Ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm họng Streptococcal hay còn gọi là viêm họng liên cầu khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn phổ biến và dễ lây ở vùng hầu họng (bao gồm sau cổ họng, cuống lưỡi, amiđan và ngạc mềm. [1] Ở Mỹ, thống kê cho thấy có khoảng 11 triệu ca viêm họng liên cầu khuẩn mỗi năm. Viêm họng liên cầu khuẩn lây lan nhanh chóng từ người này qua người khác do tiếp xúc với nhau hoặc tiếp xúc với vi khuẩn. Bệnh này phổ biến nhất vào cuối đông và đầu xuân[2]. Nếu lo lắng bị viêm họng liên cầu khuẩn, bạn có thể làm theo những bước đơn giản sau để ngăn lây nhiễm và hiểu rõ về bệnh để biết cách phòng tránh.

Các bước[sửa]

Tránh vi khuẩn[sửa]

  1. Tránh tiếp xúc. Cách tốt nhất để phòng ngừa viêm họng liên cầu khuẩn là tránh tiếp xúc với người bệnh, tức không chạm vào hoặc ở cùng với người bệnh trong không gian kín. Ngoài ra, không nên chạm vào vật mà người bệnh đã chạm hoặc tiếp xúc. Vật đó có thể mang theo vi khuẩn và khiến bạn bị nhiễm khuẩn.
    • Nên giữ khoảng cách với người bệnh trong vòng 48 tiếng đầu dùng kháng sinh. Sau 48 tiếng, bạn có thể tiếp xúc bình thường vì bệnh sẽ không còn khả năng lây lan.
    • Viện Hàn lâm Y sĩ Gia đình Mỹ (American Academy of Family Practice) đã tiến hành nghiên cứu cho thấy trong những hộ gia đình có một người mắc bệnh, nguy cơ người trong gia đình bị lây nhiễm bệnh lên đến 43%. Vì vậy, nên cẩn thận nếu người thân bị viêm họng liên cầu khuẩn và nên tránh tiếp xúc hết sức có thể.[2]
    • Đối với người bệnh, bạn nên khuyên họ ở nhà, đặc biệt là trong những ngày đầu vẫn có khả năng lây bệnh. Nếu trẻ nhỏ hoặc thành viên trong gia đình bị bệnh, bạn nên cho họ ở nhà cho đến khi bệnh không thể lây cho người khác (người bệnh hết sốt hoặc đã uống kháng sinh ít nhất 24 tiếng). [3] Nếu bị viêm họng liên cầu khuẩn, bạn không nên ra ngoài để tránh vô tình lây bệnh cho người khác.
    • Không cho trẻ đi học nếu có bạn trong lớp bị viêm họng liên cầu khuẩn.[3]
  2. Vệ sinh đồ vật bị nhiễm khuẩn. Nên vệ sinh sạch sẽ đồ vật đã tiếp xúc với người bệnh viêm họng liên cầu khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh dễ lây lan và sống dai nên mọi đồ vật người bệnh chạm vào đều có nguy cơ lây vi khuẩn cho vật chủ khác. Để ngăn vi khuẩn lây lan, bạn cần rửa sạch tất cả vật dụng mà người bệnh chạm vào, bao gồm quần áo, chăn ga gối đệm, bát đĩa (đặc biệt là cốc uống nước), ống hút, đồ bạc và bất cứ vật dụng nào có nguy cơ nhiễm vi khuẩn do tiếp xúc.[4]
    • Cho vật dụng vào nước sôi và nước tẩy để tiêu diệt vi khuẩn. Nên thay đồ dùng mới nếu không thể áp dụng phương pháp này. Dùng nước tẩy không tẩy trôi màu đối với vật dụng dễ bị mất màu nếu tẩy thường xuyên.
    • Đối với vật dụng không thể đem tẩy rửa, ví dụ như tay nắm cửa và quầy bếp, bạn có thể dùng miếng giẻ tẩm thuốc tẩy hoặc phun kháng khuẩn để loại bỏ vi khuẩn.
    • Nên xử lý bàn chải đánh răng sau 2 ngày điều trị bằng kháng sinh.[5][2] Không cho thành viên trong gia đình dùng chung bàn chải đánh răng.[6]
  3. Tránh dùng chung. Không nên cho người bệnh dùng chung đồ. Không uống chung cốc hoặc ăn chung đĩa với người mắc bệnh viêm họng liên cầu khuẩn.[6]
    • Ngoài ra, không nên dùng chung vật dụng mềm như khăn ăn, giấy ăn, khăn tắm, chăn ga gối đệm hoặc đồ chơi mềm (như thú bông). [7]
  4. Rửa tay. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là khi ở chung với người mắc bệnh là cách ngăn ngừa sự lây lan của viêm họng liên cầu khuẩn. Bệnh rất dễ lây lan do chúng ta thường xuyên chạm tay vào mặt, mũi và miệng. Rửa tay thường xuyên bằng nước ấp trong khoảng 15-30 giây. Dùng xà phòng phù hợp và rửa sạch mọi vị trí trên bàn tay, bao gồm giữa các ngón tay và quanh cổ tay.
    • Rửa tay quá lâu hoặc quá mạnh tay có thể làm tăng nguy cơ lây lan bệnh nhiễm khuẩn vì lớp da bảo vệ tay bị thương tổn ở mức độ vi mô, khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Do đó, bạn chỉ nên rửa tay 15-30 giây để tránh làm tổn thương lớp da cần thiết.
    • Nếu vô tình tiếp xúc với người bệnh, bạn nên tránh chạm tay lên miệng hoặc mũi và nên rửa tay ngay lập tức. Có thể dùng nước rửa tay chứa cồn trong trường hợp không có sẵn nước sạch và xà phòng.[5][2]
  5. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. [7] Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị nên dùng khăn giấy che miệng và mũi thay vì dùng tay. Nếu không có khăn giấy, bạn nên ho hoặc hắt hơi vào khuỷu tay thay vì bàn tay. Cách này giúp ngăn người bị viêm họng liên cầu khuẩn lây lan mầm bệnh khi chạm vào đồ vật. [8]

Tăng cường hệ miễn dịch[sửa]

  1. Nghỉ ngơi. Cơ thể cần được nghỉ chơi để chống lại bệnh nhiễm khuẩn. Người trong gia đình bị viêm họng liên cầu khuẩn cần được nghỉ ngơi đầy đủ nhưng bạn cũng không được để bản thân thiếu ngủ. Ngủ đủ giấc mỗi đêm sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh.[9]
  2. Tuân thủ chế độ ăn cân bằng. Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch. Nên ăn chế độ ăn chứa nhiều loại rau củ quả tươi, cacbon-hydrat phức hợp và protein nạc. Nếu bạn không bị bệnh, chế độ ăn này sẽ giúp bạn luôn khỏe mạnh. Nếu bạn bị bệnh, chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp bạn nhanh hồi phục.[9]
  3. Bổ sung thêm vitamin C và D. Nên kết hợp thêm nhiều thực phẩm giàu vitamin C và D vào chế độ ăn. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy các vitamin này ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn nhưng chúng sẽ giúp tăng cường chức năng miễn dịch, từ đó cải thiện hệ miễn dịch và giúp chống lại vi khuẩn trong cơ thể.
    • Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh, nếu tiếp xúc với vi khuẩn viêm họng liên cầu khuẩn, cơ thể sẽ có đủ kháng thể để chống lại vi khuẩn hiệu quả và ngăn ngừa bệnh nhiễm khuẩn.
    • Ngay cả khi hệ miễn dịch được tăng cường, bạn cũng không nên tiếp xúc với vi khuẩn và vẫn nên áp dụng phương pháp phòng ngừa.[5][2]
    • Nguồn thực phẩm giàu vitamin C gồm có hoa quả họ Cam, ớt, cà chua và khoai tây. Ngoài ra còn có kiwi, bông cải xanh, dâu tây, mầm cải Brussel và dưa vàng. Nhiều loại thức uống cũng được tăng cường vitamin C. [10]
    • Cá nhiều chất béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu đều giàu vitamin D. Sữa và nước ép tăng cường cũng giúp tăng cường bổ sung vitamin D. Ngoài ra, bạn có thể kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D bằng cách tiếp xúc với ánh nắng (nhớ thoa kem chống nắng).[11]
  4. Bổ sung kẽm. Kẽm là nguyên tố cần thiết cho tế bào trong hệ miễn dịch. Để xây dựng hệ miễn dịch, bạn cần bổ sung kẽm mỗi ngày. Kẽm cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho chức năng của tế bào trong hệ miễn dịch. Thực phẩm giàu kẽm gồm có hải sản, thịt đỏ nạc, thịt gia cầm, đậu và ngũ cốc tăng cường. Ngoài ra, có thể uống thực phẩm chức năng bổ sung kẽm hàng ngày.
    • Bổ sung quá nhiều kẽm có thể gây cản trở hệ miễn dịch. Bạn chỉ nên bổ sung 15-25 mg kẽm mỗi ngày. Không lạm dụng thực phẩm chức năng khi đã bổ sung kẽm thông qua chế độ ăn.[9][12]
  5. Bổ sung vitamin A. Vitamin A thúc đẩy sản sinh một số tế bào trong cơ thể giúp tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, vitamin A còn giúp chống nhiễm khuẩn. Thiếu hụt vitamin A có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng liên cầu khuẩn. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A như khoai lang, rau bina (cải bó xôi), cà rốt, bí đỏ, gan bò, dưa vàng, xoài, đậu mắt đen, bông cải xanh và ớt.
    • Có thể uống vitamin tổng hợp và thực phẩm chức năng để bổ sung vitamin A. Nam giới trưởng thành nên bổ sung 650 mg vitamin A, nữ giới trưởng thành nên bổ sung 580 mg vitamin A mỗi ngày.[9][13]

Hiểu rõ về viêm họng liên cầu khuẩn[sửa]

