Chữa bệnh liệt dây thần kinh mặt Bell's Palsy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bell's Palsy là rối loạn dây thần kinh mặt, trong đó dây thần kinh kiểm soát cơ một bên mặt bị tổn thương, dẫn đến yếu hoặc tê liệt khiến bên mặt bị ảnh hưởng xệ xuống. Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh Bell’s Palsy chưa được xác định (có thể là do một loại vi-rút) nên chưa có cách phòng ngừa hay chữa khỏi. Rất may mắn là bệnh Bell's Palsy thường thuyên giảm trong vòng vài tuần hoặc vài tháng và có nhiều cách giúp bạn hỗ trợ quá trình hồi phục.[1][2] Bác sĩ có thể kê thuốc kê đơn và bạn nên tuân thủ các phương pháp chăm sóc tại nhà để tăng thời gian hồi phục. Ngoài ra, có nhiều phương pháp thay thế dù không chữa khỏi bệnh nhưng có thể giúp giảm triệu chứng.

Các bước[sửa]

Dùng thuốc[sửa]

  1. Đi khám bác sĩ ngay. Bệnh Bell’s Palsy được điều trị dễ dàng nếu bạn chú ý. Nếu cảm thấy bất thường ở một bên mặt hoặc không thể kiểm soát cơ mặt, bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể xác định đó có phải bệnh liệt dây thần kinh mặt Bell’s Palsy hay do vấn đề khác. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị phù hợp. Dấu hiệu cho thấy có thể bạn mắc bệnh Bell’s Palsy bao gồm:[2] [3]
    • Khó nhắm hoặc nháy một bên hoặc hai bên mắt
    • Khó kiểm soát biểu hiện trên mặt
    • Co giật
    • Sụp mí mắt
    • Chảy nước miếng
    • Vấn đề về vị giác
    • Khô mắt hoặc khô miệng
    • Chảy nhiều nước mắt
  2. Uống Prednisone. Loại thuốc corticosteroid này là thuốc kháng viêm mà bác sĩ có thể kê đơn cho bạn.[3][4] Bác sĩ sẽ kê đơn uống trong 1 tuần, sau đó giảm liều uống trong tuần tiếp theo.[5]
    • Là thuốc kháng viêm nên Prednisone có thể giúp giảm sưng dây thần kinh mặt do bệnh Bell's Palsy. Thuốc cũng giúp giảm đau do căng cơ.[2]
    • Trước khi uống Prednisone, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng tương tác thuốc, đặc biệt là nếu đang uống thuốc ngừa thai, thuốc chống đông máu, hoặc đang mắc bệnh lý như tiểu đường, HIV, bệnh tim mạch, hoặc đang mang thai và cho con bú.
  3. Uống thuốc kháng vi-rút. Acyclovir là thuốc kháng vi-rút được dùng chống lại vi-rút Herpes Simplex (gây lở miệng) và cũng có thể giúp điều trị bệnh Bell’s Palsy.[2][6] Chỉ dùng thuốc Acyclovir thì chưa đảm bảo hiệu quả nên thuốc thường được kê đơn cùng Prednisone để điều trị tình trạng rối loạn này.[7][6]
    • Sự kết hợp của Acyclovir và Prednisone trong điều trị cho thấy Bell's Palsy có thể là do vi-rút Herpes Simplex gây ra.[8]
  4. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Bệnh Bell’s Palsy có thể gây đau đi kèm mất kiểm soát cơ mặt và các triệu chứng khác. Uống thuốc giảm đau không kê đơn như Aspirin, Acetaminophen hoặc Ibuprofen có thể giúp giảm cảm giác khó chịu.[2][9]
    • Để phòng tránh tương tác thuốc gây hại, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc dùng thuốc không kê đơn nếu đang uống bất kỳ thuốc kê đơn nào.

Chăm sóc tại nhà[sửa]

  1. Bảo vệ mắt. Vì bệnh Bell's Palsy có thể khiến bạn khó khép mí mắt lại nên bên mắt bị ảnh hưởng có thể trở nên khô và kích ứng. Để giữ ẩm cho mắt, bạn nên dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ và đeo miếng che mắt.[2][3] Đeo mắt kính hoặc kính bảo hộ vào ban ngày và miếng che mắt vào ban đêm có thể giúp ngăn các mảnh vụn gây kích ứng xâm nhập vào trong mắt.[9]
    • Hạn chế sử dụng máy vi tính khi đang mắc bệnh vì dùng máy vi tính quá nhiều có thể gây khô mắt.[7]
  2. Chườm ẩm. Nhúng khăn mềm vào nước ấm rồi vắt bớt nước. Chườm khăn lên vùng mặt bị ảnh hưởng khoảng vài phút. Chườm nhiều lần mỗi ngày để giảm đau do bệnh Bell’s Palsy.[10][11]
  3. Bổ sung vitamin. Một số vitamin và khoáng chất (bao gồm vitamin B12, B6 và kẽm) có thể kích thích sự phát triển của dây thần kinh. Các vitamin và khoáng chất này giúp giảm triệu chứng bệnh Bell’s Palsy vì triệu chứng xuất hiện do tổn thương dây thần kinh.[9][7]
    • Nguồn bổ sung vitamin B6 tuyệt vời gồm có quả bơ, chuối, các loại đậu, thịt, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.[12]
    • Nguồn bổ sung vitamin B12 tuyệt vời gồm có gan bò, hải sản có vỏ, thịt, trứng, sữa và ngũ cốc tăng cường.[13]
    • Nguồn bổ sung kẽm tuyệt vời gồm có thịt giàu protein như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gà đen; các loại đậu, hạt và ngũ cốc nguyên hạt.[14]
    • Ngoài ra, bạn có thể hỏi bác sĩ về việc uống thực phẩm chức năng để đảm bảo bổ sung đủ vitamin B12, B6 và kẽm.
  4. Kiên nhẫn. Thời gian hồi phục tùy thuộc vào mức độ tổn thương dây thần kinh và liệu bạn có đang điều trị nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh Bell's Palsy không. Mặc dù thời gian phục hồi của từng người là khác nhau nhưng triệu chứng thường cải thiện sau 2 tuần (kết hợp hoặc không kết hợp điều trị). Mặc dù vậy, sẽ mất khoảng 3-6 tháng thì cơ thể mới hồi phục hoàn toàn.[15]
    • Triệu chứng bệnh Bell's Palsy có thể tái phát, ngay cả khi đã hồi phục hoàn toàn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Thử phương pháp điều trị thay thế[sửa]

  1. Thử phương pháp phản hồi sinh học. Đây là quá trình học hỏi để tập luyện khả năng hiểu và kiểm soát cơ thể cho trí não. Phương pháp này giúp hồi phục chức năng cơ mặt bằng cách tạo điều kiện cho bạn suy nghĩ có ý thức về việc kiểm soát cơ mặt và nhận thức được cảm giác ở khu vực bị ảnh hưởng. [9][7] Kỹ thuật phản hồi sinh học cụ thể sẽ khác nhau tùy trường hợp nên bạn có thể yêu cầu khác sĩ đề xuất một chương trình phù hợp.
  2. Tiếp nhận vật lý trị liệu. Tập luyện cơ mặt thông qua nhiều bài vật lý trị liệu có thể giúp hồi phục chức năng cơ mặt. Các bài tập này còn giúp giảm một số triệu chứng của bệnh Bell’s Palsy, bao gồm đau.[9][2] Bạn nên hỏi bác sĩ để được giới thiệu đến gặp nhà trị liệu vật lý có kinh nghiệm điều trị bệnh Bell’s Palsy.
  3. Mát-xa mặt.[2] Tương tự như vật lý trị liệu, mát-xa mặt có thể giúp khôi phục chức năng của khu vực bị ảnh hưởng và xoa dịu cảm giác bất tiện do bệnh Bell’s Palsy. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến gặp chuyên gia mát-xa có kinh nghiệm điều trị bệnh Bell’s Palsy bằng phương pháp mát-xa mặt.
  4. Thử châm cứu.[2] Kỹ thuật này là quy trình châm kim mỏng vào một số huyệt cụ thể trên da. Châm cứu kích thích dây thần kinh vào cơ, giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh Bell’s Palsy.[9][7] Bạn có thể yêu cầu bác sĩ giới thiệu đến gặp chuyên gia châm cứu được cấp phép hành nghề trong khu vực.
  5. Cân nhắc phương pháp kích điện.[7] Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị phương pháp kích điện để khôi phục chức năng cơ mặt và/hoặc kích thích sự phát triển của dây thần kinh giúp hỗ trợ quá trình hồi phục. Phương pháp này phải được tiến hành bởi chuyên gia y tế đã qua đào tạo và chỉ khi bác sĩ xác định có mang đến lợi ích.
  6. Thử phương pháp thư giãn. Thiền, Yoga và bài tập thở có thể giúp giảm căng và đau cơ. Mặc dù không chắc chắn chữa khỏi nhưng phương pháp thư giãn có thể giúp giảm cảm giác khó chịu nói chung do bệnh Bell’s Palsy.[9][7]
    • Bệnh Bell’s Palsy có thể gây căng thẳng và khó chịu trong người. Phương pháp thư giãn có thể dùng để giảm căng thẳng về mặt tinh thần. [16]

Lời khuyên[sửa]

  • Bệnh Bell’s Palsy xảy ra khi cơ mặt bị chèn ép. Nguyên nhân chính xác chưa được xác định nhưng bệnh có thể là do một loại vi-rút như Meningitis hoặc Herpes Simplex. Bệnh Bell’s Palsy cũng liên quan đến các bệnh khác như cảm cúm, tiểu đường và bệnh Lyme. [2]
  • Bệnh Bell's Palsy không giống bệnh liệt mặt do tai biến mạch máu não.
  • Bệnh Bell's Palsy không ảnh hưởng đến dây thần kinh kiểm soát chuyển động của mắt.

Cảnh báo[sửa]

  • Phương án phẫu thuật hiếm khi được khuyến nghị trong trường hợp bệnh Bell’s Palsy và chỉ dùng để điều trị tổn thương nghiêm trọng. [2][3] Phẫu thuật giải phẫu giúp giảm áp lực trên dây thần kinh mặt bằng cách mở đường xương mà dây thần kinh đi qua. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây chấn thương thần kinh, mất thính lực và các tổn thương khác nên không được khuyến nghị. [9]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]