Giảm mức testosterone

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mặc dù testosterone thường được xem là hóc môn "nam" nhưng nó cũng có ở phụ nữ (tuy nhiên ít hơn rất nhiều). Khoảng 4-7% phụ nữ Mỹ có lượng testosterone quá cao ở buồng trứng và dẫn đến hội chứng buồng trứng đa nang.[1] Testosterone quá cao ở phụ nữ có thể dẫn đến vô sinh vì không thể rụng trứng, cũng như các triệu chứng làm mất thẩm mỹ khác như mọc mụn, giọng nói trầm và mọc râu. Để giảm testosterone ở phụ nữ người ta thường phải uống thuốc, mặc dù thay đổi chế độ ăn cũng tạo ra tác động tích cực.

Các bước[sửa]

Giảm testosterone bằng thuốc[sửa]

  1. Nhờ bác sĩ tư vấn. Đi khám bệnh nếu bạn cảm thấy có điều gì đó "khác thường" với mức hóc môn của mình. Xét nghiệm máu có thể phát hiện sự mất cân bằng hóc môn. Dấu hiệu kinh điển của hiện tượng estrogen cao là các cơn nổi nóng thất thường, nhưng triệu chứng liên quan đến testosterone cao khó nhận thấy hơn và phát triển dần theo thời gian. Di truyền và những yếu tố chưa rõ về môi trường là nguyên nhân khiến một số tuyến (buồng trứng, tuyến yên và tuyến thượng thận) hoạt động sai chức năng, dẫn đến sản sinh testosterone quá nhiều.[1]
    • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) thường là hậu quả của testosterone quá cao, bệnh có thể phát triển ở bất kì lứa tuổi nào sau khi dậy thì.
    • PCOS phát triển vì testosterone ngăn cản trứng không thể rụng khỏi nang. Vì nang không mở nên trứng và dịch tích tụ trong buồng trứng, hình thành nên tình trạng giống như có vô số nang trứng.[2]
    • Ngoài hiện tượng mất kinh và hội chứng PCOS, testosterone quá cao còn gây ra các triệu chứng khác như rậm lông, ham muốn tình dục và hung hăng hơn, cơ bắp lớn hơn, âm vật phát triển, mọc mụn, giọng nói trầm, da thẫm màu hoặc dày hơn.
  2. Kiểm soát bệnh tiểu đường. Tiểu đường loại 2 có đặc điểm là độ nhạy cảm của tế bào đối với ảnh hưởng của insulin suy giảm.[3] Bệnh thường có nguyên nhân do béo phì và dẫn đến sản xuất quá nhiều insulin, mà insulin khiến buồng trứng sản xuất nhiều testosterone hơn. Vì vậy béo phì, tiểu đường loại 2 (kháng insulin), testosterone cao và hội chứng PCOS thường xảy ra chung với nhau sau một thời gian phát triển đủ dài. Bác sĩ có thể xét nghiệm lượng insulin và đường huyết để đánh giá xem bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường hay không.
    • Tiểu đường loại 2 có thể ngăn ngừa và thậm chí chữa khỏi bằng việc giảm cân, tập thể dục thường xuyên và thay đổi chế độ ăn (như giảm tiêu thụ cacbohydrat qua chế biến và chất béo được hiđrô hóa).
    • Bác sĩ có thể kê thuốc giảm tình trạng kháng insulin như metformin (Glucophage) hoặc pioglitazone (Actos). Những thuốc này giúp mức insulin và testosterone trở về bình thường, khôi phục lại chu kỳ kinh nguyệt.
    • Khi mức insulin cao đi kèm với testosterone cao, bạn dễ bị cao huyết áp, mất cân bằng cholesterol huyết (quá nhiều LDL cholesterol, là loại cholesterol "có hại") và mắc bệnh tim mạch.[1]
    • Một nghiên cứu cho thấy có đến 43% số bệnh nhân PCOS mắc hội chứng chuyển hóa. Hội chứng chuyển hóa xảy ra đồng thời với các yếu tố rủi ro của bệnh tiểu đường. Các yếu tố rủi ro bao gồm béo phì, tăng đường huyết, máu nhiễm mỡ và cao huyết áp.[4]
  3. Trao đổi với bác sĩ về thuốc ngừa thai. Một khi hội chứng PCOS phát triển do testosterone cao mãn tính thì nguy cơ ung thư tử cung sẽ tăng nếu bạn bị mất kinh nguyệt (đối với phụ nữ chưa đến tuổi mãn kinh).[5] Vì vậy bạn phải "kích hoạt" kinh nguyệt hoạt động trở lại để giảm rủi ro ung thư. Điều này có thể thực hiện dễ dàng bằng cách uống viên bổ sung progesterone hay thuốc ngừa thai chứa estrogen và progesterone một cách đều đặn. Nên nhớ bạn vẫn không thể thụ thai trong thời gian uống thuốc mặc dù đã có kinh trở lại.
    • Nếu bạn đang mắc hội chứng PCOS thì lợi ích của thuốc ngừa thai là rất rõ, những cũng nên hỏi bác sĩ về các tác dụng phụ tiềm ẩn như giảm ham muốn, tâm trạng thất thường, tăng cân, nhức đầu, đau ngực và buồn nôn.[6]
    • Thông thường phụ nữ phải uống thuốc ngừa thai trong sáu tháng mới nhận thấy thay đổi ở các triệu chứng liên quan đến testosterone cao, chẳng hạn như giảm mọc râu (đặc biệt là trên môi trên) và mụn.[1]
  4. Cân nhắc uống thuốc kháng androgen. Sử dụng thuốc kháng androgen là một lựa chọn khác cho phụ nữ có testosterone cao mãn tính, đặc biệt nếu họ không bị bệnh tiểu đường và không muốn uống thuốc ngừa thai. Androgen là nhóm các hóc môn có tương quan với nhau, trong đó có testosterone là hóc môn giúp phát triển những đặc điểm ở nam giới.[7] Thuốc kháng androgen thường được sử dụng là spironolactone (Aldactone), leuprolide (Lupron, Viadur, Eligard), goserelin (Zoladex) và abarelix (Plenaxis). Bác sĩ thường đề nghị sử dụng thuốc kháng androgen ở liều thấp trong sáu tháng để đánh giá hiệu quả cùng với các tác dụng phụ tiêu cực.
    • Thuốc kháng androgen cũng được những người chuyển giới từ nam sang nữ sử dụng nhằm cố gắng giảm lượng testosterone, đặc biệt khi họ đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
    • Những bệnh khác có thể dẫn đến testosterone cao ở phụ nữ bao gồm ung thư/khối u buồng trứng, bệnh Cushing (bệnh ở tuyến yên) và ung thư tuyến thượng thận.
    • Ở phụ nữ khỏe mạnh, buồng trứng và tuyến thượng thận (nằm trên thận) sản xuất ra 50% tổng lượng testosterone.[7]

