Ngâm móng chân mọc ngược

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Móng chân mọc ngược (viêm kẽ móng chân) thường là do cắt móng chân quá ngắn, nhưng cũng có thể là do yếu tố di truyền (ví dụ như giường móng quá cong) hay do lối sống (thường xuyên mang giày cao gót ôm chặt ngón chân).[1] Móng chân mọc ngược gây đau và viêm do góc hoặc hai bên móng mọc vào phần thịt của ngón chân, đặc biệt là ngón cái. Bạn có thể kiểm soát và điều trị móng mọc ngược tại nhà, một phần là bằng cách ngâm chân trong nước ấm. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ cần đến sự can thiệp y tế, đặc biệt là nếu móng nhiễm trùng.

Các bước[sửa]

Ngâm chân[sửa]

  1. Chuẩn bị nước ấm ngâm chân. Mục đích ngâm chân trong nước ấm là để: giảm cảm giác khó chịu và để làm mềm móng, từ đó có thể cắt móng hoặc đặt một vật gì đó dưới móng nhằm giảm áp lực.[2] Bạn nên chuẩn bị vật đựng đủ lớn để ngâm toàn bộ bàn chân và đổ đầy nước ấm vào. Có thể cho thêm muối Epsom giúp giảm đau và giảm sưng đáng kể.[3] Magie trong muối cũng giúp thư giãn cơ chân.
    • Muối hoạt động như một chất kháng khuẩn tự nhiên nhưng bạn vẫn có thể dùng các nguyên liệu khác để ngăn ngừa nhiễm trùng như giấm trắng, hydro peroxit, thuốc tẩy và dung dịch i-ốt.
    • Nước ngâm chân càng ấm càng giúp hút được nhiều chất dịch ra khỏi ngón chân, từ đó giúp giảm sưng.
    • Nếu có thể tìm thấy, mua hoặc mượn bồn tắm Jacuzzi nhỏ, hãy dùng để ngâm chân vì tác dụng sục của bồn tắm sẽ giúp nước lưu thông tốt hơn và giúp mát-xa chân nhẹ nhàng.
  2. Ngâm bàn chân và ngón chân có móng mọc ngược. Sau khi nước đủ ấm và đã cho muối Epsom và/hoặc chất khử trùng tự nhiên, ngâm toàn bộ bàn chân vào nước khoảng 15-20 phút. [4] Tùy vào kết quả mà bạn có thể lặp lại 3-5 lần mỗi ngày nên đừng đổ hết nước muối đi. Nếu dùng muối Epsom, bạn sẽ thấy chân "co lại" sau 20 phút, đó là dấu hiệu chất dịch được hút ra khỏi bàn chân/ngón chân.
    • Co gập ngón chân liên tục khi ngâm nước sẽ giúp cải thiện tuần hoàn máu.
    • Nếu ngón chân sưng, bạn nên áp dụng liệu pháp lạnh (chườm đá viên quấn trong khăn mỏng) sau khi ngâm chân cho đến khi ngón chân thấy tê (khoảng 10 phút). Đá viên giúp giảm viêm cấp tính và giảm đau.
  3. Mát-xa ngón chân khi ngâm chân. Khi ngâm chân trong nước ấm, bạn có thể nhẹ nhàng mát-xa các mô viêm thành từng đợt để giảm viêm.[5] Khi mát-xa, bạn sẽ thấy một ít mủ hoặc máu tiết ra từ ngón chân và hòa vào nước. Đây là dấu hiệu bình thường và nó sẽ giúp giảm áp lực cũng như giảm đau ở ngón chân.
    • Dùng ngón tay cái và ngón trỏ để nhẹ nhàng mát-xa phần ngón chân bị viêm nhất, bắt đầu từ phần xa nhất và đẩy về phía mắt cá chân.
    • Chỉ nên mát-xa ngón chân khi ngâm chân khoảng 5 phút vì mát-xa lâu hơn có thể gây kích thích.
  4. Lau chân thật khô. Sau khi ngâm nước ấm xong, bạn nên dùng khăn sạch lau khô nước trên chân.[2] Giữ ngón chân khô ráo cũng là bước quan trọng vì vi khuẩn và các mầm bệnh tiềm ẩn khác (như nấm) thích môi trường ẩm, ấm có thể sinh sôi và phát triển.
    • Sau khi lau khô ngón chân/bàn chân, bạn nên nâng chân cao lên (đặt gối ở dưới) khi ngồi để cải thiện lưu dẫn máu khỏi bàn chân, từ đó giúp chống viêm.

