Ngừng yêu ai đó

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nếu một ngày bạn nhận ra mình đang đặt tình cảm vào một người không hề yêu bạn hay bạn vẫn còn yêu người yêu cũ của bạn thì không có gì là bất thường cả - thậm chí bạn nhận ra được là rất tốt – hãy đặt dấu chấm cho những cảm xúc đó. Khoảng cách chính là chìa khóa giải bài toán làm sao để ngừng yêu một người. Đối với một tình yêu không được đáp lại, bạn cần phải tập trung và tự nhủ với mình rằng tại sao mối quan hệ trở nên vô vọng đồng thời nắm bắt cơ hội gặp gỡ người mới. Còn đối với người yêu cũ, nhắc nhở bản thân về lý do của việc chia tay và giữ cho mình được bận rộn mỗi khi bắt đầu cảm thấy buồn. Ngừng yêu một người vốn là chuyện rất khó, nhưng chỉ cần có thời gian thì vết thương của bạn sẽ chóng lành.

Các bước[sửa]

Chấm dứt một tình cảm không được đáp lại[sửa]

  1. Hạn chế liên lạc. Nếu bạn có thể kiểm soát thì hãy cắt đứt liên lạc với người ấy. Điều này không có nghĩa là “làm những gì mà bạn thích;” chỉ là bạn nên “làm những điều trong khả năng kiểm soát của bạn mà không khiến những khía cạnh khác trong cuộc sống trở nên khó khăn.” Nếu bạn yêu đơn phương một người đồng nghiệp mà không được đáp lại thì việc từ chối tất cả tương tác với anh ấy hay cô ấy sẽ chỉ khiến công việc của hai bạn trở nên khó khăn hơn. Chỉ cần cố gắng hạn chế những tiếp xúc có thể ngoài công việc.
    • Ngừng gọi điện, gửi tin nhắn, email hay sử dụng các hình thức khác để liên hệ với tình yêu của bạn. Nếu anh ấy hay cô ấy liên lạc với bạn, hoặc là không trả lời, hoặc là từ chối một cách lịch sự bất kỳ đề nghị nói chuyện hay gặp gỡ nào. Mối quan hệ sẽ nhanh chóng có khoảng cách và bạn sẽ dần vượt qua được những cảm xúc của mình.
    • Chuẩn bị những lý do hợp lý để từ chối khéo việc tham gia dành thời gian cho nhau. Nếu các bạn là đồng nghiệp thì có thể bạn sẽ được họ hay những người đồng nghiệp khác rủ rê đi chơi giải khuây chẳng hạn như đi ăn uống sau giờ làm. Lịch sự từ chối mọi lời đề nghị bằng những lý do như bạn cảm thấy hơi mệt hay bận việc gì đó, cho dù điều đó có thật hay không. Một lần nữa, mục tiêu của chúng ta là gia tăng khoảng cách giữa hai bạn. Nếu nhiều lần rủ mà bạn vẫn từ chối thì họ sẽ không "làm khó" bạn nữa.
  2. Liệt kê những sai sót và vấn đề. Sau khi bạn đã hạn chế tiếp tiếp xúc với người mà bạn yêu, gia cố thêm khoảng cách ấy bằng cách nhìn nhận những nguyên nhân khiến cho mối quan hệ trở nên vô vọng. Gạch đầu dòng đầu tiên cho bạn đó là: người ấy không yêu bạn. Không lời bào chữa nào có thể thay đổi điều này; đây là nguyên nhân chủ yếu khi nói đến chuyện tình cảm. Dựa vào đó, liệt kê thêm nhiều lý do khác.
    • Trước tiên hãy tập trung vào những vấn đề tiềm năng trong mối quan hệ. Nghĩ về những sự khó xử đối với bạn bè chung, họ hàng hay đồng nghiệp. Viết ra cả những điều không mấy tốt đẹp như sự bất đồng quan điểm; nghĩ về những người bạn của người ấy mà bạn không thích và tưởng tượng đến cảnh bạn phải thường xuyên gặp gỡ những người đó.
