Hồi phục sau cưỡng bức và tấn công tình dục (hội chứng chấn thương sau cưỡng bức)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cho dù bạn hoặc một người nào đó mà bạn yêu thương đã từng bị cưỡng bức hoặc tấn công tình dục, họ có thể hồi phục. Những người đã vượt qua quá trình này thường sẽ phải trải qua ba giai đoạn hồi phục sau chấn thương do bị cưỡng hiếp theo tốc độ riêng của mình.

Các bước[sửa]

Vượt qua giai đoạn cấp tính[sửa]

  1. Cần biết rằng bạn không phải là người có lỗi. Bất kể chuyện gì đã xảy ra, hành vi cưỡng bức hoặc tấn công tình dục của người khác đối với bạn không phải là do lỗi của bạn.[1]
    • Đừng để nỗi sợ bị đổ lỗi ngăn cản bạn chia sẻ cho mọi người biết tình hình. Bạn không có lỗi. Cơ thể của bạn thuộc về bạn và chỉ riêng bạn.[2]
    • Cưỡng hiếp và tấn công tình dục có thể xảy đến cho bất kỳ ai, tại bất kỳ nơi đâu. Nam giới cũng là nạn nhân.[3]
    • Bạn không bao giờ yêu cầu điều này, bất kể mọi trang phục mà bạn mặc, và bạn không phải là người duy nhất đối mặt với nó.[4]
    • Bị ép buộc thực hiện hành vi tình dục hoặc bị tấn công tình dục bởi người mà bạn hẹn hò cũng vẫn được xem là cưỡng bức, bất kể là bạn biết họ và đang hẹn hò với họ. Bạn vẫn có thể đang trong mối quan hệ tình cảm với một ai đó và bị ép buộc phải quan hệ khi bạn không muốn, ngay cả khi đây không phải là hành động bạo lực. Hơn một nửa số trường hợp bị cưỡng hiếp đều là từ người mà bạn quen biết.[5]
    • Uống rượu bia hoặc sử dụng ma túy không phải là cái cớ phù hợp để người khác cưỡng bức bạn. Say xỉn có thể làm bạn khó có thể kiềm chế và làm tăng khuynh hướng bạo lực. Ma túy và rượu bia cũng sẽ làm giảm khả năng tìm kiếm giúp đỡ của bạn. Cho dù ai là người đang uống rượu bia hoặc dùng thuốc, không có luật lệ nào cho phép họ tấn công tình dục bạn.[5]
    • Nếu bạn là nam giới và dương vật của bạn cương cứng trong suốt quá trình bị cưỡng hiếp, bạn không nên xấu hổ hoặc cảm thấy có lỗi như thể bạn đã tận hưởng nó. Cương dương chỉ là phản ứng thể chất trước kích thích ngay cả khi bạn không muốn và không hứng thú. Bạn không đòi hỏi điều này.[6]
  2. Gọi trợ giúp khẩn cấp. Nếu bạn đang gặp nguy hiểm hoặc bị thương nặng, bạn nên gọi dịch vụ khẩn cấp. Sự an toàn của bạn chính là ưu tiên cao nhất.
    • Tại Việt Nam, bạn nên gọi số 113.
  3. Không nên tắm rửa, rửa ráy, hoặc thay quần áo. Bạn sẽ muốn loại bỏ mọi dấu viết của thủ phạm nhưng tốt nhất là bạn nên chờ đợi.[7]
    • Mọi chất dịch cơ thể hoặc mẫu tóc của kẻ tấn công còn vương lại trên người bạn sẽ được sử dụng làm bằng chứng, nếu bạn quyết định khởi tố.
    • Rửa mặt, tắm rửa, hoặc thay quần áo sẽ loại bỏ chứng cứ quan trọng.
  4. Tìm kiếm sự giúp đỡ y tế. Bạn nên đến bệnh viện và thông báo cho nhân viên rằng bạn đã bị cưỡng bức và cho họ biết nếu bạn bị xâm nhập theo đường âm đạo hoặc hậu môn.[7]
    • Nếu bạn cho phép, nhân viên được đào tạo đặc biệt sẽ tiến hành “giám định pháp y” và sử dụng “bộ dụng cụ điều tra các vụ án cưỡng hiếp” để thu thập mẫu tóc và chất dịch để làm bằng chứng pháp lý. Quá trình đào tạo của họ sẽ bảo đảm rằng họ hiểu rõ nhu cầu cũng như cảm giác của bạn trong thời điểm tồi tệ này, và họ sẽ cố gắng tiến hành quá trình theo cách càng dễ chịu càng tốt.[8]
