Giảm áp lực xoang

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Xoang là các hốc rỗng bên trong hộp sọ và chứa đầy không khí. Tình trạng áp lực trong xoang khiến chúng ta thấy khó chịu, đôi khi đau, nguyên nhân do các vách ngăn trong khoang mũi bị viêm hay kích ứng. Vách ngăn của xoang sưng lên và ngăn chặn chuyển động của luồng không khí cũng như chất nhầy. Từ đó chất nhầy bị giữ lại bít kín đường đi của không khí, tạo ra áp lực xoang và thỉnh thoảng gây đau, còn gọi là bệnh viêm xoang.[1] Bất kể nguyên nhân của bệnh viêm xoang là gì, chúng ta luôn có cách giải trừ áp lực xoang để mang lại cảm giác dễ chịu hơn.

Các bước[sửa]

Sử dụng Dược phẩm không kê toa để Giải trừ Áp lực Xoang[sửa]

  1. Nước muối phun mũi. Nước muối giúp loại trừ chất nhầy, làm ẩm các khoang mũi. Bạn nên phun nước muối theo chỉ định và phải kiên nhẫn. Sau vài lần dùng đầu tiên có thể hữu hiệu, nhưng bạn vẫn phải phun nhiều lần nữa để có hiệu quả toàn diện hơn.[2]
  2. Bình rửa mũi. Bình rửa mũi có hình dạng giống như ấm trà nhỏ, nếu được sử dụng đúng cách nó có thể đẩy sạch chất nhầy và chất gây kích ứng bám trong mũi, làm ẩm xoang. Bạn dùng bình bơm nước cất hay nước muối vào một bên lỗ mũi và để cho nước chảy ra qua lỗ còn lại, kéo theo vi khuẩn và các chất bẩn, đồng thời làm ẩm và xoa dịu các xoang. Bạn có thể mua bình rửa mũi tại tiệm thuốc mà không cần chỉ định của bác sĩ, giá thành khá rẻ.[3]
  3. Uống thuốc trị nghẹt mũi. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng dược phẩm không kê toa nếu bản thân đang có các vấn đề về sức khỏe như cao huyết áp, tiểu đường và cườm nước. Chúng có thể hữu hiệu nhưng không phải đối với tất cả mọi người.
    • Thuốc uống trị nghẹt mũi chứa hai thành phần hoạt tính là phenylephrine và pseudoephedrine. Tác dụng phụ phổ biến của các sản phẩm này là gây bồn chồn, chóng mặt, có cảm giác nhịp tim nhanh hơn, huyết áp hơi tăng và làm khó ngủ.[2]
    • Thuốc uống trị nghẹt mũi hoạt động trên nguyên tắc thu hẹp mạch máu trong khoang mũi, giúp các mô bị sưng co lại. Từ đó cải thiện sự lưu thông của chất nhầy giúp giảm áp, mở đường chuyển động cho không khí để bạn thở dễ hơn.[4]
    • Những sản phẩm chứa pseudoephedrine, ban đầu được quảng cáo với tên thương mại là Sudafed®, có thể mua mà không cần bác sĩ kê toa nhưng người ta hạn chế bán vì lo ngại sử dụng không hợp lý.[4]
    • Bạn sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân như bằng lái xe và họ ghi nhận lại giao dịch đó. Mục đích là vì an toàn của bạn, nhằm kiểm soát việc sử dụng bất hợp pháp chất pseudoephedrine.[4]
  4. Thuốc phun mũi. Bạn cũng có thể mua thuốc phun hay thuốc nhỏ trị nghẹt mũi mà không cần toa thuốc nhưng nên sử dụng một cách thận trọng. Dù thuốc có thể thông xoang mũi và giảm áp nhanh chóng nhưng nếu bạn sử dụng quá 3 ngày sẽ dẫn tới hiệu ứng tái lại.[5]
    • Hiệu ứng tái lại xảy ra khi cơ thể bạn tự điều chỉnh theo loại thuốc đang sử dụng, nghĩa là tình trạng nghẹt mũi hay áp lực xoang sẽ quay trở lại, có khả năng còn nặng hơn trước khi bạn cố gắng dừng sử dụng thuốc. Do đó bạn nên hạn chế không dùng thuốc quá 3 ngày để ngăn ngừa hiệu ứng tái lại.[5]
  5. Uống thuốc kháng histamin nếu áp lực xoang do chứng dị ứng gây ra. Dị ứng có thể gây ra viêm xoang, áp lực xoang và nghẹt mũi. Uống các thuốc kháng histamine như Claritin®, Zyrtec®, hoặc thuốc có công dụng tương tự để kiểm soát phản ứng dị ứng và loại trừ các triệu chứng của nó.[2]
  6. Uống thuốc giảm đau không kê toa. Thuốc acetaminophen, ibuprofen, hay naproxen có thể giảm sự khó chịu do áp lực xoang gây ra. Bên cạnh đó thuốc ibuprofen và naproxen còn giúp giảm sưng trong khoang mũi.[2]
    • Thuốc giảm đau còn hỗ trợ giải trừ các triệu chứng khác như nhức đầu do viêm xoang, và cảm giác khó chịu được mô tả giống như đau răng.[2]

Giảm Áp lực Xoang bằng Phương pháp tại Nhà[sửa]

  1. Chườm khăn ấm lên mặt. Dùng khăn ẩm hơi nóng đặt lên mặt để giảm áp lực xoang, giúp chất nhờn và không khí lưu thông trở lại.[2]
    • Thử chườm khăn nóng và lạnh luân phiên. Với phương pháp này bạn đặt khăn nóng ngang qua vị trí xoang mũi trong 3 phút, sau đó chuyển sang đắp khăn ẩm lạnh trong 30 giây, rồi lại chườm bằng khăn nóng. Lập lại quy trình này 3 chu kỳ luân phiên giữa nóng và lạnh, mỗi ngày làm khoảng 4 lần.[6]
  2. Uống nhiều chất lỏng. Uống nước hay thức uống khác giúp chất nhầy không thể cô đặc và nhờ vậy không thể bít kín các xoang. Bạn nên uống một cốc canh hay trà nóng để giảm nghẹt mũi và áp lực xoang. Thêm vào đó uống nhiều chất lỏng cũng giúp khắc chế sự khô hạn do thuốc trị nghẹt mũi gây ra.[3]
  3. Ăn thức ăn cay. Một số người thấy thức ăn cay như ớt có thể giảm bớt cảm giác khó chịu do áp lực xoang gây ra.[6]
  4. Nhờ bác sĩ giải thích về công dụng của chất bromelain và quercetin. Bromelain là một enzim chiết xuất từ quả dứa, còn quercetin là sắc tố thực vật. Chúng có tác dụng giảm viêm, sưng và các triệu chứng khác của viêm xoang. Tuy nhiên, vì hai chất này có khả năng tương tác với một số loại thuốc khác nên bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng chúng hay bất kì loại thảo dược nào để đảm bảo an toàn.[7]
    • Bromelain làm tăng nguy cơ chảy máu vì vậy những người đang dùng thuốc làm loãng máu có thể không được uống.
    • Bromelain làm giảm huyết áp nhiều khi được uống chung với các chất ức chế men chuyển hóa angiotensin (gọi tắt là chất ức chế ACE).
    • Quercetin tương tác với một số loại thuốc, trong đó có kháng sinh.
  5. Tìm hiểu về thuốc Sinupret.[7] Nhiều nghiên cứu cho biết thuốc Sinupret (còn được biết đến với tên BNO-101) được bào chế từ một công thức độc quyền, bao gồm quả cơm cháy châu Âu, rau chua, anh thảo hoa vàng, cỏ roi ngựa châu Âu và thuốc tím gentian. Sinupret làm giảm đáng kể các triệu chứng bệnh viêm xoang.[8][9][10] Bạn nên thảo luận với bác sĩ về loại thảo dược này để xem nó hợp với mình không.
  6. Ngủ ở tư thế kê cao người. Bạn nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và chọn tư thế nằm sao cho thở dễ hơn. Tùy vào cảm nhận của bạn, có thể nằm lên một bên hông nếu vị trí đó giúp xoang mũi mở rộng, hoặc nằm với phần thân kê cao hơn để giúp thở dễ dàng.[2]
  7. Đè tay lên một số vị trí cụ thể trên mặt. Ép tay lên trên khu vực có xoang chính trên mặt đôi khi cũng làm bạn thấy dễ chịu tạm thời.[11]
    • Các điểm cần ép tay bao gồm khu vực giữa hai mắt, hai bên lỗ mũi, sống mũi, dưới hai gò má, xung quanh lông mày và khu vực nằm chính giữa, bên trên hai môi và dưới mũi. Bạn có thể ép nhẹ, mát xa hoặc gõ vào những chỗ này để giảm bớt áp lực xoang.[11]
  8. Tránh yếu tố kích thích tăng áp lực xoang. Đối với nhiều người chất clo trong hồ bơi là nguyên nhân gây viêm xoang. Những nguyên nhân khác ảnh hưởng nhẹ hơn như bụi hay phấn hoa tích tụ trên ga giường và gối. Thường xuyên giặt vật dụng trên giường trong nước ấm hoặc nước nóng để giảm các tác nhân gây kích ứng mà bạn có thể hít phải trong lúc ngủ.[6]
    • Một số thực phẩm có liên quan tới tình trạng tăng áp lực xoang và làm tích tụ chất nhầy như sữa, phô mai và sản phẩm từ sữa. Các thực phẩm khác cũng gây ra rắc rối bao gồm gạo trắng, mì sợi và bánh mì trắng. Nhưng rõ ràng không phải với bất kì ai những thực phẩm này cũng gây ảnh hưởng xấu, bạn phải cố gắng tìm ra loại thức ăn nào có thể dẫn tới vấn đề tăng áp lực xoang của mình.[11]
    • Tránh uống rượu bia trong khi có áp lực xoang. Thức uống chứa cồn có thể làm sưng vách xoang, do đó làm tình trạng bệnh thêm nặng.[2]

Tăng Độ ẩm cho Không khí trong Phòng[sửa]

  1. Giữ không khí ẩm ướt. Độ ẩm trong không khí giúp giữ ẩm các vách xoang mũi, cho phép chất nhầy di chuyển tự do và giảm áp lực trong xoang. Nếu bạn hít vào không khí khô, chất nhầy sẽ cô đặc lại và khiến xoang bị kích ứng.[3]
  2. Sử dụng máy làm ẩm. Máy làm ẩm đa dạng về kích thước và chức năng, những loại máy cơ bản có thể phun nước ấm hoặc nước mát dưới dạng hạt sương mịn. Bạn nên chọn loại máy phù hợp nhất với nhu cầu và túi tiền của mình. Máy làm ẩm tăng cường độ ẩm trong không khí, giúp điều trị và ngăn ngừa khô xoang mũi, là nguyên nhân dẫn tới tăng áp lực xoang hay nghẹt mũi.[12]
    • Bạn phải chú ý tới màng lọc của máy phun sương mát sau khoảng vài tháng để tránh tình trạng nấm phát triển. Nhiều loại máy có thể tạo đủ độ ẩm cho toàn ngôi nhà và đây là chọn lựa an toàn hơn nếu bạn có con nhỏ.[12]
    • Máy phun sương ấm sử dụng bộ phận gia nhiệt để phát sinh hơi nước. Ưu điểm của máy này là vi khuẩn và nấm sẽ bị tiêu diệt, vì nước phải được gia nhiệt chuyển thành hơi trong quá trình tạo độ ẩm cho không khí.[12]
  3. Nấu sôi nước trên bếp. Đặt một chiếc nồi nhỏ trên bếp, đổ vơi nước và để nó sôi nhè nhẹ. Đây là cách rất tốt để làm ẩm không khí nhưng bạn phải chú ý tập trung vào vấn đề an toàn. Tìm các biện pháp đảm bảo an toàn để tránh rủi ro hay chấn thương có thể xảy ra.[13]
  4. Thở trong hơi ẩm bốc lên từ nước nóng. Bạn phải thao tác cực kỳ cẩn thận, choàng chiếc khăn tắm lên đầu và di chuyển tới vị trí bên trên nước sôi, sau đó hít hơi nước ấm vào để giảm áp lực xoang. Hít hơi nước là phương pháp làm ẩm xoang hiệu quả nhưng có nguy cơ gây chấn thương, đó là lý do bạn nên áp dụng các cách khác trước tiên. Nếu bạn muốn áp dụng cách này thì phải tuyệt đối cẩn thận để tránh bị phỏng do nước nóng.[14][15]
  5. Để nước gần nguồn nhiệt. Cẩn thận đặt một can nước chịu nhiệt gần lò sưởi hay các nguồn nhiệt khác để nước bốc hơi, làm tăng độ ẩm trong không khí. Bạn không nhất thiết phải đặt can nước trực tiếp lên trên nguồn nhiệt, chỉ cần đặt đủ gần cho nước bốc hơi.[16]
    • Cân nhắc dùng chiếc khăn tắm ẩm làm nguồn cung cấp nước, và đặt chiếc khăn chỗ nhiệt bốc ra. Khi có nhiệt nước từ trong khăn sẽ bốc hơi làm ẩm không khí. Chú ý tránh làm hỏng thảm lót sàn hoặc để quên chiếc khăn ở chỗ xả nhiệt.[16]
  6. Mở nước vòi sen. Mở nước nóng ở vòi sen trong 5 phút, đóng cửa phòng tắm và cửa dẫn tới căn phòng bên cạnh. Sau đó tắt nước và mở hết các cửa. Đây là cách hiệu quả để làm ẩm không khí, nhưng không phù hợp với tất cả mọi người vì ở một số nơi bạn sẽ phải trả thêm phí khi dùng nước quá mức tiêu chuẩn.[15]
  7. Phơi quần áo trong nhà. Bạn có thể cân nhắc mắc dây phơi đồ hay dựng giá phơi quần áo trong phòng. Cách phơi quần áo này làm tăng độ ẩm không khí trong phòng, nếu không có quần áo mới giặt thì bạn phơi khăn tắm ẩm thay thế.[13]
  8. Cẩn thận phun nước vào màn cửa. Dùng bình phun nước làm ẩm các tấm màn, sau đó mở cửa sổ để không khí tràn vào kéo theo hơi ẩm. Bạn phải cẩn thận tránh làm hỏng vải màn, và không nên mở cửa sổ nếu phấn hoa hay các chất kích ứng bên ngoài là một phần nguyên nhân dẫn tới vấn đề về xoang.[17]
  9. Trồng cây trong nhà. Hội Địa chất Hoa Kỳ khuyến cáo nên trồng thêm cây trong nhà để làm ẩm không khí. Sau khi tưới nước cho cây, nước được vận chuyển từ rễ lên lá, rồi thông qua các lỗ của lá thoát vào không khí.[16]
  10. Bổ sung thêm nguồn nước ở nhiều nơi trong nhà. Chỉ một bát nước đơn giản cũng có thể làm tăng ẩm cho không khí. Bạn nên để các bát nước hay bình nước nhỏ rải rác khắp nhà, trong đó có trang trí hoa giả hay bi thủy tinh. Cân nhắc đặt gần chỗ phát sinh nhiệt như nồi cơm điện.[13]
    • Lắp đặt hồ cá hay vòi nước phun trong nhà. Bạn nên bổ sung vào phòng một đồ dùng có chứa nước như hồ cá hay vòi nước để cung cấp hơi nước vào không khí. Ngoài ra chúng còn tạo không khí thư giãn hay làm vật trang trí cho căn phòng. Cách này yêu cầu tốn thêm chi phí và phụ thuộc vào sở thích cá nhân mỗi người.[16]

Tìm Biện pháp Chăm sóc Y tế[sửa]

  1. Đi khám bệnh nếu triệu chứng kéo dài hơn 7 ngày, trở nên xấu hơn hay gây sốt. Tình trạng tăng áp lực xoang, nghẹt mũi, gây đau kéo dài, hoặc bị sốt, đó có thể là dấu hiệu bạn đã bị nhiễm trùng xoang.[2]
    • Khi xoang bị nghẹt, chất nhầy và vi khuẩn sinh ra sẽ bị mắc kẹt. Nếu bạn không thể giải quyết tình trạng nghẹt xoang thì vi khuẩn mắc kẹt trong đó gây ra nhiễm trùng xoang. Ngoài ra xoang có thể bị nhiễm trùng virus nếu nguyên nhân nghẹt xoang là do cảm lạnh hay cúm.[2]
  2. Uống thuốc kháng sinh theo chỉ định. Nếu bác sĩ xác định xoang đã bị nhiễm trùng thì họ sẽ kê thuốc cho bạn uống. Bạn phải uống thuốc chính xác theo chỉ định và uống đủ thời gian. Ngay cả khi bạn cảm thấy tình trạng bệnh đã bớt nhiều thì vẫn phải uống đủ thuốc cho đợt điều trị, vì vi khuẩn vẫn có thể ẩn náu trong xoang mũi.[2]
  3. Phân biệt sự khác nhau giữa cơn đau do áp lực xoang và chứng đau nửa đầu. Bệnh viêm xoang tạo cảm giác đau rất giống với chứng đau nửa đầu. Thực tế các nghiên cứu cho thấy có tới 90% số người tìm cách trị viêm xoang thực sự đang mắc chứng đau nửa đầu.[18]
    • Cho bác sĩ biết nếu bạn có triệu chứng nhức đầu nhiều hơn 15 ngày mỗi tháng, hoặc nếu bạn phải thường xuyên uống thuốc trị nhức đầu, uống thuốc nhưng không có tác dụng, hoặc nếu triệu chứng đó cản trở sinh hoạt hằng ngày như đi làm hay đi học. Đây là dấu hiệu điển hình của chứng đau nửa đầu.[18]

Lời khuyên[sửa]

  • Tránh tới nơi có khói bất kì khi nào được, vì khói gây kích ứng và khô xoang mũi.
  • Không phun thuốc trị nghẹt mũi nhiều hơn 3 ngày để tránh bị hiệu ứng tái lại, làm tình trạng áp lực xoang thêm trầm trọng.
  • Không lười đi khám bệnh nếu tình trạng áp lực xoang không thể cải thiện. Bạn có thể bị nhiễm trùng và cần phải uống kháng sinh, hay thậm chí phát triển thành căn bệnh khác nặng hơn.
  • Không uống rượu bia khi đang có vấn đề về xoang. Rượu bia làm khô xoang và dẫn tới viêm nặng hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/sinusitis.html
  2. 2,00 2,01 2,02 2,03 2,04 2,05 2,06 2,07 2,08 2,09 2,10 http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/sinusitis.printerview.all.html
  3. 3,0 3,1 3,2 http://www.health.com/health/gallery/0,,20466430,00.html
  4. 4,0 4,1 4,2 http://familydoctor.org/familydoctor/en/drugs-procedures-devices/over-the-counter/decongestants-otc-relief-for-congestion.html
  5. 5,0 5,1 http://familydoctor.org/familydoctor/en/drugs-procedures-devices/over-the-counter/decongestants-otc-relief-for-congestion.html
  6. 6,0 6,1 6,2 http://www.everydayhealth.com/cold-and-flu-pictures/natural-sinus-pain-and-pressure-relief.aspx
  7. 7,0 7,1 http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/sinusitis
  8. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmedhealth/PMH0023782/
  9. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20422703
  10. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22406452
  11. 11,0 11,1 11,2 http://www.sinuspressurepoints.com/pressure-point-locations/facial-pressure-points
  12. 12,0 12,1 12,2 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/common-cold/in-depth/humidifiers/art-20048021
  13. 13,0 13,1 13,2 http://homeguides.sfgate.com/moisture-home-humidifier-26340.html
  14. http://www.patient.info/health/acute-sinusitis
  15. 15,0 15,1 http://www.emedicinehealth.com/sinus_infection/page6_em.htm
  16. 16,0 16,1 16,2 16,3 http://www.newhealthguide.org/How-To-Humidify-A-Room.html
  17. http://www.newhealthguide.org/How-To-Humidify-A-Room.html
  18. 18,0 18,1 http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/sinus-headaches/basics/definition/con-20025426

Liên kết đến đây