Điều trị móng chân mọc ngược sau khi ngâm chân[sửa]

  1. Thoa kem kháng sinh. Nên thoa kem, lotion hoặc thuốc mỡ kháng sinh lên ngón chân mọc ngược ít nhất vài lần mỗi ngày, đặc biệt là trước khi đi ngủ buổi tối.[6] Sau khi kem thấm vào mô mềm quanh ngón chân viêm, bạn có thể quấn băng tiệt trùng xung quanh. Nên thay băng mỗi khi thoa lại kháng sinh.
    • Dùng nguyên liệu trong nhà có đặc tính kháng sinh như thuốc tẩy Clorox, hydro peroxit, giấm trắng, muối nở pha trong nước, dung dịch i-ốt và nước cốt chanh tươi.
    • Nên nhận thức rằng hầu hết nguyên liệu tại gia có tác dụng khử trùng đều gây nhói nếu da bị móng mọc ngược đâm/cắt phải.
    • Keo bạc Colloidal Silver là chất kháng sinh, kháng vi-rút, kháng nấm mạnh không gây nhói hay kích ứng da khi thoa. Bạn có thể tìm mua keo bạc ở hầu hết các hiệu thuốc hoặc cửa hàng thực phẩm chức năng.
  2. Nhét bông hoặc chỉ nha khoa dưới móng chân. Sau khi ngâm chân trong nước ấm, móng chân mọc ngược sẽ mềm hơn và bạn có thể đặt một miếng bông, gạc hoặc chỉ nha khoa sạch vào dưới móng để xoa dịu các mô mềm nhạy cảm gần giường móng.[2] Cẩn thận khi kéo phần da viêm và gảy móng bằng dụng cụ dũa móng hoặc vật dụng tương tự, sau đó nhẹ nhàng đặt miếng bông xuống dưới móng. Thay bông mỗi ngày.
    • Có thể mất 1-2 tuần để móng chân mọc ngược mọc trở lại và không đâm ngược vào da.
    • Tuyệt đối không “tự phẫu thuật” bằng cách cắt móng chân để giảm đau vì như vậy sẽ khiến tình trạng nặng thêm.
  3. Cắt móng chân đúng cách. Sau khi móng mọc lại và đủ dài, bạn đừng để sai lầm tương tự lặp lại. Thay vào đó, nên cắt móng thẳng, ngay ngắn và không cắt vào phần quanh mép móng hoặc góc móng.[7] Bên cạnh đó, không được cắt móng quá ngắn để tránh gây kích thích móng mọc ngược.
    • Nếu nhờ người khác cắt móng, nên yêu cầu họ cắt mỏng thẳng và không cắt sát da. Tốt nhất, nên cắt móng chân sao cho có thể đặt vừa móng tay dưới hai bên và phần đầu móng chân.[5]
    • Nếu cách điều trị tại nhà và thay đổi cách cắt móng không giúp hoặc không ngừa được tình trạng móng mọc ngược, bạn nên đi khám bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khám chân để được tư vấn và/hoặc điều trị.

Đánh giá tình trạng móng chân[sửa]

  1. Xác định nguyên nhân gây đau. Nếu ngón cái (hoặc các ngón khác) bị viêm và đau, bạn nên cởi vớ hoặc giày dép rồi quan sát thật gần để xác định nguyên nhân. Tình trạng viêm, đau phát triển từ từ, trở nặng sau nhiều ngày hoặc nếu bạn đã từng cắt móng chân quá ngắn và/hoặc mang giày chật, đó có thể là dấu hiệu của móng chân mọc ngược.[8] Trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ rất dễ phát hiện vị trí móng chân đâm sâu vào hoặc cắm vào mô mềm quanh giường móng.
    • Bên cạnh đau và sưng, các dấu hiệu khác bạn cần quan sát gồm có sưng đỏ, nhức khi chạm vào ở một hoặc cả hai bên móng.
    • Tình trạng móng chân mọc ngược phổ biến ở thanh thiếu niên, vận động viên, đặc biệt là nam giới. [9]
  2. Lưu ý dấu hiệu nhiễm trùng. Hậu quả nghiêm trọng nhất của móng chân mọc ngược là nhiễm trùng xuất phát từ vùng da quanh móng. [10] Móng chân mọc ngược bị nhiễm trùng sẽ sưng hơn, đau hơn, khá cứng và ấm khi chạm vào, cuối cùng là tiết ra mủ có mùi hôi. Do cảm giác ấm và sưng nên một số vùng da sẽ bong tróc và giống như mụn nước.
    • Móng chân mọc ngược nhiễm trùng là do hệ miễn dịch đưa tế bào bạch cầu đi tiêu diệt vi khuẩn ở vị trí tổn thương, nhưng đôi khi vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn so với các tế bào miễn dịch chứa chúng.
    • Nên đi khám bác sĩ nếu ngón chân nhiễm trùng không thuyên giảm sau 1 tuần và/hoặc có vẻ lan rộng ra. Bác sĩ có thể phẫu thuật loại bỏ phần móng chân mọc ngược.
    • Cắt móng chân ở các góc khiến móng ôm cong theo hình dáng ngón chân sẽ khiến móng chân mọc ra đâm vào phần da hai bên.
  3. Loại trừ các nguyên nhân khác gây đau chân. Có nhiều vấn đề khác có dấu hiệu đau tương tự tình trạng móng chân mọc ngược mà bạn cần biết. Ví dụ như bệnh Gút (một loại viêm khớp), biến dạng ngón chân cái (ngón cái bóng gân mãn tính dẫn đến biến dạng), ngón chân vỡ hoặc trật khớp, viêm khớp dạng thấp, hoại tử (chết mô do thiếu nguồn cung cấp máu), đau thần kinh liên quan đến tiểu đường, u dây thần kinh (khối u lành tính trong các dây thần kinh nhỏ của chân), nhiễm nấm.[11]
    • Bệnh Gút có thể phát tác nhanh chóng, thường trong vòng vài giờ và tạo cơn đau dữ dội cùng viêm ở ngón chân cái. Bệnh Gút có thể là do chế độ ăn quá nhiều thực phẩm giàu purine như hải sản và thịt nội tạng.
    • Biến dạng ngón chân cái ảnh hưởng đến ngón chân cái và chủ yếu là do mang giày quá chật trong thời gian dài. Về cơ bản, đây là tình trạng bong gân khớp mãn tính. Dấu hiệu nhận biết là ngón chân cong, đau nhức giống như viêm khớp.
    • Vấp chân hoặc các chấn thương khác ở ngón chân có thể khiến móng chân mọc ngược.

Lời khuyên[sửa]

  • Cho tinh dầu (chỉ vài giọt) vào nước ngâm móng chân mọc ngược, ví dụ như tinh dầu hoa oải hương, tinh dầu tràm trà có tác dụng giảm nhiễm trùng.
  • Mang giày dép vừa chân để tránh tạo áp lực lên ngón chân, khiến móng chân mọc và đâm vào các mô xung quanh.
  • Cho đến khi tình trạng viêm ở móng chân thuyên giảm, bạn nên mang giày xăng-đan hở ngón hoặc dép lê thay vì mang giày bó chặt.
  • Mua giày vào buổi chiều vì đó là thời điểm chân đạt kích thước lớn nhất, thường là do sưng và áp lực của lòng bàn chân.
  • Nếu móng chân mọc ngược đã được bác sĩ hoặc bác sĩ chuyên khám chân cắt bỏ, móng mới sẽ mất 2-4 tháng để mọc lại.

Cảnh báo[sửa]

  • Thay vì điều trị móng chân mọc ngược ở nhà, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu bị tiểu đường, tổn thương dây thần kinh ở chân, tuần hoàn máu kém hoặc hệ miễn dịch suy yếu.
  • Nhiễm trùng móng tại chỗ có thể phát triển thành nhiễm khuẩn mô mềm sâu hơn (viêm mô tế bào) và cuối cùng có thể gây nhiễm trùng xương (viêm tủy xương). Vì vậy, bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu tình trạng móng sưng trở nặng hoặc không thuyên giảm sau một tuần.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]