Nấu súp đậu hạt

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Súp đậu hạt là món ăn cần dành nhiều thời gian để chế biến nhưng quá trình chế biến lại rất đơn giản. Không những rẻ tiền, súp đậu hạt còn rất ngon miệng và tốt cho sức khỏe. Bạn có thể tự nấu súp đậu hạt vào cuối tuần và để ăn thêm vài ngày nữa vì súp có thể đem đông lạnh. Phương pháp chế biến cũng rất đa dạng và bạn có thể biến tấu tùy theo sở thích và nguyên liệu có sẵn.

Nguyên liệu[sửa]

Khoảng 10 phần ăn

  • 0,45 kg/ 2 1/4 cốc đậu hạt khô
  • 8 cốc (1,9 lít) nước
  • 1 củ hành tây lớn hoặc 2 củ nhỏ (hành trắng hoặc hành vàng)
  • 3 cây cần tây còn nguyên lá
  • 3 củ cà rốt
  • 1 lá nguyệt quế
  • 2 thìa (30 ml) dầu thực vật hoặc dầu oliu
  • Muối và tiêu để nêm nếm

Nguyên liệu Không Bắt buộc[sửa]

  • Chân giò hun khói (còn xương hoặc rút xương)
  • 115 g thịt nguội đã chế biến (không cần thiết nếu dùng chân giò hun khói)
  • 2 quả cà chua lớn, cắt nhỏ (nên sử dụng nếu không dùng thịt)
  • 3-5 tép tỏi băm nhuyễn
  • 1 quả ớt xanh
  • Húng quế, thìa là Ai Cập, rau mùi, gừng, lá kinh giới, lá hương thảo hoặc lá nguyệt quế

Các bước[sửa]

Chuẩn bị Nguyên liệu[sửa]

  1. Lựa và rửa đậu. Vì đậu là sản phẩm tự nhiên nên khi đóng gói thường có cả sỏi, đất và vỏ đậu vỡ. Vì vậy, bạn phải lựa riêng đậu và sỏi đất. Sau khi lựa xong, hãy cho đậu vào rây có mắt lưới nhỏ để rửa sạch bụi bẩn bằng nước.
  2. Ngâm đậu (không bắt buộc). Đậu hạt chín nhanh nên bước ngâm đậu là không cần thiết. [1] Tuy nhiên, nếu muốn rút ngắn thời gian chế biến, bạn có thể ngâm đậu trong nồi nước khoảng 4 tiếng hoặc ngâm qua đêm.
  3. Cắt rau củ. Cắt cà rốt, hành tây, cần tây và các loại rau củ khác theo sở thích. Cắt nhỏ để nấu súp loãng hoặc cắt thành khối có kích thước 6-12 mm nếu muốn nấu súp đặc.
    • Bạn có thể để lại nửa củ cà rốt để nạo và dùng trang trí món ăn. Tuy nhiên, bước này là không bắt buộc.
  4. Rim chân giò hun khói (tùy chọn). Nếu dùng phần chân giò hun khói còn nguyên xương, hãy lóc bỏ xương và mỡ thừa. Còn đối với chân giò đã lóc xương, bạn chỉ cần để nguyên. Sau đó, rim chân giò theo hướng dẫn dưới đây: [2]
    • Rim chân giò hun khói trong nồi nước, vớt bỏ bọt nổi lên. Rim khoảng 1 tiếng trước khi luộc đậu.
    • Hoặc bạn có thể cho chân giò vào nấu cùng đậu. Làm như vậy sẽ nhanh hơn nhưng hương vị của thịt trong món ăn sẽ giảm bớt. Không những vậy, thịt cần nấu khoảng 1-2 tiếng để mềm và rời xương ra nên đậu sẽ bị chín quá.
  5. Thêm hương vị cho súp không thịt. Nếu không dùng thịt hun khói, bạn hãy thêm hương vị cho món ăn bằng cách khác. Ví dụ, dùng tỏi và ớt sẽ tăng thêm vị nồng, còn cà chua sẽ tạo kết cấu giống thịt cho món súp. Dùng nước hầm rau củ thay cho nước lọc và cho thêm một ít rượu vang (rượu đỏ hoặc trắng). Dùng thêm rau thơm như hương thảo và nguyệt quế.
    • Nguyên liệu có tính axit như cà chua và rượu vang có thể khiến đậu lâu mềm. [3] Bạn nên cho cà chua và rượu vang với lượng nhỏ hoặc cho vào sau khi gần nấu xong.

Nấu Súp Đậu hạt[sửa]

  1. Luộc đậu và khuấy đều tay. Đun sôi 8 cốc nước, nên dùng nồi đáy dày để ngăn đậu không bị cháy. Cho đậu vào và luộc tiếp. Khuấy liên tục để đậu khỏi cháy và dính vào đáy nồi.
    • Nếu bạn đã rim thịt hun khói, hãy cho đậu vào nồi thịt hoặc dùng nước rim thịt thay cho nước lọc.
    • Nếu chưa rim thịt, hãy cho thịt vào cùng nồi luộc đậu.
  2. Đậy nắp và đun liu riu. Thỉnh thoảng mở nắp nồi và đảo để đậu không bị cháy.
  3. Xào rau củ. Đun nóng dầu trong chảo lớn đến khi dầu bóng. Cho hành tây vào xào đến khi mềm và bóng nhưng không chuyển màu nâu, thường mất khoảng 3-5 phút. Sau đó, cho phần rau củ còn lại, lá nguyệt quế và rau thơm vào. Xào thêm 5 phút. Rau củ xào sẽ tạo thêm mùi vị cho món súp.
  4. Cho rau vào súp nếu muốn. Đậu hạt mới mua thường chín sau khi luộc 45-60 phút, tùy độ mềm mà bạn muốn. Còn đậu được bảo quản có thể mất khoảng 90 phút đến 2 tiếng để chín. Vì vậy, bạn nên canh thời gian và cho rau củ vào nồi 30 phút trước khi đậu chín. Nếu không chắc chắn, hãy cho rau củ vào sau khi hầm đậu 20 phút.
    • Cho lá nguyệt quế cùng các loại rau thơm khác và muối vào ngay. Lúc này, bạn có thể cho muối vào vì muối sẽ không kéo dài thời gian nấu súp. [4] Nếu nấu súp với thịt hun khói, bạn không cần nêm thêm muối.
    • Nếu thích súp rau củ mềm, hãy cho rau củ ngay vào nồi đậu.
  5. Xử lý thịt hun khói. Khi đậu hơi rã và cần nấu thêm 30 phút, hãy vớt chân giò hun khói ra. Chờ chân giò nguội và lóc riêng phần thịt với xương. Bỏ xương và cắt thịt thành khối rồi cho lại vào nồi đậu.
    • Nếu muốn xay súp, bạn nên để thịt hun khói ở ngoài và cho vào sau khi xay xong.
  6. Xay súp (tùy thích). Nếu thích ăn súp mịn, bạn có thể dùng máy xay thực phẩm hoặc máy xay cầm tay để xay nhuyễn súp ra. Lấy lá nguyệt quế ra trước khi xay. Ngược lại, bạn không cần xay nếu thích ăn súp đặc.
    • Chỉ nên xay súp với lượng nhỏ nếu dùng máy xay đứng. Súp nóng có thể dễ dàng làm bật nắp máy xay.[5]
  7. Nêm muối và tiêu. Dùng muối ăn hoặc muối hạt to nếu muốn súp có vị hơi mặn hoặc sử dụng các loại muối khác tùy khẩu vị.
  8. Thưởng thức súp nóng. Bỏ lá nguyệt quế ra trước khi thưởng thức. Ăn súp nóng với bánh mì tươi, bánh ngô hoặc bánh quy cho bữa ăn ngày đông hoặc dùng làm món ăn phụ đơn giản. Rắc thêm cà rốt nạo hoặc bánh mì Crouton để tạo kết cấu giòn ngon miệng.

Lời khuyên[sửa]

  • Gạn súp vào nồi mới nếu bị cháy. Không nên khuấy khi súp bị cháy vì sẽ làm phần cháy tan ra và ảnh hưởng đến hương vị.
  • Để đông lạnh súp, hãy dựng đứng túi ni-lông thật chắc vào bát và múc súp vào túi. Sau đó, đẩy bớt không khí trong túi ra, khép chặt miệng túi và đem súp đi đông lạnh. Sau khi rã đông, cho thêm một ít nước và hâm nóng súp.
  • Súp đậu hạt thường ngon hơn khi ăn vào ngày hôm sau vì hương vị quyện đều hơn. Vì vậy, bạn không cần lo lắng nếu nấu dư và có thể đem bảo quản súp trong tủ lạnh.

Cảnh báo[sửa]

  • Súp sẽ dính vào nồi nếu không khuấy thường xuyên. Nên dùng nồi đáy dày hoặc nồi gang và đun lửa nhỏ.
  • Cẩn thận khi nấu súp vì hơi nước nóng có thể gây bỏng nặng hơn nước sôi.
  • Cẩn thận với súp nóng và khi lóc xương chân giò. Nên dùng dụng cụ gắp để lóc xương dễ hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây