Loại bỏ sỏi thận

Từ VLOS
(đổi hướng từ Loại bỏ Sỏi thận)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh sỏi thận, còn được gọi là Renal Lithiasis hoặc sạn thận, xảy ra khi các tinh thể khoáng nhỏ hình thành trong thận. [1] Thông thường, các tinh thể này sẽ di chuyển từ thận đến đường tiết niệu, rồi được đẩy ra ngoài theo nước tiểu. Tuy nhiên, đôi khi các tinh thể nhỏ sẽ tìm cách đọng lại trong thận, sau đó kết hợp với các tinh thể nhỏ khác để hình thành nên sỏi thận.[2] Phần lớn sỏi thận được tạo thành từ canxi oxalat hoặc canxi phốt-phát, hoặc cả hai chất trên.[3] Bạn nên đi khám bác sĩ nếu bị sỏi thận. Bác sĩ và bác sĩ tiết niệu sẽ cho bạn biết những phương pháp điều trị. Mặt khác, bạn cũng có thể điều trị sỏi thận tại nhà.

Các bước[sửa]

Điều trị Sỏi thận[sửa]

  1. Uống nhiều nước và các chất lỏng khác. Uống nhiều nước giúp bạn đi tiểu nhiều, nhờ đó giúp đẩy sỏi thận ra ngoài. Nước tinh khiết là lựa chọn tốt nhất. Uống nhiều nước có thể loại bỏ đến 8/10 viên sỏi thận.[4]Vì vậy, bạn nên ưu tiên phương pháp này trước khi thực hiện những phương pháp khác.
    • Viện Y học Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ nên uống khoảng 9 cốc nước (2,2 lít) và nam giới nên uống khoảng 13 cốc nước (3 lít) mỗi ngày.[5]
    • Cố gắng uống đủ nước sao cho nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc trong. Đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn đang uống đủ chất lỏng.[6]
  2. Uống nước chanh hoặc nước ép nam việt quất. Nên tìm uống loại ít đường hoặc tự pha chế. Chanh và nam việt quất chứa nhiều axit citric, giúp ngăn chặn quá trình các tinh thể tăng kích thước để hình thành sỏi thận mới. [7][8]
    • Tránh uống bia đen. Các loại bia đen chứa oxalat, sẽ góp phần hình thành sỏi thận về sau.[9]
  3. Uống thuốc giảm đau nếu cần thiết. Uống NSAID hay thuốc kháng viêm không steroid. NSAID có nhiều dạng khác nhau như: Ibuprofen (đặc biệt là Motrin rất có hiệu quả), Naproxen (Aleve) hoặc Aspirin. Tất cả các thuốc trên đều là thuốc NSAID thông dụng nhất.[6] Người dưới 18 tuổi không được dùng Aspirin vì nó là tác nhân dẫn đến Hội chứng Reye nguy hiểm - căn bệnh gây tổn thương não cấp tính.[10]
    • Nếu viên sỏi thận lớn và gây đau đớn, bạn có thể cần dùng đến thuốc kê đơn mạnh có tác dụng giảm đau. Bác sĩ sẽ có cách chẩn đoán tốt hơn trong tình huống này.
  4. Biết khi nào nên đi khám bác sĩ. Hầu hết các viên sỏi thận sẽ được loại bỏ nếu bạn kiên nhẫn và uống thật nhiều nước. Khoảng 15% các trường hợp sỏi thận yêu cầu sự can thiệp của bác sĩ. Đi khám bác sĩ nếu bạn:[11]
    • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể sẽ nghiêm trọng hơn nếu bị sỏi thận.[4]
    • Đã được ghép thận, hệ thống miễn dịch suy yếu hoặc chỉ có một bên thận.
    • Đang mang thai. Điều trị sỏi thận trong khi mang thai thường phụ thuộc vào giai đoạn của thai kỳ.
    • Bạn cho rằng viên sỏi thận đang gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Các dấu hiệu tắc nghẽn đường tiết niệu bao gồm giảm lưu lượng nước tiểu, đi tiểu đêm và đau một bên.[12]
  5. Uống thuốc hoặc dự tính phương pháp loại bỏ sỏi thận nếu viên sỏi vẫn nằm trong thận. Nếu sỏi thận không theo nước tiểu đi ra ngoài, bạn có thể cần uống thuốc hoặc thực hiện một số phương pháp loại bỏ nó.
    • Tán sỏi bằng sóng xung kích (SWL) là phương pháp lý tưởng để loại bỏ viên sỏi thận nhỏ hơn 2 cm. Tuy nhiên, phương pháp này không thích hợp đối với phụ nữ mang thai vì sẽ cần chụp X-quang để xác định vị trí viên sỏi và có thể không có tác dụng đối với những viên sỏi lớn.[13]
    • Đối với sỏi thận nằm trong niệu quản, bác sĩ có thể tiến hành nội soi niệu quản. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa của một camera rất nhỏ vào niệu quản để quan sát viên sỏi, sau đó đưa rọ xuyên từ bàng quang đến niệu quản để kéo viên sỏi ra.[14]
    • Đối với viên sỏi lớn (lớn hơn 2 cm) hoặc có hình dạng bất thường, bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp tán sỏi thận hoặc lấy sỏi thận qua da. [15] Sau khi gây mê cho bạn, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ ở lưng để lấy hoặc tán viên sỏi thận.[15]
    • Nếu nguyên nhân gây sỏi thận là do tăng canxi niệu (thận sản xuất ra một lượng lớn canxi), bác sĩ có thể kê toa thuốc lợi niệu, Orthophotphat, Bisphosphonat hoặc hiếm hơn hơn là thuốc chặn kênh canxi. [16]
    • Nếu đang bị bệnh Gút, bạn có thể được kê đơn thuốc Allopurinol.

