại được các loại chất dựa vào những đặc điểm cơ bản theo các tiêu chí để phân thành các loại chất oxide, acid, base, muối, các loại chất vô cơ và hữu cơ như: các nhóm IA; IIA; nhóm VIIA; hydrocarbon, dẫn xuất halogen,... phân loại theo nhóm chức,...;

- So sánh được các đặc điểm giống nhau và khác nhau giữa các đối tượng (chất, nhóm chất; tính acid, tính base; tính oxi hoá, tính khử... giữa các chất trong cùng nhóm, cùng chu kì,...);

- Dự đoán được, giải thích được tính chất của các chất, nhóm chất dựa vào đặc điểm cấu tạo nguyên tử, phân tử, liên kết, trạng thái tập hợp,... của chúng và chứng minh được các dự đoán đó; viết được phương trình hoá học để chứng minh các dự đoán đó.

Vận dụng - Vận dụng được kiến thức để giải thích, vận dụng công thức để tính toán trong các tình huống tương tự, các tình huống quen thuộc, ví dụ: vận dụng được công thức tính enthalpy vào trong các trường hợp cụ thể tương tự,...);

- Đặt câu hỏi, phát hiện được một số hiện tượng đơn giản trong thực tiễn và sử dụng kiến thức hoá học để giải thích, đề xuất được phương án thí nghiệm để giải quyết các tình huống thực tiễn, xác định được các mối liên hệ giữa các đại lượng liên quan để giải quyết một vấn đề, bài toán trong tình huống mới và tình huống có liên quan đến thực tiễn.

- Vận dụng được những kiến thức đã được cung cấp hoặc đã biết để áp dụng cho một tình huống mới, tình huống gắn với thực tiễn (ví dụ: vận dụng được công thức tính enthalpy vào trong các trường hợp tính toán năng lượng của phản ứng hoá học trong thực tiễn để dự đoán khả năng dễ diễn ra/khó diễn ra của phản ứng; so sánh và giải thích mức độ diễn ra giữa các phản ứng trong thực tiễn).

- Phân tích được các mối liên hệ giữa các đại lượng liên quan để giải quyết một vấn đề, bài toán trong tình huống mới và tình huống có liên quan đến thực tiễn (ví dụ như: Tại sao methane dễ tham gia phản ứng thế bởi chlorine trong khi ethylene thì ngược lại?, Tại sao ethanol có thể dùng làm nhiên liệu sạch?,...).

- Phát hiện được một số hiện tượng trong thực tiễn và sử dụng được kiến thức hoá học để giải thích; đề xuất được phương án thí nghiệm để chứng minh, giải quyết các tình huống thực tiễn đó. (Chẳng hạn từ hiện tượng đóng cặn trong thiết bị gia dụng, thiết bị nhà máy: sử dụng kiến thức về nước cứng và làm mềm nước,..., đánh giá và lựa chọn được phương án thực nghiệm tối ưu)

- Đề xuất được ý kiến về một vấn đề nào đó để hiểu rõ hơn hoặc lập luận để phản biện luận điểm nào đó đã được đưa ra trong chủ đề, viết được một báo cáo ngắn (trên cơ sở thu thập và phân tích, tổng hợp thông tin từ các nguồn khác nhau);

- Thuyết trình được về một vấn đề trên PowerPoint (là kết quả làm việc cá nhân hay làm việc theo nhóm), tranh luận (về một vấn đề); thiết kế, vẽ được một poster về bảo vệ môi trường,...

- Xây dựng được hồ sơ tư liệu (về một vấn đề); lập được kế hoạch tìm tòi thông tin, đề xuất các phương án giải quyết một vấn đề của một dự án học tập hoặc dự án theo mô hình STEM.


2. Thời lượng thực hiện chương trình[sửa]

Thời lượng cho mỗi lớp là 105 tiết/năm học, dạy trong 35 tuần. Trong đó, thời lượng dành cho nội dung cốt lõi là 70 tiết. Dự kiến tỷ lệ % thời lượng dành cho mỗi mạch nội dung như sau:

Lớp Chủ đề Tỉ lệ %
Lớp 10 Cấu tạo của nguyên tử 18%
Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học 13%
Liên kết hoá học 17%
Phản ứng oxi hoá - khử 5%
Năng lượng hoá học 14%
Tốc độ phản ứng hoá học 9%
Nguyên tố nhóm VIIA 14%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 11 Cân bằng hoá học 14%
Nitrogen và Sulfur 14%
Đại cương về Hoá học hữu cơ 14%
Hydrocarbon 17%
Dẫn xuất halogen (Alcohol -Phenol) 14%
Hợp chất carbonyl (Aldehyde - Ketone) - Carboxylic acid 17%
Đánh giá định kì 10%
Lớp 12 Ester - Lipid 5%
Carbohydrate 9%
Hợp chất chứa nitrogen 9%
Polymer 9%
Pin điện và điện phân 17%
Đại cương về kim loại 14%
Nguyên tố nhóm IA và nhóm IIA 13%
Sơ lược về dãy kim loại chuyển tiếp thứ nhất và phức chất 14%
Đánh giá định kì 10%

Thời lượng dành cho các chuyên đề học tập là 35 tiết/năm học. Dự kiến thời lượng (số tiết) của các chuyên đề học tập (bao gồm cả kiểm tra đánh giá) như sau:

Chuyên đề học tập Lớp 10 Lớp 11 Lớp 12
Chuyên đề 10.1. Cơ sở hoá học 15
Chuyên đề 10.2. Hoá học trong việc phòng chống cháy nổ 10
Chuyên đề 10.3. Thực hành: Hoá học và công nghệ thông tin 10
Chuyên đề 11.1. Phân bón 10
Chuyên đề 11.2. Thực hành trải nghiệm hoá học hữu cơ 15
Chuyên đề 11.3. Dầu mỏ và chế biến dầu mỏ 10
Chuyên đề 12.1. Cơ chế phản ứng trong hoá học hữu cơ 10
Chuyên đề 12.2. Trải nghiệm, thực hành hoá học vô cơ 15
Chuyên đề 12.3. Một số vấn đề cơ bản về phức chất 10

3. Thiết bị dạy học[sửa]

Bộ thiết bị dạy học Hoá học gồm có:

a) Các thiết bị dùng để trình diễn, chứng minh[sửa]

- Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học; bảng tính tan/độ tan của muối và hydroxide; bảng cấu hình electron kim loại/ ion kim loại chuyển tiếp dãy thứ nhất; bảng màu sắc của một số hợp chất của kim loại chuyển tiếp.

- Tranh ảnh giới thiệu hình học của một số phức chất, của muối Cu2+ trong dung môi nước; cấu tạo của một số phức chất sinh học heme B, chlorophyll, vitamin B12 và dùng trong y học như cisplatin, carboplatin,...; biểu tượng 3R; tái chế nhôm; công nghiệp silicate; sản xuất xi măng, gốm sứ công nghiệp và thủ công. Tranh vẽ sơ đồ chưng cất, chế hoá và ứng dụng của dầu mỏ. Tranh ảnh về ứng dụng của alkane, alkene, alkadiene, arene trong thực tiễn; ứng dụng của dẫn xuất halogen; alcohol và phenol trong thực tiễn; vai trò của amino acid, vai trò của glucose, tinh bột trong cuộc sống.

- Mô hình/bộ lắp ráp phân tử dạng rỗng, dạng đặc của một số alkane; benzene, dẫn xuất halogen, ethylic alcohol (ancol etylic) và phenol; amine, amino acid, peptide và protein.

- Học liệu điện tử:

+ Phần mềm: phần mềm để tính toán; phần mềm thí nghiệm ảo.

+ Video một số thí nghiệm độc hại, nguy hiểm gây nổ, thí nghiệm phức tạp,... ví dụ như các thí nghiệm với chlorine, bromine,... kim loại kiềm, kiềm thổ tương tác với nước,...

b) Các thiết bị dùng để thực hành[sửa]

- Dụng cụ phân tích, đo lường: bộ dụng cụ điện phân dung dịch copper (II) sulfate và dung dịch sodium chloride; dụng cụ thử tính dẫn điện; pH mét cầm tay;...

- Có đủ thiết bị, dụng cụ, hóa chất theo danh mục thiết bị dạy học tối thiếu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây