Chữa lành khu vực lấy sinh thiết da

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sinh thiết da là một thủ thuật y khoa bao gồm các bước lấy mẫu nhỏ mô da, xử lý mẫu cho xét nghiệm và kiểm tra dưới kính hiển vi, nhằm xác định một số vấn đề hay bệnh về da như ung thư da và viêm da tiết bã nhờn.[1] Có nhiều phương pháp lấy mô làm xét nghiệm sinh thiết da, tùy vào kích thước và vị trí chỗ da nghi ngờ nhiễm bệnh, và sau khi lấy sinh thiết xong có thể phải khâu lại. Cho dù chỗ lấy sinh thiết lớn hay nhỏ và có phải khâu lại hay không, bạn có thể chữa lành vết thương này bằng phương pháp y khoa hoặc cách điều trị tại nhà.

Các bước[sửa]

Chăm sóc Vị trí lấy Sinh thiết sau Thủ thuật[sửa]

  1. Xác định loại sinh thiết da. Bác sĩ có thể dùng nhiều phương pháp khác nhau để lấy mẫu da làm sinh thiết, nếu xác định được cách lấy sinh thiết bạn sẽ dễ dàng điều trị vết thương hơn.
    • Sinh thiết cạo dùng một dụng cụ trông giống như dao cạo để lấy lớp ngoài của da, hoặc lớp biểu bì và một phần chân bì.[2] Phương pháp cạo không yêu cầu phải khâu da.[3]
    • Sinh thiết khoan lấy một phần nhỏ và sâu hơn vào da so với sinh thiết cạo.[2] Nếu lấy sinh thiết khoan trên khoảnh lớn thì cần phải khâu da.[4]
    • Sinh thiết cắt lấy một mảng lớn của chỗ da bất thường bằng dao phẫu thuật.[2] Với phương pháp này thì thường phải khâu làm kín chỗ cắt trên da.[5]
  2. Dùng băng che vết thương. Tùy vào kích thước chỗ lấy sinh thiết và nếu máu tiếp tục chảy thì bác sĩ phải hướng dẫn bạn băng kín vết thương trong một ngày hoặc lâu hơn. Băng có tác dụng bảo vệ vết thương và thấm máu chảy ra.[6]
    • Nếu chỗ lấy sinh thiết chảy máu thì bạn ép nhẹ miếng băng mới vào, còn nếu máu chảy nhiều hoặc chảy hoài không dứt thì bạn phải liên hệ với bác sĩ.[6]
  3. Không tháo băng vết thương trong một ngày sau khi làm sinh thiết. Sau khi thực hiện thủ thuật bạn phải để nguyên chiếc băng bác sĩ đã dùng trong ngày hôm đó và giữ toàn bộ khu vực này khô ráo. Như vậy vết thương dễ lành hơn và tránh không cho vi khuẩn xâm nhập.[7]
    • Nhớ giữ khu vực đó khô ráo vào ngày đầu tiên sau khi lấy sinh thiết. Bạn có thể tắm và vệ sinh vết thương vào ngày hôm sau.[7]
  4. Thay băng mỗi ngày. Bạn nên thay băng bảo vệ vết thương hằng ngày để giữ khô ráo, sạch sẽ và ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc tạo sẹo xấu.[7]
    • Nhớ dùng loại băng tạo thông thoáng cho chỗ lấy sinh thiết. Sử dụng loại băng tạo điều kiện cho không khí lưu chuyển sẽ giúp vết thương mau lành hơn, và nhớ chỉ để phần không dính của băng chạm vào vết thương.[8]
    • Bạn có thể mua băng ở hầu hết các tiệm thuốc. Nhiều khi bác sĩ còn đắp thêm gạc lên trên vết thương.
    • Thời gian trung bình cần phải băng là 5-6 ngày nhưng có trường hợp kéo dài tới hai tuần.[7]
    • Tiếp tục thay băng mỗi ngày cho đến khi bạn thấy không còn vết thương hở, hoặc khi bác sĩ hướng dẫn ngừng băng.[7]
    • Tùy vào cách lấy sinh thiết bác sĩ có thể hướng dẫn bạn dừng băng vết thương sau ngày đầu tiên hoặc trong thời gian lâu hơn.[6] Nếu phải khâu thì thời gian băng sẽ lâu hơn.
  5. Rửa sạch tay trước khi đụng vào chỗ lấy sinh thiết. Bất kì khi nào cần đụng tay vào vết thương hay khi thay băng bạn phải rửa sạch tay hoàn toàn bằng nước và xà phòng để tránh lây lan vi khuẩn làm nhiễm trùng vết cắt.[6]
    • Bạn không cần phải mua loại xà phòng đặc biệt, xà phòng bình thường cũng đủ vô trùng cho tay.[9]
    • Nhớ chà tay trong nước ấm ít nhất hai mươi giây.[9]
  6. Giữ vệ sinh chỗ da lấy sinh thiết. Điều quan trọng là phải giữ vệ sinh vết thương trong thời gian lành. Dùng nước rửa mỗi ngày có thể ngăn không cho vi khuẩn sinh sôi ở khu vực đó.[6]
    • Bạn không cần phải rửa bằng bất kì loại xà phòng đặc biệt nào. Xà phòng thường và nước cũng giúp vô trùng hiệu quả cho toàn vết thương.[9] Nếu vị trí lấy sinh thiết ở trên đầu thì bạn dùng xà phòng gội đầu để rửa.[6]
    • Nhớ dùng nước ấm rửa lại thật sạch để loại bỏ xà phòng dư thừa và tránh làm kích ứng da nhạy cảm.[6]
    • Nếu bạn thấy vết thương lành tốt và không nhiễm trùng thì chỉ cần thay băng và vệ sinh mỗi ngày cũng đủ để đảm bảo vết thương sạch sẽ.[7] Bác sĩ có thể khuyên bạn rửa bằng một dung dịch khác như hiđrô peroxid, bạn hãy làm theo lời họ dặn nhưng không được sử dụng bất kì thứ gì lên vết thương mà không kiểm tra trước.
  7. Thoa thuốc kháng sinh dạng kem hoặc sáp nguyên chất chưng cất từ dầu hỏa. Sau khi vệ sinh vết thương xong, bạn thoa thuốc kháng sinh hoặc sáp nguyên chất chưng cất từ dầu hỏa nếu được bác sĩ chỉ định. Thuốc mỡ giúp giữ ẩm cho vết thương và giảm hình thành vảy, hỗ trợ quá trình lành. Sau đó bạn có thể băng lại.[6]
    • Dùng tăm bông hay ngón tay sạch để bôi thuốc.
  8. Tránh hoạt động gắng sức trong vài ngày. Trong vài ngày đầu tiên sau khi lấy sinh thiết bạn phải tránh các hoạt động gắng sức như nâng nặng hay bất kì việc gì làm bạn đổ nhiều mồ hôi. Những hoạt động đó không chỉ gây chảy máu và làm sẹo phát triển lớn hơn, mà còn làm kích ứng da nhạy cảm. Bạn cũng không được hoạt động mạnh trong toàn thời gian vết thương còn chỉ khâu.[6]
    • Nếu được bạn nên tránh va chạm vào chỗ lấy sinh thiết hay làm những việc kéo căng da, để ngăn ngừa chảy máu và dẫn tới tạo sẹo lớn hơn.[6]
  9. Uống thuốc giảm đau. Đau nhẹ hoặc đau khi sờ tại chỗ làm sinh thiết trong vài ngày đầu tiên sau thủ thuật là hiện tượng bình thường. Sử dụng thuốc giảm đau không kê toa để trị đau và sưng.
    • Bạn có thể uống thuốc giảm đau không theo chỉ định của bác sĩ như ibuprofen hay acetaminophen. Ibuprofen còn giúp trị sưng do việc lấy sinh thiết gây ra.
  10. Để bác sĩ tháo chỉ khâu. Nếu cần phải khâu chỗ lấy sinh thiết thì bạn phải hẹn bác sĩ ngày tới cắt chỉ khâu. Bạn phải để yên chỉ khâu trong khoảng thời gian bác sĩ yêu cầu để không ảnh hưởng đến quá trình lành, và không để lại sẹo lớn.
    • Chỗ khâu ngứa là hiện tượng bình thường, nếu vậy bạn có thể thoa một lớp thuốc kháng sinh hay sáp nguyên chất từ dầu hỏa để giảm ngứa và ngăn ngừa nhiễm trùng.[10]
    • Nếu quá ngứa thì bạn nên đắp khăn ướt mát lên trên khu vực đó để bớt ngứa.
  11. Gặp bác sĩ nếu có vấn đề. Nếu có hiện tượng chảy máu nhiều, ra mủ, hay các triệu chứng nhiễm trùng như ửng đỏ, ấm, sưng hoặc sốt xung quanh chỗ lấy sinh thiết thì bạn cần tới gặp bác sĩ ngay. Bạn cần chắc chắn không để vết thương nhiễm trùng và gây ra biến chứng nguy hiểm.[7]
    • Nếu vết thương chỉ chảy ít máu hoặc ra dịch hồng vài ngày sau đó thì không sao. Vậy thế nào là chảy máu nhiều? Đó là khi máu ra ướt sũng cả chiếc băng.[7]
    • Thông thường phải sau nhiều tuần chỗ lấy sinh thiết mới lành, nhưng tối đa là hai tháng.[6]

Chăm sóc vết Sẹo tại chỗ lấy Sinh thiết[sửa]

  1. Tất cả vết thương sau khi lấy sinh thiết đều tạo sẹo. Tùy vào kích thước chỗ làm sinh thiết mà có thể để lại sẹo lớn hay nhỏ chỉ bạn mới thấy được. Chăm sóc vết thương và vùng da xung quanh để đảm bảo sẹo lành càng nhỏ càng tốt.[6]
    • Sẹo sẽ từ từ mờ đi và sự khác biệt màu sắc cũng chỉ nhận thấy được trong một hoặc hai năm sau khi thực hiện thủ thuật.[6]
  2. Không cạy da hay vết thương. Da ở chỗ sinh thiết có thể tạo thành vảy hay đơn thuần lành thành sẹo. Dù thế nào bạn cũng không được cạy vảy hay da để tránh ảnh hưởng xấu đến quá trình lành và không tạo sẹo lớn.[7]
    • Cạy vào da hay vết thương có thể vô tình đưa vi khuẩn vào đó và gây nhiễm trùng.[6]
  3. Luôn giữ da ẩm. Trong thời gian chờ lành bạn nhớ giữ ẩm khu vực đó bằng thuốc mỡ hoặc thuốc kháng sinh dạng kem. Các chất này giúp da lành tốt hơn và không tạo sẹo lớn.
    • Cách tốt nhất để giữ ẩm da là thoa lớp thuốc mỡ mỏng như sáp nguyên chất từ dầu hỏa hay Aquaphor vào vết thương từ 4-5 lần mỗi ngày.
    • Nếu cần bạn có thể thoa tới 10 ngày hoặc lâu hơn.
    • Nếu còn quấn băng thì bạn nên thoa thuốc mỡ lên trước.
    • Sáp nguyên chất từ dầu hỏa hay các loại thuốc mỡ khác có bán ở hầu hết mọi tiệm thuốc.
  4. Thoa gel silicôn giúp lành sẹo. Nghiên cứu gần đây cho thấy thoa một lớp mỏng gel silicôn có thể giúp lành sẹo.[11] Nếu bạn thuộc típ người dễ tạo sẹo đầy hay sẹo phình to thì nên cân nhắc nhờ bác sĩ kê gel silicôn để làm lành sẹo hay đề phòng tạo sẹo.
    • Sẹo đầy có dạng cục u nhô lên và ửng đỏ, xuất hiện ở chỗ làm sinh thiết hay vết thương khác.[12] Chúng xuất hiện trên gần 10% dân số.[12]
    • Sẹo phình to giống sẹo đầy nhưng phổ biến hơn và mờ dần theo thời gian.[12]
    • Bác sĩ có thể trị sẹo đầy và sẹo phình to bằng cách tiêm steroid.
    • Gel silicôn giữ ẩm cho da, tạo thông thoáng và ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn và collagen, do đó tác động đến kích thước sẹo.[11]
    • Trẻ em và những người có da nhạy cảm có thể dùng miếng dán gel silicôn mà không có vấn đề gì.[13]
    • Hầu hết bệnh nhân có thể dùng gel silicôn trong vòng vài ngày sau khi vết thương khép kín. Nếu được bác sĩ kê gel silicôn bạn nên thoa một lớp mỏng hai lần mỗi ngày.[11]
  5. Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc sử dụng kem chống nắng trên sẹo vì da chỗ sẹo rất nhạy cảm. Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc thoa kem chống nắng giúp sẹo không nóng và giảm thiểu chênh lệch màu sắc.[14]
    • Che kín vết thương hay sẹo để bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời.
    • Dùng kem chống nắng có chỉ số SPF cao có thể giúp bảo vệ sẹo hay chỗ lấy sinh thiết không nóng và ngăn ngừa đổi màu.[14]
  6. Nhờ bác sĩ tư vấn về việc mát xa sẹo. Trong nhiều trường hợp có thể bắt đầu mát xa sẹo sau khi làm sinh thiết khoảng 4 tuần. Mát xa làm sẹo lành mau hơn và bớt lồi ra, bạn nên nhờ bác sĩ hướng dẫn cách mát xa sẹo.
    • Mát xa cũng ngăn ngừa mô sẹo bám chặt vào cơ, gân hay các thành phần khác bên dưới da.[15]
    • Nói chung bạn nên mát xa chậm theo chuyển động vòng tròn quanh chỗ da có sẹo. Mát xa chắc tay nhưng không tạo lực kéo hay xé vào da, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần từ 5-10 phút.[15]
    • Có thể bác sĩ khuyên bạn dán băng keo trị liệu đàn hồi lên trên sẹo khi nó bắt đầu lành, chẳng hạn như loại Kinesio Tape. Chuyển động của băng keo ngăn không cho sẹo bám vào mô cơ bên dưới da.[16]

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu phải khâu tại chỗ làm sinh thiết thì bạn phải tránh bơi, tắm hay bất kì hoạt động nào phải nhúng hoàn toàn vết thương trong nước, cho đến khi tháo chỉ. Nước chảy qua vết thương như trong lúc tắm không gây ra vấn đề gì.[17]
  • Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn lo lắng về tình trạng của vết thương hoặc sẹo.

Cảnh báo[sửa]

  • Liên hệ với bác sĩ nếu chỗ lấy sinh thiết trở nên đỏ, sưng, đau, ấm khi sờ hoặc rỉ dịch lâu hơn 3-4 ngày sau khi thực hiện thủ thuật. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và cần phải uống kháng sinh.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Xà phòng có độ kiềm nhẹ, không chứa chất tạo hương thơm hay phẩm nhuộm
  • Băng hay gạc
  • Kháng sinh dạng kem nếu cần
  • Sáp nguyên chất từ dầu hỏa hay loại thuốc mỡ tương tự

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/in-depth/PRC-20014632
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/basics/definition/prc-20014632
  3. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/multimedia/shave-biopsy/img-20007312
  4. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/multimedia/punch-biopsy/img-20005764
  5. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/multimedia/excisional-biopsy/img-20005766
  6. 6,00 6,01 6,02 6,03 6,04 6,05 6,06 6,07 6,08 6,09 6,10 6,11 6,12 6,13 http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/basics/what-you-can-expect/prc-20014632
  7. 7,0 7,1 7,2 7,3 7,4 7,5 7,6 7,7 7,8 http://www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/cutaneous_nerve_lab/physicians/patient_instructions_biopsy_site_care.html
  8. http://www.mayoclinic.org/tests-procedures/skin-biopsy/basics/what-you-can-expect/prc-20014632
  9. 9,0 9,1 9,2 http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/adult-health/in-depth/hand-washing/art-20046253
  10. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-cuts/basics/art-20056711
  11. 11,0 11,1 11,2 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2918339/
  12. 12,0 12,1 12,2 http://www.aocd.org/?page=KeloidsAndHypertroph
  13. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2918339/
  14. 14,0 14,1 http://www.everydayhealth.com/skin-and-beauty/dos-and-donts-of-scar-prevention.aspx
  15. 15,0 15,1 http://www.rch.org.au/uploadedFiles/Main/Content/ot/InfoSheet_M.pdf
  16. http://www.medicinenet.com/kinesio_tape/article.htm
  17. http://www.nhs.uk/chq/Pages/2412.aspx?CategoryID=72

Liên kết đến đây