    • Thêm những sai sót để hoàn thiện danh sách này. Liệt kê những thiếu sót của bản thân là việc làm tốt nhưng giờ không phải lúc để làm chuyện này: như vậy chẳng khác nào tự đánh gục bản thân bạn bằng những điều chưa cần thiết. Thay vào đó, suy nghĩ một cách thù địch về người mà bạn yêu. Điều này khá là khó bởi “khi thương thì củ ấu cũng tròn”, nhưng bạn vẫn nên thử. Hãy nghĩ về những thói quen xấu, những quan điểm sống mà bạn không đồng tình và những lần bạn thất vọng về lời nói hay hành động của họ.
  3. Đặt ra tiêu chí để chú ý đến những người khác. Sau khi rời xa người mà bạn yêu đơn phương trong vô vọng, đã đến lúc bạn nên bắt đầu để ý đến những người hấp dẫn xung quanh mình. Dĩ nhiên rằng không phải ai cũng có thể lọt vào mắt bạn, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là bạn không thể trân trọng một giọng nói dịu dàng, một vòng ba quyến rũ hay cuộc trò chuyện thú vị nào đó. Tạo cho mình khả năng nhìn nhận một cách có ý thức về phẩm chất thu hút nào đó ở những người mà bạn trông thấy hay gặp gỡ. Chẳng mấy chốc bạn sẽ nhận ra rằng tim bạn còn rất nhiều chỗ trống cho những chuyện tình lãng mạn khác.
    • Đừng lo lắng về việc tìm ngay một người mới. Trong thời gian này bạn chỉ cần chứng tỏ rằng mình có thể để mắt đến những người khác thay vì chỉ quan tâm đến một người không xứng đáng với bạn.
  4. Cho mình thời gian và bước tiếp. Khi bạn ngừng việc nuôi dưỡng những giấc mơ tình yêu không trọn vẹn, chúng sẽ dần héo mòn và tan biến. Tuy nhiên, để quán triệt được điều này cần khá nhiều thời gian. Hãy kiên trì với kế hoạch của bạn: mở lòng với những người khác, tránh xa người mà bạn yêu đồng thời nhắc nhở bản thân về những vấn đề và thiếu sót của người ấy mỗi khi cảm thấy yếu lòng. Một buổi sáng nào đó khi thức dậy, bạn sẽ nhận ra mình không còn vương vấn nữa, thay vào đó là cảm giác háo hức mong chờ một chuyến phiêu lưu mới.
    • Nếu bạn yêu một người và không thể bước vào mối quan hệ với họ, sau này khi nhìn lại có thể bạn sẽ nhận ra rằng mình chưa bao giờ thật sự yêu người ấy – bạn chỉ bị cuốn hút một cách mạnh mẽ. Rất khó để phát triển tình yêu thật sự với một người, nhất là khi điều đó chỉ đến từ một phía. Mạnh dạn nhìn nhận sự thật này cũng như nỗ lực đạt được mục tiêu mà bạn đã đề ra, khi đó những cố gắng sẽ được đền đáp.

Quên đi người yêu cũ[sửa]

  1. Tập trung vào sự khác nhau giữ “yêu” và “sống trong tình yêu.” Sau một chặng đường dài cùng nhau, rất khó tưởng tượng rằng bạn sẽ không còn cảm nhận được những sự kết nối đặc biệt với chàng hoặc nàng tuy rằng bạn biết mình không bao giờ muốn quay lại với họ. Điều đó rất bình thường. Mấu chốt của vấn đề là bạn có thể kết thúc giai đoạn sống trong tình yêu với một người cho dù bạn vẫn còn yêu người đó. Ghi nhớ sự khác biệt này để bạn có thể thanh thản hơn với những cảm xúc còn lại mà không cảm thấy như chúng là sự hiện hữu của một tia hy vọng không tồn tại nữa.
    • Nghĩ về người thân của bạn. Bạn yêu bố mẹ và anh/chị/em ruột của mình nhưng bạn chẳng bao giờ nói rằng mình yêu ai trong số họ. Có rất nhiều kiểu tình yêu song song với tình yêu trai gái. Tình yêu gia đình là khi bạn luôn nhớ về ai đó theo một cách trìu mến và thừa nhận rằng một phần trong bạn mãi luôn yêu thương họ. Đây là một “phương trình cân bằng”, những gì bạn cần làm là tập trung vào việc gạt bỏ yếu tố “sống trong tình yêu” ra khỏi “phương trình cân bằng” đó. Không cần thiết phải xé hết ruột gan của bạn ra và sắp xếp thêm chỗ cho họ.
  2. Cho mình không gian riêng. Chia tay đem đến sự tổn thất cho cả hai và bạn cần thời gian cũng như không gian tránh gặp người yêu cũ để hoàn toàn vượt qua điều đó. Về cơ bản, điều này có nghĩa là cắt đứt liên lạc và không dành thời gian gặp gỡ anh ấy hay cô ấy trừ khi bắt buộc. Thật không may, đôi khi người yêu cũ của bạn lại không thể làm điều đó. Nếu như họ cứ tìm cách tiếp cận bạn, hãy hẹn gặp riêng và nói thẳng rằng bạn muốn họ ngừng liên lạc với bạn.
    • Tỏ ra rõ ràng và dứt khoát. Có thể điều đó sẽ khiến bạn đau lòng, nhưng đó là lựa chọn tốt nhất. Hãy nhớ một điều rằng bạn sẽ không bao giờ quay lại – sau tất cả thì hai bạn chia tay là có lý do (thậm chí là không chỉ một lý do). Cho dù người yêu cũ có nói gì thì tránh mặt họ là cách tốt nhất cho cả hai về lâu dài. Nếu anh ấy hay cô ấy không đủ mạnh mẽ để chấp nhận, bạn chính là người cần mạnh mẽ nốt phần của họ.
    • Đừng làm điều gì quá đáng. Không nên đi đến những hành động thô lô; không tấn công họ vì họ tìm cách liên lạc với bạn hay than vãn về điều đó. Hãy chịu trách nhiệm với bản thân mình. Bạn có thể nói rằng “Anh thật sự cần thời gian tránh mặt em thì mới nguôi ngoai được; anh không thể kiềm chế nếu như cứ gặp hay nói chuyện với em lúc này.” Tập trung vào những gì bạn cần làm thay vì kết tội hay đổ lỗi.
  3. Ghi chép lại quãng thời gian chia tay. Viết là phương thức giũ bỏ những suy nghĩ và cảm xúc ra khỏi đầu bạn, giúp bạn sắp xếp chúng một cách rõ ràng và dễ dàng xử lý hơn. Một vài sự kiện trong đời có khả năng trở nên quá sức chịu đựng, chẳng hạn như một mối quan hệ gần gũi trong thời gian dài đột nhiên tan vỡ, vì thế hãy biến chúng thành những con chữ trên mặt giấy. Mô tả việc chia tay; diễn tả cảm giác của bạn khi mọi thứ trở nên tệ hại và đè nặng lên ngực bạn. Viết ra mọi thứ để áp lực ấy được nhẹ nhàng hơn.
    • Viết ra một danh sách về những điều bạn không thích ở người yêu cũ và bổ sung thêm bất cứ khi nào bạn nghĩ ra điều gì khác, kể cả khi chúng có thể trùng lặp. Đừng quá chăm chú vào danh sách này; ghét bỏ là một cảm giác vô nghĩa và gây tổn thất cho tâm hồn của bạn. Chúng ta chỉ dùng nó như một cách để giải tỏa, mỗi khi bạn cảm thấy quyết tâm của mình bị lung lay thì chúng là minh chứng rõ ràng nhắc nhở bạn về nguyên nhân của sự tan rã.
    • Nếu bạn cảm thấy thật sự không thể chịu nổi vì một sự việc nào đó, hãy viết nó ra giấy và xé hoặc đốt tờ giấy đi. Điều này sẽ giúp bạn tống khứ những trải nghiệm không hay ra khỏi đầu.
  4. Làm cho mình trở nên bận rộn. Vắng đi sự có mặt của một người đã từng quan trọng sẽ làm trống đi những lịch trình hàng ngày của bạn. Lấp đầy chúng bằng những việc không liên quan đến chuyện chia tay hay người yêu cũ của bạn. Cũng ổn nếu bạn dành thời gian ấy để nhặt nhạnh và nghiền ngẫm chuyện cũ, nhưng tốt hơn hết bạn nên chấm dứt việc nhai đi nhai lại những cảm giác tệ hại bằng cách giữ cho mình luôn bận rộn.
    • Tập trung hoặc tăng cường chế độ luyện tập của bạn. Thể dục-thể thao là cách hữu hiệu để giảm đi tâm trạng tiêu cực – thậm chí trong một số trường hợp còn có thể điều trị được hội chứng lãnh cảm. Hãy luyện tập một cách an toàn, đều đặn và thường xuyên trong tuần.
    • Giao tiếp xã hội nhiều hơn. Liên lạc với bạn cũ hay kết bạn với những người bạn mới bằng cách tham gia các câu lạc bộ và những sự kiện xã hội – đây là cách để bạn làm phong phú đời sống xã hội của mình, hãy dành nhiều thời gian hơn bên cạnh những ai quý mến bạn. Nhận ra rằng mình vẫn còn chỗ đứng trong những mối quan hệ xã hội sẽ giúp bạn nhẹ lòng hơn.
    • Thực hiện những sở thích. Bất kỳ điều gì chẳng hạn việc thu thập những món đồ và sắp xếp chúng trong ga-ra, miễn là bạn có thể dành thời gian thực hiện và ngắm nhìn thành quả. Sở thích sẽ giúp chúng ta chuyển đổi năng lượng thành điều gì đó sáng tạo và tích cực. Thậm chí việc thử phong cách trang điểm hay trang phục mới cũng có thể xem là những sở thích lành mạnh.
  5. Gặp gỡ người mới. Khi mọi thứ đi qua, bạn sẽ phải ra ngoài và hẹn hò trở lại. Đừng hấp tấp vì việc dùng ai đó như một “người thay thế” là bất công với họ và khiến bạn không thể hoàn toàn đối phó với những cảm xúc thật của mình. Tuy nhiên, một khi bạn đã hoàn toàn làm chủ được những cảm xúc của bản thân khi nghĩ về người yêu cũ thì không gì có thể giúp bạn “F5” tinh thần của mình tốt hơn việc ra ngoài hẹn hò và gặp gỡ những người mới.
    • Tham gia các bữa tiệc và sự kiện xã hội mà bạn có khả năng. Nếu không quen ai tổ chức tiệc tùng, bạn có thể tìm đến những buổi khiêu vũ, đêm nhạc acoustic, những sự kiện xã hội miễn phí hay chi phí tham gia thấp và lên kế hoạch tham dự. Đừng quên ăn mặc thật đẹp, biết đâu bạn lại có thể gặp được nửa kia của mình.
    • Đăng ký vào những dịch vụ hẹn hò online. Có khá nhiều trang tìm bạn bốn phương online, tuy rằng không thể đảm bảo rằng bạn sẽ gặp được nửa kia của mình nhưng đây là cách hay để lên lịch hẹn hò và thử điều gì đó mới mẻ mà không cần phải ràng buộc ngay lập tức. Hãy ra ngoài gặp gỡ và tìm kiếm niềm vui cho bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể phân tán tư tưởng bằng những hoạt động đơn giản, thú vị như xem TV, phim ảnh hay trò chơi điện tử, tuy nhiên đừng bỏ qua việc xây dựng những sở thích và giao tiếp xã hội vì nếu không, bạn sẽ lãng phí cuộc sống một cách vô vị.
  • Hãy nghĩ về lỗi lầm và những điều tệ bạc mà họ đã làm với bạn.
  • Bạn rời xa người đó càng lâu thì bạn càng dễ dàng học cách ngừng yêu thương họ. Giữa việc phớt lờ người ấy với việc chiều theo mong muốn của họ và làm đau chính mình, chúng ta nên chọn phương án bất lịch sự nhẹ nhàng. Muốn yêu thương ai đó, trước hết bạn phải biết yêu thương chính mình.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng lén lút dõi theo người yêu cũ. Điều đó chỉ khiến cho vết thương lòng của bạn khó lành hơn mà thôi.
  • Không nên nói xấu người mà bạn đang cố quên. Nếu thật sự cần phải nói, hãy tâm sự điều đó một cách riêng tư với người mà bạn có thể tin tưởng như bố mẹ hay bác sỹ tâm lý. Lan truyền sự cay đắng của bạn một cách rộng rãi sẽ chỉ khiến mọi thứ trở nên tiêu cực hơn đối với bạn trong thời gian dài.