    • Bạn cần phải được xét nghiệm và/hoặc điều trị bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) và mang thai ngoài ý muốn. Điều trị sẽ bao gồm biện pháp tránh thai khẩn cấp cũng như thuốc phòng bệnh để ngăn ngừa nhiễm bệnh.[9]
  5. Thông báo cho nhân viên biết nếu bạn nghi ngờ bạn đã bị chuốc thuốc mê hoặc bị cưỡng hiếp trong khi đang chịu sự ảnh hưởng của rượu bia.[10]
    • Nếu bạn nghĩ rằng loại thuốc dùng để cưỡng dâm đã được sử dụng, bạn không nên đi tiểu cho đến khi bạn đến bệnh viện, vì họ sẽ yêu cầu bạn cung cấp mẫu nước tiểu để xét nghiệm thuốc Rohypnol và các loại thuốc được dùng để cưỡng hiếp khác.
  6. Gọi điện đến đường dây nóng. Tại Mỹ, bạn có thể gọi điện thoại cho Đường dây nóng Tấn công Tình dục Quốc gia tại số 1-800-656-HOPE (4673) hoặc liên lạc trực tuyến, nhân viên đã được đào tạo đặc biệt của họ sẽ hướng dẫn bạn về nơi cần đến và việc cần làm.[1] Tại Việt Nam, bạn có thể gọi đến số 113.
    • Nhiều trung tâm dành cho người bị tấn công tình dục sẽ cung cấp nhân viên đã được đào tạo cùng bạn đến bệnh viện, hoặc đến buổi hẹn khám bệnh để bạn không phải đi một mình.
  7. Cân nhắc gọi điện cho cảnh sát để báo cáo về vụ việc. Hành động này sẽ giúp bạn đưa thủ phạm ra công lý và ngăn hắn không thể hãm hại bất kỳ người nào khác.[7]
    • Nếu bạn nghi ngờ bạn đã bị chuốc thuốc mê, bạn nên giữ lại cốc hoặc chai lọ mà bạn đã uống, nếu có thể. Xét nghiệm thuốc mê sẽ được tiến hành để xác định việc sử dụng thuốc và cung cấp bằng chứng có thể được sử dụng trong tương lai.
    • Loại thuốc dùng để cưỡng hiếp phổ biến không phải là Rohypnol – mà là rượu bia. Bạn nên báo cáo cho cảnh sát biết nếu rượu bia hoặc thuốc có liên quan đến vụ việc. Ngay cả khi bạn hoàn toàn tự nguyện sử dụng chúng trước khi bị hãm hiếp, bạn không phải là người có lỗi.[10]
    • Báo cáo cho cảnh sát cũng sẽ đem lại lợi ích về mặt tâm lý trong việc giúp bạn chuyển đổi từ nạn nhân trở thành người sống sót.
  8. Nếu thời gian đã trôi qua, đừng ngần ngại phải hành động. Ngay cả khi đã 72 giờ trôi qua từ sau khi bạn bị cưỡng bức, bạn vẫn nên liên lạc với cảnh sát, đường dây hỗ trợ, và chuyên gia y tế.[11]
    • Chất dịch cơ thể nên được thu thập trong vòng 72 giờ sau cuộc tấn công. Ngay cả khi bạn không chắc chắn liệu bạn có khởi tố người đó hay không, bạn nên thu thập chứng cứ để luôn có thể dùng đến khi cần.[12]
  9. Kiên nhẫn vượt qua chấn thương cảm xúc. Bạn đã trải qua sự kiện gây sốc, trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, tăng cảnh giác, và ác mộng. Điều này hoàn toàn bình thường và bạn sẽ sớm cảm thấy tốt hơn.[13]
    • Người sống sót cũng sẽ có cảm giác tột lỗi và xấu hổ, rối loạn ăn uống và ngủ nghỉ, cũng như khó tập trung.
    • Chấn thương mà người sống sót sau cưỡng bức và tấn công tình dục trải nghiệm thuộc dạng rối loạn căng thẳng sau chấn thương.
  10. Hiểu rõ rằng triệu chứng thể chất sẽ xuất hiện. Bạn có thể cảm thấy đau đớn, có nhiều vết cắt, vết thâm tím, chấn thương nội bộ, hoặc khó chịu sau khi bị tấn công. Chúng là những lời gợi nhớ đau lòng nhưng sẽ nhanh chóng qua đi.[13]
    • Bạn nên cử động nhẹ nhàng trong một thời gian, cho đến khi cơn đau và vết thâm tím đã khỏi.[14]
    • Cố gắng ngâm mình trong bồn nước nóng, thiền, hoặc thực hiện kỹ thuật thư giãn khác phù hợp với bạn.

Điều chỉnh phản ứng bên ngoài[sửa]

  1. Đối mặt với khoảng thời gian phủ nhận và kìm nén. Phủ nhận và kìm nén cảm giác là phần tự nhiên trong giai đoạn hai của quá trình hồi phục, được gọi là giai đoạn Điều chỉnh Bên ngoài. Chúng đóng vai trò đáng kể trong quá trình đối phó và chữa lành.[13]
    • Người sống sót thường sẽ trải qua giai đoạn hành động như thể kẻ tấn công không gây ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ, và mọi chuyện chẳng qua chỉ là trải nghiệm tình dục tệ hại. Hành động phủ nhận và kiềm chế được gọi là tối thiểu hóa và nó là phản ứng thông thường để giúp bạn tiếp tục cuộc sống trong thời gian ngắn.[15]
  2. Cố gắng quay về với cuộc sống của mình. Người sống sót cần phải khôi phục lại cảm giác bình thường trong cuộc sống.[13]
    • Phần này của giai đoạn Điều chỉnh Bên ngoài có tên gọi là loại trừ và cho phép bạn hành động như thể sự tấn công không hề xảy ra, mặc dù bạn vẫn cảm thấy hỗn độn trong lòng. Tương tự như phần tối thiểu hóa trong giai đoạn này, nó sẽ cho phép bạn tiếp tục cuộc sống trong một khoảng thời gian ngắn.
  3. Trò chuyện về nó, nếu bạn muốn và có thể. Bạn sẽ cảm thấy như bạn cần phải chia sẻ về sự tấn công và về cảm giác không ngừng nghỉ của bạn, với gia đình, bạn bè, đường dây trợ giúp, và nhà trị liệu. Đây là kỹ thuật đối phó được gọi là bi kịch hóa nhưng nó không có nghĩa là bạn đang “làm to chuyện”.[15]
    • Có lẽ bạn sẽ có cảm giác như thể chấn thương đã chiếm lấy toàn bộ cuộc sống và thay đổi danh tính của bạn, đặc biệt nếu mọi việc mà bạn có thể và muốn làm là nói về nó. Mong muốn được giãi bày tâm sự là điều tự nhiên.
  4. Cho phép bản thân phân tích nó. Đôi khi, người sống sót muốn phân tích chuyện đã xảy ra và cố gắng giải thích nó với bản thân hoặc người khác. Bạn thậm chí có thể đặt mình vào tình huống của thủ phạm để xem xét suy nghĩ của hắn.[15]
    • Điều này không có nghĩa là bạn đang cảm thông cho kẻ đó hoặc đang bào chữa cho hành vi của hắn, vì vậy, bạn không cần phải cảm thấy có lỗi nếu bạn nhận thấy bản thân đang trải qua giai đoạn này.
  5. Không cần phải nói về nó nếu bạn không muốn. Bạn có quyền không chia sẻ về cuộc tấn công nếu bạn không muốn, ngay cả khi bạn biết rõ rằng gia đình và bạn bè bạn chỉ đang cố gắng giúp đỡ bạn bằng cách khuyên bạn trò chuyện về vấn đề.[13]
    • Thỉnh thoảng, người sống sót có thể sẽ thay đổi công việc, chuyển đến thành phố khác, hoặc kết bạn mới để tránh tác nhân kích hoạt về mặt cảm xúc và tránh phải trò chuyện về vụ việc. Không phải người nào cũng cần điều này. Phần này được gọi là trốn chạy vì nhiều người muốn trốn thoát khỏi nỗi đau.[15]
  6. Cho phép bản thân cảm nhận cảm giác của chính mình. Trầm cảm, lo âu, sợ hãi, tăng cảnh giác, ác mộng, và cơn tức giận mà bạn trải nghiệm là triệu chứng thông thường khi bị tấn công tình dục.[15]
    • Trong suốt quá trình này, bạn sẽ không muốn rời khỏi nhà, gặp khó khăn trong việc ăn uống và ngủ nghỉ, cũng như tách bản thân khỏi mọi người và xã hội.

Tái tổ chức cuộc sống về lâu dài[sửa]

  1. Hãy để nỗi đau trôi qua. Trong giai đoạn ba và giai đoạn cuối của chấn thương khi bị cưỡng hiếp, người sống sót thường nhận thấy ký ức về sự kiện này không ngừng tràn về và họ không còn có khả năng kìm nén chúng. Đây chính là thời điểm quá trình hồi phục thật sự bắt đầu.[13]
    • Những hồi tưởng của bạn có thể khá mạnh mẽ đến nỗi chúng gây cản trở cuộc sống của bạn. Đây là phản ứng của tình trạng căng thẳng sau chấn thương và chấn thương khi bị cưỡng bức.
  2. Biết rằng mọi chuyện sẽ trở nên tốt hơn. Đây thường là giai đoạn mà người sống sót sẽ cảm thấy rối ren, không ngừng hồi tưởng, và có dự định tự sát. Cho dù cảm giác này có tệ hại như thế nào, đây là lúc bạn có thể bắt đầu kết hợp quá khứ vào thực tại mới và tiếp tục cuộc sống.[13]
    • Tại một thời điểm nào đó, bạn sẽ chấp nhận rằng bị cưỡng bức là một phần trong cuộc sống của bạn và tiến bước.[15]
  3. Tìm đến gia đình và bạn bè. Đây là thời gian phù hợp để bạn tái giành lại cảm giác an toàn, tin tưởng, và kiểm soát, và bạn cần phải liên lạc với mọi người để có thể thực hiện được điều này.[13]
    • Lựa chọn thời gian, địa điểm, và người mà bạn chia sẻ trải nghiệm bạo lực. Hãy ở bên người ủng hộ bạn, và thiết lập giới hạn bằng cách chỉ bàn luận về yếu tố mà bạn cảm thấy thoải mái.[16]
    • Bạn có quyền nói cho mọi người mà bạn muốn về cuộc tấn công. Đôi khi, thủ phạm sẽ đe đọa bạo lực trong tương lai nếu bạn nói ra vụ việc, nhưng cách duy nhất để chấm dứt tình trạng này là chia sẻ về nó.
  4. Tìm sự giúp đỡ từ phía chuyên gia. Nhà tư vấn được đào tạo chuyên về việc đối phó với chấn thương khi bị cưỡng hiếp và tấn công tình dục sẽ là người biết cảm thông và giúp bạn xử lý cảm xúc của mình.
    • Bạn có thể tìm kiếm nhà tư vấn thông qua các trang web hỗ trợ dành cho người bị tấn công tình dục.
    • Ngoài ra, cũng có khá nhiều cuộc họp mặt của nhóm trị liệu cụ thể và thậm chí là phòng chat trực tuyến dành cho người sống sót. Bạn nên tìm kiếm phương pháp phù hợp với bạn.[17]
  5. Cho phép bản thân có thời gian để hồi phục. Có thể sẽ phải tốn nhiều tháng, hoặc thậm chí là nhiều năm để hồi phục.[15]
    • Theo thời gian, bạn sẽ xác định lại chính mình, thế giới quan, và mối quan hệ của bạn. Hãy tử tế với bản thân và đừng hy vọng sẽ hồi phục chỉ sau một đêm.
  6. Tìm trợ giúp trong việc tố tụng. Nếu bạn không biết phải làm gì tiếp theo, bạn nên gọi đến trung tâm phòng chống khủng hoảng địa phương để được hỗ trợ. Nhân viên của họ đã được đào tạo để hướng dẫn bạn vượt qua quá trình và có thể tham dự cuộc họp cũng như buổi triệu tập cùng bạn nếu bạn muốn.[12]
    • Bạn không cần phải khởi tố nếu bạn không muốn. Cảnh sát cũng có thể cảnh cáo kẻ phạm tội để ngăn ngừa hắn không thực hiện hành vi tương tự một lần nữa.[18]
    • Bạn có thể được hỗ trợ tài chính đối với một số chi phí liên quan đến thời gian bạn nghỉ làm, ra tòa, tìm người tư vấn, v.v. Bạn nên kiểm tra với trung tâm phòng chống khủng hoảng trong khu vực để tìm hiểu thêm thông tin.[19]
    • Nhiều trung tâm có liên kết với dịch vụ công ích, hoặc miễn phí trong việc trợ giúp pháp lý cho người đã trải qua tấn công tình dục. Tại đây, nhân viên hỗ trợ sẽ có mặt để đi cùng bạn đến gặp luật sư hoặc ra tòa.
  7. Biết rõ luật pháp. Không có quy định về thời hạn khởi kiện dành cho tấn công tình dục, có nghĩa là ngay cả khi vụ việc đã diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước, bạn vẫn có thể báo cáo với cảnh sát.[2]
    • Nếu bạn lựa chọn khởi tố thủ phạm và bạn phải được chăm sóc y tế ngay sau khi bị cưỡng bức, có cơ hội là bằng chứng đã được thu thập.
    • Nếu bác sĩ hoặc y tá sử dụng “bộ dụng cụ điều tra các vụ án cưỡng hiếp” hoặc tiến hành “giám định pháp y”, chứng cứ sẽ được lưu trữ cẩn thận trong hồ sơ để cảnh sát có thể xem xét.[12]

Lời khuyên[sửa]

  • Hồi phục không có nghĩa là bạn sẽ quên đi mọi chuyện và bạn sẽ không bao giờ trải nghiệm cảm giác buồn bã hoặc triệu chứng khác. Hồi phục là một cuộc hành trình cá nhân, nơi mà bạn sẽ tái quay về với cuộc sống, lấy lại cảm giác tin tưởng và an toàn, và tha thứ cho bản thân cho mọi lỗi lầm hoặc sự tự đổ lỗi.[8]
  • Bạn không cần thiết phải vượt qua mọi giai đoạn theo thứ tự cụ thể. Mỗi hành trình hồi phục của người sống sót sẽ khác nhau và dao động qua lại giữa các cơ chế đối phó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 https://rainn.org/get-information/sexual-assault-recovery/tips-for-after-an-attack
  2. 2,0 2,1 http://www.sexualityandu.ca/sexual-health/sex-and-the-law/sexual-assault
  3. https://1in6.org/the-1-in-6-statistic/
  4. http://time.com/25150/rape-victims-talk-about-tweeting-their-experiences-publicly/
  5. 5,0 5,1 http://kidshealth.org/teen/your_mind/relationships/date_rape.html
  6. http://www.malesurvivor.org/myths.html
  7. 7,0 7,1 7,2 http://www.sexualityandu.ca/sexual-health/sex-and-the-law/if-it-happens
  8. 8,0 8,1 http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2323517/
  9. https://rainn.org/get-information/aftermath-of-sexual-assault/receiving-medical-attention
  10. 10,0 10,1 http://www.sexualityandu.ca/sexual-health/drug_facilitated_sexual_assault/the-hard-facts
  11. http://kidshealth.org/parent/positive/talk/rape.html#cat20018
  12. 12,0 12,1 12,2 https://rainn.org/get-information/aftermath-of-sexual-assault/preserving-and-collecting-forensic-evidence
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 13,4 13,5 13,6 13,7 http://uofa.ualberta.ca/-/media/ualberta/students/university-wellness-services/sac/rape-trauma-syndrome-2009.pdf
  14. https://ohl.rainn.org/online/resources/self-care-after-trauma.cfm
  15. 15,0 15,1 15,2 15,3 15,4 15,5 15,6 https://ohl.rainn.org/online/resources/how-long-to-recover.cfm
  16. https://www.k-state.edu/counseling/topics/relationships/rape.html
  17. http://www.pandys.org/index.html
  18. http://www.sexualityandu.ca/sexual-health/drug_facilitated_sexual_assault/what-to-do-if-it-happens-to-you
  19. https://www.rainn.org/public-policy/legal-resources/compensation-for-rape-survivors