Phòng ngừa Sỏi thận[sửa]

  1. Tránh tiêu thụ đường, soda và sirô ngô. Đường cản trở khả năng hấp thụ canxi và magiê của cơ thể, dẫn đến hình thành sỏi thận. Fructose, có trong đường ăn và sirô ngô có hàm lượng fructose cao, là tác nhân làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. [17] Nếu muốn duy trì lối sống lành mạnh và ngăn ngừa sỏi thận, bạn nên cố gắng giảm tiêu thụ đường.
    • Một số loại soda hương chanh như 7UP và Sprite, chứa hàm lượng cao axit citric. Mặc dù nên tránh đồ uống chứa nhiều đường nhưng một số loại soda không màu có thể giúp bạn tăng hàm lượng axit citric cho cơ thể.[8]
  2. Tập thể dục. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Các bài tập thể dục cường độ vừa phải được chứng minh là giúp giảm 31% nguy cơ mắc sỏi thận.[18]
    • Cố gắng dành ra 150 phút mỗi tuần để tập các môn Aerobic cường độ vừa phải như đi bộ, chạy bộ hoặc làm vườn.[19]
  3. Hạn chế tiêu thụ protein động vật xuống còn 170 g (hoặc ít hơn) mỗi ngày. Protein động vật, đặc biệt là từ thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, đặc biệt là sỏi axit uric.[20] Mỗi ngày, chỉ nên tiêu thụ 170 g protein động vật hoặc ít hơn - kích thước bằng lòng bàn tay hoặc bộ bài - để giảm nguy cơ hình thành các loại sỏi thận.[21]
    • Các loại thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản chứa hàm lượng cao chất purine. Purine làm tăng khả năng sản sinht axit uric của cơ thể và dẫn đến sỏi thận. [22] Trứng và cá cũng chứa nhiều purine mặc dù hàm lượng ít hơn các loại thịt đỏ và hải sản.[21]
    • Tiêu thụ protein từ các nguồn thực phẩm khác như sữa giàu canxi hoặc các loại đậu. Các loại đậu chứa chất xơ và phytate – hợp chất giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận. Tuy nhiên, nên thận trọng với đậu nành vì loại đậu này chứa nhiều oxalat.[23]
  4. Bổ sung đủ canxi nhưng tránh sử dụng thực phẩm chức năng. Giảm tiêu thụ canxi có vẻ là ý kiến không tồi vì thực tế nhiều viên sỏi thận được tạo thành từ canxi. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn quá ít canxi cũng sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận. Vì vậy, nên ăn các sản phẩm từ sữa khác nhau như sữa, sữa chua và pho mát để đáp ứng nhu cầu canxi hàng ngày của cơ thể.[24]
    • Trẻ từ 4-8 tuổi cần 1000 mg canxi mỗi ngày. Trẻ từ 9-18 cần bổ sung 1300 mg canxi mỗi ngày. Người lớn từ 19 tuổi trở lên cần ít nhất 1000 mg canxi mỗi ngày. Phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi cần bổ sung 1200 mg canxi mỗi ngày.[25]
    • Trừ trường hợp được bác sĩ khuyến nghị, bạn nên tránh sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung canxi. Bổ sung canxi từ chế độ ăn uống sẽ không gây sỏi thận. Mặt khác, tiêu thụ quá nhiều canxi từ thực phẩm chức năng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
  5. Áp dụng chế độ ăn “ít oxalat”. Loại sỏi thận phổ biến nhất được hình thành từ canxi oxalat. Vì vậy, tránh tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều oxalat có thể giúp ngăn ngừa sỏi thận về sau. Hạn chế tiêu thụ oxalat xuống còn 40 – 50 mg mỗi ngày.[9]
    • Ăn các thực phẩm chứa oxalat cùng lúc với thực phẩm chứa canxi. Oxalat và canxi nhiều khả năng sẽ liên kết với nhau trước khi di chuyển đến thận, nhờ đó sẽ giúp giảm nguy cơ sỏi thận.[22]
    • Thực phẩm chứa nhiều oxalat ( hơn 10 mg trên mỗi phần ăn) bao gồm các loại hạt, hầu hết các loại quả mọng, lúa mì, quả sung, nho, quýt, đậu, củ dền, cà rốt, cần tây, cà tím, cải xoăn, tỏi tây, quả ôliu, đậu bắp, ớt, khoai tây, cải bó xôi, khoai lang và bí ngòi.
    • Đồ uống chứa nhiều oxalat (trên 10 mg mỗi khẩu phần) bao gồm bia đen, hắc trà, đồ uống từ sô cô la, thức uống từ đậu nành và cà phê hòa tan.
    • Cơ thể có thể chuyển hóa hàm lượng lớn vitamin C – ví dụ như vitamin C từ thực phẩm chức năng - thành oxalat. Trừ khi được bác sĩ đề nghị, bạn nên tránh sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C. [9]
  6. Không nhịn ăn đột ngột. Nhịn ăn đột ngột làm tăng hàm lượng axit uric trong máu, từ đó tăng nguy cơ sỏi thận. Chế độ ăn giàu protein, chẳng hạn như chế độ ăn Atkins, đặc biệt ảnh hưởng đến thận. Do đó, bạn không nên áp dụng chế độ ăn này.[17]
    • Nói chung, chế độ ăn cân bằng và lành mạnh bao gồm nhiều hoa quả và rau củ, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và protein nạc có giới hạn sẽ giúp bạn khỏe mạnh và ngăn ngừa sỏi thận.
  7. Đặc biệt cảnh giác nếu bạn có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Theo nghiên cứu, khoảng một nửa số bệnh nhân bị sỏi thận sẽ bị tái phát bệnh trong vòng 7 năm đầu. [26] Vì vậy, nên chuẩn bị biện pháp phòng ngừa nếu bạn đã bị sỏi thận trước đó để tránh nguy cơ bệnh tái phát.

Lời khuyên[sửa]

  • Ăn uống lành mạnh và tuân thủ chế độ ăn. Thiết lập một chế độ ăn bao gồm các vitamin và các chất dinh dưỡng khác, đồng thời tránh ăn thức ăn nhanh và các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa.
  • Không có hoặc có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh các nguyên liệu “tự nhiên” như bồ công anh, giấm táo, tầm xuân và măng tây hữu ích trong điều trị sỏi thận.[27][17]

Cảnh báo[sửa]

  • Không nên nhịn đi tiểu chỉ vì sợ đau. Đi tiểu rất quan trọng trong việc giúp loại bỏ sỏi thận.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.medicinenet.com/kidney_stones/page2.htm
  2. http://www.webmd.com/kidney-stones/kidney-stones-what-happens
  3. http://www.webmd.com/kidney-stones/tc/types-of-kidney-stones-topic-overview
  4. 4,0 4,1 http://www.webmd.com/kidney-stones/kidney-stones-what-happens
  5. http://www.mayoclinic.org/healthy-living/nutrition-and-healthy-eating/in-depth/water/art-20044256
  6. 6,0 6,1 http://www.webmd.com/kidney-stones/kidney-stones-home-treatment
  7. https://www.uwhealth.org/files/uwhealth/docs/pdf/kidney_citric_acid.pdf
  8. 8,0 8,1 http://kidneystones.uchicago.edu/new-post/
  9. 9,0 9,1 9,2 http://www.upmc.com/patients-visitors/education/nutrition/Pages/low-oxalate-diet.aspx
  10. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/001565.htm
  11. http://www.patient.info/health/kidney-stones
  12. https://www.merckmanuals.com/home/kidney-and-urinary-tract-disorders/obstruction-of-the-urinary-tract/urinary-tract-obstruction
  13. https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones_shockwave
  14. https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones_Ureteroscopy
  15. 15,0 15,1 https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones_PNN
  16. http://emedicine.medscape.com/article/2182757-treatment#d9
  17. 17,0 17,1 17,2 https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones
  18. http://www.webmd.com/kidney-stones/news/20131213/light-exercise-might-reduce-risk-of-kidney-stones
  19. http://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/expert-answers/exercise/faq-20057916
  20. http://umm.edu/health/medical/altmed/condition/kidney-stones
  21. 21,0 21,1 http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/urologic-disease/diet-for-kidney-stone-prevention/Pages/facts.aspx
  22. 22,0 22,1 https://www.kidney.org/atoz/content/kidneystones_prevent
  23. http://www.nytimes.com/health/guides/disease/kidney-stones/prevention.html
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/kidney-stones/basics/prevention/con-20024829
  25. http://ods.od.nih.gov/factsheets/Calcium-HealthProfessional/
  26. http://www.webmd.com/kidney-stones/kidney-stones-treatment-overview
  27. ”Natural treatments for kidney stones,” Salem Press Encyclopedia of Health, 2012

Liên kết đến đây