  1. Nhận biết phương thức lây lan bệnh. Phòng ngừa là bước cần thiết vì viêm họng liên cầu khuẩn rất dễ lây lan. Bệnh lây từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc với dịch tiết nhiễm khuẩn, từ việc bắt tay với người chưa rửa tay sạch cho đến tiếp xúc thân mật như hôn. Nguyên nhân thường là do người bệnh dùng tay lau mũi hoặc miệng rồi chạm vào người/vật khác. Vi khuẩn có thể tồn tại trên vật chủ vài ngày và trên bề mặt khô ráo đến 6 tháng.[14][15]
    • Theo một số nghiên cứu, vi khuẩn viêm họng liên cầu khuẩn rất mạnh. Ví dụ, vi khuẩn có thể tồn tại trong kem que 18 ngày và một tuần trong món salad nui.[5][16] Chính vì rất mạnh và dễ lây nên vi khuẩn có thể lây lan ngay cả sau khi điều trị.
  2. Nhận biết về thời gian ủ bệnh. Thời gian ủ bệnh hay thời gian xuất hiện triệu chứng là từ 1-3 ngày. Tức bạn có thể sẽ không cảm thấy mệt mỏi hoặc không biết rằng mình bị bệnh và vô tình tiếp xúc với người khác.
    • Nếu không được điều trị bằng kháng sinh, người bệnh có thể lây truyền bệnh trong thời gian mang bệnh, tức 7-10 ngày, và một tuần sau đó.[5] Nếu điều trị bằng kháng sinh, người bệnh có thể lây truyền bệnh trong khoảng 24 tiếng sau khi bắt đầu điều trị.[17]
  3. Nhận biết triệu chứng. Triệu chứng phổ biến nhất của viêm họng liên cầu khuẩn là đau họng dữ dội, đau khi nuốt và sốt hơn 38 độ C. Ngoài ra, người bệnh có thể bị sưng cổ họng hoặc đau đầu. Triệu chứng đau bụng và nôn mửa có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ.[18]
    • Nếu quan sát kỹ cổ họng, bạn sẽ thấy amiđan sưng đỏ, cùng với khối mủ hay dịch tiết dài màu trắng trên amiđan.
    • Đôi khi, viêm họng liên cầu khuẩn có thể dẫn đến sốt tinh hồng nhiệt, bệnh viêm có triệu chứng giống viêm họng liên cầu khuẩn đi kèm phát ban sần sùi có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Phát ban không gây ngứa. Trước khi bị phát ban, người bệnh có thể bị đau bụng hoặc nôn mửa, đặc biệt là ở trẻ em. [19]
    • Đôi khi, amiđan sưng to và đau có thể hình thành áp-xe gần amiđan và cần được phẫu thuật dẫn lưu. Phẫu thuật dẫn lưu có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ hoặc bác sĩ có thể quyết định điều trị bằng kháng sinh mạnh.[5]
    • Bạn nên tiếp nhận điều trị nếu xuất hiện túi mủ trắng dài trên amiđan và bị sốt. Triệu chứng này có thể nhận biết bằng mắt thường.
    • Nếu sốt không khỏi sau 2-3 ngày và đau họng dữ dội, bạn nên đi khám bác sĩ để được xét nghiệm viêm họng liên cầu khuẩn.
  4. Chẩn đoán bệnh. Chẩn đoán thường được xác định mang tính lâm sàng và bạn cũng có thể tự đoán bệnh dựa trên túi mủ trắng đặc trưng trên amiđan. Trong những năm gần đây, xét nghiệm viêm họng liên cầu khuẩn nhanh chóng đã giúp các chuyên gia lâm sàng có thể chẩn đoán bệnh ngay tại phòng khám. Mặc dù vậy, dựa trên tình trạng sốt, túi mủ và cơn đau họng dữ dội ở người bị nghi ngờ mắc bệnh mà ta cũng có thể chẩn đoán chính xác.
    • Cũng có nhiều xét nghiệm khác nhưng thường không cần thiết.[5]
    • Trẻ nhỏ thường được xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh chóng, tức xét nghiệm giúp phát hiện kháng nguyên (chất tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể) trong cổ họng trong vòng vài phút. Vì trẻ nhỏ dễ mắc biến chứng viêm họng liên cầu khuẩn nên bác sĩ có thể sẽ dùng xét nghiệm này để chẩn đoán trước. Nếu không thể đưa ra kết luận, bác sĩ sẽ tiến hành cấy mẫu bệnh và xét nghiệm này sẽ mất vài ngày.[20]
  5. Điều trị viêm họng liên cầu khuẩn. Ở một số quốc gia như Mỹ, viêm họng liên cầu khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và kê thuốc kháng sinh thuộc nhóm Penicillin, cùng với thuốc kháng sinh phổ biến nhất Amoxicillin. Hoặc bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh khác nếu bạn dị ứng với Penicillin hoặc Amoxicillin. Kháng sinh phải được uống theo chỉ dẫn của bác sĩ.
    • Thông thường, bạn sẽ thấy khỏe hơn trong vòng 48 tiếng. Nếu không, hãy yêu cầu điều trị tiếp vì có thể bạn đã nhiễm chủng liên cầu khuẩn kháng thuốc hoặc khởi phát nhiễm khuẩn áp-xe.[21]
    • Luôn phải uống hết liều kháng sinh được bác sĩ kê đơn, ngay cả khi đã cảm thấy khỏe hơn. Nếu không, vi khuẩn còn sót lại sẽ trở nên mạnh hơn vi khuẩn đã bị kháng sinh tiêu diệt và sẽ kháng thuốc. Vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị và chữa khỏi.[22]
  6. Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu mắc viêm họng liên cầu khuẩn thường xuyên. Nếu thường xuyên bị viêm họng liên cầu khuẩn hoặc viêm họng liên cầu khuẩn quá nặng và khó điều trị, bạn nên trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đi khám bác sĩ tai-mũi-họng để trao đổi về việc cắt amiđan. Mặc dù không hoàn toàn ngăn ngừa tình trạng viêm họng liên cầu khuẩn tái phát nhưng cách này có thể giúp ích, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.[23]
    • Viêm họng liên cầu khuẩn nghiêm trọng có dấu hiệu như sốt ít nhất 38 độ C, hạch bạch huyết ở cổ bị sưng hoặc đau, và/hoặc ủ trắng trên amiđan.

Cảnh báo[sửa]

  • Phải đi khám viêm họng liên cầu khuẩn ngay khi nghi ngờ bản thân hoặc trẻ nhỏ bị mắc bệnh. Viêm họng liên cầu khuẩn có thể lây lan đến những bộ phận khác trên cơ thể và gây viêm, bao gồm sốt tinh hồng nhiệt, viêm thận và sốt thấp khớp. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ mắc những biến chứng này. [24]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.cancer.gov/Common/PopUps/popDefinition.aspx?id=46024&version=Patient&language=English
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 Beth Choly MD, Diagnosis and Treatment of Streptococcal Pharyngitis, American Family Physician 2009, March 1, 79:5, 383-390
  3. 3,0 3,1 http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/strep-throat.html
  4. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/basics/prevention/con-20022811
  5. 5,0 5,1 5,2 5,3 5,4 5,5 5,6 Best, W, Graham, M, Leitner, R et al, Public Health Agency Of Canada, Steptococcus Pyogenes, Pathogens Safety and Data Sheet Infectious Substances, 2004
  6. 6,0 6,1 http://www.cdc.gov/Features/strepthroat/
  7. 7,0 7,1 http://www.emedicinehealth.com/strep_throat/page8_em.htm
  8. http://www.cdc.gov/flu/pdf/protect/cdc_cough.pdf
  9. 9,0 9,1 9,2 9,3 http://www.health.harvard.edu/staying-healthy/how-to-boost-your-immune-system
  10. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminC-HealthProfessional/#h3
  11. https://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminD-HealthProfessional/#h3
  12. http://www.doctoroz.com/slideshow/zinc-grocery-list
  13. http://ods.od.nih.gov/factsheets/VitaminA-HealthProfessional/#h3
  14. http://www.phac-aspc.gc.ca/lab-bio/res/psds-ftss/strep-pyogenes-eng.php
  15. Bernaldo de Quiros, J. C., Moreno, S., Cercenado, E., Diaz, D., Berenguer, J., Miralles, P., Catalan, P., & Bouza, E. (1997). Group A streptococcal bacteremia. A 10-year prospective study. Medicine, 76(4), 238-248.
  16. (The Committee of Infectious Disease, American Academy of Pediatrics. Severe Invasive Group A Streptococcal Infections: A Subject Review, Pediatrics, Vol 1101, no.1, Jan 1998, 131-140
  17. >http://www.phac-aspc.gc.ca/lab-bio/res/psds-ftss/strep-pyogenes-eng.php#note22
  18. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/basics/symptoms/con-20022811
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/basics/complications/con-20022811
  20. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/basics/tests-diagnosis/con-20022811
  21. Stanford T Shulman, Alan Bisno, Herbert Clegg, Clinical Practice Guidelines for Diagnosis and Management of Group A Streptococcal Pharygnitis 2012: An Update by the Infectious Disease Society of America. Clinical Infectious Diseases, 2012 Sept 9, doi 10.1093/cid/cis629
  22. http://www.cdc.gov/drugresistance/
  23. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/expert-answers/recurring-strep-throat/faq-20058360
  24. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/strep-throat/basics/complications/CON-20022811