Ngăn trẻ vị thành niên ăn trộm

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Có một số lý do khiến trẻ vị thành niên bắt đầu thói quen ăn trộm, dù đó là tiền từ túi bố mẹ, đồ dùng ở trường hay thậm chí là ăn cắp vặt trong siêu thị. Tùy thuộc vào giá trị đồ vật bị mất cắp, có các mức phạt khác nhau theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, dù gì đi nữa, việc ăn trộm sẽ khiến cả trẻ lẫn bố mẹ cảm thấy xấu hổ, lúng túng và có lỗi khi bị phát hiện. Có những cách để bạn ngăn trẻ tái diễn việc ăn trộm, giúp trẻ tránh gặp vấn đề nghiêm trọng.

Các bước[sửa]

Trừng phạt trẻ vì ăn trộm[sửa]

  1. Giải thích hậu quả của việc ăn trộm. Có thể bạn phát hiện ra con bạn lấy trộm tiền từ ví của mình hoặc bạn tìm thấy đồ ăn trộm trong ba lô của con. Nếu đây là lần đầu trẻ phạm lỗi và chưa bị kết tội ăn cắp, bạn cần nói chuyện với con và giải thích cho con hiểu rằng việc lấy tài sản thuộc sở hữu của người khác là phạm pháp và có thể bị đi tù. Đừng coi thường tính nghiêm trọng của việc này hoặc làm con bạn tin rằng ăn trộm là bình thường nếu không bị bắt quả tang. Hãy nói rõ và có tính thuyết phục khi giải thích cho con về những hậu quả nghiêm trọng có thể làm thay đổi cuộc đời do việc ăn trộm gây ra.[1]
    • Dùng các thuật ngữ pháp lý để giải thích về thời gian ngồi tù nếu phạm phải tội ăn cắp (khi bạn lấy tài sản của người khác như ví hoặc xe đạp) và phạm trọng tội (khi bạn cố ý cướp tiền của người khác, như cướp ví hoặc viết séc không hợp lệ).[2]
    • Giá trị của tài sản bị đánh cắp sẽ quyết định liệu tội đó là nghiêm trọng hay tội nhẹ. Dù mức độ phạm tội như thế nào, con bạn cũng sẽ bị phạt một số tiền rất lớn hoặc ngồi tù vài tháng đến vài năm nếu bị bắt quả tang.[2]
  2. Cho con bạn thấy hậu quả của việc ăn trộm. Một biện pháp khác là cho con thấy thay vì chỉ nói về điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị bắt quả tang. Một số cha mẹ gợi ý, nếu con bạn lấy trộm tiền hoặc đồ của bạn, hãy gọi điện cho cảnh sát và nhờ cảnh sát giả vờ bắt giữ con. Cảnh sát có thể còng tay và cho con bạn ngồi vào thùng xe, sau đó giải thích việc kết tội nghiêm trọng là gì và điều đó ảnh hưởng đến tương lai của trẻ như thế nào.[3]
    • Đây có thể là biện pháp cuối cùng, chỉ nên làm khi con bạn ăn trộm đồ của bạn vì bạn sẽ là người quyết định liệu có nên kết tội con mình hay không. Tuy nhiên, cách này có thể làm trẻ sợ hãi đến mức không còn có ý định ăn trộm lần nữa.
  3. Áp dụng hình phạt, theo đó, yêu cầu trẻ phải hành động tích cực. Thay vì dùng đòn roi hoặc mắng mỏ khiến trẻ thêm tức giận và oán hận, hãy tập trung vào hình phạt đòi hỏi trẻ có hành động tích cực để đền bù cho việc ăn trộm. Cách này sẽ bù đắp thiệt hại do việc ăn trộm gây ra cho mối quan hệ với những người xung quanh bạn, đồng thời dạy cho trẻ bài học về giá trị của sự thật thà.[1]
    • Ví dụ, bạn có thể bắt quả tang trẻ ăn trộm tiền trong ví của mình. Bạn có thể phạt con bằng cách bắt trả lại toàn bộ số tiền đã lấy trộm. Việc này có thể mất thời gian vì con bạn cần đi làm hoặc làm giúp việc để kiếm tiền trả cho bạn. Tuy nhiên, trẻ sẽ được bài học về hậu quả từ hành vi của chúng, sống có trách nhiệm khi phải kiếm việc làm, và hiểu vì sao ăn trộm là sai trái.
    • Một lựa chọn khác để lấy lại tiền trẻ ăn trộm là yêu cầu chúng dọn dẹp nhà cửa hoặc nấu bữa tối cho gia đình trong một tháng. Bằng cách này, trẻ sẽ làm những việc tích cực cho mọi người để bù đắp lỗi lầm của mình.

Ngăn trẻ tiếp tục ăn trộm[sửa]

  1. Hỏi trẻ vì sao có nhu cầu ăn trộm. Con bạn có thể muốn lấy trộm vì những lý do hoặc vấn đề khác. Xác định nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi của trẻ sẽ giúp bạn ngăn chúng tiếp tục ăn trộm. Trẻ có xu hướng ăn trộm vì một số lý do, bao gồm:[4][5]
    • Áp lực của bạn đồng lứa có thể là động cơ lớn khiến trẻ ăn trộm. Chúng có thể muốn một chiếc điện thoại thông minh đời mới nhất hoặc đôi giày đế mềm mới, sành điệu và cảm thấy cách duy nhất có được những đồ này là lấy trộm của người khác, hoặc ăn trộm tiền của bạn để mua. Phần lớn trẻ vị thành niên sống hòa đồng với bạn bè, do đó, con của bạn có thể cảm thấy áp lực vì phải có một số thứ để giống với những đứa trẻ khác ở trường.
    • Nhu cầu được chú ý cũng là một lý do khiến con bạn ăn trộm. Sự chú ý của những người khác, đặc biệt là những người có quyền lực, có thể sẽ tốt hơn đối với trẻ. Con bạn ăn trộm có thể vì chúng biết bạn sẽ để ý và quan tâm đến chúng.
    • Sự bối rối hoặc lo lắng đối với một số đồ vật, như bao cao su, băng vệ sinh, biện pháp tránh thai khẩn cấp hoặc que thử thai, có thể khiến trẻ ăn trộm những thứ đó. Con bạn vì quá ngại không dám đến bệnh viện hay xin bạn tiền để mua những thứ này nên nghĩ rằng cách duy nhất là ăn trộm.
    • Cảm giác hồi hộp khi làm điều gì không đúng cũng có thể là động cơ đối với trẻ. Thông thường trẻ vị thành niên thích thú với cảm giác này khi làm điều gì sai trái và tham gia vào những hoạt động mạo hiểm. Hầu hết trẻ vị thành niên đều thích những thứ vượt giới hạn hoặc bị cho là xấu. Vì vậy, ăn trộm có thể là cách để chúng vượt ra khỏi giới hạn và thử xem liệu chúng có thoát được không.
  2. Tạo nguồn thu nhập cho con. Nếu con bạn ăn trộm vì cảm thấy không mua được những thứ mà bạn của chúng có, hãy giúp con có việc làm bán thời gian sau khi đi học về hoặc làm việc nhà để kiếm tiền. Cách này sẽ giúp trẻ học được trách nhiệm và quản lý tiền bạc, đồng thời, cho phép chúng tự do mua những gì chúng muốn thay vì ăn trộm.
    • Bạn có thể gợi ý cho con tạo lập quỹ và học cách quản lý tiền của mình để phát triển thói quen kiểm soát tiền hiệu quả.
  3. Cho con tham gia các hoạt động ngoại khóa lành mạnh. Khuyến khích trẻ tập trung năng lượng vào việc cải thiện kỹ năng và khả năng làm việc tập thể hiệu quả bằng cách tham gia vào đội thể thao hoặc câu lạc bộ tại trường. Điều này sẽ giúp con giao tiếp với bạn bè, những người quan tâm đến những thứ khác ngoài vật chất hoặc đồ dùng cần có mới nhất.
  4. Dành thời gian quý giá với con. Ăn trộm có thể được coi là nhu cầu về sự quan tâm của trẻ. Đừng bỏ qua điều này. Thay vào đó, hãy cố gắng dành thời gian với con thường xuyên. Cho con thấy bạn quan tâm đến chúng và những gì chúng muốn bằng cách gợi ý bạn và con cùng tham gia hoạt động yêu thích hoặc cùng đi nghe ban nhạc mà con thích biểu diễn.[5]
    • Trong những lúc như vậy, bạn có thể nói chuyện với con về biện pháp tránh thai và bao cao su nếu bạn thấy sự bối rối hoặc xấu hổ là lý do con ăn trộm. Hãy để con đặt những câu hỏi cụ thể và cho con những món đồ này để chúng không cảm thấy ngượng ngùng. Nói chuyện với con về tình dục nếu đó là một phần động cơ khiến trẻ ăn cắp.
  5. Trao đổi với chuyên gia tư vấn gia đình hoặc chuyên gia trị liệu nếu con bạn tiếp tục ăn trộm. Nếu bạn bắt gặp con ăn trộm lần nữa, có lẽ đã đến lúc cần sự giúp đỡ của chuyên gia tư vấn gia đình hoặc chuyên gia trị liệu. Một số trẻ ăn cắp do có những vấn đề sâu xa hơn cần điều trị một mình hoặc với sự có mặt của gia đình. Đừng để việc trẻ ăn trộm trở thành thói quen vì điều đó có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng hơn và hình thành tính cách lệch lạc ở trẻ.[1]
    • Một số trẻ có thể mắc bệnh ăn cắp vặt, một dạng rối loạn cưỡng chế hiếm gặp khi một người cảm thấy lo lắng hoặc căng thẳng trước khi ăn cắp và thấy dễ chịu hoặc thỏa mãn sau khi ăn cắp. Hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia trị liệu nếu bạn nghi rằng con mình có thể mắc chứng rối loạn này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]