Chữa lành xương gãy

Từ VLOS
(đổi hướng từ Chữa lành Xương Gãy)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rạn hay gãy xương là chấn thương phổ biến ở Hoa Kỳ và mọi nơi trên thế giới. Thật ra ở các nước phát triển trung bình một người có nguy cơ gãy xương hai lần trong suốt cuộc đời.[1] Có xấp xỉ 7 triệu ca gãy xương được báo cáo mỗi năm ở Hoa Kỳ, phổ biến nhất là ở cổ tay và xương hông.[1] Đa số các trường hợp gãy xương đều phải bó bột, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc khác bạn có thể làm để hỗ trợ quá trình lành.

Các bước[sửa]

Đi tới Bệnh viện[sửa]

  1. Gặp bác sĩ ngay lập tức. Nếu bạn cảm thấy rất đau sau khi bị chấn thương mạnh (ngã hay gặp tai nạn xe ôtô) - đặc biệt khi nghe thấy tiếng rắc hay bị sưng - khi đó bạn cần tới bệnh viện hay phòng khám gần chỗ tai nạn để được kiểm tra y khoa. Nếu tổn thương xảy ra ở chỗ xương chịu khối lượng cơ thể như chân hay xương chậu thì bạn không được tạo áp lực đè lên nó. Thay vào đó bạn phải nhờ người khác chở tới bệnh viện, hoặc gọi điện cho xe cứu thương tới đón bạn đi.
    • Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của gãy xương bao gồm: đau dữ dội, xương hay khớp xương biến dạng thấy rõ, buồn nôn, khả năng vận động hạn chế, tê hay ngứa, sưng và bầm tím.[2]
    • X-quang, chụp hình xương, MRI và CT là các công cụ giúp bác sĩ chẩn đoán xương gãy và độ nặng, những chỗ rạn nhỏ có thể không xuất hiện trên hình chụp x-quang cho đến khi chỗ sưng dịu đi (khoảng một tuần sau). X-quang là phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán xương gãy nặng.
    • Nếu chỗ gãy phức tạp, nghĩa là gãy thành nhiều mảnh, da chèn vào xương và/hay các mảnh xương hoàn toàn lệch nhau, khi đó họ phải tiến hành phẫu thuật.[3]
  2. Bó bột hay nẹp. Trước khi bó bột đôi khi bạn cần phải xếp lại xương về hình dạng ban đầu. Nhiều trường hợp bác sĩ phải dùng kỹ thuật "nắn xương", tức là kéo hai đầu của xương để tạo ra lực bám dính và dùng tay sắp xếp các mảnh xương lại.[4] Nếu chỗ gãy phức tạp hơn thì buộc phải phẫu thuật và thông thường phải dùng thanh kim loại, kẹp hay các dụng cụ khác để nẹp định hình.
    • Bó bột cố định bằng vữa thạch cao hay sợi thủy tinh là cách chữa trị xương gãy phổ biến nhất.[4] Hầu hết các chỗ gãy sẽ lành nhanh hơn nếu được sắp xếp về đúng vị trí, ép và cố định. Ban đầu bác sĩ dùng nẹp làm bằng sợi thủy tinh bó bên ngoài, tương tự như bó bột một phần. Sau 3-7 ngày khi sưng đã gần như hết hoàn toàn họ sẽ bó bột toàn phần.
    • Khuôn bó được làm bằng lớp đệm mềm và bao cứng bên ngoài (như bột bó Paris hay phổ biến hơn là sợi thủy tinh). Bạn phải mang khuôn bó từ 4-12 tuần, tùy vào gãy xương nào và mức độ gãy.[5]
    • Thay vào đó, bạn có thể dùng cách bó chức năng (như mang giày ống bằng nhựa) hoặc dùng dụng cụ nâng đỡ thay cho bó cứng - tùy vào kiểu gãy và vị trí gãy.
  3. Uống thuốc. Các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen, naproxen hay aspirin là cách điều trị tạm thời để giảm đau hay viêm do xương gãy gây ra.[6] Bạn nên nhớ các thuốc này buộc dạ dày, thận và gan phải làm việc nhọc hơn nên tốt nhất không được sử dụng nhiều hơn 2 tuần liên tục.
    • Trẻ em dưới 18 tuổi không bao giờ được uống aspirin vì nó có liên quan tới hội chứng Reye.
    • Bạn nên uống các thuốc giảm đau khác thay cho aspirin như acetaminophen (Tylenol), nhưng không uống cùng với thuốc NSAID trước khi hỏi ý kiến bác sĩ.
    • Nếu quá đau bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc kê toa mạnh hơn khi còn nằm viện.

