Giúp trẻ bất tỉnh lấy lại nhịp thở

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu trẻ con bất tỉnh và ngừng thở, chúng cần được cứu giúp ngay lập tức. Đây là việc hết sức quan trọng vì nếu não không có đủ khí ôxy thì sẽ bắt đầu bị tổn thương chỉ sau 4 phút. Trẻ có thể tử vong trong khoảng thời gian từ 4 đến 6 phút. Hồi sức tim phổi là cách giúp trẻ lấy lại nhịp thở và ấn ngực là cách giúp tim đập trở lại trước khi gọi người cứu giúp. Nếu tim trẻ vẫn còn đập, bạn chỉ nên giúp trẻ lấy lại nhịp thở. Đừng ấn ngực đứa trẻ trên 1 tuổi khi tim vẫn đập.[1] Bạn có thể sẽ cần ấn ngực trẻ sơ sinh nếu tim chúng đập quá yếu.

Các bước[sửa]

Nhận ra việc cần làm[sửa]

  1. Phân tích tình huống. Đây là bước hết sức quan trọng. Bạn cần xác định xem đứa trẻ cần được cứu giúp như thế nào và liệu phương pháp đó có an toàn hay không. Bạn nên:[2][1]
    • Quan sát xung quanh để biết rằng giúp trẻ lấy lại nhịp thở tại nơi đó có an toàn hay không. Tránh cứu giúp trẻ ở địa điểm gây nguy hiểm cho cả bạn và đứa trẻ, ví dụ như ở nơi có thể bị xe tông hoặc tiếp xúc trực tiếp với dây diện.
    • Kiểm tra tình trạng của đứa trẻ. Nhẹ nhàng chạm vào trẻ và hỏi xem trẻ có ổn không. Đừng lắc hoặc dịch chuyển đứa trẻ vì nếu trẻ bị thương ở cổ hoặc cột sống thì tình hình càng trở nên trầm trọng hơn.
    • Nếu trẻ không có phản ứng gì, hãy hét to để một người nào đó ở gần gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu nhiều người đang đứng xung quanh nhìn bạn, hãy chỉ tay vào một người và bảo người đó gọi cứu giúp. Nếu chỉ có mình bạn, hãy giúp trẻ lấy lại nhịp thở trong 2 phút rồi gọi 115.
  2. Tìm hiểu xem đứa trẻ cần gì. Vào những lúc như thế này, việc quan trọng nhất là kiểm tra xem trẻ có còn thở và tim có còn đập không.[1][3]
    • Kiểm tra nhịp thở. Áp mặt lại gần đứa trẻ sao cho tai của bạn ở gần mũi và miệng trẻ. Quan sát ngực của đứa trẻ xem nhịp thở ra sao, lắng nghe tiếng thở và để ý kỹ xem bạn có cảm nhận được hơi thở của đứa trẻ ở má mình không. Nên kiểm tra nhịp thở không quá 10 giây.
    • Cảm nhận nhịp tim. Đặt ngón trỏ và ngón giữa ở bên cổ của đứa trẻ, ngay dưới hàm.
  3. Đặt đứa trẻ đúng tư thế hồi sức tim phổi. Đây là bước quan trọng cần được thực hiện cẩn thận, nhất là khi trẻ có khả năng bị tổn thương cột sống hoặc cổ. Bạn nên tránh làm sái cổ hoặc vẹo người trẻ. Hãy đặt trẻ đúng tư thế nằm ngửa.
    • Nếu cần thiết, hãy nhờ người nào đó giúp bạn nhẹ nhàng xoay đứa trẻ về tư thế nằm ngửa. Hai người cần phối hợp thực hiện sao cho cột sống của trẻ không bị vẹo.

Lấy lại Nhịp thở cho Trẻ khi Tim còn đập[sửa]

  1. Đặt đầu đúng vị trí để lấy lại nhịp thở. Đầu phải đặt thẳng, không nghiêng sang bên nào. Hãy thực hiện các hành động sau để khai thông đường hô hấp và lấy lại nhịp thở hiệu quả hết sức có thể:[2][4]
    • Đặt một tay ở dưới cằm của trẻ và tay còn lại ở trên đầu. Từ từ ngửa đầu về phía sau và nâng cằm.
    • Dùng ngón cái và ngón trỏ bịt kín mũi của trẻ. Nếu trẻ chưa đến một tuổi thì không cần thực hiện bước này vì bạn có thể thổi vào mũi và miệng của trẻ cùng lúc.
    • Không dịch chuyển đầu hơn mức cần thiết nếu bạn cho rằng trẻ bị tổn thương tủy sống.
  2. Lấy lại nhịp thở cho trẻ. Hãy hít sâu và áp mặt gần trẻ sao cho môi của bạn sát miệng trẻ và khép kín. Nếu trẻ nhỏ hơn một tuổi, bạn có thể thổi vào mũi và miệng trẻ cùng lúc. Nên thổi nhẹ nhàng và dứt khoát vào miệng trẻ từ một đến một giây rưỡi và quan sát xem ngực có phồng lên không.[2][4]
    • Sau khi thổi vào miệng trẻ, hãy quay đầu về phía ngực trẻ và quan sát xem ngực trẻ có xẹp xuống không vì khi thở bình thường sẽ như thế. Nếu ngực xẹp thì chứng tỏ bạn đã thổi hiệu quả và đường hô hấp của trẻ không gặp vấn đề.
    • Nếu có thể, hãy đeo mặt nạ hà hơi thổi ngạt có van một chiều khi thổi vào miệng trẻ để bảo vệ chính mình khỏi các bệnh lây nhiễm.
  3. Làm thông thoáng đường hô hấp nếu được. Nếu đường hô hấp bị bít, bạn có thể thấy rằng hơi thở của mình không khiến phổi của trẻ phồng lên. Bạn thậm chí còn cảm thấy rằng hơi thở bị đẩy ngược trở lại vào mặt mình thay vì vào cơ thể của trẻ. Nếu điều đó xảy ra, bạn cần kiểm tra xem đường hô hấp của trẻ có đang bị tắc không.[2][4]
    • Mở miệng của trẻ. Nhìn vào trong xem có thấy miếng thức ăn hoặc vật thể lạ nào mà trẻ chẳng may nuốt phải hay không. Nếu có, hãy lấy chúng ra.
    • Đừng cho ngón tay hoặc bất kỳ vật gì khác vào sâu trong cổ họng của trẻ vì có khả năng là bạn sẽ đẩy vật thể lạ vào sâu hơn nữa.
    • Nếu bạn không nhìn thấy vật thể lạ nào, hãy đặt đầu của trẻ đúng vị trí và hà hơi thổi ngạt lần nữa. Nếu không thể thổi hơi vào trong, hãy thử dùng phương pháp đẩy bụng để tống dị vật ra ngoài.
  4. Tiếp tục hà hơi thổi ngạt. Hãy thổi tiếp. Bạn nên thổi vào miệng trẻ cách 3 giây một lần. Trong quá trình hà hơi thổi ngạt, nên kiểm tra nhịp tim cứ 2 phút một lần, tiến hành hồi sức tim phổi và ấn ngực nếu tim không còn đập. Hãy thực hiện lại các bước này cho đến khi:[2]
    • Trẻ tự mình thở trở lại. Có thể nhận thấy rằng tình hình đã tốt hơn nếu trẻ bắt đầu ho hoặc động đậy.
    • Đội cấp cứu đến kịp lúc. Vào thời điểm đó, họ sẽ giải quyết tình huống giúp bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây