Chữa lành vết đứt nhanh chóng (Dùng vật liệu tự nhiên, dễ tìm)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Da là cơ quan lớn nhất trong cơ thể chúng ta. Khi da bị đứt, những phản ứng hóa sinh phức hợp nhanh chóng làm việc để chữa lành vết thương. Xử lý vết đứt bằng các vật liệu tự nhiên như chất khử trùng và chất làm dịu bằng thảo mộc có thể hỗ trợ quá trình chữa trị của cơ thể, giúp da mau lành và hạn chế sẹo. Bạn hãy tìm hiểu phương pháp rửa, băng và chữa lành vết đứt theo cách tự nhiên sau đây.

Các bước[sửa]

Rửa Vết Đứt[sửa]

  1. Rửa tay sạch. Bạn phải luôn rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi xử lý vết đứt. Việc này sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng.[1]
    • Rửa tay bằng nước ấm và lấy khăn lau khô.
    • Nếu vết đứt ở tay, bạn cố gắng đừng để xà phòng dính vào vết đứt vì nó có thể gây xót.[1]
  2. Rửa vết thương dưới vòi nước chảy. Đảm bảo rằng vết thương phải ngưng chảy máu. Để phần da bị đứt dưới vòi nước mát. Cho nước chảy nhẹ nhàng lên vết thương trong vài phút.[2] Phương pháp rửa vết thương này sẽ loại bỏ phần lớn chất bẩn có thể gây nhiễm trùng.
    • Rửa bằng cách tự nhiên là đủ để xử lý vết đứt nông có thể điều trị tại nhà.
    • Đối với những vết đứt nghiêm trọng, cần phải có chuyên viên y tế đưa ra giải pháp xử trí.
  3. Dùng một miếng bông gòn chấm lên vết đứt. Không dùng động tác “lau”, vì như vậy có thể khiến vết đứt rộng thêm. Kiểm tra những hạt sạn hoặc mảnh vụn có thể nằm lại trong da khi bạn rửa vết thương. Chú ý loại bỏ tất cả dị vật. Bạn có thể dùng nhíp đã khử trùng bằng cồn để gắp các mảnh vụn.[1]
    • Chấm vết thương với dụng cụ vô trùng như bông y tế. Nhẹ nhàng chấm vết thương từ trong ra ngoài để loại bỏ các mảnh vụn.
  4. Rửa lại với dung dịch muối. Sử dụng dung dịch muối nhẹ 0,9% (gọi là dung dịch “đẳng trương” vì có nồng độ muối như trong máu) để làm sạch và ngăn ngừa nhiễm trùng. Dùng dung dịch này mỗi lần cần rửa vết thương trong suốt quá trình điều trị.[3]
    • Hòa tan ½ thìa cà phê muối vào 240ml nước sôi. Để nguội và giội vào vết đứt, sau đó dùng một miếng bông nhẹ nhàng lau khô nước.[4]
    • Dùng dung dịch muối mới pha mỗi lần rửa. Nước muối thừa không dùng đến cần phải bỏ đi.[4] Vi khuẩn có thể phát triển trong dung dịch muối chỉ trong vòng 24 giờ.[3]
    • Đảm bảo giữ sạch vết đứt và khử trùng. Nếu vết đứt có vẻ đỏ hoặc sưng, bạn hãy đến gặp bác sĩ.
  5. Tránh dùng nước o-xy già và cồn i-ốt. Mặc dù o-xy già thường được khuyên dùng để xử lý vết thương, nhưng thực ra nó không tỏ ra có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn.[5] Thực ra, ô-xy già có thể làm chậm quá trình chữa lành tự nhiên và gây xót trên vết thương.[6] I- ốt cũng có thể gây kích ứng vết thương.[1]
    • Đảm bảo dùng nước máy sạch hoặc dung dịch muối để rửa vết thương.

Băng bó Vết Đứt[sửa]

  1. Thoa thuốc mỡ keo bạc. Bạc là một chất khử trùng tự nhiên. Bạn có thể tìm thuốc mỡ kháng khuẩn keo bạc ở hầu hết các hiệu thuốc.[7]
    • Thoa một lớp thuốc mỡ kháng khuẩn lên vết đứt, sau đó băng lại bằng băng keo cá nhân.
    • Thuốc mỡ kháng khuẩn không giúp chữa lành vết thương nhanh chóng. Tuy nhiên nó giúp bạn tránh nhiễm trùng và bảo vệ vết thương để thúc đẩy quá trình chữa lành tự nhiên của cơ thể.[1]
  2. Dùng chất khử trùng tự nhiên. Nhiều loại thảo mộc có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng. Một số loại thảo mộc có thể tương tác với những bệnh lý khác hoặc các loại thuốc kê toa khác, vì thế bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.
    • Cúc xu xi. Cúc xu xi có các thành phần kháng khuẩn đã được chứng minh là đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương.[8] Bôi thuốc mỡ có chứa 2 -5% cúc xu xi lên vết thương. Bạn cũng có thể pha chế một loại cồn theo tỷ lệ 1:5 trong cồn 90%.[9]
    • Tinh dầu trà. Tinh dầu trà là một chất kháng khuẩn và kháng nấm. Bạn có thể dùng một miếng bông sạch chấm vài giọt tinh dầu trà 100% lên vết đứt.[10]
    • Cúc tím. Cúc tím có các thành phần tốt cho việc chữa lành vết thương.[11] Thuốc mỡ hoặc kem có thành phần cúc tím có thể giúp chữa những vết đứt nhẹ.[12]
    • Oải hương. Oải hương là một chất kháng khuẩn tự nhiên,[13] nhưng bạn đừng bao giờ bôi lên vết thương mở hoặc vết đứt sâu. Bạn có thể trộn 1-2 giọt oải hương với 1 thìa canh dầu hạnh rồi thoa hỗn hợp này lên vết xước và vết đứt nhẹ.[14]
  3. Dùng lô hội bôi lên vết thương nhẹ. Bôi gel lô hội tinh khiết mỗi ngày vài lần lên vết đứt nếu vết đứt nông. Không dùng lô hội để xử lý những vết thương sâu, kể cả những vết thương do phẫu thuật vì nó có thể làm chậm quá trình làm lành vết thương nếu vào sâu trong cơ thể.[15]
    • Lô hội có thể giúp giảm viêm và làm ẩm vùng tổn thương.
    • Trong trường hợp hiếm gặp, một số người có thể dị ứng với lô hội. Nếu da bị đỏ hoặc bị kích ứng, bạn hãy ngừng bôi lô hội và đến gặp bác sĩ.
  4. Thử dùng mật ong. Hầu hết mật ong đều chứa các thành phần kháng khuẩn, đồng thời cũng giúp giữ ẩm và bảo vệ những vết đứt nhỏ khỏi các tác nhân vi khuẩn.[16] Bạn hãy tìm mật ong manuka, loại đã được chứng minh là một trong những loại mật ong hữu hiệu nhất trong việc điều trị vết thương.[17]
    • Thoa một lớp mỏng mật ong lên vết đứt sau khi đã rửa sạch. Băng lại bằng băng cá nhân. Thay băng thường xuyên.
    • Bạn cũng có thể thử dùng dầu dừa, trong đó cũng có những thành phần kháng khuẩn, kháng nấm và kháng virus.[18][19]
  5. Bảo vệ vết đứt. Băng vết đứt bằng băng cotton sạch và cố định bằng băng dính y tế sau khi đã băng.[20] Bảo vệ vết thương cho đến khi gần khỏi hẳn và lên da non.
    • Khi cần thay băng, bạn hãy rửa sạch vết đứt với dung dịch nước muối, thấm cho khô và bôi thêm thuốc mỡ trước khi băng lại bằng băng sạch.[21]
    • Băng vết thương sau khi rửa sạch hoặc bôi thuốc kháng khuẩn. Rửa sạch và thay băng thường xuyên.
    • Luôn rửa tay sạch trước khi thay băng hoặc chạm vào vết đứt.

Giúp vết Thương Mau Lành[sửa]

  1. Ăn nhiều protein và vitamin hơn. Bạn hãy giúp vết đứt mau lành bằng cách ăn nhiều protein và tăng cường nạp thêm vitamin giúp da khỏe mạnh, đặc biệt là vitamin A và C.[22] Kẽm cũng có thể giúp vết thương mau lành.[23] Nếu thiếu chất dinh dưỡng, quá trình chữa lành vết thương có thể sẽ bị kéo dài hơn. Ăn nhiều các thực phẩm sau đây để có đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất:[22]
    • Protein gầy: thịt nạc như gà và gà tây, cá, trứng, sữa chua Hy Lạp, các loại đậu
    • Vitamin C: các loại hoa quả có múi, dưa ruột vàng, kiwi, xoài, dứa, các loại quả mọng, bông cải xanh, hạt tiêu, cải mầm brussels, súp lơ[24]
    • Vitamin A: Sữa bổ sung dinh dưỡng, thịt, phô mai, nội tạng động vật, cá tuyết, cá bơn[25]
    • Vitamin D: Sữa bổ sung dinh dưỡng hoặc nước quả, cá béo, trứng, phô mai, gan bò[26][27]
    • Vitamin E: Quả hạnh, các loại hạt, bơ đậu phộng, cải bó xôi, bông cải xanh, kiwi[28][29]
    • Kẽm: Thịt bò, lợn, cừu, đùi gà, quả hạnh, ngũ cốc nguyên hạt, đậu[23][30]
  2. Bôi chiết xuất trà xanh. Các nghiên cứu cho thấy chiết xuất trà xanh có thể giúp làm lành vết thương nhanh hơn.[31][32][33] Bạn hãy tìm loại thuốc mỡ có 0,6% nồng độ trà xanh.
    • Bạn có thể tự pha trộn hỗn hợp chiết xuất trà xanh và sáp petroleum jelly.[31]
  3. Bôi nước cây phỉ để giảm sưng viêm. Dùng nước cây phỉ, một chất chống viêm tự nhiên để giảm viêm đỏ một khi vết đứt bắt đầu lành.[34]
    • Nước cây phỉ có bán rộng rãi ở các hiệu thuốc.
    • Dùng bông gòn bôi lên vết thương, không hạn chế số lần bôi.
  4. Uống nhiều nước. Cứ hai tiếng nên uống ít nhất 240 ml nước không chứa caffeine, không chứa cồn. Việc này sẽ bù lại lượng chất lỏng bị mất qua mồ hôi do sốt hoặc chảy máu lúc bị thương. Tình trạng mất nước có thể gây ra những biến chứng sau đây:[35]
    • Da khô
    • Đau đầu
    • Chuột rút
    • Huyết áp thấp
  5. Tập thể dục nhẹ nhàng. Những bài tập vừa phải có thể tăng cường khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, giảm sưng viêm và đẩy nhanh tốc độ phục hồi.[36] Không dùng sức ở bộ phận có vết thương. Tập luyện ít nhất 3 lần mỗi tuần, mỗi lần từ 30 -45 phút. Hỏi ý kiến bác sĩ để biết hoạt động nào là tốt nhất cho bạn. Một số hoạt động luyện tập dễ và cường độ thấp là:
    • Đi bộ nhanh
    • Yoga và giãn cơ
    • Tập tạ nhẹ
    • Đạp xe với vận tốc 8 – 15km/giờ
    • Bơi
  6. Chườm túi nước đá. Chườm túi nước đá nếu vết sưng viêm dai dẳng hoặc trở nên khó chịu. Nhiệt độ thấp sẽ giúp gây tê và giảm đau, đồng thời ngăn ngừa tiếp tục chảy máu.[37]
    • Bạn có thể tự làm túi chườm bằng cách nhúng ướt một chiếc khăn, bỏ vào trong túi nhựa có khóa kéo và đặt vào ngăn đá trong 15 phút.
    • Quấn một chiếc khăn ướt quanh túi và đắp lên vết thương.
    • Không đắp túi nước đá lên vết thương hở hoặc nhiễm trùng.
    • Không đắp nước đá trực tiếp lên da vì có thể gây tổn thương..
  7. Dùng máy tạo ẩm. Môi trường ẩm có thể giúp cải thiện quá trình làm lành vết thương. Bạn hãy dùng máy tạo ẩm để làm ẩm không khí và giữ cho da khỏi khô hoặc nứt. Chú ý máy tạo ẩm phải sạch để tránh lây truyển vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng.[38] [39]
    • Nếu độ ẩm quá cao, nấm mốc và bọ nhà có thể sẽ sinh sôi.
    • Nếu độ ẩm quá thấp, người sống trong nhà có thể gặp tình trạng da khô, họng và các xoang bị kích ứng.
    • Dùng máy đo dộ ẩm có bán ở các cửa hàng dụng cụ.

Xử trí Trường hợp Nặng[sửa]

  1. Xác định độ sâu của vết đứt. Kiểm tra vết đứt để quyết định xem có cần chăm sóc y tế hay chữa trị ở nhà. Nếu vết đứt quá sâu hoặc nghiêm trọng, bạn hãy đến bệnh viện để được điều trị chuyên môn. Những vết thương nghiêm trọng ở phần thịt có thể cần phải khâu lại.[40] Đến phòng cấp cứu nếu vết đứt của bạn có những dấu hiệu sau:
    • Phần thịt màu đỏ hoặc phần mỡ màu vàng hở sâu ở vết đứt.
    • Vết đứt mở khi bạn ngưng không giữ kín miệng vết thương.
    • Vị trí vết đứt ở gần các khớp nối hoặc những vùng hoạt động nhiều và không đóng kín được nếu không được khâu.
    • Chảy máu nghiêm trọng và không thể cầm sau 10 phút ép lên vết thương.[41]
    • Vết đứt phạm vào động mạch – một mạch máu lớn và chảy nhanh. Máu trong động mạch thường có màu đỏ tươi và phun ra ồ ạt do áp lực cao.[42]
  2. Cầm máu. Bất kể vết đứt nghiêm trọng thế nào, bước đầu tiên là phải giữ cho khỏi mất nhiều máu. Đặt một băng gạc sạch lên vết thương rồi ép chặt với lực đều. Giữ yên như vậy khoảng 10 phút và không bỏ gạc ra.[43] Khi máu đã ngừng chảy thì vết thương có thể bắt đầu lành.[44]
    • Không đè mạnh quá. Nếu dùng lực đè quá mạnh, bạn có thể làm ngưng sự lưu thông máu. Điều này sẽ cản trở quá trình đông máu, và như vậy sẽ khiến máu chảy lâu hơn.
    • Nếu máu thấm qua gạc, bạn đặt tiếp một miếng gạc khác lên để thấm máu. Không bỏ miếng gạc đầu tiên ra. Tiếp tục ép lên vết thương.
    • Đến phòng cấp cứu hoặc đến bác sĩ nếu máu chảy nhanh ướt sũng miếng gạc và không cầm được dù đã ép chặt lên vết thương.
  3. Chỉ dùng ga-rô trong những trường hợp nghiêm trọng. Chỉ khi mất một lượng máu đáng báo động bạn mới nên dùng ga-rô tại nhà. Sử dụng ga-rô không đúng cách có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tứ chi và sự lưu thông máu, và thậm chí có thể buộc phải cắt bỏ một phần cơ thể.

Lời khuyên[sửa]

  • Cố gắng không xức nước hoa hoặc các loại kem có hóa chất lên vết đứt, ví dụ như kem thoa mặt hay kem thoa toàn thân.
  • Không bóc vảy ở vết thương. Bạn cứ để nó tự bong ra.
  • Cố gắng giữ ẩm cho vết đứt và vùng da xung quanh. Da khô sẽ khiến vảy ở vết thương bong ra và không giúp cho da mau lành – và kết quả cuối cùng là để lại sẹo.
  • Chú ý giữ sạch vết thương và băng lại.
  • Đối với những vết sẹo nhỏ, dùng kem có chứa vitamin E hoặc dầu giúp tái tạo mô như Bio Oil để giúp giảm kích thước sẹo. Nhưng bạn chú ý chỉ bôi lên khu vực cần thiết.
  • Tránh đụng vào vết thương có thể giúp vết thương mau lành hơn.
  • Nếu thấy tình trạng của vết thương không cải thiện sau 3- 4 tuần, bạn phải tìm sự trợ giúp y tế ngay.

Cảnh báo[sửa]

  • Không áp dụng hướng dẫn này để chữa trị đối với các vết đứt và bỏng nghiêm trọng. Hãy viện đến sự trợ giúp y tế.
  • Tránh phơi vết đứt ra ánh nắng mặt trời. Những vết thương có nguy cơ bị sẹo và bị đóng vảy nhiều hơn nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là trong thời gian lâu hơn 10 phút.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 1,4 http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-cuts/basics/art-20056711
  2. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000043.htm
  3. 3,0 3,1 http://emedicine.medscape.com/article/1895071-overview
  4. 4,0 4,1 http://www.aboutkidshealth.ca/En/HealthAZ/TestsAndTreatments/HomeHealthCare/Documents/Normal-saline-solution-how-prepare-home.pdf
  5. http://www.medscape.com/viewarticle/456300_3
  6. https://www.amherst.edu/alumni/learn/bookclub/pastfeatures/dontcrossyoureyes/excerpt
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2935806/
  8. Efstratiou E, Hussain AI, Nigam PS, Moore JE, Ayub MA, Rao JR.Antimicrobial activity of Calendula officinalis petal extracts against fungi, as well as Gram-negative and Gram-positive clinical pathogens.Complement Ther Clin Pract. 2012 Aug;18(3):173-6
  9. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/calendula
  10. http://www.medicinenet.com/tea_tree_oil-topical/article.htm
  11. http://web.campbell.edu/faculty/nemecz/George_home/references/Echinacea.html
  12. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/echinacea
  13. Sienkiewicz M, Głowacka A, Kowalczyk E, Wiktorowska-Owczarek A, Jóźwiak-Bębenista M, Łysakowska M.The biological activities of cinnamon, geranium and lavender essential oils. Molecules. 2014 Dec 12;19(12):20929-40.
  14. http://umm.edu/health/medical/altmed/herb/lavender
  15. http://umm.edu/health/medical-reference-guide/complementary-and-alternative-medicine-guide/herb/aloe
  16. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3609166/
  17. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16099322/
  18. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/19134433
  19. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24328700
  20. http://www.sja.org.uk/sja/first-aid-advice/first-aid-techniques/how-to-put-on-a-dressing.aspx
  21. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000315.htm
  22. 22,0 22,1 http://my.clevelandclinic.org/health/healthy_living/hic_What_We_Eat_Affects_How_We_Feel/hic_Keeping_Your_Digestive_Tract_Healthy/hic_Nutrition_Guidelines_to_Improve_Wound_Healing
  23. 23,0 23,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002416.htm
  24. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002404.htm
  25. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/002400.htm
  26. https://patienteducation.osumc.edu/documents/vita-d.pdf
  27. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/
  28. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/vitamin-e
  29. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminE-HealthProfessional/
  30. http://umm.edu/health/medical/altmed/supplement/zinc
  31. 31,0 31,1 http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1743919113000538
  32. http://www.hindawi.com/journals/ecam/2013/386734/
  33. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/natural/960.html
  34. http://www.uofmhealth.org/health-library/hn-2186007
  35. http://umm.edu/health/medical/ency/articles/dehydration
  36. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3900100/
  37. http://www.healthline.com/health/chronic-pain/treating-pain-with-heat-and-cold#Heatvs.Cold1
  38. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/?term=Field%20FK[Author]&cauthor=true&cauthor_uid=8109679
  39. http://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=1&ContentID=498
  40. http://familydoctor.org/familydoctor/en/prevention-wellness/staying-healthy/first-aid/first-aid-cuts-scrapes-and-stitches.printerview.all.html
  41. http://www.webmd.com/first-aid/bleeding-cuts-wounds
  42. http://www.ic.sunysb.edu/Stu/wilee/e-zine-controlbleeding.html
  43. http://www.ic.sunysb.edu/Stu/wilee/e-zine-controlbleeding.html/
  44. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/000045.htm

Liên kết đến đây