Giảm testosterone bằng chế độ ăn[sửa]

  1. Ăn nhiều sản phẩm từ đậu nành hơn. Đậu nành chứa nhiều hợp chất estrogen thực vật, hay còn gọi là isoflavone (đặc biệt là genistein và glycitein). Khi vào cơ thể các hợp chất này giả ảnh hưởng của estrogen nên có thể hạn chế sản xuất ra testosterone thứ phát.[8] Đậu nành còn chứa hợp chất daidzein có thể chuyển hóa trong ruột già ở một số người (quá trình này cần những vi khuẩn "có lợi" nhất định) thành hợp chất equol có tính kháng androgen cao. Equol có thể trực tiếp giảm sản xuất testosterone hoặc giảm ảnh hưởng của hóc môn này.
    • Có rất nhiều sản phẩm từ đậu nành, trong đó có ngũ cốc, bánh mì, đậu hũ, nhiều loại thức uống, thức ăn thay thế cho thịt (ví dụ xúc xích và bánh hamburger chay).
    • Đậu nành chứa hợp chất estrogen thực vật cũng có thể kết hợp với thụ thể estrogen, nhưng nó "không" tương đương với estrogen do con người sản xuất ra. Không giống như estrogen của con người là kết hợp với cả thụ thể estrogen alpha và beta, estrogen thực vật chỉ kết hợp với thụ thể beta. Ngược lại với những lời đồn đoán, tiêu thụ đậu nành không liên quan đến vấn đề ở vú và tuyến giáp (lỗi ở thụ thể estrogen alpha) và nghiên cứu lâm sàng cho thấy đậu nành nói chung là an toàn.
    • Tuy nhiên đậu nành thật sự có hai vấn đề cần quan tâm, một liên quan đến thực phẩm biến đổi gen và cái còn lại là quá trình chế biến. Khi chế biến đậu nành, quá trình thủy phân protein ở nhiệt độ cao hình thành những chất gây ung thư như 3-MCPD và 1,3-DCP. Do đó bạn phải chắc chắn nước tương và bột đậu nành mình đang dùng không được chế biến ở nhiệt độ cao. (riêng với nước tương đậu nành phải áp dụng quá trình "lên men tự nhiên" kéo dài vài tuần thay vì vài tiếng.)
    • Tiêu thụ quá nhiều đậu nành có thể giảm sản lượng collagen vì thụ thể estrogen beta chặn đứng quá trình hình thành collagen.
  2. Bổ sung hạt lanh vào chế độ ăn. Hạt lanh giàu axít béo omega-3 (có tác dụng kháng viêm) và các hợp chất lignan có đặc tính kích thích sản xuất estrogen rất mạnh. Hợp chất lignan cũng có thể giảm mức testosterone chung của cơ thể và ức chế quá trình chuyển hóa testosterone thành dihydrotestosterone có hoạt lực mạnh mẽ hơn.[9] Hạt lanh cần phải nghiền mịn mới ăn được. Rắc bột hạt lanh vào ngũ cốc và/hoặc sữa chua khi ăn sáng. Bạn cũng có thể mua bánh mì ngũ cốc nguyên hạt có bổ sung hạt lanh ở các siêu thị.
    • Cơ chế hoạt động của lignan là tăng hàm lượng thụ thể hóc môn sinh dục, chúng vô hiệu hóa các phân tử testosterone bằng cách kết hợp với thụ thể androgen.
    • Đến thời điểm này hạt lanh là thực phẩm phổ biến chứa nhiều lignan nhất, đứng thứ hai là hạt mè nhưng ít hơn nhiều.[10]
  3. Hạn chế tiêu thụ chất béo. Testosterone là một hóc môn steroid mà quá trình sản xuất ra nó cần có cholesterol. Cholesterol chỉ có trong chất béo bão hòa của sản phẩm chế biến từ động vật (thịt, phô mai, bơ v.v...). Một số cholesterol rất cần thiết để sản xuất ra hóc môn steroid và hầu như tất cả màng tế bào trên cơ thể, nhưng chế độ ăn giàu chất béo bão hòa có khuynh hướng tăng cường sản xuất testosterone.[11] Ngoài ra chế độ ăn giàu chất béo chưa bão hòa đơn (quả bơ, các loại hạt, dầu ô-liu, dầu cải dầu, dầu cây rum) cũng làm tăng mức testosterone. Các axít béo chưa bão hòa đa (PUFA) là loại chất béo duy nhất có thể giảm mức testosterone.
    • Đa số dầu thực vật (bắp, đậu nành, hạt cải dầu/cải dầu) đều giàu axít béo chưa bão hòa đa omega-6, thế nhưng bạn phải cẩn thận vì tiêu thụ nhiều các loại dầu này để giảm testosterone cũng rất có thể dẫn đến vấn đề khác cho sức khỏe.
    • Các dạng PUFA lành mạnh hơn (giàu omega-3) bao gồm dầu cá, cá nhiều mỡ (cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích), hạt lanh, quả óc chó và hạt hướng dương.
    • Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa cũng tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và PUFA omega-6 cũng không tốt hơn bao nhiêu cho sức khỏe tim. Cân bằng các loại chất béo tự nhiên là chìa khóa quan trọng, đồng thời loại trừ chất béo được hiđrô hóa.
  4. Tránh cacbohydrat tinh chế. Cacbohydrat tinh chế chứa nhiều đường dễ tiêu hóa (glucose) đẩy mức insulin lên cao và kích thích buồng trứng sản xuất ra nhiều testosterone hơn - quá trình tương tự với tiểu đường loại 2 nhưng chỉ có tác động tạm thời thay vì dài hạn.[12] Vì vậy bạn nên tránh cacbohydrat tinh chế (bất kì thực phẩm gì chứa nhiều đường fructose) và chọn loại cacbohydrat tốt hơn như sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt, quả mọng tươi, hoa quả họ cam chanh, rau nhiều chất xơ, rau có lá và rau đậu.
    • Sản phẩm chứa nhiều đường tinh luyện mà bạn nên tránh hoặc giảm thiểu là kẹo, bánh quy, bánh, hầu hết bánh nướng trong siêu thị, kem, sôcôla, nước uống có ga và thức uống có đường khác.
    • Chế độ ăn nhiều đường tinh luyện cũng tăng rủi ro mắc bệnh tim, béo phì và tiểu đường loại 2.
  5. Cân nhắc sử dụng thảo dược. Một số loại thảo dược có tính kháng androgen (theo nhiều nghiên cứu trên động vật) mặc dù tác động trực tiếp đối với testosterone ở người chưa được nghiên cứu kỹ. Những thảo mộc được sử dụng nhiều nhất vì có tính kháng androgen bao gồm cọ lùn, dâu chế dục, thiên ma, cam thảo, trà bạc hà lục và bạc hà cay, tinh dầu oải hương.[13] Luôn luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kì loại thảo mộc nào được cho là có thể tác động đến hóc môn.
    • KHÔNG dùng thực phẩm chức năng bổ sung các thảo mộc này nếu bạn có thai hay đang nuôi con bằng sữa mẹ, hoặc dự định mang thai trong tương lai gần.
    • Phụ nữ có tiền sử ung thư (vú, tử cung, buồng trứng) hoặc có vấn đề khác liên quan đến hóc môn chỉ nên bổ sung các thảo mộc này dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Lời khuyên[sửa]

  • Bình thường lượng testosterone ở phụ nữ chỉ bằng 1/10 đàn ông, nhưng mức hóc môn này sẽ tăng dần theo tuổi tác.
  • Không phải tất cả những tác động do testosterone cao gây ra ở phụ nữ đều tiêu cực, ví dụ cơ bắp lớn hơn và ham muốn tình dục nhiều hơn.
  • Để đối phó với chứng rậm lông, cân nhắc nhổ lông trên mặt hoặc điều trị thẩm mỹ bằng laser.
  • Chế độ ăn chay có khuynh hướng giảm mức testosterone, trong khi chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa và/hoặc không bão hòa đơn thì ngược lại.
  • Tập thể dục cho tim mạch để giảm cân là ý tưởng hay, nhưng suy nghĩ kỹ trước khi tập nâng nặng - nâng nặng rõ ràng tăng sản sinh testosterone ở đàn ông nên cũng tương tự với phụ nữ.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu bạn tin rằng mình bị mất cân bằng hóc môn thì phải khám bệnh trước khi cố gắng thay đổi mức hóc môn của mình. Điều chỉnh chế độ ăn thường an toàn nhưng nếu không biết nguyên nhân gây ra triệu chứng thì bạn có thể làm tình trạng xấu hơn.
  • Trao đổi kỹ với bác sĩ về tác dụng phụ của bất kì loại thuốc nào họ định kê để giảm mức testosterone của bạn. Cho họ biết về các tình trạng sức khỏe khác, thuốc hoặc thực phẩm chức năng bạn đang dùng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]