Chăm sóc Xương Gãy tại Nhà[sửa]

  1. Không vận động chỗ chấn thương và chườm nước đá. Sau khi ra viện, bác sĩ sẽ dặn bạn nâng cao chỗ gãy và chườm nước đá bất kể khi đó vẫn còn bó bột hay nẹp, mục đích để giảm sưng và viêm.[7] Tùy vào công việc của bạn và vị trí gãy, bạn thường phải nghỉ việc ít lâu để hồi phục, ngoài ra có thể phải đi nạng hay chống gậy.
    • Nằm nghỉ hoàn toàn trên giường đối với các chỗ gãy đã cố định không phải là ý tưởng hay, vì bạn luôn cần chuyển động chút ít (ngay cả ở các khớp xương xung quanh) để thúc đẩy tuần hoàn máu cho vết thương mau lành.
    • Trong vài ngày đầu bạn nên chườm nước đá 15-20 phút sau mỗi 2-3 giờ, sau đó giảm dần tần suất khi đau và sưng giảm, nhớ là không bao giờ chườm trực tiếp đá vào da mà phải bọc trong chiếc khăn tắm.
  2. Tạo ít sức nặng lên chỗ gãy. Bên cạnh việc chuyển động nhẹ ở các khớp xương quanh chỗ gãy, bạn nên tạo ít sức nặng lên nó sau khoảng một tuần, đặc biệt khi gãy ở chỗ xương chịu tải trọng như xương chân hay xương chậu. Bạn nhớ hỏi bác sĩ khi nào có thể tác động sức đè lên xương gãy. Thiếu vận động hoặc bất động hoàn toàn sẽ kéo dài thời gian lành vết thương, từ đó làm mất chất khoáng trong xương, ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi sức mạnh của xương.[8] Nếu bạn chuyển động và tạo sức nặng đè lên xương thì dường như chất khoáng tập trung về xương nhiều hơn, giúp xương cứng hơn và giảm rủi ro gãy trong tương lai.
    • Quá trình xương gãy lành có ba giai đoạn: giai đoạn đầu còn gọi là pha viêm (máu tụ hình thành giữa hai đầu của chỗ gãy), giai đoạn tạo can xương (tế bào biệt hóa hình thành can xương bắc qua chỗ gãy), và giai đoạn phục hồi hình thể (xương mới sinh ra và từ từ tái tạo lại hình dạng ban đầu).[7]
    • Thời gian để xương gãy lành là từ nhiều tuần tới nhiều tháng, tùy vào độ nặng chỗ gãy và sức khỏe của bạn. Nhưng cảm giác đau sẽ hết trước khi chỗ gãy đủ ổn định để tham gia vào hoạt động bình thường.
  3. Chăm sóc chỗ bó bột. Không làm ướt bột bó dù là thạch cao hay sợi thủy tinh vì nó sẽ mềm ra và không thể giữ cố định xương gãy.[5] Nếu cần bạn nên dùng túi nhựa bọc quanh chỗ bó khi tắm. Nếu bạn đang mang giày ống ép bằng nhựa (thường dùng cho chỗ gãy ở bàn chân), thì nhớ phải tạo lực ép phù hợp.
    • Nếu bó bột làm da ngứa thì bạn cũng không được gãi bất kì chỗ nào bên dưới vì có thể làm xước da dẫn tới nhiễm trùng. Tới bệnh viện kiểm tra lại nếu bột bó bị ướt, nứt, có mùi hôi hay dịch tiết chảy ra ngoài.
    • Vận động khớp xương không bị bó (khủy tay, đầu gối, ngón tay, ngón chân) để kích thích tuần hoàn máu, vì máu mang ôxi và chất dinh dưỡng tới các mô tế bào.
  4. Tiêu thụ các chất dinh dưỡng cần thiết. Xương cũng như tất cả các mô khác trong cơ thể, chúng cần chất dinh dưỡng cho quá trình lành bệnh. Chế độ ăn giàu khoáng chất và vitamin có thể hỗ trợ xương lành mau hơn.[9] Bạn nên tập trung ăn nông sản tươi, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, uống nhiều nước lọc và sữa.
    • Các khoáng chất như canxi và magiê rất quan trọng cho xương, nguồn thực phẩm chứa nhiều các chất này bao gồm: sản phẩm làm từ sữa, đậu hũ, đậu, bông cải xanh, hạt, cá mòi, cá hồi.
    • Tránh tiêu thụ các thực phẩm làm cản trở quá trình lành như rượu bia, nước uống có ga, thức ăn nhanh và thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện.
  5. Cân nhắc uống thực phẩm chức năng. Tốt nhất vẫn là cân đối chế độ ăn để hấp thu đủ chất dinh dưỡng cần thiết, nhưng khi xương gãy bạn cần rất nhiều những khoáng chất quan trọng cho xương, do đó bạn nên uống thực phẩm chức năng để không phải ăn nhiều hơn. Vì nếu cung cấp nhiều calo mà ít vận động sẽ dẫn tới tăng cân, hoàn toàn không phải là kết quả tốt sau khi xương lành.
    • Canxi, phốt pho và magiê là các khoáng chất cơ bản của xương, vì vậy bạn nên tìm uống các viên bổ sung chứa ba chất này. Ví dụ, người lớn cần khoảng 1.000-1.200 mg canxi mỗi ngày (tùy vào độ tuổi và giới tính), nhưng bạn cần nhiều hơn chút ít cho chỗ gãy, tốt nhất nên nhờ bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.[10]
    • Các khoáng vi lượng quan trọng có thể cân nhắc bổ sung là: kẽm, sắt, bo, đồng và silic.
    • Các vitamin cần bổ sung là D và K. Vitamin D cực kỳ quan trọng để hấp thu khoáng chất từ ruột vào máu, ngoài ra da cũng sản xuất ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng chói vào mùa hè.[11] Vitamin K liên kết canxi với xương và kích thích hình thành collagen là chất hỗ trợ lành xương.

Luyện tập Phục hồi Chức năng[sửa]

  1. Tập vật lý trị liệu. Sau khi tháo bó bột bạn sẽ nhận thấy cơ xung quanh chỗ gãy nhăn nheo và yếu ớt. Nếu đúng là vậy bạn cần phải có phương pháp luyện tập phục hồi chức năng. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ chỉ cho bạn một số động tác kéo giãn và vận động giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp tại chỗ chấn thương.[12] Bạn thường phải tập vật lý trị liệu 2-3 lần mỗi tuần và tập từ 4-8 tuần để thu được kết quả tích cực trên khu vực có xương gãy mới lành. Họ có thể chỉ cho bạn cách tập tại nhà mà không cần phải tới lui phòng khám nhiều lần.
    • Nếu cần chuyên viên vật lý trị liệu có thể kích thích co rút và tăng săn chắc cho cơ bắp bằng điện xung trị liệu, tức là kích thích cơ bằng điện.
    • Cho dù đã tháo bó bột và dụng cụ nâng đỡ bạn vẫn phải hạn chế hoạt động cho tới khi xương đủ đặc chắc cho hoạt động bình thường.
  2. Khám bệnh với thầy thuốc chuyên về xương khớp. Chuyên gia xương khớp là những người rất am hiểu về cơ và khung xương, họ tập trung phục hồi chức năng vận động bình thường cho khớp xương, xương và cơ.[13] Nắn hay điều chỉnh khớp là phương pháp giải nén hay định vị lại các khớp xương bị trật hoặc đông cứng do va chạm dẫn tới gãy xương trước đó. Khớp xương khỏe mạnh cho phép xương di chuyển và lành mau hơn.
    • Khi nắn khớp bạn hay nghe thấy tiếng "bốp", hoàn toàn không liên quan tới âm thanh khi gãy xương.
    • Dù đôi khi chỉ cần nắn một lần cũng có thể phục hồi hoàn toàn khả năng vận động của khớp, nhưng hầu hết các trường hợp đều phải trải qua 3-5 lần nắn để thấy được kết quả đáng kể.
  3. Thử châm cứu. Châm cứu nghĩa là đâm kim mảnh vào các huyệt cụ thể trong da hoặc cơ để giảm đau và viêm (có ích cho giai đoạn cấp tính của gãy xương) và có khả năng thúc đẩy vết gãy lành nhanh hơn.[14] Châm cứu không phải là cách điều trị khuyến nghị cho điều trị xương gãy, mà chỉ nên xem là lựa chọn thứ hai. Tuy nhiên có thông tin chưa rõ nguồn gốc cho rằng nó có thể kích thích quá trình lành đối với các trường hợp chấn thương cơ xương. Nói chung cũng đáng để thử nếu bạn có đủ ngân sách.
    • Dựa theo nguyên tắc của y học cổ truyền Trung Quốc, châm cứu giúp giảm đau và viêm nhờ tiết ra một số chất như endorphin và serotonin.
    • Người ta còn khẳng định châm cứu kích thích lưu thông dòng năng lượng còn được gọi là khí khuyết, là chìa khóa giúp vết thương mau lành hơn.
    • Châm cứu được nhiều chuyên gia về sức khỏe vận dụng, bao gồm bác sĩ, chuyên viên xương khớp, nhà trị liệu tự nhiên, chuyên viên vật lý trị liệu, chuyên viên trị liệu bằng mát xa, nhưng bất kì ai bạn chọn cũng phải có chứng chỉ của Ủy ban Chứng nhận Quốc gia Châm cứu Đông y (NCCAOM).

Lời khuyên[sửa]

  • Luôn tái khám đúng hẹn để đảm bảo xương đang tiến triển tốt, và cho bác sĩ biết về những lo ngại của bạn trong quá trình chờ xương lành.
  • Không hút thuốc vì người ta đã chứng minh rằng người hút thuốc khó lành xương gãy hơn.[15]
  • Bệnh loãng xương (xương giòn) tăng rủi ro gãy xương đáng kể ở tay, chân, xương chậu và xương sống.[16]
  • Giảm các động tác lập đi lập lại vì nó gây mỏi cơ và tạo áp lực lên xương nhiều hơn, dẫn tới gãy xương vì sức nén.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây