Hội thảo về Ngôn ngữ học Corpus và dịch tự động

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Trong bối cảnh thông tin đa dạng và đa chiều với một khối lượng khổng lồ hiện nay, việc chuyển dịch các văn bản (từ ngôn ngữ A sang ngôn ngữ B hoặc nhiều ngôn ngữ khác) để phục vụ công việc học tập, nghiên cứu một cách kịp thời, nhanh chóng là một trong những vấn đề hết sức cấp bách. Đây cũng là một nhiệm vụ của ngành ngôn ngữ học (trong thế nghiên cứu liên ngành) rất đáng quan tâm.

Đứng trước tình hình đó, ngày 6-3-2007, tại 36 Hàng Chuối, Hà Nội, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Viện Ngôn ngữ học đã phối hợp tổ chức một seminar chuyên đề Ngôn ngữ học Corpus và vấn đề dịch tự động (dịch máy). Báo cáo viên: TS Đào Hồng Thu, hiện là cán bộ giảng dạy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, chị Thu đã dành hai năm để tập trung nghiên cứu vấn đề này tại Saint Peterburg (LB Nga) và bước đầu đã đạt được những thành quả nhất định.

Machine Translation (dịch máy, dịch tự động) là một lĩnh vực đã hình thành từ giữa thế kỉ XX trên thế giới. Nhưng phạm vi, khả năng ứng dụng thực tế của nó vẫn chưa thực hiệu quả và cũng chưa bộc lộ những ưu thế khả thi. Bởi hệ thống cần thiết cấu trúc ngôn ngữ tự nhiên không dễ dàng sử dụng các nguyên lí của logic học, toán học, kí hiệu học để giải mã một cách đơn giản được. TS Đào Hồng Thu đã bước đầu giải mã ngữ pháp tiếng Việt để xây dựng hệ thống dịch bằng máy. Trước hết, phần mềm do chị thiết kế đã dịch thử được một số văn bản đặc thù (như văn bản khoa học chuyên ngành) từ tiếng Anh, tiếng Nga ra tiếng Việt (và ngược lại). Qua quan sát ban đầu, các sản phẩm dịch cơ bản là chấp nhận được.

Hội thảo đã thu hút được nhiều nhà ngữ học quan tâm và tại đây có một số ý kiến trao đổi sôi nổi, thậm chí trái chiều nhau (GS.TS.Lê Quang Thiêm, PGS.TSKH.Nguyễn Ngọc Hùng, TS.Dương Kì Đức, PGS.TS.Phạm Hùng Việt, TS.Nguyễn Thượng Hùng, TS.Phạm Văn Tình, TS.Vũ Kim Bảng, TS.Trương Tấn …. ). Dù sao, đây cũng là một bước đi quan trọng trong việc ứng dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật phục vụ nhu cầu của cuộc sống con người.

Tác giả[sửa]

Phạm Văn Tình

Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, tháng 4/2007.