Chữa đau họng mãn tính

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Đau họng được xem là mãn tính hay dai dẳng nếu không tự khỏi trong vòng 2 tuần. Bị đau họng có thể khiến bạn khó chịu nhưng may mắn là bệnh hiếm khi do vấn đề y tế nghiêm trọng gây ra. Tìm cách điều trị tại nhà và đi khám bác sĩ khi cần thiết có thể giúp bạn chữa viêm họng.

Các bước[sửa]

Thử dùng liệu pháp tại nhà[sửa]

  1. Súc miệng bằng nước muối. Chỉ cần súc miệng bằng nước muối cũng có thể giúp giảm triệu chứng đau họng. Nước muối ấm giúp xoa dịu cuống họng.
    • Pha một cốc nước hơi ấm với 1 thìa muối. Khuấy đến khi muối tan và nước có màu hơi đục.[1]
    • Súc miệng bằng nước muối khoảng 30 giây rồi nhổ ra. Lặp lại khi triệu chứng đau họng vẫn còn.[1]
  2. Sử dụng máy tạo độ ẩm. Không khí khô có thể là nguyên nhân gây đau họng mãn tính. Nếu sống hoặc ngủ trong môi trường khô, cổ họng có thể bị khô và đau. Vì vậy, bạn nên thử dùng máy tạo độ ẩm cho không khí để xem triệu chứng bệnh có cải thiện không.
    • Có thể mua máy tạo độ ẩm và mát cho không khí ở cửa hàng đồ gia dụng hoặc mua trực tuyến. Đặt máy trong nhà hoặc phòng ngủ để tạo không khí ẩm.[2]
    • Hoặc bạn có thể tạo hơi ẩm bằng cách ngồi trong bồn tắm đang bốc hơi vài phút một lần mỗi ngày. Theo dõi xem triệu chứng đau họng có cải thiện không.[2]
  3. Sử dụng viên ngậm. Viên ngậm chữa đau họng có bán ở hầu hết các hiệu thuốc. Tùy thuộc vào loại mà viên ngậm có thể chứa thành phần gây tê cổ họng và xoa dịu cơn đau. Nếu bị đau họng kéo dài, bạn có thể thử dùng viên ngậm.
    • Không cho trẻ nhỏ sử dụng viên ngậm vì trẻ có thể bị sặc. Bên cạnh đó, một số thành phần trong viên ngậm cũng không tốt cho sức khỏe của trẻ nhỏ. [1]
    • Viên ngậm thường phát huy hiệu quả đối với cơn đau nhẹ. Nếu đau dữ dội hoặc có triệu chứng giống cảm lạnh khác, bạn nên thử dùng thuốc không kê đơn thay cho viên ngậm.[1]
  4. Uống nhiều nước. Phải bổ sung đủ nước cho cơ thể khi bị đau họng. Uống đủ nước sẽ giúp giảm triệu chứng đau họng và phòng ngừa biến chứng.
    • Nên uống chất lỏng/nước chất lượng. Bạn nên uống nước dùng, nước lọc và nước hoa quả toàn phần không chứa đường phụ gia. Thức uống quá nhiều đường hoặc thức uống có ga có thể gây kích thích cổ họng.[1]
    • Bạn cần uống nhiều nước nếu cơn ho đi kèm triệu chứng sốt. Nhu cầu chất lỏng của cơ thể sẽ tăng cao khi bị bệnh.[1]
    • Trà nóng, đặc biệt là trà gừng và trà chanh, đặc biệt tốt cho cổ họng. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm mật ong vì mật ong có đặc tính kháng khuẩn giúp loại bỏ vi-rút gây đau họng và các triệu chứng cảm lạnh, [1]
  5. Nghỉ ngơi. Đau họng có thể là do vi-rút, cảm lạnh hoặc cảm cúm. Việc nghỉ ngơi là rất quan trọng. Tránh tham gia các hoạt động thể chất mạnh như tập thể dục và nên ngủ nhiều hơn. Nếu có thể, bạn nên nghỉ học/nghỉ làm đến khi triệu chứng thuyên giảm. [1]

Tìm kiếm trợ giúp y tế[sửa]

  1. Thử dùng thuốc không kê đơn. Đau họng thường không phải vấn đề đáng lo. Hầu hết bệnh đau họng là do nhiễm trùng nhẹ và thường tự khỏi. Nếu muốn chữa dau họng bằng thuốc, bạn nên dùng thuốc không kê đơn trước.
    • Thuốc giảm đau như Tylenol và Ibuprofen, có thể giúp giảm đau họng hiệu quả.[3]
    • Đau họng mãn tính có thể là do nghẹt mũi, đặc biệt là trong mùa dị ứng. Trong trường hợp đó, bạn nên thử dùng thuốc hoặc chai xịt chữa nghẹt mũi. Sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn và theo dõi xem cơn đau cũng như cảm giác khó chịu có thuyên giảm không.[4]
    • Nếu đau họng là do axit trào ngược dạ dày-thực quản, thuốc kháng axit không kê đơn có thể giúp giảm triệu chứng. [4]
  2. Quyết định lúc nào nên đi khám bác sĩ. Đau họng thường phải tự khỏi. Nhưng nếu đau họng kéo dài hơn 3-4 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân.
    • Bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật và lối sống. Một số bệnh mãn tính như vấn đề về tuyến giáp, cũng như các thói quen như hút thuốc lá, có thể gây đau cổ họng. Trước khi đi khám, bạn nên ghi sẵn tất cả các triệu chứng bệnh, chi tiết lối sống và tình trạng bệnh lý (nếu có).[4]
    • Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngay nếu đã xác định được nguyên nhân gây đau họng. Tuy nhiên, nếu chưa rõ nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung và xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể tiến hành ngoáy họng, tức đưa gạc tiệt trùng vào cuống họng và đem miếng gạc đi xét nghiệm. Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành tổng phân tích tế bào máu (CBC) hoặc xét nghiệm dị ứng. [5]
  3. Hỏi bác sĩ về thuốc kháng sinh. Kháng sinh có thể cần thiết để điều trị đau họng. Nếu đau họng là do nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn.
    • Penicillin, dạng thuốc uống trong 5-10 ngày, là thuốc kháng sinh phổ biến nhất. Nếu bạn dị ứng với Penicillin, bác sĩ có thể sẽ đưa ra loại thuốc thay thế.[3]
    • Uống đủ liều thuốc, ngay cả khi triệu chứng đã thuyên giảm. Không uống đồ uống chứa cồn khi uống kháng sinh vì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Nếu quên uống một liều, bạn nên gọi cho bác sĩ hoặc dược sĩ để hỏi tiếp theo nên uống như thế nào.[3]
  4. Thử dùng thuốc kháng nấm. Nấm miệng là bệnh nhiễm nấm trong niêm mạc lưỡi. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, đặc biệt là người có hệ miễn dịch kém do bệnh mãn tính, đều có thể bị nấm miệng. Bệnh có thể gây đau họng mãn tính. Nếu cho rằng cơn đau họng của bạn là do nấm miệng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng nấm.
    • Thuốc kháng nấm có thể ở dạng viên uống, thuốc xịt, nước súc miệng hoặc viên ngậm. Bác sĩ sẽ quyết định xem loại nào phù hợp với bạn nhất.[6]
    • Thông thường, nấm miệng có triệu chứng đi kèm là vết phồng rộp màu trắng trong miệng và khó nuốt. Bác sĩ có thể chẩn đoán nấm miệng bằng cách kiểm tra miệng. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ phải nạo miệng và dùng kính hiển vi để quan sát.[6]
  5. Nhận biết nếu đau họng là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng. Đau họng thường có thể chữa khỏi và không phải dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng. Tuy nhiên, đau họng mãn tính có thể là dấu hiệu của nhiều biến chứng đáng lo ngại.
    • Sốt tuyến hay viêm tuyến bạch cầu là bệnh nhiễm vi-rút có triệu chứng có thể kéo dài đến 6 tháng. Đau họng đi kèm mệt mỏi, sốt và các triệu chứng giống cảm lạnh khác có thể là dấu hiệu bệnh sốt tuyến.[4]
    • Trong một số trường hợp (hiếm gặp), đau họng mãn tính có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh ung thư miệng. Vì vậy, trường hợp đau họng kéo dài hơn 3 tuần cần đến bác sĩ khám.[4]
    • Nếu dương tính với HIV, bạn cần được kiểm tra đau họng mãn tính càng sớm càng tốt. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. [4]
    • Nếu amiđan quá lớn và thường bị nhiễm trùng, bác sĩ có thể khuyến nghị cắt amiđan để giải quyết vấn đề.[4]

Thay đổi lối sống[sửa]

  1. Hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá. Khói thuốc lá là một trong những thủ phạm chính gây đau họng mãn tính. Khói thuốc gây kích thích mắt, miệng, mũi và cổ họng. Nếu bạn hút thuốc hoặc sống với người hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc có thể giúp giảm triệu chứng đau họng mãn tính.
    • Bỏ thuốc lá. Không những gây kích thích cổ họng, khói thuốc còn có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Trao đổi với bác sĩ về việc lên kế hoạch bỏ thuốc lá và cân nhắc việc tham gia nhóm hỗ trợ (trực tiếp hoặc trực tuyến).[4]
    • Nếu sống với người hút thuốc, bạn nên tìm cách tránh xa khói thuốc. Yêu cầu họ hút thuốc bên ngoài.[4]
  2. Giảm căng cơ ở cổ họng. Giống như cơ tay và cơ chân, cơ trong cổ họng cũng có thể bị căng. Nếu nghề nghiệp hoặc sở thích yêu cầu phải la hét hoặc nói nhiều, cổ họng căng có thể gây đau họng mãn tính. Trong trường hợp đó, bạn nên nghỉ vài ngày để dây thanh được nghỉ ngơi và hạn chế giao tiếp bằng lời nói. Ngoài ra, nên uống nhiều nước nếu phải nói thường xuyên.[7]
  3. Xác định dị nguyên tiềm ẩn. Dị ứng có thể gây đau họng mãn tính, đặc biệt là khi chuyển mùa. Bạn nên xác định dị nguyên tiềm ẩn và hạn chế tiếp xúc với chúng.
    • Nếu thường bị đau họng vào một mùa nhất định, có thể bạn đã bị dị ứng với một tác nhân nào đó trong không khí. Nếu vậy, bạn nên ở trong nhà để giảm tiếp xúc. Ngoài ra, bạn có thể thử dùng thuốc không kê đơn chữa dị ứng.[7]
    • Nếu không rõ nguyên nhân gây phản ứng dị ứng, bạn nên trao đổi với bác sĩ về xét nghiệm dị ứng.[7]
    • Nếu cơn đau họng đột ngột xuất hiện, bạn nên xem lại những sản phẩm mới sử dụng. Sản phẩm chăm sóc răng miệng mới hoặc thức ăn lạ có thể là dị nguyên gây kích ứng cổ họng. Nếu vậy, bạn nên ngừng sử dụng để xem triệu chứng có cải thiện không.[7]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]